Ý kiến tại hội ngộ đầu tiên của đại diện các CLB Haiku Việt ở Nha Trang

alt

alt

Cao Ngọc Thắng

CLB Haiku Việt- Hà Nội

BTC phân công tôi trình bày về “Haiku thiếu nhi thế giới” – một đề tài quá sức của tôi và, có lẽ, phạm vi chủ đề chưa mấy phù hợp với cuộc hội ngộ này, một cuộc hội ngộ đầu tiên đại diện những người sáng tác và nghiên cứu haiku ở một số tỉnh thành, tổ chức tại thành phố biển Nha Trang xinh đẹp và mến khách.

Cuộc hội ngộ hôm nay thực sự rất cần thiết và chắc chắn sẽ đọng lại nhiều dấu ấn sâu đậm sau một chặng đường, tuy chưa dài lắm nhưng vừa âm thầm vừa sôi nổi trong các nhóm, các CLB thơ haiku, nhằm cùng nhau thực hiện cuộc tiếp biến thơ thứ ba (thứ nhất là cuộc tiếp biến thơ chữ Hán, đặc biệt là thơ Đường luật, trải dài cả nghìn năm; thứ hai là cuộc tiếp biến thơ phương Tây, nhất là thơ Pháp, từ khi diễn ra sự tiếp xúc văn hóa Đông-Tây, mở ra phong trào Thơ Mới), để đồng thời thỏa mãn cả hai nhu cầu: tiếp thu những tinh hoa của các nền thơ (cũng tức là tiếp thu những tinh hoa của các nền văn hóa) trên thế giới, và không ngừng làm phong phú và đẹp hơn nền thơ của dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời.

Thể thơ haiku truyền thống của đất nước Phù Tang được người Việt biết và vận dụng đơn lẻ từ những năm đầu thế kỷ 20. Phải đến đầu thế kỷ 21, việc nghiên cứu, sáng tác, dịch thuật thơ haiku ở Việt Nam mới thực sự được chú ý và lan tỏa nhanh chóng, trở thành trào lưu, đồng thời cũng nhanh chóng hội nhập với sự mở rộng thể thơ haiku ở nhiều nước trên thế giới. Năm nay, CLB Thơ Haiku Việt TP Hồ Chí Minh kỷ niệm 10 năm thành lập. Trong 10 năm vừa qua, CLB thơ haiku đầu tiên này đã có nhiều thành tựu trong sáng tác, đặc biệt là việc đưa thơ haiku vào chương trình giảng dạy ở trường phổ thông và phát triển mạnh phong trào thể hiện thơ haiku bằng thư pháp chữ Việt. Tại cuộc hội ngộ này, chúng ta tưởng nhớ một trong những người có công thúc đẩy trào lưu sáng tác, giảng dạy và sáng lập CLB Thơ Haiku Việt tại TP mang tên Bác Hồ Kính yêu – đó là GS Lưu Đức Trung, một haijin có nhiều bài thơ haiku Việt mẫu mực. Sau đó 2 năm, ở Thủ đô Hà Nội, từ CLB Thơ Hải Thượng, một nhóm nhà thơ, đứng đầu là bác sỹ Đinh Nhật Hạnh, đã nhóm họp thành CLB Thơ Haiku Việt Hà Nội. Mặt mạnh của CLB này, ngoài sáng tác, đã hội tụ đông đảo những người nghiên cứu sâu thể thơ cực ngắn, cụ thể đã tổ chức hai cuộc tọa đàm có tính chuyên nghiệp và đạt kết quả nhất định, có tác dụng thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu thích thơ haiku, trong đó có sự hội tụ của nhóm thơ haiku Khánh Hòa, tiếp đến là nhóm haiku Đất Cảng Hải Phòng, cùng nhiều thành viên khác trong cả nước. Điểm nhấn trong hoạt động của hai CLB Thơ Haiku Việt ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là việc hằng năm xuất bản Nội san, các tuyển tập sáng tác, các kỷ yếu. Việc làm này không dễ gì có ở hàng trăm CLB Thơ hiện có. Chính đó là động lực để trang web. Haikuviet.com ra đời (từ đầu năm 2017), với số lượng truy cập lớn, tính đến ngày 15-5-2018 lên tới 164.168 lượt người với nhiều mục khác nhau, đặc biệt là sự thu hút hàng trăm tác giả gửi thơ haiku dự thi đợt đầu tiên năm 2017 và tiếp tục cho đợt thi năm 2018. Sự ra đời trang web. haikuviet.com là công lao của nhóm Thơ Haiku Đất Cảng có sự phối hợp, hỗ trợ của CLB Thơ Haiku Việt Hà Nội. Tuy còn khá nhiều điều cần bổ khuyết, song trang web. haikuviet.com, nhất là cuộc thi thơ Haiku Việt lần thứ nhất, cho thấy lượng người quan tâm và yêu thơ haikuviet không ngừng tăng, chứng tỏ lực lượng sáng tác thơ haikuviet là khá lớn, có ý nghĩa không nhỏ trong cuộc tiếp biến thơ thứ ba đang diễn ra sôi nổi. CLB Thơ Haikuviet Khánh Hòa, ngoài một số tuyển tập chung, hầu như các thành viên đã xuất bản những tập thơ haiku cá nhân; về tỷ lệ đây là CLB có tác phẩm riêng cao nhất.

Khái quát tình hình hoạt động của các CLB Thơ Haiku Việt, có thể khẳng định: việc tiếp thu và vận dụng thể thơ cực ngắn từ xứ sở hoa anh đào, những người làm thơ ở Việt Nam rất chủ động, vừa tiếp nhận vừa sáng tạo, đưa tinh thần và hồn Việt vào thơ haiku một cách nhuần nhuyễn, đậm đà, có sắc thái, có nhịp điệu, mang tính cách riêng khi “đứng cạnh” thơ haiku của cộng đồng haijin quốc tế.

Qua đây cũng thấy một thực tế hiển nhiên rằng, trong quá trình tiếp nhận và biến thái, kể cả sáng tác và lý luận-phê bình, một số câu hỏi luôn luôn thường trực: thế nào là một phiến khúc haiku thực thụ?, tiêu chuẩn nào để đánh giá một phiến khúc haiku là hay? Những câu hỏi loại này hiện vẫn đang trên đường ngẫm suy, giống như bất kể thể thơ nào nói riêng và toàn thể nền thơ nói chung. Không dễ gì có câu trả lời tức thì, mà có chăng nữa thì cũng không bao giờ là bất biến. Cái đẹp rất mỏng manh trước sức sáng tạo và thưởng thức

Song, cho dù thế nào chăng nữa, đến thời điểm này, haiku được xác nhận là một thể thơ độc lập ở cấu trúc ngắn (chứ không phải là ở âm tiết), thể hiện ở “tính khoảnh khắc” của sự cảm nhận và biểu hiện, mà ngôn ngữ chỉ là phương tiện cho sự liên tưởng đến cái sâu xa và rộng mở. Cái “khoảnh khắc” của haiku vừa là sự mở đầu vừa là sự kết thúc, để làm nên một phiến khúc hoàn mỹ. Sẽ có ý kiến phản biện, rằng thơ nào mà không có “khoảnh khắc”. Đúng. Nhưng, cái khoảnh khắc ở các thể thơ khác đóng vai trò “khởi đầu” để người thơ triển khai “mạch” thơ cho đến tận cùng cái ý tưởng cần biểu đạt. Cái khác biệt căn bản so với các thể thơ khác là, thơ haiku, (chỉ ba câu hay ba dòng hay ba ý hay ba hình ảnh), rất kiệm lời, tưởng như rất dễ làm, nhưng lại vô cùng khó, càng khó hơn đối với người thưởng lãm nó. Một phiến khúc haiku hiện lên trang giấy, dù chỉ trong chốc lát nhưng thực ra nó đã được nhào luyện không chỉ bằng lao động thực tại mà bằng cả lao động quá khứ, không phải chỉ là kinh nghiệm mà bằng sự thăng hoa của sự “tức thời”. Đọc thơ haiku, kể cả của các nhà thơ truyền thống Nhật Bản cũng như của các nhà thơ hiện đại ngoài Nhật Bản, thấy độ mở của thể thơ haiku là rất lớn. “Độ mở” ấy nằm trên nền “sự tĩnh”, tĩnh từ trong tâm người sáng tạo, đòi hỏi người đọc cũng phải tĩnh. Song, tĩnh mà không tĩnh. Nó nằm ở câu mở đầu và gây bất ngờ ở câu kết, khi “nối” hai câu với nhau. Có được sự logic ấy là do vai trò của câu thứ hai. Ý và hình ảnh của ba câu, nếu tách bạch rất khác nhau, có khi chẳng liên quan gì tới nhau, nhưng đưa chúng vào một cấu trúc nhất định, do tư duy thơ của người thơ, chúng tạo nên một trường cảm nhận hoàn toàn mới mẻ. Cũng biểu tả hạt sương, ở nhiều khoảnh khắc cảm nhận khác nhau, mỗi tác giả lại đem đến cho người đọc “độ rộng” vô cùng tận của vũ trụ không giống nhau. Vì vậy, cũng là những sự vật và hiện tượng, song ở từng thời điểm xác định, ở từng góc nhìn nhất định, ở từng tâm trạng ổn định, ngay cả với một haijin, những sự vật và hiện tượng ấy được biểu cảm hoàn toàn không như chúng vốn có, vì vậy có nhiều phiến khúc haiku liên hoàn trong chuỗi chủ đề, mùa chẳng hạn. Không tuân thủ “tính khoảnh khắc”, người làm thơ haiku rất dễ rơi vào tình thế cạn nguồn sáng tạo.

Người đã từng làm thơ, trải nghiệm nhiều thể thơ khác nhau, thêm một lần thể nghiệm thơ haiku là điều dễ hiểu. Dễ hiểu nhưng không dễ làm. Lại càng không dễ khi làm thơ cho hoặc về con trẻ. Càng khó hơn đối với trẻ em làm thơ haiku. Tôi khâm phục những haijin người lớn làm thơ haiku cho trẻ em, số này chưa nhiều, như anh Lê Đình Công, anh Vũ Tam Huề. Tôi càng khâm phục hơn khi đọc thơ haiku của thiếu nhi, trong nước cũng như quốc tế. Bác Đinh Nhật Hạnh chuyển ngữ rất nhiều thơ của các haijin quốc tế, trong đó không ít thơ haiku của thiếu nhi các nước. Thơ của các em toát ra sự hồn nhiên hết sức trong trẻo, ngây thơ đấy mà không hề đơn giản. Cũng từ đó, chính các em đã phần nào trả lời những câu hỏi: thế nào là một phiến khúc haiku đích thực?, thế nào là một phiến khúc haiku hay? Xuất phát từ tâm hồn trong trẻo và tính chân thực, các em biết chọn thời điểm, góc nhìn thích hợp, tự phát hay tự giác, để thể hiện tâm trạng trong cái “khoảnh khắc” đúng lúc, khiến người đọc phải soi vào đó cho rõ sự vật hay hiện tượng tưởng như đã từng quá biết. Thơ haiku của các em không thấy dấu vết của sự câu nệ bất cứ nguyên tắc nào, cái mà người lớn vẫn thường tranh luận dài dài. Động cơ bên trong của các em duy nhất có một điều – bộc lộ cảm nghĩ của sự quan sát tức thời. Cái tức thời ấy, có thể các em không chuẩn bị cho người đọc sự liên tưởng, nhưng sự tưởng tượng của các em lại dẫn người đọc đến những liên tưởng không ngờ. Nhìn chung là như vậy. Khác với thơ haiku thiếu nhi quốc tế, thơ haiku của thiếu nhi Việt Nam có phần dung dị, chất phác hơn; điều đó nói rằng, tâm hồn của các em rất đằm thắm, rất Việt Nam, bởi các em được “tắm” trong nền thơ truyền thống đậm chất trữ tình của ca dao, của nhịp điệu lục bát, âm-thanh uyển chuyển. Sự hiện diện của thiếu nhi trong trào lưu sáng tác thơ haiku hiện nay ở nước ta là dấu hiệu đáng mừng khi nghĩ tới lực lượng bổ sung sau này trong tiến trình tiếp biến thứ ba của nền thơ đang và sẽ tiếp tục.

Tuy nhiên, không có bất kỳ một thể thơ nào duy nhất độc tôn. Bởi, mỗi thể thơ ra đời (hoặc nhập nội), phát triển đều có vị trí và vai trò độc lập của nó. Vận dụng thể thơ nào là tùy thuộc vào hoàn cảnh sáng tạo, vào trạng thái tâm lý cụ thể, và nhất là sự triển khai ý-tứ để tạo mạch thơ của mỗi tác giả. Thơ haiku không trực tiếp tải  những ý tưởng lớn, những vấn đề phức tạp. Nếu có sự đúc kết thì thơ haiku cũng chỉ dừng ở chỗ tức thời, thiên về tính chiêm nghiệm, lấy cái tĩnh mà khiến cái động lộ ra (chứ không trực tiếp nói về cái động). Sáng tác hay đọc thơ haiku khó chính là ở điểm này. Cho nên, cảm nhận cái hay của thơ haiku tùy thuộc vào hoàn cảnh, tâm trạng tiếp nhận của từng người thưởng thức cụ thể.

Có một thực tế, thơ Việt Nam, trong đó có cả thơ haiku Việt (mặc dù có thuận lợi hơn về mặt ngôn ngữ), rất khó khăn trong việc chuyển ngữ sang tiếng nước ngoài. Có lẽ do thơ Việt tính ẩn dụ cao, chữ nhiều nghĩa, nhip-điệu-vần khá phức tạp? Đây là vấn đề cần được người làm thơ haiku Việt chú ý khắc phục. Cho dù đã rất kiệm lời, song không phải không còn sự thừa chữ, hay sử dụng liên từ, giới từ, tính từ chưa thực sự chọn lọc. Những hạt sạn đó thực ra rất dễ khắc phục. Điểm nổi bật trong khoảng mười năm qua là ở sự lớn mạnh nhanh chóng số lượng người quan tâm đến thơ haiku Việt mở rộng ra nhiều địa phương trong cả nước, số lượng thơ haiku Việt sáng tác ngày càng phong phú, đa dạng và có chiều sâu; việc chuyển ngữ, nghiên cứu góp phần không nhỏ cho sự phổ biến thơ haiku rộng rãi.

Ở cuộc hội ngộ đầu tiên này, chúng ta có nhiều hy vọng vào sự phát triển của thơ haiku Việt trong thời gian tới, bởi hướng đi của các CLB rất rõ ràng, nhất quán. Ở Nội san của các CLB, trong các tuyển tập hoặc tập thơ, trong kỷ yếu các tọa đàm về thơ haiku Việt xuất bản những năm qua, đã thể hiện sâu sắc tinh thần đó, cho nên trong trao đổi này tôi không viện dẫn bất cứ một bài thơ, một ý kiến nào để làm minh họa, vì điều đó không cần thiết, mà chỉ bày tỏ mấy ý kiến tản mạn.

Trân trọng cám ơn vì có cuộc hội ngộ này mà tôi có dịp trao đổi. Và, rất mong tiếp tục được hội ngộ ở những địa điểm khác.

Kính chúc các haijin dồi dào sức khỏe !

CNT

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt