Vô tình đọc bài Haiku nhẹ nhàng, không thể không nói đến như một ám ảnh khôn nguôi.
Ai cũng biết, thơ haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới. Ngắn, là nhẹ hóa, là để đạt tới độ toàn bích. Trong sự toàn bích ấy có tính khinh thanh, tôi muốn nói đến bài thơ nhẹ tênh như làn gió thoảng của Haijin Lê Thị Bình:
hòa bình
tìm
trong mong manh
Hòa bình là hai từ lớn như quả đất. Nặng như quả đất!
Thế mà nhẹ nhàng, uyển chuyển, thơ vụt đến như mũi tên, cắm phập vào đời sống. Đó là nghệ thuật dùng từ mà tác giả bài thơ này thể hiện.
Loài người đang tìm?
Và tìm ở đâu, là câu hỏi oằn trĩu gánh đời. Thử tưởng tượng bài thơ như chiếc đòn gánh, gánh hai đầu của nỗi tuyệt vọng.
Hòa bình là thứ mà nhân loại tìm cầu, tốn không biết bao nhiêu mồ hôi, máu, và nước mắt. Nhưng, để được hòa bình, thì hòa bình mong manh…
Vì sao hòa bình lại mong manh đến thế? Bản chất con người là ích kỷ, tham lam, si mê và sân hận. Vì vậy, Đức Phật đã đem ánh sáng giác ngộ răn dạy loài người diệt trừ tam độc: “tham sân si”. Nhưng như chúng ta đã biết, để đạt được trình độ ấy là điều bất khả. Thế giới chiến tranh tàn phá, hủy hoại môi trường, vũ khí hóa học, nạn khủng bố vv… luôn đe dọa cuộc sống, ngày đêm làm rạn nứt và phá vỡ hòa bình.
Bài thơ của Lê Thị Bình là một thông điệp cảnh báo. Chất mong manh đóng đinh vào tâm thức chúng ta, hòng nhắc nhở cái bản năng cố hữu là tham sân si dẫn đến cái dễ vỡ, cái bất thường của sự việc…
Chợt nghĩ, muốn có hòa bình chân thật, không gì hơn là chính chúng ta phải tự hòa bình với bản thân, gia đình, cộng đồng rồi mới ra toàn xã hội.
Bài thơ chỉ có sáu từ. Ngắn, mà đầy gợi mở. Phải chăng, tính gợi trong haiku gọn nhẹ như lời tự tình của nắng, đem đến cho kẻ lữ hành một niềm an trú dịu êm.
Thông điệp lớn trong một bài thơ nhỏ chính là: bình thường mà phi thường, nhỏ nhẹ mà lan tỏa biết bao. Đọc nó, ta bỗng yêu quá cái khoảnh khắc hồn nhiên, và trong sáng đến diệu kỳ của hòa bình, nguồn hạnh phúc đem lại sự an tĩnh trong tâm hồn!
Sài Gòn tháng 11.2017
NTN