Trong thơ Haiku của người Nhật Bản xuất hiện khá nhiều tên gọi một loài chim đó là Hototogisu. Đó là loài chim gì? Tiếng hót và cuộc đời nó ra sao mà các nhà thơ Nhật xưa tới nay lại cảm khái đến như vậy?
Không biết trên thế giới này có ở đâu mà tên một loài chim mà có đến trên 20 cách thể hiện khác nhau như loài chim này ở Nhật không? Đành rằng tiếng Nhật có thể thể hiện bằng mấy loại ký tự, cùng một từ có thể viết bằng Hirakana, Katakana, lại có thể thể hiện bằng chữ Hán và cả chữ La tinh nữa. Nhưng tên của một loài chim mà có tới trên 20 cách viết chữ Hán thì tôi nghi rằng có lẽ chỉ có Hototogisu mà thôi. Nếu chuyển qua âm Hán Việt thì đó là: Đỗ Quyên, Thời Điểu, Tử Qui, Bất Như Qui, Đỗ Vũ, Thục Hồn, Thục Phách, Điền Quyên, Hoắc công điểu, Hoắc Công, Quách Công, Thục điểu, Đỗ hồn, Đỗ phách, Bàn Quyên, Bố cốc, Vô thường điểu, Hoàng hôn điểu, Dạ cảnh điểu, Xương bồ điểu, Sơ thời điểu, Sơn thời điểu, Sơn Quách công, Dạ cáo điểu…nhưng tất cả đều phát âm là Hototogisu. Qua đây cũng thấy rằng người Nhật, và đặc biệt là các văn sĩ Nhật quan tâm đến loài chim này lắm.
(杜鵑、時鳥、子規、不如帰、杜宇、蜀魂、蜀魄、田鵑、霍公鳥、霍公、郭公、蜀鳥、杜魂、杜魄、盤鵑、布谷、無常鳥、黄昏鳥、夕影鳥、菖蒲鳥、初時鳥、山時鳥、沓手鳥、山郭公、夕告鳥)。
Ở Nhật Bản cũng có loài hoa Hototogisu.
Ở Việt Nam nhiều người dịch Hotogisu là chim Tử Qui, chim Tu Hú, thậm chí dịch là chim Cuốc. Lại dò tìm nguồn tư liệu VN về chim Tử Qui, Đỗ Quyên, Tu hú, Cuốc… thì thấy ra nhiều điều thú vị. Liên quan đến loài chim Hototogisu Nhật có hoa Hototogisu, Liên quan đến chim Đỗ quyên thì ở Trung Quốc, Việt Nam lại có hoa Đỗ Quyên. Hai loài hoa này có phải là một không?
Tôi mở một cuộc tìm kiếm trên tư liệu và internet thì thấy như sau:
Tên chim tiếng Nhật gọi là Hototogisu là chim di cư từ phương Nam cụ thể là Ấn Độ hoặc Đông Nam Á, đến Nhật Bản vào tháng 5, khi trời trở lạnh thì nó lại bay về phương Nam để tránh rét, tên khoa học là Cuculus poliocephalus, tên tiếng Anh là Lesser Cuckoo hay Little Cuckoo. Hototogisu thuộc loại chim theo mùa, xuất hiện ở Nhật đầu mùa hè nên nó là một “quí ngữ” chỉ mùa hè theo qui định thơ Haiku Nhật Bản phải có “quí ngữ”. Tiếng hót của chim này hay ra sao, có gợi cảm hứng gì mà trong Haiku cổ điển của Nhật Bản xuất hiện khá nhiều. Những nhà thơ Haiku nổi tiền của NB như Basho, Issa, Natsume Soseki, Matsuoka Shiki…đều có những bài nổi tiếng xuất hiện loài chim này. Thậm chí nhà Haiku cận đại nổi tiếng Shiki còn lấy tên hiệu của mình là “Shiki” (Tử Qui) và đặt tên này cho tạp chí Haiku nổi tiếng tồn tại hàng trăm năm nay đó là tạp chí “Hototogisu”, hiện vẫn đang là tạp chí hàng đầu trong số mấy chục tạp chí chuyên về Haiku của đất nước “mặt trời mọc” .
Tiếng hót của chim này được người Nhật nghe ra thành “Cục cấp phép bản quyền” (tokkyo kyoka kyoku) hay “đã che đỉnh đầu chưa” (teppen kake taka). Phát ra nhịp 6 âm.
Xem ra chim này khá giống chim “bắt cô trói cột” của ta. Tìm hiểu thì chim Bắt cô trói cột có tên khoa học là Cuculus micropterus cũng là một loại chim cu cu, tên tiếng Nhật là Seguro kakko (nghĩa là chim Quách lưng đen), tiếng Anh là Short-winged Cuckoo hoặc Indian Cuckoo- nghĩa là chim cu cu Ấn độ. Chim Indian Cuckoo (Bắt cô trói cột !?) cũng có tập tính đẻ nhờ, trứng màu xanh lục.Chim này ở VN có ở các nơi từ vùng núi đến đồng bằng. Tài liệu Nhật cho biết chim Cu Ấn độ (Bắt Cô Trói Cột !?) có tiếng hót trầm đục, to và chậm hơn chim Hototogisu. Chim Hototogisu thì hót nhịp 6 một. Ở ta gọi tiếng chim này là “bắt cô trói cột” hay “khó khăn khắc phục” đều 4 âm cả.
Tìm hiểu ra thì thấy giới có đến gần 60 loài chim tập trung vào họ Cu cu có tập tính này. Chim Tu hú cũng có tập tính này nên nhiều dịch giả đã dịch Hototogisu là chim tu hú, thực ra hai loài chim này khác nhau, hơn nữa ở Nhật chim Hototogisu xuất hiện vào tháng 5, được cho là chim di cư từ phương Nam lên mà tu hú cũng xuất hiện ở VN vào mùa Vải (lệ chi) cũng khoảng tháng 5 đầu màu hè. VN thì thuộc nước nhiệt đới và cận nhiệt đới còn Nhật thuộc ôn đới và xứ lạnh nên chắc chắn hai loài chim này xuất hiện ở 2 nơi cùng thời điểm thì không thể là một. Tú hú có tên khoa học là Eudynamys scolopaceus thuộc Chi Eudynamys, tên tiếng Anh của Tu hú là Asian Koel còn Hototogisu có tên khoa học là Cuculus poliocephalus và tên tiếng Anh là Lesser Cuckoo hay Little Cuckoo thuộc chi Cuculus. Nhưng cả 2 loài đều thuộc họ cu cu. Có lẽ chim Bắt Cô Trói Cột gần với Hototogisu hơn.
Trung Quốc thì gọi chung các loài cu cu là Đỗ Quyên, Hototogisu gọi là Đỗ Quyên nhỏ.
Có dịch giả dịch Hototogisu là chim Cuốc thì tôi cho là nhầm hoàn toàn. Vì chim Cuốc rất quen thuộc với người Việt Nam, nó thuộc loài gà nước Rallidae tiếng Nhật là Shirohara kuina tiếng Anh gọi là white breast waterhen, chuyên sống ở các bờ bụi gần hồ ao, rất nhát và hay lủi trốn khi có động vì vậy VN mới có từ “Cuốc lủi” và chim Cuốc thì không có tập tính đẻ nhờ.
Còn về hoa Đỗ Quyên thì ở Trung Quốc, Việt Nam, Địa Trung Hải…có loài hoa Đỗ Quyên rất đẹp, nở vào mùa xuân. Nghe nói chim Đỗ Quyên hay sống gần cây hoa này.
Sự tích hoa đỗ Quyên và chim Đỗ Quyên từ Trung Quốc nghe rất cảm động gắn với ông vua nước Thục bên Tàu tên là Đỗ Vũ chết thảm hóa thành. Ngoài ra còn có nhiều chuyện khác về sự tích hoa Đỗ Quyên và chim Đỗ Quyên đều nói về tình cảm vợ chồng, anh em rất cảm động. Thực ra hoa Đỗ quyên có nhiều loại, đủ màu trắng, vàng, tím, đỏ, hồng…chứ không phải chỉ dó màu đỏ do ông vua Đỗ Vũ kia khóc nhỏ máu hay chim Đổ Quyên hót đến thổ máu mà ra mà chết (huyết lệ).
Ở Nhật Bản cũng có loài hoa Hototogisu nhưng lại là loài hoa khác hẳn, thuộc họ hoa Loa Kèn (Liliales) và nở vào mùa thu. Loài cây này ưa đát ẩm, không chịu được khô hạn. Lý do là trên cánh loài hoa này có những đốm nhỏ màu tím giống ngực con chim Hototogisu nên người Nhật đặt tên như vậy. Đây là loài hoa được người Nhật ưa trồng ở sân vườn.
Còn hoa Đỗ Quyên lại thuộc họ Ericaceae hay Heath (Thạch nam) phân bố rộng rãi trên thế giới. Cây Đỗ Quyên chỉ mọc tự nhiên và sinh trưởng tốt tại các vùng núi cao có nên khí hậu á nhiệt đới hoặc ôn đới núi cao, khô ráo. Vì vậy tại Việt Nam chỉ có các vùng núi cao như Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), Bạch Mã (Đà Nẵng) là những nơi trồng thành công hoặc có những cây Đỗ Quyên mọc tự nhiên. Đặc biệt trên vườn quốc gia Hoàng Liên đã phát hiện được gần 50 loài Đỗ Quyên mọc tự nhiên.Vì vậy nơi đây còn được mệnh danh là “vương quốc hoa Đỗ Quyên” và được hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là “vườn di sản ASEAN Sa Pa”.
Tiếng Anh gọi Hoa Đỗ Quyên là Rhododendron hoặc Azalea. Hoa Đỗ Quyên Rhododendron này được Nepan tôn là Quốc Hoa.
Tóm lại là sau khi khảo sát như vậy có thể tạm kết luận là Hototogisu là loài chim di cư đến Nhật vào mùa hè, nó thuộc họ chim Cu cu, có tập tính đẻ nhờ và có tiếng hót gần giống với chim Bắt cô trói cột của ta. Vì vậy nó không phải chim Tu Hú, càng không phải chim Cuốc. Chim này có ở Việt Nam không và tên gọi tiếng Việt là gì thì tôi chưa xác định được.
Người Nhật nói rằng chính Basho cũng nhầm chim Hototogsu với chim Quách Công (kakko) cũng một loại chim Cucu. Chim Quách Công có tiếng hót rất buồn còn chim Hototogisu thì nghe nói tiếng hót chói tai như xé vải. Khi hót chim Hototogisu há rộng mỏ phô họng đỏ hỏn nên người ta nghĩ đến hót khạc ra máu đỏ. Nghe khá bi thương.
Tôi nghĩ đây là sự lầm lẫn trong văn học của mấy nước châu Á có ảnh hưởng ít nhiều văn học và văn hóa Trung Quốc.
Thực ra phân loại học về chim là rất phức tạp. Nhiều khi nghe chim hót mà có biết mặt mũi hình dáng nó ra sao đâu! Mà một họ chim lại rất nhiều loài, có nhiều loài tập tính na ná nhau như có tới gần 60 loài chim cu cu có tập tính để nhờ vào tổ chim khác nhờ ấp, nhờ nuôi…không nhầm mới là lạ.
Văn học, thơ ca thì bao giờ cũng lãng mạn, chim hoa thì lại gắn với cái đẹp và thơ ca…Các nhà thơ lãng mạn thì hay buồn nên nghe tiếng chim mà sinh lòng trắc ẩn, nghĩ ngợi vậy thôi.
Nhà thơ Haiku(Haijin) tài hoa bạc mệnh, một nhà cải cách Haikư nổi tiềng của Nhật Bản Masaoka Shiki (1867-1902) lấy tên hiệu Shiki (Tử Qui) cũng vì ông mắc bệnh phổi ho ra máu mà vẫn sáng tác Haiku trên giừơng bệnh cho đến chết. Phải chăng ông cũng muốn ví mình như con chim Đỗ Quyên trong điển tích của Trung Hoa, sẽ hót đến chết cho dù có bị thổ huyết chăng nữa…
Xin nói chuyện rông dài cho vui vậy.
LTB