“Haikư không chỉ là một loại hình thơ; hơn cả thơ, haikư là một cách nhìn thế giới khách quan. Haikư thể hiện những khoảnh khắc chiêm nghiệm; thời khắc mà khi đó những điều tưởng như bình thường bỗng nhiên phát lộ bản chất nội tại, thầm kín của nó và đem đến cho ta một cái nhìn mới, khác lạ về sự kiện, về con người và về cuộc sống” (A. C. Missias)
A.C. Missias, ban ngày là một nhà sinh học thần kinh (neuroscience) ở Phildelphia (USA), ban đêm ông là nhà biên tập tạp chí điện tử Acorn, sáng tác haikư và công bố trên internet. Gần đây, Missias phụ trách chuyên mục CyberPond trên tạp chí Frogpond của Hiệp Hội Haikư Hoa Kỳ (Haiku Society of America) đã phát biểu như trên về haikư.
Để sáng tác haiku người ta vẫn nói đến hai nguyên tắc cơ bản: cấu trúc 5/7/5 âm tiết và mỗi phiến khúc haiku phải có một “quý ngữ” (kigo). Ngoài ra, còn có nguyên tắc “hai hình ảnh đặt liền kề nhau” (justaposition) và những hình ảnh ấy tác động vào tâm thức ta như một ánh chớp (flash). Không ngẫu nhiên mà nhiều đại sư haiku Nhật Bản đồng thời cũng là thiền sư, là những bậc thầy viết nên những khúc haiku tuyệt phẩm trong những khoảnh khắc “tỉnh thức” (awareness) của “chánh niệm” (mindfulness).
Thế giới khách quan đã thay đổi như vũ bão trong thế kỷ XXI này, vậy các chủ đề của haiku có thay đổi hay không? Thiển nghĩ, cách cảm thụ thiên nhiên và xã hội của các haijin ở thế kỷ này trên tất cả mọi châu lục không còn giống cách cảm thụ như những haijin Nhật Bản, kể cả các đại thụ haikư Nhật Bản hơn ba bốn trăm năm trước. Nhân loại trong xã hội hiện đại ở thế kỷ XXI này đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trọng đại, có tính sống còn: vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học, chiến tranh, khủng bố, dịch bệnh lan tràn (mà đại dịch virus Corona năm 2020 chỉ là một trong những ví dụ), chết chóc, ô nhiễm môi trường, tàn phá thiên nhiên, biến đổi khí hậu, hận thù tôn giáo, hận thù dân tộc và những tác động tiêu cực của khoa học – công nghệ đến cuộc sống vật chất và tâm hồn của con người … đang hàng phút, hàng giây đe dọa cuộc sống trước mắt và tương lai của nhân loại. Cũng như văn chương nói chung, liệu haikư có tự cô lập, đứng ngoài những nỗi lo âu của nhân loại hay không?
Thiết nghĩ, để haikư, một thể loại thơ đặc sắc của Nhật Bản, mãi mãi tồn tại trong nền thi ca của nhân loại, không chỉ ở đất nước Phù Tang mà cả trên toàn thế giới, chắc chắn thể loại thi ca này phải mang hơi thở của thời đại, phải đề cập và chuyển tải được tới người thưởng ngoạn những mối quan tâm đến các vấn đề sống còn của nhân loại, cả trước mắt và trong tương lai. Và chắc chắn “từ điển quý ngữ” của haiku sẽ không chỉ hạn chế trong những “xuân, hạ, thu, đông” và “phong, hoa, tuyết, nguyệt” mà phải cập nhật và ngày càng phong phú với những “quý ngữ” của cuộc sống nhân loại ở thế kỷ XXI này. Haikư hiện đại sẽ không chỉ đề cập đến thiên nhiên mà phải đề cập đến “thế sự”.
Để viết một phiến khúc haiku thế sự, có lẽ chúng ta, những haijin, cần kết hợp được ba yếu tố: “tâm yêu thương” để có thể thấu cảm chân thành những cung bậc khổ đau và hạnh phúc của đồng loại, nhất là những người thuộc “tầng lớp dễ bị tổn thương” (vulnerable groups) như cách nói của Tổ Chức Liên Hợp Quốc, “trí trong sáng” để phân biệt được rạch ròi, chính xác cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu trong “thế sự” mà không ngộ nhận, không cố chấp, định kiến bởi suy nghĩ chủ quan của mình. Và cuối cùng là một “ngòi bút dũng” để dám thể hiện cái “tâm” và cái “trí” của mình về “thế sự” trong khuôn khổ chỉ có 17 âm tiết của một phiến khúc haiku ngắn ngủi. Ở đây, các nguyên tắc và kỹ thuật sáng tác hình như chỉ là thứ yếu. Như Longinus, nhà thơ Hy Lạp cổ đại, đã từng phát biểu về giá trị thẩm mỹ của cảm xúc chân thành và sự thấu cảm trong thi ca: “Tôi có thể khẳng định rằng không có gì có thể tạo nên vẻ đẹp của thơ ca hơn là những cảm xúc chân thực đúng chỗ và từ đó, truyền cảm hứng vào ngôn từ, thổi bùng ngọn lửa nhiệt tình và sự mê say cuồng nhiệt”.
Để minh họa cho những điều trên đây, xin làm một thống kê về chủ đề “thế sự” trong Tuyển tập haiku “Horizon: The Haiku Anthology” do Santosh Kumar (Ấn Độ) chủ biên, xuất bản năm 2018 gồm 53 phiến khúc haiku của 53 haijin đến từ các châu lục trên toàn thế giới. Toàn bộ tuyển tập đã được người viết bài này dịch ra tiếng Việt và đã gửi đăng trên trang web: haikuviet.com.vn
Trong 53 phiến khúc haikư trong tuyển tập “Horizon: The Haiku Anthology”, ngoài các chủ đề liên quan đến các “quý ngữ”: hoa lá, cây cỏ, gió mưa, tuyết, trăng, động vật …, có ít nhất 10 phiến khúc haikư (gần 20% tổng số phiến khúc haikư được tuyển chọn trong tập thơ) liên quan đến thế sự, nội tâm và mối quan hệ giữa người với người trong cái xã hội hiện đại, xã hội tiêu thụ thừa thải các phương tiện vật chất và công nghệ nhưng hình như càng ngày càng ít “tính người” và “tình người”. Dưới đây là một số phiến khúc “haikư thế sự” tiêu biểu mà Santosh Kumar đã chọn đăng mà người viết bài này tìm thấy trong tuyển tập “Horizon: The Haiku Anthology” 2018.
BAN’NYA NATSUISHI
Nhật Bản
a future waterfall
from a rainbow
of voices
dòng thác tương lai
đến từ chiếc cầu vồng
xây nên bằng những tiếng nói
MOSHÉ LIBA
Roumanie
in this small town
neighbors talk only
through their lawyers
trong thị trấn nhỏ này
láng giềng chỉ nói với nhau
qua luật sư của họ
ROBERTA BEARY
Ireland
chemo day*
the onset
of red lipstick
ngày hóa trị liệu*
bắt đầu với
thỏi son môi màu đỏ
*Chemo day: Trong y học, thuật ngữ “chemo day” dùng để chỉ ngày mà bệnh nhân, ví dụ ung thư, phải sử dụng thuốc hóa chất trị ung thư gọi là “hóa trị liệu”. Ở đây, tác giả coi việc phụ nữ bắt đầu mỗi ngày bằng sử dụng son môi khi trang điểm cũng giống như bệnh nhân ung thư hàng ngày phải sử dụng hóa trị liệu.
TANUJ KHOSLA
Ấn Độ
her face is disfigured
my eyes are blind
we make a perfect couple
mặt cô ấy biến dạng
còn tôi thì mù
chúng tôi – một cặp đôi hoàn hảo
MATHURA
Estonia
a breath of silence
life to be chosen
the nest then to be set free
thở phào nhẹ nhõm
đã định đoạt cuộc đời
hôn nhân được giải thoát
SHIRLEY BOLSTOK
Hoa Kỳ
I will sleep with you
in a bed of red roses
just to feel the thorns
anh sẽ ngủ cùng em
trên chiếc giường trải đầy hoa hồng
để cảm thấy gai đâm
Tháng 3 năm 2019, Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Haiku Việt của chúng ta đã có trang giới thiệu haiku của Bo Lille, haijin Đan Mạch, hội viên WHA và là công tác viên của Câu lạc bộ chúng ta. Trong chùm thơ 12 bài của Bo Lille được Lão haijin Đinh Nhật Hạnh, Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Haiku Việt Hà Nội dịch từ tiếng Anh, theo thiển ý của kẻ viết bài này, những phiến khúc haiku sau đây có thể được coi là haiku thế sự:
the blackness of graves
the sound of those white churches
and then the silence
màu đen những ngôi mộ
chuông từ các thánh đường trắng
và thế rồi, lặng im
burning field
canon which are much too hot
the smell of burnt child
một vùng đất cháy bỏng
những khẩu đại bác đỏ rực nòng
mùi thịt thiêu em bé
peace has broken out
canon have been melted
into lover’s rings
hòa bình tan vỡ
những khẩu đại bác bị nung chảy
đúc thành nhẫn tình nhân
the blackbird sings
lover nearer
than nuclear bomb
con sáo đen hót rằng
người yêu của ta ở gần hơn
trái bom nguyên tử
Và trong cái ồn ào gần đây về các sự kiện liên quan đến “kinh doanh tâm linh/kinh doanh tín ngưỡng” ở đất nước ta, kẻ viết bài này bỗng nhớ đến phiến khúc haiku viết năm 2012 sau khi đi thăm ngôi chùa lớn nhất Việt Nam lúc ấy:
Phật diệt tham sân si
cơ chế thị trường
nhà chùa đua tranh kỷ lục Guiness
Lê văn Truyền
Thượng Đình – Hà Nội