Tinh tế tính chắt lọc trong thơ Haiku- Nguyễn Vũ Quỳnh Như

alt

Thơ haiku là thể thơ ngắn của Nhật Bản và đang được cho là ngắn nhất thế giới. Thơ haiku đã và đang được phổ biến rộng rãi tại nhiều quốc gia. Trong bối cảnh xã hội ngày nay, thơ haiku được chấp nhận biến đổi như thế nào, những giá trị truyền thống nào cần được lưu giữ luôn là đề tài được các chuyên gia thơ haiku Nhật Bản lưu tâm.

alt

  1. 1. Đọc thơ haiku bằng mắt – mỹ học thị giác thơ haiku

Nói đến mỹ học Nhật Bản, người ta thường bàn về cái đẹp xuất hiện trong đời sống thường nhật cho đến các tác phẩm văn học từ thời kỳ cổ điển.

Về văn học Nhật Bản, các tác phẩm từ văn xuôi đến thơ ca của những thời kỳ đầu đều toát lên “vẻ đẹp rất tự nhiên mà dịu dàng” thể hiện giá trị thẩm mỹ vô cùng mãnh liệt, được lưu truyền và tiếp nối đầy sáng tạo từ thế hệ này đến thế hệ khác để đi vào lòng người. Thơ haiku cũng thế. Là thể thơ được cho là ngắn nhất thế giới chỉ có 17 âm tiết, sâu sắc tính gợi, thơ haiku càng phải vận dụng nhiều thi pháp để thể hiện đặc trưng ẩn ý cao độ, “ý tại ngôn ngoại”, chắt lọc từ ngữ cô đọng (ít tính từ, sử dụng động từ một cách hiệu quả), chú trọng tính giản lược, diễn tả gián tiếp thay vì trực tiếp…

Trong thơ haiku, nhất là tác phẩm kinh điển Oku no hosomichi (奥の細道 – “Thăm thẳm con đường hẹp” [1]) của Matsuo Basho, vẻ đẹp tinh tế của các thắng cảnh mà nhà thơ đã đi qua được mô tả khiến cả thế giới cho đến nay vẫn không tiếc lời ca ngợi. Các địa danh trên con đường Đông Bắc mà Matsuo Basho đi qua được ông mô tả trong hàng trăm tác phẩm thơ haiku nay được đưa vào danh sách những danh lam thắng cảnh lịch sử “Dấu chân của Basho” trong sách “Cool Japan”[2](“Nhật Bản thú vị”).

松島の月まず心にかかりて[3](Matsuo Basho)
Matsushima no / tsuki mazu kokoro / ni kakarite
Ánh trăng / Tùng Đảo / rơi vào tim tôi. (Quỳnh Như dịch)

Tùng Đảo là vịnh Matsushima nằm ở vùng Đông Bắc Nhật Bản, danh lam thứ hai trong “Nhật Bản tam cảnh” – nơi nhà thơ Basho để lại nhiều bài thơ haiku diễn tả vẻ đẹp đầy quyến rũ không nói nên lời của những đêm trăng. Basho cho rằng “Lúc ấy ta cảm thấy tràn trề một cảm giác thần bí trên đường du lịch trong sự che chở của thiên nhiên[4]. Bài thơ không cần mô tả rõ ràng về vẻ đẹp của đêm trăng tại vịnh Matsushima mà thể hiện thật lắng đọng và để lại suy tư cho người đọc.

Đọc đến bài thơ này, lại nhớ đến bài thơ haiku nói về vịnh Matsushima (Tùng Đảo). Bài thơ chỉ lập đi lập lại từ “Matsushima” chứ chẳng mô tả gì hơn. Dường như một vẻ đẹp đến mức nhà thơ không tả nổi nên lời, khiến Matsushima lại trở nên danh thắng tiềm ẩn vẻ đẹp mà ai cũng mơ ước một lần được đến thăm.

松島やああ松島や松島や (Tahara Bo)

Matsuhima ya / aa matsushima ya / matsushima ya
A Matsushima / kìa Matsushima / Matsushima đó (Quỳnh Như dịch)

Đây là bài thơ của Tahara Bo (田原坊) cuối thời kỳ Edo, chỉ vỏn vẹn vài ba từ để khắc họa lại bức tranh thiên nhiên huyền diệu tại vịnh Matsushima. Nhà thơ Matsuo Basho đã đặt chân đến vịnh Matsushima và để lại nhiều bài thơ haiku ẩn ý thổn thức về hình ảnh của vùng vịnh này nên nhiều người đã lầm tưởng bài thơ Matsushima nói trên là của Matsuo Basho. Hóa ra đọc thơ haiku theo đúng nghĩa là phải bắt gặp cho được hình ảnh mà tác giả chất chứa tình cảm trong đó. Basho từng nói trong “Haiku thập luận” rằng “Không phải dùng tai để nghe thơ haiku, mà phải dùng mắt để nhìn thấy nó[5].

Với triết lý sâu sắc của mỹ học thị giác thơ haiku, mà thời nay, sự thành công trong mẫu mã của các sản phẩm thương mại còn được cho là ảnh hưởng sâu sắc của triết lý này. Nhiều người đều biết rằng sản phẩm Apple luôn nổi tiếng về chất lượng thiết kế và sự tinh tế trong từng chi tiết nhỏ nhất đều gắn với huyền thoại Steve Jobs. Ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của thiết kế và hiểu biết vai trò thiết yếu của tính thẩm mỹ trong việc thu hút công chúng trong làng công nghệ thế giới, để đến nay toàn ra những thiết kế siêu việt, thiết kế của tương lai.

Steve Jobs, cựu Tổng giám đốc điều hành hãng Apples, được cho là ảnh hưởng sâu đậm của triết học Zen. Vẻ đẹp của các mẫu mã sản phẩm Apples có được là chính nhờ vào hiệu quả của sự chắt lọc của những gì thừa thải, dường như giống như thế giới thơ haiku của Basho, đã giúp tạo nên sự sâu lắng và giản dị tức thì. Điều này càng trở nên quan trọng hơn về sự cùng tồn tại với thiên nhiên trong thế kỷ XXI. Và triết lý Zen của Matsuo Basho sẽ ngày càng được nhiều người quan tâm hơn[6].

  1. 2. Tinh tế “chắt lọc” thi pháp kigo

Trong thơ haiku, từ chất liệu ngôn từ đến thi pháp mô tả đều rất cô đọng và giản dị. Một trong những thi pháp truyền thống của thơ haiku là yêu cầu phải có “kigo – 季語”(quý ngữ). Càng đi sâu vào tìm hiểu thơ haiku, càng hiểu rõ hơn rằng ẩn chứa đằng sau kigo là cả thế giới mênh mông về tập quán văn hóa, lễ nghi, đời sống tâm linh của Nhật Bản gắn bó mật thiết với thiên nhiên.

Kigo không chỉ là quý ngữ để phân biệt sự chuyển dịch của mùa, thời tiết mà là những thuật ngữ biểu lộ “cảm quan về mùa” (季感) trong đời sống và văn hóa. Ví dụ, tại Nhật Bản “trái hồng” là quý ngữ về văn hóa ẩm thực của mùa thu, “nhập học” là quý ngữ về đời sống con người trong mùa xuân. [7]

Mỗi từ kigo đều là các quy ước mang thuộc tính riêng của nó. Vậy thì trong một bài thơ haiku, để nói về một mùa, có thể sử dụng được bao nhiêu kigo? Nhất là những bài thơ haiku vào mùa “trăm hoa đua nở” như mùa xuân, khiến người sáng tác có thể “không cầm lòng được”, đã tức thời tạo nên chỉ một bài thơ mà đầy “trăm hoa đua sắc”.

あじさいの車窓に弾ける露の音 (Yunaku)

Ajisai no / kuruma mado ni hikeru / tsuyu no oto

Hoa tú cầu / cửa sổ xe / vẳng tiếng sương (Quỳnh Như dịch)

Có thể tác giả bài thơ hoa Ajisai (cẩm tú cầu) muốn đưa người đọc liên tưởng đến hình ảnh hoa tú cầu (hình ảnh của mùa hè) lung linh vào sáng sớm khi còn đọng lại những giọt sương (biểu tượng của mùa thu). Chiếc xe chạy ngang đã làm hoa tú cầu giật mình choàng tỉnh giấc, rung rinh khiến những giọt sương văng vào cửa xe đang chạy. Vậy trong bài thơ muốn nói đến cả hai mùa: hè và thu chăng? Cũng có người Nhật đã nói rằng, thơ haiku không chỉ nói về thiên nhiên của bốn mùa, mười hai tháng mà đến hai mươi bốn tháng. Vì sao ư? Giống như bài thơ ở trên, khi mùa hè chưa kịp qua, mủa thu đã sớm đến. Một hình ảnh rất bình thường về sự chuyển giao mùa cơ mà.

Bà Natsui Itsuki – Chuyên gia hiệu đính thơ haiku nổi tiếng của Nhật Bản thường xuất hiện trên đài truyền hình Nhật Bản trong các chương trình “Giờ học Haiku” đã đánh giá bài thơ đã mắc phải lỗi rất dễ thường gặp đó là “季重なり(kijuu nari – trùng lắp kigo)”. Hiện tượng thường gặp là trùng hai kigo của hai mùa khác nhau, giống như bài thơ ở trên: “ajisai” (Hoa tú cầu) là kigo của mùa hè và “tsuyu” (sương) là kigo của mùa thu.

Mặc dù đánh giá bài thơ hoa “ajisai” lắng đọng với cái kết khá hay là “tiếng sương”, nhưng để tránh sử dụng kigo của hai mùa khác nhau, bài thơ đã được Natsui Itsuki hiệu đính bằng cách thay giọt sương bằng giọt nước:

あじさいの車窓に弾け飛ぶ雫 (Yunaku)

Ajisai no / kuruma mado ni hike/ tobu shizuku
Hoa tú cầu / văng giọt nước / gõ cửa xe (Quỳnh Như dịch)

Bên cạnh đó, thường mắc lỗi nhiều nhất là trùng nhiều kigo của một mùa vào một bài thơ. Vào mùa xuân khi có rất nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc, cũng là lúc người sáng tác dễ “khó kiềm chế cảm xúc” và thốt lên mô tả cả hình ảnh trăm hoa đua sắc đang nhìn thấy trước mắt.

Ví dụ nhiều thuật ngữ về cùng một mùa xuân như “xuân – hoa mơ”, “xuân – hoa mai”, “hoa đào – hoa đỗ quyên”, “xuân – chim oanh” rất vô tình được người sáng tác đưa vào cùng một bài thơ. Hoặc sử dụng các kigo khác mùa vào cùng một bài thơ như “hoa đào – bướm bay” (con bướm là kigo của mùa hè)…Chưa kể, những quý ngữ này chỉ nên được mô tả “như chính chúng”, không nên bổ sung “gia vị cảm xúc” gì thêm. Cũng theo chuyên gia Natsui Itsuki, một khi đã là “nikko -日光 (nắng vàng)” thì cớ gì phải thêm “照らし – terashi (chiếu sáng chói chang), hoặc khi “mai vàng bung nở”, có thừa thãi quá không khi tô điểm thêm “rực rỡ đón xuân sang”. Thay vào đó hãy để người đọc suy ngẫm cùng người sáng tác.

Trước những bài thơ haiku trùng kigo này, người đọc dễ cảm thấy nặng nề, ngộp thở với sự “hào phóng” của các mùa trong một bài haiku, bởi “bản chất” của thơ haiku là “kiệm lời”, “nói ít hiểu nhiều” (thậm chí nói ít đến mức khó hiểu hoặc không hiểu nổi). Các chuyên gia thơ haiku Nhật Bản còn cho rằng không khó nhận ra sự chưa thấu hiểu cái bản chất cơ bản của thơ haiku nếu vấp phải những lỗi như thế.

Chuyên gia Natsui Itsuki dí dỏm ví von “Haiku như một sân khấu nhỏ bé, trên đó có một nhân vật chính với bốn bề kẻ địch là các ngôn từ, thuật ngữ. Vốn đã nhỏ bé trên sân khấu chỉ vỏn vẹn 17 âm tiết, mà lại đến hai hoặc thậm chí ba, bốn nhân vật chính (quý ngữ – kigo) thì hỡi ôi biết đâu mà lần[8].

Tạp chí “俳句αあるふあ”(Haiku Alpha)số tháng 4-5, 2017 đưa ra những nguyên tắc chính để đánh giá bài thơ haiku tiếng Nhật như sau[9]:

  1. Chỉ sử dụng một kigo
  2. Tính biểu hiện đơn giản
  3. Tránh sử dụng thuật ngữ mang tính đương nhiên
  4. Chỉ tập trung vào một vấn đề
  5. Không viết thành 3 dòng
  6. Có thể dễ dàng thay đổi thứ tự giữa các từ
  7. Trọng tâm vào một điểm trong bài
  8. Chỉ nên sử dụng một động từ
  9. Tránh biểu hiện mang tính tranh luận

10. Sử dụng số ít thay vì số nhiều

Cũng nhờ sự tinh tế biểu cảm này, mà bài thơ “con ếch” dù qua hàng trăm thế kỷ, vượt qua bao biên giới, nhưng vẫn thu hút biết bao người đọc nghiễn ngẫm, dịch đi dịch lại để khám khá những hình ảnh ẩn ý đến mức muốn hiểu rõ chắc phải “đành hỏi tác giả”.

古池や蛙飛び込む水の音(Matsuo Basho)

Furu ike ya / kawazu tobikomu / mizu no oto

Ao cũ / con ếch nhảy vào / tiếng nước (Quỳnh Như dịch)

Hình ảnh của bài thơ con ếch này cũng giống như một sân khấu thu nhỏ vậy. Nơi đó, có bối cảnh là “ao cũ” (setting), nhân vật chính “con ếch” (character) với hành động “nhảy vào” (act, plot), và kết quả “tiếng nước” là chủ đề hình ảnh (image) đã được thu gọn trong bài thơ 17 âm tiết[10]. Bài thơ không cần ồn ào mô tả “ao xưa” như thế nào, “tiếng nước vang xa” đến đâu, “đàn ếch, hay một con ếch” nhảy vào, ấy vậy bài thơ đã lôi cuốn biết bao nhiêu người trên thế giới. Chỉ với vài ba từ dung dị “ao – ếch – nước”, đến nay bài thơ đã được dịch qua hơn 100 bài tiếng Anh[11]. Hình ảnh mô tả (chủ đề của bài thơ) của tác giả không biểu lộ rõ rệt mà được nén chặt, che lấp cuộc vận động không ngừng của một thế giới tiềm ẩn đằng sau sự tĩnh lặng của ngôn từ được chắt lọc một cách siêu việt nhất.

Cũng với bài thơ con ếch vỏn vẹn đôi ba từ như thế, năm 1993, Lee O -Young đã xuất bản cuốn sách với tựa đề là câu hỏi “はなぜ古池むか (Tại sao con ếch lại nhảy vào ao cũ)” để đi tìm những ẩn ý quá thầm lặng trong bài thơ. Và tác giả đã kết luận rằng “Tất nhiên bài thơ con ếch đang được lưu truyền rộng rãi khắp thế giới. Nhưng quả thật đây lại là bài thơ mà chẳng ai biết gì về nó cả[12] . Phải chăng, thế mới là thơ haiku?

  1. 3. Vận mệnh tương lai thơ haiku: Tinh tế tức thời với thời đại

Từ khi được định hình đến nay, cùng với sự phát triển của thời đại, thơ haiku trải qua bao giai đoạn thăng trầm của sự phát triển, cách tân, biến đổi và thăng hoa. Những quy tắc của thơ haiku có thể thay đổi, thể thơ haiku có thể linh động không nhất thiết phải 5-7-5 âm tiết, có những lúc thơ haiku cũng chẳng cần kigo để được gọi là “muki 無季” (vô quý – không kigo). Tất nhiên thôi, nhất là trong xã hội đầy năng động mang tính toàn cầu hóa.

Ngày nay, bên cạnh phát triển ổn định tại Nhật, thơ haiku đang đến với ngày càng nhiều quốc gia. Để làm được điều đó, hẳn có lý do của nó. Phải chăng đó là nhờ haiku vẫn luôn dựa trên nền tảng của tính truyền thống vốn có nhằm tránh những sự ngộ nhận không đáng có cho thế hệ haiku thời sau này. Điều này cũng giống như, nếu không khéo, sẽ mắc phải loạt quy phạm về kigo, và các lỗi khác như “言葉の無駄遣い – Sử dụng ngôn từ một cách phí phạm[13]. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn tiếp tục khẳng định “Haiku là văn học của “kata”(khuôn mẫu) [14].

Sự lặng lẽ đầy tinh tế ấy, đôi lúc khiến cho người đọc thơ haiku gặp không ít khó khăn trong quá trình nắm bắt những đề tài mà nhà thơ muốn truyền đạt.

Chuyên gia Natsui Itsuki đã khuyên “hãy đặt thơ haiku lên vai bằng cái cơ bản nhất[15]. Ngay cả ngày nay, các Hội thơ haiku Nhật Bản khi sinh hoạt sáng tác và bình chọn thơ haiku, đều yêu cầu tuân theo những yếu tố truyền thống cơ bản. Tất nhiên, các tính truyền thống đó đang được tiếp biến hay thay đổi như thế nào, cũng được các chuyên gia cập nhật và phổ biến cho hội viên. Cách hiệu đính các bài thơ haiku như ví dụ ở trên xuất hiện đều đặn trên các chương trình “Giờ học haiku”, hoặc trong các trang sách “Hiệu đính haiku”, trong đó có công khai tên người sáng tác và người hiệu đính. Làm được điều này góp phần giúp người đến với thơ haiku luôn nhìn nhận đúng những giá trị thẩm mỹ trong biểu hiện cảm xúc, cách thể hiện và nhằm tránh ngộ nhận rằng chỉ cần ngắn gọn, có hình ảnh thiên nhiên là có haiku.

Bên cạnh đó, để tránh trường hợp sử dụng trùng lắp kigo, các hội haiku Nhật Bản liên tục xuất bản những từ điển kigo mới, hoặc trên các tạp chí thơ haiku mỗi kỳ, mỗi tháng đều có hạng mục “Kigo tháng này”, “Kigo mới”…để giúp người sáng tác lẫn người đọc nhận định được đâu là kigo, để sử dụng cho đúng. Vì mỗi mùa, mỗi thời tiết, có rất nhiều thuật ngữ về hoa trái, cây cảnh, đời sống, văn hóa…nếu người sáng tác không nhận diện được sẽ vô tình sử dụng mà không biết rằng mình đang sử dụng thừa thãi.

Dưới đây là một thuật ngữ kigo “kearashi” trong “Từ điển Saijiki (tuyển tập kigo) đương đại (現代俳句歳時記)” được “Hội đồng biên tập Saijki hiện đại” xuất bản năm 1999.

けあらしに水際知らぬ声を出す (Quỳnh Như)

kearashi ni / mizugiwa shiranu / koe wo dasu

Lờ mờ hơi nước / biết đâu bến bờ / cất tiếng kêu (Quỳnh Như dịch)

Tác giả bài thơ trên sử dụng quý ngữ “kearashi” (tạm dịch là “làn hơi nước”), được lấy từ trang 704 của “Từ điển Saijiki (tuyển tập kigo) đương đại.  Nhưng thật ngạc nhiên, khi bài thơ được công bố năm 2015 trước các Hội thơ haiku của Nhật Bản ở Kyoto, Tokyo thì hầu như ít ai biết đến quý ngữ này.

Thì ra “kearashi” là thuật ngữ được sử dụng nói về thời tiết tháng 12 ở vùng Đông Bắc, nhiều nhất là ở Hokkaido khi khí hậu trở lạnh làm mặt nước, mặt biển bốc hơi khói (giống như trời lạnh người thở ra khói vậy). Hiện tượng này lại ít được thấy ở các vùng khác, vì thế nhiều người Nhật không biết đến là vậy.

Chính vì thế, các nhà haiku Nhật Bản cho rằng thơ haiku còn mang một trọng trách quan trọng khác là truyền bá và nuôi dưỡng ngôn ngữ tiếng Nhật. Bởi có thể thế hệ trẻ ngày nay chưa từng biết đến nhiều thuật ngữ kigo từ thời xa xưa, hoặc ngay cả nhiều người Nhật ngày nay cũng chưa từng trải nghiệm những hiện tượng thiên nhiên kỳ ảo ngay trên quê hương mình như trường hợp “kearashi”.

Giá trị của thơ haiku còn là thế. Sự tinh lọc những gì xảy ra trong thiên nhiên, trong cuộc sống, tình cảm con người được gửi gắm vào thơ haiku một cách tinh tế, khéo léo, nhẹ nhàng, lẳng lặng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, rồi từ Nhật Bản đến với nhiều quốc gia khác nhau.

Theo truyền thống, thơ haiku thường được định nghĩa là “thơ thiên nhiên (俳句は自然詩[16])”. Nhưng không chỉ có thế, theo Kyorai – học trò xuất sắc của Basho, “Thơ haiku của Basho không chỉ có thiên nhiên bốn mùa, mà còn sâu lắng tình cảm nói về tình yêu, về danh lam thắng cảnh, những chuyến du hành, và cả sự ly biệt. Nhưng không vì thế mà cho rằng thơ haiku của Basho là không có yếu tố “ki (Quý – mùa)[17].

Hóa ra trong thơ haiku của Basho cũng chan chứa tình yêu về con người, khoảnh khắc và thiên nhiên. Chính những địa danh, những thời khắc của nhà thơ là những từ khóa đầy ẩn ý về sự vận chuyển của con người tạo nên không gian và thời gian thiên nhiên ấy. Đó là sự vận động giữa “Con người – Không gian – Thời gian”, mà trong đó, “Con người” (Cảm xúc của tác giả) luôn được nén chặt, che giấu. Nhiều người đã cho rằng thơ haiku chỉ chủ yếu nói về thiên nhiên, nhưng mấy ai có thể ngờ rằng ngay cả nhà thơ Matsuo Basho đã từng say đắm đề tài về “tình” về “yêu” trong thơ haiku. “Tình và Yêu đó là sức mạnh của thơ haiku. Trong quý ngữ haiku, có rất nhiều thuật ngữ nổi tiếng. Tình và Yêu có nghĩa rất rộng, từ tình yêu thiên nhiên đến tình yêu giữa con người với con người, và cả tình yêu nam nữ”[18]. Thậm chí, “Thơ haiku còn được gọi là thơ tình (詩情)[19]”.

ユニセフへ募金送金冬ぬくし(柘植草風Tsuge Sofu)[20]

Gửi Unicef / tiền quyên góp / thanh thản mùa Đông (Quỳnh Như dịch)

Hay nói cách khác, thơ haiku đang mang trong nó một sứ mệnh “truyền bá ngôn ngữ và văn hóa”. Và cũng vì thế, Nhật Bản đang chuẩn bị để đưa thơ haiku lên một tầm cao mới: Đăng ký Di sản văn hóa thế giới với UNESCO.

Ngày nay, thơ haiku đã chạm cửa đến với hơn 70 quốc gia[21] . Mỗi quốc gia đón nhận và tiếp biến tùy theo đặc trưng của văn hóa và ngôn ngữ của mỗi nước. Nhưng không vì thế, những giá trị tinh tế của haiku Nhật Bản bị lu mờ. Chủ tịch Arima Akito – Hiệp hội Giao lưu quốc tế haiku, đã từng nói rằng:

Chủ đề của haiku có trong cảm quan thiên nhiên và cuộc sống con người…Haiku còn có sức mạnh giáo dục cho thế hệ mai sau. Chính sự biểu lộ tình cảm một cách tinh tế thông qua ngôn từ giúp nâng cao năng lực thể hiện, trở thành sự tôi luyện tối giản các suy nghĩ của bản thân. Tại Mỹ, haiku được đưa vào giờ học cũng là nhằm nâng cao năng lực biểu hiện của trẻ em. Nếu trở thành di sản văn hóa của Unesco, haiku sẽ có vai trò nâng cao năng lực ngôn ngữ không chỉ cho trẻ em Nhật Bản, mà còn trẻ em trên toàn thế giới.[22]

Lời kết

Ngôn ngữ thơ haiku được cho là mênh mông và sôi động như biển cả. Biển thì có các tầng nước khác nhau: nổi trên mặt biển, lưng chừng dưới biển và chìm sâu dưới đại dương. Cũng có thể ví von rằng trong thơ haiku, những từ ngữ thịnh hành trong giới trẻ như đang là đà nổi trên mặt biển ai cũng thấy; còn từ ngữ thông dụng trong đời sống thường nhật đang chìm nổi giữa dòng nước; và đang lắng sâu dưới đáy biển chính là các vấn đề giữa quy tắc và bất quy tắc của 5,7,5 âm và thơ dư từ, giữa kigo và không cần kigo….

Tất nhiên, biển là phải có sóng, những cơn sóng lúc thì hiền hòa đôi khi thật dữ dội nhưng sau mỗi lần sóng rút đi, biển lại trở về với sóng vỗ bình yên. Trong thơ haiku, những cơn sóng bất chợt ấy là các bước cách tân, đột phá trên tinh thần “phá vỡ là một bước tiến của bảo tồn”. Nhờ tinh thần ấy, thơ haiku luôn phát triển đa dạng, chấp nhận những thay đổi để thích ứng với mọi thời đại. Sự phát triển rầm rộ ra nước ngoài của thơ haiku cũng là một minh chứng vị thế của một thể loại thi ca lớn của Nhật Bản, mang trong nó giá trị phương Đông và cả phương Tây và sự tự hào của các thi pháp nghệ thuật.

Cũng như đời sống văn hóa, thơ haiku luôn tức thời với thời đại. Những nguyên tắc truyền thống duờng như bất di bất dịch trong thơ haiku luôn được vận động, kết tinh, nhờ đó thơ haiku luôn được làm mới (renewed). Xin mượn lời của chuyên gia thơ haiku Inui để kết cho bài viết này 俳句非常しい形式文芸 – Haiku là thể loại văn chương vô cùng mới.”[23]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Nam Trân (dịch và bình chú) (2016), Okuno Hosomichi – Con đường hẹp vào chiều sâu tâm thức, NXB Hồng Đức
  2. Akio Arima (2016), “俳句で世界を平和に(Haiku và hòa bình thế giới)” , 『HI 2016第126号』, Tạp chí Hiệp hội Giao lưu quốc tế thơ haiku, số 126/2016)
  3. Fukumoto Ichiro (1979), “芭蕉の美意識” (Ý thức thẩm mĩ của Basho), Ishikawa Shobou, Japan.
  4. Fukumoto Ichiro (2014) , “俳句と川柳”(Thơ haiku và thơ Senryu), Kodansha.
  5. Gekkan Haikukai (2015) (月刊 俳句界, September No.230, 2015) (Nguyệt san Thế giới thơ haiku Số 230, 9/2015), Bungaku no mori, Tokyo.
  6. Inui Hiroyuki (2002), “俳句の本質” (Bản chất Haiku) , 関西大学出版部(NXB ĐH Kansai)
  7. Ishi Kanta (2017), “俳句αあるふあ4-5/2017 No 159” (Haiku Alpha), Mainichi Shinpun Shuppan.
  8. Lee O -Young (1993), “蛙はなぜ古池に飛び込むか” (Tại sao con ếch lại nhảy vào ao nước cũ), 学生社 (Gakusei Sha).
  9. Natsui Itsuki (2015), “俳句教室”(Lớp học Haiku), NXB Asahi.
  10. Ogure Kouhei (2004), “俳句の国際化, No 55/2004” (Quốc tế hóa thơ haiku, Tạp chí Hiệp hội Giao lưu quốc tế thơ haiku, số 55/2004), 国際俳句交流協会出版 (Hiệp hội Giao lưu haiku quốc tế)
  11. R.H. Blyth (1981-1982), “Haiku Volume 1~4: Eastern Culture, Spring, Summer-Autumn, Autumn-Winter”, The Hokuseido Press Tokyo, Heian International South San Francisco.
  12. Sumiko Kajiyama (2013), “Cool Japan: A guide to Tokyo”, Kyoto, Tohoku and Japanese culture past and present, New York: Museyon.
  13. HI Senshu (Tuyển thơ haiku) “HI 2017 No.129”, Tạp chí HI Haiku – Hiệp hội Giao lưu quốc tế thơ haiku, số 129/2017.


Ghi chú:

[1] Tác phẩm Oku no hosomichi – 奥の細道được dịch ra tiếng Việt với nhiều tên gọi khác nhau. Tác giả bài viết tự dịch và chọn tên gọi “Thăm thẳm con đường hẹp” dựa trên ý nghĩa của từ Oku (sâu thẳm) và cảm xúc trải nghiệm khi khám phá các nẻo đường đã khắc ghi dấu ấn của tác phẩm.

[2] Sumiko Kajiyama (2013), Cool Japan: A guide to Tokyo, Kyoto, Tohoku and Japanese culture past and present, tr.210.

[3] Theo Nhật Bản, nếu viết thơ haiku bằng tiếng Nhật, thì phải ghi hoặc theo chiều đứng liên tục từ trên xuống. Hoặc viết ngang thành một dòng, chứ không viết thành ba dòng.

[4] Nguyễn Nam Trân (dịch và bình chú) (2016), Okuno Hosomichi – Con đường hẹp vào chiều sâu tâm thức, tr.102

[5] Lee O-Young (1993), 「蛙はなぜ古池に飛び込むか」, tr. 210

[6] Sumiko Kajiyama (2013), Cool Japan: A guide to Tokyo, Kyoto, Tohoku and Japanese culture past and present, tr.207.

[7] Natsui Itsuki (2015),俳句教室(Lớp học Haiku), tr.12

[8] Natsui Itsuki (2015),俳句教室(Lớp học Haiku), tr.13

[9] Ishi Kanta (2017), 俳句αあるふあ4-5/2017 No 159 (Haiku Alpha), Mainichi Shinpun Shuppan, tr. 88

[10] Lee O-Young (1993), 「蛙はなぜ古池に飛び込むか」, tr.216

[11] Sumiko Kajiyama (2013), Cool Japan: A guide to Tokyo, Kyoto, Tohoku and Japanese culture past and present, tr.209

[12] Lee O-Young (1993), 「蛙はなぜ古池に飛び込むか」, tr.237

[13] Natsui Itsuki (2015),俳句教室(Lớp học Haiku), tr.57

[14] Natsui Itsuki (2015),俳句教室(Lớp học Haiku), tr.7-8

[15] Natsui Itsuki (2015),俳句教室(Lớp học Haiku), tr.8

[16] Fukumoto Ichiro (2014) , 俳句と川柳(Thơ haiku và thơ Senryu), tr.229

[17] Lee O -Young (1993), 蛙はなぜ古池に飛び込むか (Tại sao con ếch lại nhảy vào ao nước cũ), tr.216

[18] Kojima (2017), NHK Haiku, “Tình và Yêu – Đó là sức mạnh của thơ haiku”, tr.30.

[19] Fukumoto Ichiro (2014) , 俳句と川柳(Thơ haiku và thơ Senryu), tr.233

[20] Tsuge Sofu, HI Senshu (Tuyển thơ haiku) “HI 2017 No.129”, Tạp chí HI Haiku – Hiệp hội Giao lưu quốc tế thơ haiku, số 129/2017, tr.44.

[21] Ogure Kouhei (2004), 「俳句の国際化」『HI 2004第55号』(Quốc tế hóa thơ haiku, Tạp chí Hiệp hội Giao lưu quốc tế thơ haiku, số 55/2004), tr.2

[22] Akio Arima (2016), “俳句で世界を平和に(Tạp chí Hiệp hội Giao lưu quốc tế thơ haiku, số 126/2016), tr.4

[23] Inui Hiroyuki(2002), 俳句の本質(Bản chất Haiku), tr.392

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt