Xuân vẫn là- Cao Ngọc Thắng

alt

Basho [1644-1694], từ thế kỷ XVII là người tiên phong khẳng định haiku là một thể thơ độc lập giữa rất nhiều thể thơ truyền thống của Nhật Bản, khi giới thiệu tuyển tập thơ haiku Đất Hoang (Arano) lần đầu tiên xuất bản năm 1690, đã viết: “Tại tỉnh Owari, bên tả ngạn sông Hôrai, thầy Kakei miền Kyubôkudo đã dệt nên tuyển tập mang tên Đất Hoang này. Vì sao lại là đất hoang, quả tình tôi không rõ”. Basho cho biết, tuyển tập ban đầu định đặt tên là Những ngày mùa đông, nhưng “dưới bầu trời lộng lẫy của vầng trăng tháng hai, tháng ba, gấm vóc lệ liễu và hoa anh đào đua khoe sắc huy hoàng, bướm và chim tuân theo bản năng, bên chân lý thẳm sâu ấy có phần nào nhạt phai, biến đổi? Như những làn sóng nắng mông lung, tim ta lãng du giữa hư và thực, sắc sắc không không, như bông huệ kia phất phơ không điểm tiết, như cánh sơn ca nọ lạc giữa trời bao la, cũng như trên nẻo đường ngập cỏ hoang không tiên lộ, hẳn người ấy sẽ mong đặt vào cột mốc và vì thế nên chăng gọi ông là người gìn giữ trảng đất này”.

alt

Basho vinh danh việc tiên phong tuyển những phiến khúc haiku của Kakei là một buớc đầy ý nghĩa trong bối cảnh nền thơ Nhật Bản đương thời với nhiều khuynh hướng và trào lưu khác nhau. Kakei mong và đã “đặt vào cột mốc” ấy một sự kiện quan trọng của tiến trình khẳng định haiku như một thể thơ chính danh. Vì thế, Basho gọi Kakei “là người gìn giữ trảng đất này”, một mảnh đất còn hoang vu cần được canh tác để tiến tới thâm canh. Cái sự “quả tình không rõ” của Basho thực ra là đã sáng tỏ. Ông đồng cảm với Kakei những suy tư để làm sao xác định những đặc trưng cơ bản của thơ haiku, hướng người làm thơ và người thưởng thức thơ haiku đi đến sự đồng điệu cảm xúc về mối quan hệ nhân-quả không thể tách rời giữa con người và thiên nhiên. Thiên nhiên luôn luôn đẹp và cũng luôn luôn biến đổi. Sự mong manh của cái đẹp hiện hữu trong thiên nhiên đòi hỏi con người phải giữ được cái tĩnh lặng trong tâm hồn, để tinh tế cảm nhận thật sâu sắc, đi đến tận cùng của chân-thiện-mỹ. Điều đó cũng có nghĩa rằng, con người luôn cần thức nhận về sự hòa quyện trong bản thân cả hai: duy cảm và duy lý khi đứng trước thiên nhiên kỳ vĩ. Ranh giới giữa hư và thực, giữa sắc và không đều chẳng dễ gì phân biệt. Chỉ hoàn duy cảm hay chỉ toàn duy lý, con người không có đủ khả năng cần thiết để nhận ra lằn ranh chấp chới đó. Cái khoảnh khắc ta có thể nắm bắt sự biến chuyển ấy chỉ là tích tắc, nếu tâm thế không sẵn sàng nó vụt biến mất ngay lập tức. Vì vậy, khi được biểu hiện, những phiến khúc haiku như một lát cắt mỏng manh, chớp lấy cái ánh sáng lóe lên trong chốc lát và cũng trong chốc lát nhòe vào vô cùng tận. Sự biểu hiện ở mỗi phiến khúc haiku đồng thời thức tỉnh rằng trong tâm hồn nguời đã xuất hiện cái gì đó lớn lao bắt đầu cựa quậy và lớn lên, dịch chuyển về hướng trong trẻo, an lành, tự tại, nhi nhiên, điều mà cũng khiến cho người đọc cùng ngẫm suy về những gì đang tồn tại và cả những gì đã và sắp mất đi trong không gian bao la, theo thời gian dằng dặc.

Chỉ có ba hình ảnh làm nên tứ thơ mà sao mỗi phiến khúc haiku lại làm nguời ta xao xuyến để rồi ngẫm ngợi. Trong Tuyển tập Đất Hoang, Kisei “chớp” được hình ảnh, quen thuộc đấy mà cũng thật bất ngờ:

Mạng nhện

Mưa xuân

Đính đầy giọt ngọc

Kisei khiến người đọc phải” “lục lại” trong ký ức quan sát của mình và so sánh mưa xuân với mưa ở các mùa còn lại trong năm. “Mạng nhện” và “Mưa xuân” là hai hình ảnh, hai sự vật và hai hiện tượng khác nhau, quan sát của người đã kéo chúng lại gần nhau, hiện lên nét chấm phá cho một bức tranh sắp hiện ra. Bức tranh ấy chỉ hoàn thiện khi một quan sát khác có khả năng tạo nên một mảng màu hài hòa, nhòa đi sự tương phản, là “giọt ngọc”. Cái “mạng” kia hoàn toàn chẳng ai muốn để ý, vì nó giăng ra chỉ có tác dụng săn mồi của chú nhện, một làn gió hơi khác thường đã có thể làm nó rách. Nhưng, mạng nhện này thật may mắn, bởi nó “gặp” mùa xuân, tiết trời ấm áp, mưa lất phất, gió khẽ khàng. Mưa xuân chứ không phải mưa ở mùa khác, trở thành tác nhân cho mối kết duyên giữa “mạng nhện” và “giọt ngọc”. Đọc từng cặp câu: “Mạng nhện/ Mưa xuân”  (dòng 1 và 2) ta thấy hình ảnh mô tả sự vật/ hiện tượng này trong/ sánh đôi cùng sự vật/ hiện tượng kia; chuyển sang cặp tiếp theo: “Mưa xuân/ Đính đầy giọt ngọc” (dòng 2 và 3) hình ảnh mô tả đã dịch đến một trường cảm nhận thú vị hơn bởi cái đẹp bất ngờ hiện lên. Cái đẹp ấy chỉ có mưa xuân mới tác thành nổi. Hơn nữa, là mưa xuân mới đính được nước thành “giọt”, chứ không phải “hạt”, tiết xuân mới đem đến cái lung linh, huyền ảo hiện vào giọt nước thành “giọt ngọc”. Nhưng, khi ta đọc cặp câu “Mạng nhện/ Đính đầy giọt ngọc” (dòng 1 và 3), tưởng chừng chúng ở cách nhau thì hóa ra biến thành bện chặt; mạng nhện, không chỉ vẻ đẹp của nó được nhân lên, mà còn biểu hiện một “sức khỏe” khác thường – cưu mang những giọt nuớc trên sợi mảnh tang, điều chẳng bao giờ có khi nó gặp mưa mùa hạ, mùa thu hoặc mùa đông. Diễn giải nôm na là: mưa xuân đã đem đến cho người ta hình ảnh mạng nhện đính đầy giọt ngọc, một sắc thái thuần khiết, đẩy thi tứ, vừa hoài niệm vừa hiện hữu, trào dâng trong tâm hồn Kasei, và ông cho ra đời phiến khúc haiku súc tích, khơi gợi sự liên tưởng ngọt ngào từ ký ức và tiếp tục tiếp diễn.

Một tác giả khác có thơ trong Tuyển tập Đất Hoang là Shôhô cũng đã góp phần vào sự canh tác “trảng đất” còn hoang vu này. Phiến khúc haiku của ông có một cách nhìn, một góc nhìn “kéo” ba hiện tượng và sự vật rất khác nhau vào một tình huống ít người để ý:

Lèn gió thoảng qua

Chim ưng rạp xuống

Khi cành liễu nghiêng

Hình dung theo chiều xuôi (đọc từ trên xuống) hay theo chiều ngược lại (đọc từ dưới lên), đều cảm nhận một điều: ba hiện tuợng và sự vật này có chung giá trị thông báo trong mối quan hệ kết hợp đồng điệu ở một nơi xác định – lèn (hẻm núi hai bên vách đá cao), trong thời điểm nhất định – mùa xuân, mùa xuất hiện chim ưng và cây liễu sau khi mùa đông lạnh lẽo đã tan nhường chỗ cho cảnh và vật hân hoan giao hòa (người Nhật coi chim ưng và cành liễu là quý ngữ chỉ mùa xuân). Cảm thấy được gió thoảng qua lèn là nghĩ ngay tới cánh chim ưng chao từ núi cao xuống thấp, và những cành liễu nghiêng theo chiều chim bay. Cũng vậy, nhìn thấy chim rạp cánh hoặc cành liễu nghiêng chắc chắn lèn núi kia không còn im phăng phắc, khiến cả không gian chuyển động, thoát xác khỏi im lặng mông lung. Trong phiến khúc này, các cặp câu 1-2, 2-3 và 1-3 đều có “ý thức nâng đỡ nhau”, tôn vị thế của nhau. Và, ở mỗi câu đều có một từ rất động: “thoảng”, “rạp”, “nghiêng”, gây cảm xúc ý vị và xôn xao.

*

“Trảng đất hoang” mà Kakei và các đồng sự xới lên, được Basho khuyến khích và tôn vinh, sang thế kỷ sau tiếp tục được đông đảo haijin (người làm thơ haiku) bồi đắp thêm màu mỡ, trong đó Buson (1716-1783) là một đại diện xuất sắc. Thơ Buson làm nổi bật tâm thế và phận đời của con người giữa thiên nhiên, từ đó và mượn nó phát biểu nhân sinh quan của mình đối với hoàn cảnh đương thời.

Chua sót cho mình phận đắng cay

Lên giuờng nằm vậy

Đêm xuân này!

Buson không hề than thân trách phận và cũng chẳng trách hoàn cảnh, mà ông trải nỗi cô đơn trước mọi người. Cái tôi bản thể trong ông trỗi dậy. Tâm trạng “chua xót, đắng cay” của ông “rơi” ngay vào “đêm xuân”, cái đêm mà đáng lẽ lòng người hà tất phải co ro trong xó nhà. “Này” đi liền sau “đêm xuân”, có thể hiểu là một đêm nhất định, nhưng cũng có thể là những đêm của một mùa xuân nào trong cuộc đời nặng cô đơn của ông? Ông “mượn” chiếc giường, cũng là một vật cô đơn, nằm khoèo trên đó, vắt tay lên trán mà ngẫm ngợi, mà suy tư về nỗi niềm của mình, của nhân tình thế thái. Ở câu 2, nằm nhưng không hề tĩnh bởi nó được phận mình và đêm xuân bao bọc. Các cặp câu 1-2, 2-3, 1-3 tạo thế liên hoàn cho toàn bài và gợi mở nhiều ngẫm suy. “Đêm xuân này!” là một cái kết định vị sự quy chiếu của thi sỹ về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, hoặc ngược lại.

“Tựa” vào mùa xuân Buson biết nương vào và học được từ thiên nhiên hào phóng, một thiên nhiên biết tự điều chỉnh mình theo quy luật của riêng nó, để tự điều chỉnh mình cân bằng cùng thiên nhiên. Vẫn cùng trạng thái tâm tư ấy, Buson an nhiên bộc bạch:

Phải chăng hoa mơ

Xông huơng đỉnh trời

Thành quầng trăng xuân?

Quầng trăng xuân” trong tâm niệm Buson đuợc dệt nên bởi bản thân “hoa mơ” hay “hương” của nó? (có lẽ cả hai). Điều đó không quan trọng, chỉ biết rằng, một cảnh đẹp, “quầng trăng xuân” ấy, đã hiện hữu, đã in vào tâm khảm thi nhân, đã để lại dấu ấn ám ảnh về nỗi cô đơn của con người trước bao la trời đất. Cái ánh sáng mờ ảo nhìn thấy từ “quầng trăng xuân” có màu trắng tinh khiết, có cả hương vị ngọt ngào của hoa mơ, thì cái ánh sáng ấy đã chứa đựng cả tâm hồn rộng mở, một tình yêu cuộn trào trong cơ thể nhỏ nhoi, ẩn khuất. Nhà thơ thực hiện sự quan trắc độc lập và độc đáo để nhận biết, để thể hiện sự độc lập và độc đáo của hiện tượng thiên nhiên biến thiên liên tục. Đó là tầm vóc của một thi nhân lớn. Cả bài thơ là một câu hỏi không có câu trả lời xác thực, chỉ biết rằng sự tĩnh của tâm hồn thi sỹ mới thu nạp đầy đủ và sâu sắc cái biến dịch muôn màu muôn vẻ và không ngừng nghỉ của thế giới tự nhiên mà con người khó thoát khỏi sự cưu mang và ràng buộc của nó.

*

Trong truyền thống, thi sỹ Buson viết nhiều bài thơ haiku về các mùa trong năm, trong đó chủ đề mùa xuân ông có nhiều phiến khúc haiku độc đáo.

Đêm xuân

Tâm tư ai cũng thế

Bay xa khỏi mái nhà

Bài thơ 3 câu, 12 chữ. Đọc rồi phải ngẫm. Ngẫm rồi đọc lại. Đọc nhiều lần mới dần dần cảm được. Cảm sự tinh tế. Cảm triết lý sâu xa. Cảm cái tình người rất người. Người thơ trải nghiệm. Và, người thơ nói lên tiếng nói không còn của riêng mình. Nói cái điều của quy luật hiển nhiên, nhi nhiên, mà phải đâu nhận thức ngay được.

Đêm xuân” là một ước lệ. Nhưng ước lệ ấy có chủ ý. Bởi, mùa xuân, tâm trạng con người ta thư thái hơn. Mùa xuân là dấu hiệu một vòng quay mới của đất trời. Con người cũng bước vào một tuần hoàn mới của tư duy, của nhận thức, của khát khao, mơ ước. Trạng thái, tâm tư của con người hòa hợp với cảnh sắc, với sự trỗi dậy của muôn loài, với thiên nhiên cựa quậy đầy sức sống. Ban đêm, khi lắng xuống mọi điều vất vả, lo toan, là lúc thức dậy những trằn trọc, trở trăn. Nhưng đêm xuân, nỗi trằn trọc, trở trăn ấy không bị dằn vặt, vật vã, đối đầu với cuộc mưu sinh, giảm bớt sự toan tính tầm thường. Đêm xuân, ánh sáng của trí tuệ bừng lên, thả bay trong lãng đãng, mơ màng về cõi nào đấy của thanh thản, trầm lắng. May ra, chỉ có “đêm thu” mới có thể sánh được với “đêm xuân”, nhưng “đêm thu” trí tuệ thiên về việc “gói” lại để trầm ngâm những gì đã qua nhiều hơn (?).

Tâm tư ai cũng thế” là sự khái quát của một tâm hồn thơ, vừa nhân tình, nhân tính, vừa nhân văn, nhân loại. Cá thể người thơ thấu hiểu tâm sự chung nhiều người.

Thật bất ngờ khi người thơ “buông” câu kết rất… bất ngờ: “Bay xa khỏi mái nhà”! Cái gì bay xa khỏi mái nhà? “Đêm xuân” hay “tâm tư”? Và, tại sao lại phải bay đi? Câu thơ này khiến tôi bật nhớ lại. Nhiều lắm những ví dụ từ thực tế cuộc sống. Ngồi một mình hay cùng bầu bạn quây quần, những suy nghĩ, những câu chuyện cứ dần dần loang ra, loang ra đến lúc các thứ trước mặt ta bỗng nhòa đi, biến mất, nhường chỗ cho những thứ xa tắp mù khơi. Thực tại chỉ còn bóng dáng mờ nhạt. Quá khứ, ẩn náu nơi nào, được khơi dậy. Thì tương lai thả sức bung ra trong tưởng tượng. Chuyện của trí nhớ và chuyện của trí tưởng tượng đan cài, móc nối, thành thử “chuyện nọ xọ chuyện kia”. Ban đêm, nằm một mình, dĩ chí nằm bên vợ/chồng, thì ý nghĩ càng không dừng lại ở thực tại. Biết bao chuyện ập tới. Tâm tư không còn ở dạng trạng thái nữa. Nó đã thoát xác, bay khỏi thân thể tới thế giới khác. Mái nhà chỉ là một ước lệ. Thực tại cũng ước lệ mà thôi. Không có khuôn khổ nào, ranh giới nào ngăn cản nổi sức bay của tưởng tượng, của ước mơ và khát vọng. Không gian rộng lớn mới là nơi gặp gỡ, giao hòa, cảm thông và tiếp tục nâng cánh những bay lượn đó, để tạo nên miền cực lạc/thượng giới, mà con người thực tại hướng tới như một thiên đường để kết thành niềm tin.

Bài thơ haikư của Buson, vào thế kỷ XVII, khiến người đọc ngày nay “tương tư”, đặc biệt câu kết. “Đêm xuân” hay “tâm tư” vừa bay vừa không bay, đó chỉ là “điểm tựa” cho tư duy, cho tưởng tượng bay lên hòa vào không gian vô định.

Hai phiến khúc haiku của Buson viết về mùa xuân dưới đây cũng rất đặc biệt:

Xuân đang qua

chầm chậm, ngập ngừng

trên những cánh anh đào nở muộn

Một gốc anh đào

xem chừng lơ đễnh

khi mùa xuân sang

Hai bài thơ trên đây đều có hình ảnh mùa xuân-hoa anh đào và một tâm trạng ẩn sâu trong đó.

Ta chưa nói tâm trạng đó là gì.

Trước hết, cả hai bài thơ đều đem đến cho ta “cái nhìn thấy được”. Ở bài thứ nhất: “xuân đang qua” – đang dần đi đến kết cục, chuẩn bị chuyển mùa, khác với “khi mùa xuân sang” ở bài thứ hai – sự bắt đầu của tiếp diễn. Hai khung cảnh khác nhau về thời điểm, nhưng vẫn là xuân – mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài, mùa của tươi xanh mơn mởn, của sức sống trỗi dậy. Dù đọc riêng từng bài, ta vẫn thấy cả không gian và cả thời gian dịch chuyển, bởi ở từ đang hoặc từ khi. Đó chính là cái khoảnh khắc của thiên nhiên (đối tượng) mà thi sỹ “thấy có vấn đề” để ghi nhớ vào tâm khảm của mình. Chỉ khác một điều, khoảnh khắc xuân ấy được cảm nhận lúc mở đầu (bài 1) hay khi kết thúc bài thơ (bài 2).

Dụng ý của nhà thơ đặt vào “cái thấy được” tiếp theo: “cánh (hoa) anh đào” và “gốc (cây) anh đào” – một hình ảnh của tươi non, còn hình ảnh kia nhắc tới già cỗi đến gần. Cả hai hình ảnh đều có thật, song không phải ai cũng để ý, cũng “chớp” được. Chúng cũng là những khoảnh khắc khuấy động tâm hồn thi sỹ trong Buson.

Xuân đang qua/…/trên những cánh anh đào nở muộn” và “Một gốc anh đào/…/khi mùa xuân sang” là những hình ảnh khi đặt vào cấu trúc mỗi bài thơ đã chuyển hóa các đối tượng trong mối quan hệ ràng buộc, tạo nên “tứ” sinh động, có sức liên tưởng sâu xa. Nếu, xuân đang qua trên gốc cây anh đào, hoặc mùa xuân sang trên những cành anh đào, thì chẳng có gì để bàn, vì nó thông thường đến thông tục, và, nếu như vậy sẽ không bật ra tâm trạng nhà thơ.

Vì không có “cái nếu” ấy nên mới có câu thứ hai trong mỗi bài thơ với các cụm tù “ngập ngừng” hoặc “lơ đễnh”. Chính câu thứ hai trong mỗi bài là nơi thi sỹ gửi gắm cái tình, cái tâm trạng và có vai trò “đưa đẩy”, gắn kết các ý thơ thành bài thơ hoàn chỉnh.

Ở bài thứ nhất, cái “chầm chậm, ngập ngừng” chia cho cả hai: mùa xuân và cành anh đào. Xuân cũng ngập ngừng không muốn/không thể trôi nhanh, mặc cho sự kết thúc đang hối thúc, vì “nó” không nỡ để những cành đào nở muộn kia chưa kịp vươn tới đỉnh cao của sắc đẹp mà cả loài anh đào được hưởng. Những cánh anh đào, vì nở muộn, cũng ngập ngừng, không biết xuân có đợi mình không, có hiểu cho nỗi chậm chạp của mình không. Chỉ một khoảnh khắc, hai đối tượng – mùa xuân và những cánh anh đào, hiện ra đã khiến nhà thơ rung động và bật ra trạng thái tâm tư lan tỏa cả ba dòng thơ.

Ở bài thứ hai, trạng thái “lơ đễnh” cũng thật đặc sắc. Gốc anh đào cũng lơ đễnh. Mùa xuân cũng lơ đễnh. Thực ra cả hai, xuân và gốc anh đào, đều cần đến nhau, cần nương tựa vào nhau để xác định giá trị đích thực của mình trước người mẹ thiên nhiên. Song, cái “lơ đễnh” ấy nảy sinh bởi sự thờ ơ, có thể đi đến hắt hủi trong thế sự, trong nhân tình thế thái. Ở đây, hai từ “xem chừng”, tức là chưa khẳng định sự lơ đễnh, đã xóa đi cái mặc cảm “hắt hủi” ấy.

*

Những phiến khúc haiku trên đây của thi sỹ Buson cách chúng ta hơn ba thế kỷ – người tiếp tục thi sỹ Basho khẳng định vị thế thể haiku trong nền thơ Nhật Bản và vươn ra thế giới – cho thấy sự thâm trầm, sâu sắc của thể thơ haiku. Dù ngày nay thơ haiku đã nhiều cải tiến, nhưng cách cấu trúc ba dòng (hay ba ý, hoặc ba hình ảnh) vẫn thu hút sự sáng tạo hướng tới sự tinh tế. Cách cấu trúc này, mà câu thứ hai – cũng là một ý độc lập, luôn là chất kết dính hai ý bên cạnh thành bài thơ hoàn chỉnh, vững vàng. Nó, câu thứ hai, có giá trị làm bật lên tâm trạng chung của cả bài thơ mà nhà thơ gửi một cách kín đáo vào từng ý/từng dòng/từng câu thơ.

Phân tích một vài phiến khúc haiku trên đây mới hay rằng, thể thơ haiku, trong một giới hạn xác định về câu chữ, nhưng rất khoáng đạt trong cấu tứ, lấy điểm nhìn và xúc cảm trong một khoảnh khắc tĩnh tâm để khai thác triệt để vẻ đẹp từ thiên nhiên một cách chân thực và diễn tả nó thật diễm ảo. Đặc tính này của thể thơ haiku rất gần gụi với tâm lý và thi pháp của người Việt thể hiện trong thể thơ lục bát, khác chăng là ở cấu trúc ngôn từ. Trong khi haiku nghiêng nhiều về phía duy lý thì lục bát đậm chất trữ tình (duy cảm), mặc dù cả hai đều hướng về triết lý nhân sinh. Một đằng (haiku) thiên dùng quý ngữ để chỉ mùa, hạn chế dùng tính từ, một đằng (lục bát) nghiêm cẩn về luật bằng-trắc, gieo vần và, vì thế, sử dụng tối đa điệp vần, láy tiếng, làm bật lên sự bóng bảy, nhuần nhuyễn của nhịp và điệu. Mỗi thể thơ của mỗi dân tộc đều có mặt mạnh và mặt hạn chế: ba câu haiku (một phiến khúc) trong cấu trúc 5-7-5, gồm 17 âm tiết (truyền thống), nay đã biến cải, làm “bong” ra ý-định rõ rệt trên bề mặt ngôn từ, có khả năng chuyển (dịch) sang ngữ khác; nguợc lại, cặp câu lục bát, gồm 14 tiếng theo nhịp chẵn hay lẻ, lại ẩn chứa sự bóng bảy, thực và hư trộn hòa, xen lẫn, cũng là ẩn chứa khó khăn cho công việc chuyển ngữ, nhất là khi muốn giữ được thể loại đúng với dạng ban đầu vốn có (điều mà thực tế đã nhiều lần chứng minh).

Tiếp nhận thơ haiku của người Nhật, người Việt muốn ứng dụng một thể thơ ngắn, hàm súc, có sức liên tưởng mạnh, bổ sung cho tư duy thơ của mình thêm phong phú, đa dạng, mong muốn hội nhập hồn thơ Việt vào các nền thơ của thế giới một cách nhanh chóng mà vẫn giữ được cốt cách, bản sắc một cách bền-vững. Sự tiếp nhận ấy, với dụng ý ấy, tất đòi hỏi một quá trình chọn lọc, biến cải không chỉ ngày một ngày hai, cũng không chỉ ở một nhóm người làm thơ theo kiểu haiku, mà thơ haiku mang tâm hồn Việt cần thời gian thấm vào người đọc như thơ Đường luật, thơ Pháp đã từng thâm nhập và trải qua quãng đường tiếp biến lâu dài như từng thấy. Những gì mà hai lần tiếp biến trước đã từng trải nghiệm, là những bài học trực tiếp và gián tiếp cho lần tiếp biến thứ ba này. Học hình thức và niêm luật thơ Đường, người Việt sáng tác “kiểu” thơ không còn nệ vào điển tích, mà bộc lộ tình cảm và lý trí một cách trực tiếp, khỏi cần những chú thích, giải nghĩa dài dòng, luẩn quẩn. Tiếp thu thơ Pháp (và thơ phuơng Tây nói chung), người Việt thổi hồn của mình bằng lối riêng, lý lẽ riêng để thể hiện cấu trúc tự do theo tư duy và phong cách thơ với tiếng nói đa tầng, nhiều nghĩa, nêm chặt câu bằng những gián cách, tạo khoảng trống cần thiết mà vẫn giữ được vần và nhịp trong điệu thức hoàn chỉnh của cấu tứ, không đóng lại trường liên tưởng của người đọc.

Dịp xuân mở đọc thơ xuân càng thấm thía chất xuân, tình xuân trong tâm hồn thi nhân. Mùa xuân vẫn là và mãi mãi vẫn là đối tuợng, chất liệu không thể thiếu cho cảm xúc tuôn trào cùng sự giao hòa của trời đất, gió mây: “núi dìu dặt núi-sông luồn vào sông” (thơ Cao Ngọc Thắng), mở ra tầm nhìn, tầm nghĩ cho thơ bốn mùa, quanh năm đượm hương ngọt ngào, thi vị và tinh tế…

CNT

Những bài thơ haiku trong bài bình luận này do Đinh Nhật Hạnh chuyển ngữ sang tiếng Việt từ các bản tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt