Thương thế, con ơi- Lê Văn Truyền

Thương thế, ngày khai trường

bé lớp một chào cờ

qua màn hình vi tính

Lê Văn Truyền

Hôm nay, ngày 5 tháng 9, ngày khai trường năm học mới!

Mở máy vi tính, nhìn hình ảnh bé lớp 1 mặc áo phông đỏ nghiêm trang đứng chào cờ Tổ Quốc trước màn hình vi tính, nhưng nét mặt và đôi mắt không dấu được nỗi buồn, tim tôi rung lên một niềm xúc động khôn tả, nghẹn ngào và nước mắt chực trào.

Năm 1945, sau Cách mạng tháng 8 thành công, tôi được bà ngoại dắt tay đưa đến thầy giáo làng để học “vỡ lòng”. Lớp học ngay trong ngôi nhà tranh của thầy, bảng đen là cánh cửa gỗ và bàn học cũng là cánh cửa gỗ đặt trên mấy cái cọc tre. Khi bà tôi lễ phép gửi tôi cho thầy xong và quày quả trở về, tôi òa khóc vùng ra khỏi lớp và chạy theo bà. Thế nhưng, khi vào lớp Nhất và sau này đã biết đọc tôi nhớ mãi truyện ngắn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh… “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…” và “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi sáng mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”…

Ngày khai trường, ngày “khai tâm” là cột mốc không thể quên trong cuộc đời của một con người dù đó là một công dân bình thường, của một nguyên thủ quốc gia hay một nhà bác học…

Hôm nay, sau những ngày nắng bỏng, Hà Nội đã trở mát với nắng vàng và gió thu. Nhưng hàng triệu học sinh không được nao nức vui ngày tựu trường, vui gặp thầy cô và bè bạn sau đợt giãn cách xã hội lần thứ tư kéo dài gần 4 tháng.

Có lẽ ngày khai trường năm nay là ngày khai trường chưa từng có đối với các bé thế hệ 10X và  trong lịch sử ngành giáo dục Việt Nam, kể cả trong thời kỳ chiến tranh. Thế nhưng, một đại dịch quy mô chưa từng có trong lịch sử nhân loại lần này buộc chúng ta phải có cách ứng xử mới với những tập quán truyền thống.

Khả năng thích ứng chính là vũ khí để nhân loại tồn tại.

LVT

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt