Ý kiến phát biểu tại cuộc gặp mặt Haiku Việt ba miền

Lời Ban Biên tập:

Trong khuôn khổ Hội thảo về “Nâng cao chất lượng sáng tác thơ Haiku Việt” tổ chức vào chiều ngày 17-12-2023 Tại Lan Viên Cổ Tích I (Thành Phố Huế) nhân sự kiện “Gặp mặt các Câu Lạc Bộ Haikư Việt 3 miền” do Ban Chấp hành Hội thơ Hương Giang tổ chức, Nhà thơ Thảo Lê đã có bài tham luận đề cập đến sáng tác và thưởng thức thơ Haikư.

Ban Biên tập trang web haikuviet.com xin trân trọng cảm ơn Nhà thơ Thảo Lê và xin giới thiệu với bạn đọc.

Kính thưa Quý vị đại biểu!

Kính thưa Các Anh, các Chị là bạn thơ thuộc các Câu lạc bộ thơ Haiku Việt ba miền!

Được sự đồng ý của Ban Tổ chức, tôi xin phát biểu một số ý kiến trong buổi gặp mặt hôm nay.

Trước hết, tôi đồng ý với ý kiến đề xuất nội dung chúng ta nên thảo luận là “Nâng cao chất lượng thơ Haiku mang hồn Việt”. Đó là một đề xuất hay, nêu một việc cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển hơn nữa việc sáng tác và đọc thơ Haiku Việt ở nước ta. Nhưng tôi  nghĩ rằng đó là một vấn đề lớn, thuộc chuyên môn sâu, thực hiện trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển thơ Haiku Việt hiện nay. Trong một buổi gặp mặt như hôm nay, e rằng khó nói  được một cách sâu sắc, đầy đủ vấn đề nêu lên. Vì vậy, hãy coi đây là một sự khởi động để suy nghĩ tiếp,  thực hiện những việc cần thiết như tạo ra một diễn đàn chung để trao đổi thảo luận, hoặc có thể phân công viết bài tham luận để, đến một lúc nào đó đủ điều kiện, tổ chức một hội thảo về chủ đề này.

Tôi xin phát biểu về việc tiếp cận thơ Haiku, cụ thể là nên hiểu thơ Haiku nói chung, thơ Haiku Việt như thế nào và đọc thơ Haiku như thế nào. Trình bày ý kiến này, tôi muốn nhắc đến và, nếu có thể, lý giải một vài vấn đề đáng quan tâm trong việc phát triển thơ Haiku Việt hiện nay, ngõ hầu củng cố sự hiểu biết và tự tin, giúp vượt qua một số trở ngại trong việc tiếp nhận và thực hành sáng tác thơ Haiku, ít ra đối với riêng bản thân tôi.

Như chúng ta đã biết, Haiku là một thể loại thơ đặc sắc, độc đáo của văn học Nhật Bản, là sản phẩm tinh thần của người Nhật, là tinh hoa văn hóa của đất nước Mặt trời mọc. Đó là những tác phẩm văn chương giàu chất nhân văn và trí tuệ; là một thể loại văn học có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở nước sở tại mà đã truyền bá ra nhiều nước trên thế giới, thu hút sự quan tâm, yêu thích và cộng hưởng của rất nhiều người thuộc nhiều quốc gia. Thơ Haiku được đưa vào Việt Nam từ lâu, đến nay đã non một thế kỷ. Trong thời gian đó, nó được dịch, được nghiên cứu để giới thiệu với công chúng, được đưa vào giảng dạy trong trường học; đặc biệt có nhiều người-ngày càng nhiều người đã sáng tác thơ theo thể loại này, làm xuất hiện trên thi đàn một thể loại thơ mới gọi là Haiku Việt.

Vậy Haiku Việt là thế nào? Nó giống và khác gì với Haiku Nhật? Hiển nhiên là Nhật Bản và Việt Nam là hai đất nước có những tương đồng và khác biệt về văn hóa, truyền thống văn học và ngôn ngữ. Vì vậy mà thơ Haiku do người Việt làm ra không thể giống hoàn toàn thơ Haiku Nhật, đơn giản là vì nó phần nào đã được Việt hóa. Việt hóa thơ Haiku như thế nào cũng là một vấn đề cần quan tâm. Hy vọng trong một dịp nào đó, chúng ta sẽ cùng nhau bàn thảo sâu hơn về vấn đề này. Ở đây xin trao đổi một ý kiến cụ thể như là một yêu cầu có tính định hướng là: Cho dù được Việt hóa như thế nào thì thơ Haiku Việt cũng phải giữ lại được cái căn cốt của thơ Haiku Nhật, để khi đọc nó, ai cũng dễ nhận ra nó đích thực là thơ Haiku chứ không phải là cái gì khác. Thơ Haiku cũng như thơ Đường luật của Trung Hoa, thơ Lục bát của Việt Nam có phép tắc riêng của nó. Làm đúng những phép tắc riêng đó mới tạo được giá trị riêng, độc đáo của thơ viết theo các thể loại này. Thơ Haiku Nhật có nhiều phép tắc trong biểu hiện hình thức và nội dung. Qua thực tiễn cho thấy, khi sáng tác Haiku Việt, có những phép tắc  của thể thơ này có thể bỏ qua như:

-Không dùng quán ngữ

-Không theo mô hình cấu trúc âm tiết của 3 dòng thơ là 5-7-5

-Không giới hạn về đề tài chỉ viết về thiên nhiên.

Nhưng có những phép tắc cơ bản có tính nguyên tắc nhất nhất phải tuân thủ. Đó là:

-Thứ nhất: Bài thơ phải cực ngắn và không có đầu đề. Một bài Haiku Nhật quy định dài không quá 17 âm tiết. Với tiếng Việt đơn âm, âm tiết trùng với tiếng, với từ nên để gọi là cực ngắn, cỏ thể rút số âm tiết xuống ít hơn nữa. Thực tế có bài thơ Haiku Việt đã công bố toàn bài chỉ 5 âm tiết/ tiếng.

-Thứ hai: Bố cục bài thơ được phân thành 3 dòng thơ, cho dù nội dung diễn đạt trọn trong một câu ngữ pháp.

-Thứ ba: Nội dung bài thơ hết sức cô đúc, hàm súc, ít lời mà nhiều ý, nói đến cái hiện tại trước mắt mà khơi gợi được những điều sâu xa.

Những bài thơ được cho là hay, những bài thơ đạt giải trong các lần thi thơ Haiku Việt gần đây, thơ của những tác giả tên tuổi cho thấy thái độ nghiêm túc tuân thủ các phép tắc cơ bản vừa nói. Còn như không tuân thủ những phép tắc cơ bản, chẳng hạn bài thơ dài đến 20, 30 âm tiết/tiếng, phân thành 4,5 dòng thơ, ý thơ bộc lộ quá rõ ràng, không khơi gợi suy tưởng về một điều gì khác thì không thể gọi đó là thơ Haiku. Nhưng, xin được nói thêm:  Có những bài thơ, nếu đem soi chiếu vào 3 phép tắc cơ bản, thấy rằng: đạt yêu cầu cực ngắn, phân thành 3 dòng thơ rõ ràng; riêng nội dung tính hàm súc phần nào có bị hạn chế, chưa tạo được những khoảng trống để người đọc tưởng tượng, suy tưởng để tìm thêm những ý mới; nhưng lại có tứ hay, ngôn ngữ giàu chất thơ, gây được hứng thú cho người đọc. Những bài thơ như thế, nên chăng vẫn gọi là thơ Haiku được Việt hóa cấp độ sâu, bớt đi cái thâm viễn của Haiku để bù vào cái tình ý nồng nàn của thơ Việt?

Về cách đọc thơ Haiku: Có một thực tế rõ ràng là, mặc dù đã được phổ biến, giới thiệu khá rộng rãi, nhưng hiện nay, việc đọc và sáng tác thơ Haiku Việt chưa thành một phong trào. Một số khá đông người, kể cả những người yêu thơ, thích làm thơ còn thờ ơ, không mặn mà, thích thú với thể loại thơ này. Thậm chí, có người nghi ngờ không biết đó có phải là thơ hay không, hoặc cho rằng đó là loại thơ cao cấp, dành cho tầng lớp trí thức học cao biết rộng, hoàn toàn xa lạ với tầng lớp bình dân. Bản thân tôi, lần đầu tiếp xúc với thể thơ này, cũng thấy phần nào xa lạ, khó hiểu. Vì sao thơ hay mà khó tiếp nhận? Tôi tìm cách lí giải và thấy rằng: nguyên nhân nằm ở những điều sở đắc của thơ Haiku, ở ngay những chỗ làm nên giá trị độc đáo của thể thơ này, là vì nó quá ngắn và quá hàm súc.

Lâu nay, phần lớn người Việt chúng ta quen đọc/ thưởng thức thơ như thưởng thức một ca khúc, đòi hỏi nó phải có một độ dài nhất định, phải có vần vè, nhạc điệu, thể hiện tình ý phải hết sức rõ ràng và thấm đẫm cảm xúc. Thế nên, khi đọc một bài Haiku quá ngắn, chẳng vần vè, ý tứ không rõ ràng lắm, cảm xúc bị tiết chế thì dễ chán. Vậy, vấn đề cần quan tâm ở đây là cách đọc. Có lẽ phải đọc Haiku theo một cách khác, bằng cách riêng của nó, tức là đọc trong trạng thái thật tĩnh tại, kiểu như đọc thơ thiền, lắng nghe âm vang của từng con chữ, liên hội âm nghĩa của nó theo một cách nào đó, sử dụng tri thức và kinh nghiệm để hình dung, nắm bắt ý thơ còn ẩn khuất ở đằng sau. Đó là cách đọc đòi hỏi phát huy tính tích cực, chủ động của người đọc. Người đọc không thụ hưởng cái hay, cái đẹp dọn sẵn mà phải tự mình khám phá những giá trị đang ở dạng tiềm tàng; hay nói cách khác, đó là cách đọc phát huy vai trò người đồng sáng tạo, thực thi việc “lấp đầy khoảng trống giá trị mà tác phẩm còn để ngỏ”. Diễn giải như thế có thể gây cảm giác phức tạp hóa cách đọc, coi bài thơ Haiku như là một sự đánh đố buộc người đọc phải nhọc công suy nghĩ mới hiểu được ý tứ của bài thơ. Thực ra không phải vậy. Với những người có sự tinh tế, nhạy cảm trong cảm thụ thơ thì việc “đọc như là một quá trình” đó diễn ra nhanh chóng, người đọc nhận biết cái hay, cái đẹp của bài thơ một cách tức thì. Khi nói về đặc tính dị biệt của thơ Haiku, một nhà nghiên cứu đã viết: Với thơ Haiku, người viết chỉ cần đưa ra cái đầu đề, còn bài thơ như thế nào thì người đọc tự làm lấy. Đó là một cách nói quá để nhấn mạnh vai trò của người đọc, cũng là nói đến một cách đọc rất khác với cách đọc thơ thuộc các thể loại thông thường. Và với cách đọc như vậy, tôi tin rằng người đọc sẽ dễ dàng tiếp cận để tìm ra cái hay, cái đẹp của thể loại thơ rất kén chọn người đọc này.

Trên đây là những ý kiến chủ quan của bản thân. Có chỗ nào chưa phải, rất mong muốn quý vị góp ý chỉ bày.

Cuối cùng, xin bày tỏ lời cảm ơn và kính chúc quý đại biểu, quý thi huynh, thi hữu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

                                                                             Huế, 17/12/2023

                                                                                       Thảo Lê

 

 

 

 

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt