Vĩnh biệt Haijin Nguyễn Ngọc Căn

Haijin Nguyễn Ngọc Căn, sinh Ngày 27 tháng 05 năm 1943 (tức ngày 24 tháng 04 năm Quý Mùi) tại quê hương làng Nành xưa mang tên thôn Phù Ninh, Đông Ngàn, phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh (từ năm 1961 đến nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
– Kỹ sư Nông nghiệp
– Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội
– Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội
– Hội viên WHA
– Hội viên CLB Thơ Haiku Việt- Hà Nội
– Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt nam
-Tác phẩm chính: Các tập thơ: Quê Nành, Tiếng thoi xưa, Người về, Lại một mùa trăng…
Hiện là ủy viên BCH Chi hội Nhà văn Bắc Sông Hồng – Hội Nhà văn Hà Nội.
Ông Nguyễn Ngọc Căn là con thứ ba, nhưng là con trai trưởng, cháu đích tôn của ông bà nội.

Từ năm 1954 đến năm 1962, Ông Nguyễn Ngọc Căn theo học các cấp I, II, III tại các trường Phổ thông Tô Hiệu, Trần Phú thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ năm 1962, Ông Nguyễn Ngọc Căn học lên bậc Đại học tại Học viện Nông lâm Hà Nội (sau gọi là Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, nay là Học viện nông nghiệp quốc gia) đến năm 1968 thì tốt nghiệp xuất sắc nhận bằng kỹ sư nông nghiệp.

Từ năm 1968 đến khi nghỉ hưu, kỹ sư Nguyễn Ngọc Căn liên tục công tác tại Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung Ương thuộc Cục Dâu tằm Bộ Nông nghiệp, trụ sở tại xã Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội (nay là phường Ngọc Thụy, Quận Long Biên, Hà Nội).

Trong 30 năm công tác ở vị trí chuyên gia nông nghiệp, kỹ sư Nguyễn Ngọc Căn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn ngành nghề, rèn luyện kỹ năng thành thục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó, luôn luôn được công nhận là lao động tiên tiến. Ông Nguyễn Ngọc Căn đã từng được cơ quan cử đi công tác nước ngoài (Cộng hòa Ấn Độ) năm 1988 để tu nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ và nghiệp vụ chuyên môn sở trường.

Với nỗ lực rèn luyện và hiệu quả công tác cao, kỹ sư Nguyễn Ngọc Căn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại cơ quan năm 1983, đến này Ông đã tròn 40 năm tuổi Đảng.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Căn thành lập gia đình riêng năm 1974 – vợ là bác sĩ chuyên khoa quê Tiền Hải, Thái Bình, công tác tại bệnh viện Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm (nay là Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), sinh hạ được 3 người con (2 gái, 1 trai) nay đã phương trưởng, trong đó người con trai thuộc hàng cháu đích tôn của hai cụ thân sinh ông.

Có lẽ do được thừa hưởng gen di truyền trội của ông bà nội ngoại cùng song thân, từ thiếu thời Nguyễn Ngọc Căn đã là người sáng dạ, hay chữ, có thiên hướng cầm bút thi thơ. Ông tự mình tập làm thơ từ hồi ngồi trên ghế nhà trường cấp 3 đầu những năm 60 thế kỉ trước, đầu năm 1965 đã có thơ đăng báo Thủ đô, 4 lần đoạt giải cao thi thơ của Sở Giáo dục Hà Nội, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội.

Cây bút Nguyễn Ngọc Căn hào hứng, tâm huyết tham gia sinh hoạt văn chương trong Tổ thơ Sông Đuống, CLB Thơ Đường Luật,… Năm 1996 ông cho xuất bản tập thơ đầu tay Quê Nành tại NXB Thanh Niên.

Một năm sau đó, trong năm 1997 ông trở thành hội viên của các Hội: Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam danh giá.

Tính ra từ năm 1965 đến năm 2018, trong 50 năm cầm bút làm thơ, ông đã thăng hoa sáng tác hơn 1000 bài thơ dài ngắn thuộc các thể tài (thơ tự do, thơ lục bát, thơ văn xuôi, thơ bốn câu, thơ Đường Luật, thơ Haikư Việt)… được lần lượt tuyển chọn in vào 8 tập thơ đứng tên riêng tác giả Ngọc Căn (bút danh chính của ông), tên tuổi trở nên quen biết với độc giả, với tổng số ngót 900 trang. Ấy là chưa kể hàng chục bài thơ lẻ rải rác của đời thơ ông đã được tuyển chọn vào hơn 30 tập thơ in chung với các tác giả khác, trên báo chí Trung ương và Địa phương, theo các chủ đề phong phú, độc đáo.

Ông đã không vượt qua được trọng bệnh nên đã vĩnh biệt vào ngày 15 tháng 03 Năm 2023 (Tức ngày 24 tháng 03 năm Quý Mão).

     Nhà thơ Nguyễn Ngọc Căn ra đi thanh thản về nơi cõi mộng, chốn vân du, như thơ Ông đã viết. Nơi an nghỉ cuối cùng của ông tại mảnh đất quê hương nội, ngoại làng Nành của ông.

HKV

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt