
Là một họa sĩ, nhưng cũng đam mê thơ haiku, Phan Vũ Khánh trở thành hội viên của CLB Thơ haiku Việt Hà Nội. Vũ Khánh đảm nhận công việc vẽ minh họa cho Nội san Haiku Việt Hà Nội từ số đầu, trang trí cho “Gian Haiku Việt Hà Nội” tại Ngày Thơ Việt Nam tổ chức hằng năm ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám vào Rằm Tháng Giêng (Nguyên tiêu) và hai cuộc Tọa đàm Thơ Haiku Việt tổ chức vào năm 2014 và 2016 tại Hà Nội. Phan Vũ Khánh đã đăng thơ haiku trên Nội san Haiku Việt Hà Nội, trên trang web. Haikuviet.com và trên Tạp chí của WHA. Gần đây, họa sĩ Phan Vũ Khánh thực hiện một xê-ri tranh hoa sen trên giấy gió minh họa một số bài thơ haiku của các tác giả thành viên CLB Haiku Việt Hà Nội. Bài viết sau đây giới thiệu những nét chính về họa sĩ Vũ Khánh.
(Họa sĩ Phan Vũ Khánh tặng bức thư pháp cho Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nhật Hà Nội)
Thiên nhiên muôn thuở là đối tượng biểu đạt của (các loại hình và ngôn ngữ) nghệ thuật và là cứu cánh để người nghệ sĩ tìm về sự thanh thản và hòa bình nội tâm. Bởi thiên nhiên luôn vận động trong sự tĩnh lặng và tuân theo quy luật của tạo hóa. Từ xưa đến nay, nghệ thuật đã từng và tiếp tục vai trò tìm hiểu và thể hiện cái đẹp của tạo hóa trong sự thanh thản của mỗi người nghệ sĩ theo từng cung bậc khác nhau, tùy bối cảnh lịch sử của thời đại. Hiện thân của Tạo hóa, Thiên Nhiên biến đổi khôn lường, đồng thời ẩn hiện những chân lý không đổi. Chính điều đó khiến nhận thức của con người bối rối, không chỉ đôi lần mà liên tục ngỡ ngàng, không ngừng thúc giục sự khám phá. Càng khám phá con người càng thấy Thiên Nhiên đầy bí ẩn. Bởi nghệ thuật không khi nào thỏa mãn “lòng mình”. Chỉ để lý giải mối quan hệ CHÂN-THIỆN-MỸ, nghệ thuật đã từng vấp phải biết bao cản trở do các quan niệm/học thuyết nảy nở suốt chiều dài phát triển nền văn minh của nhân loại; và, vì vậy tự mình dựng nên những nghịch lý trong biểu hiện. Ở những “quãng nghỉ mỗi cung đường”, cũng là khi xuất hiện những “đột phá” về nhận thức thế giới khách quan, người ta bỗng nhận ra: thế giới quanh ta thật giản dị!; điều cần thiết tối hậu cũng là cứu cánh cho mỗi đời người, cho xã hội loài người – đó là sự thanh thản, là hòa bình nội tâm. Chỉ có điều, sau “mỗi quãng nghỉ” người ta nhận thấy: con người lại đi chệch hướng dẫn dắt của Tạo hóa, để tiếp tục hành trình lập lại trạng thái thanh thản mới trong bối cảnh mới.
Nguyên gốc ở Bình Định, Phan Vũ Khánh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Có thời gian xa thành phố, đủ độ cho Khánh thấm nỗi nhớ, nỗi yêu, để khi trở về đắm say nghiệp vẽ.
Phan Vũ Khánh rất say sưa vẽ Hà Nội. Ô Quan Chưởng là một “mảnh” đề tài. Mùa thu là một “mảnh” khác. Khi hai “mảnh” này áp vào nhau đã tạo nên cái riêng của Phan Vũ Khánh. Nét riêng này là sự gắn bó âm thầm và sôi nổi trong tình yêu Hà Nội mà Khánh trằn trọc nhóm ngọn lửa cho những bức họa bứt phá tông màu, đường nét.
Rất đỗi thân quen. Rồi, lại thấy có gì rất mới. Cảm xúc của người họa sĩ cho ta “cái mới” ấy; mỗi người một cách chẳng ai giống ai. Dường như màu thu củaÂÂ năm tháng nén vào ký ức người trai sinh ra tại Hà Nội bỗng bật lên sắc mới. Do vậy, biểu tả “cái cũ” mà không chìm sâu hoài niệm. Ấy là bởi giọt thu sau không hề giống giọt thu ngày nào thuở trước, khiến cho tình người không cũ theo nhịp bước thời gian. Những nét, những màu không lặp lại trong các bức họa cùng chung đối tượng. Ấy là bởi cảm xúc bắt được sự chuyển hóa mềm mại của màu thu tỏa lan thành cảnh sắc. Phong cảnh mà pha “chất” tĩnh vật, rồi không tĩnh. Vẫn cảm nhận được hơi thở nồng nàn của cuộc sống, sự vận động của cuộc đời. Tranh ấm áp. Sự ấm áp vượt ra ngoài khổ tranh. Cái tình nghệ sĩ hiện ra và giữ căn cốt ẩn tàng trong tranh. Tranh sẽ lâu bền.
Thời gian ngấm vào thành phố lên rêu phong. Mùa đắp đổi thay màu áo. Và, sự cảm nhận của mỗi người lại nhân lên độ tươi rói trong mỗi góc, từng chiều ngẫu hứng. Tranh của Phan Vũ Khánh có độ ngẫu hứng cảm theo mùa. Những giọt thu Hà Nội đằm vào mảng màu hồn nhiên, có phần phóng túng mà không lấn át nét cổ kính. Ô Quan Chưởng còn đây – còn đây dấu tích của những cửa ô trên đất kinh kỳ.
Đam mê vẽ hoa sen. Hoa sen, cũng như mọi sự vật đều tuân theo quy luật nhịp điệu – có sinh có mất. Xem tranh hoa sen của Vũ Khánh, ta có cảm tưởng tác giả đang dõi tìm nguyên nhân tạo nên cái đẹp mà tạo hóa gửi gắm, từ lúc đâm chồi nụ, xòe cánh hồng tươi, tỏa thơm hương ngát, cho đến kết quả thành đài và héo tàn màu đất. Nhịp điệu mùa cũng là vòng đời của một loài hoa đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội, nơi “chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” như Lý Thái Tổ đã chọn làm nơi định đô. Nhịp điệu mùa của hoa sen còn mang giá trị nhân sinh, nhân bản; bởi sự tồn tại của hoa sen từ lúc nẩy mầm đến khi rục xuống đều có ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống con người. Thưởng thức tranh hoa sen của Vũ Khánh, người ta luôn liên tưởng tới ý nghĩa và giá trị của hoa sen đối với tâm thức, với đời sống tâm linh của người Việt.
Khác với ngôn ngữ văn/thơ, ngôn ngữ hội họa “lặp” trong cùng đối tượng biểu đạt lại không “phạm” nguyên tắc, bởi góc nhìn, bố cục, đường nét, màu sắc ở tác phẩm sau không thể “trùng” với tác phẩm trước đó, mà phần nào “tả” được sự biến chuyển, đổi thay của đối tượng qua quy luật nhịp điệu thời gian và không gian. Điều đó có nghĩa: cái đẹp của một đối tượng bất kỳ cần phải được quan sát bằng con mắt tinh tế, linh hoạt của người nghệ sĩ, để bắt được thần thái của sự thay đổi đó, nếu không cái đẹp trong phút chốc tan biến vào vô tận, nhiều khi không trở lại.
Sắc tươi của sự sinh thành có thể đối lập với màu tàn lụi lúc cuối đời của loài hoa, nhưng hãy nhìn vào sắc độ biểu cảm từ trái tim nghệ sĩ thì mới cảm nhận sức sống của loài hoa đó. Hoa sen là vậy. Và, nghệ thuật biểu đạt là vậy. Bởi đời hoa cũng là đời người; mỗi quãng đời là một giá trị sống; ngay cả sự tàn lụi cũng vẫn có giá trị nhân sinh, nhân bản của sự luân hồi…
Có lẽ vì ý thức được điều đó nên trong tranh của mình, họa sĩ Vũ Khánh không quan ngại việc mô tả nhịp bước đời hoa. Âu đó là con đường tìm về sự thanh thản mà thiên nhiên cất giữ . Sự tĩnh lặng ấy là một phương thức vận động quan trọng do chính tạo hóa xác định.
Gần như cũng tâm thế đó, thơ haiku của Phan Vũ Khánh có những nét riêng, pha màu hội họa:
- Ấy da!/ mây vào nhà/ uống rượu ta
- Đói lòng đêm/ hương chả quyện/ cặp bánh dày
- Núp cây rơm/ chia thơm củ ấu/ nụ hôn đầu
- Lơ ngơ tóc bạc/ phố phiêu/ chiều rấp lối
- Rặng tre xào xạc/ xước cả mặt trời/ chiều chơi vơi
- Trong lồng ngực/ giọng oanh, yến/ tìm lại quên
- Lỡ mai rồi/ hoa loa kèn thổi mãi/ điệu kèn thổn thức sao đêm
- Chim bói cá/ trong đầm/ chuyện về sen
Và, khi minh họa các bài thơ haiku của các thành viên CLB Thơ Haiku Việt, Phan Vũ Khánh đã chọn hoa sen làm nền. Điều đó không chỉ nói lên ý thích của họa sĩ, mà đó còn là sự đồng điệu giữa người vẽ với người làm thơ, cũng chính là thơ và họa cùng đồng hành, cùng “nâng giấc” cho nhau, cùng chung nhau mục đích tôn vẻ đẹp CHÂN-THIỆN-MỸ.
Đường mưu sinh có thể còn chật vật, nhưng nghiệp vẽ đối với Phan Vũ Khánh thì “tung tăng” khắp phố phường. Trong Khánh luôn bề bộn hối hả để theo nhịp mùa đi trên mảnh đất đế đô ngày ngày đổi khác.
C.N.T