Thơ haiku tự bản chất là loại thơ ca không bờ cõi, mở cho tất cả mọi người, mọi xứ và mở cho tất cả mọi đề tài, mọi phong cách, mọi ngôn ngữ, ngoài ra nó còn vượt qua cái biện chứng gọi là nhã / tục (beyond the ga / zoku dialectic) kể từ khi Bashō du hành với thơ haiku.
Do đó, thơ haiku dễ dàng hòa nhập với mọi nền văn hóa, cả Đông lẫn Tây. Ở Việt Nam hiện nay, đón nhận và sáng tác thơ haiku đã trở nên một trào lưu.
Khi viết về haiku, nhà thơ lỗi lạc Octavio Paz xứ Mexico cho rằng nghệ thuật thơ haiku cũng giống như vườn đá ở chùa Ryōanji lừng danh, “nó mời ta tái sắp đặt vườn đá ấy và mở ra cho chúng ta những cánh cửa tham chiếu.” (the garden of Ryōanji… invites us to reorganize it and opens to us the doors of participation.)
Bản thân Octavio Paz (giải Nobel văn chương 1990) từng dịch Bashō cũng như từng sáng tác thơ haiku. Đây là một bài haiku tuyệt diệu của ông:
Ngày mở bàn tay
bay ra ba áng mây
và những lời thơ này
( The day opens its hand
three clouds
and these few words )
Thơ haiku thường nói bằng những hình ảnh trong vắt như thế mà lại đầy gợi mở và cuốn hút ta vào một thế giới như mới vừa được sáng tạo. Đấy là bàn tay của ai? NGÀY (the day) nhưng ngày vừa có thể là khoảnh khắc vừa có thể là vĩnh cửu, trong đó mây được sáng tạo và thơ được sáng tạo.
Nếu như Bashō biết được có “ngày” trên thế giới, người ta làm thơ haiku như thế này thì tôi tin ông sẽ hoan hỷ vô cùng!
Cũng có nhiều nhà thơ lớn khác bên ngoài Nhật Bản sáng tác thơ haiku trên một tầm cao, như Tomas Tranströmer xứ Thụy Điển (giải Nobel văn chương 2011). Và bài thơ của ông cũng liên quan đến những hình ảnh “mở”:
Nhà, đường sá, bầu trời
và núi đồi, vịnh đá
mở toang cửa sổ rồi
( Houses, roads, skies,
fjords, mountains
have opened their windows )
Những cánh cửa của Paz cũng như của Tranströmer đều mở như chính linh hồn thơ haiku. Ở đấy, những hình ảnh nhân tạo và thiên nhiên hòa lẫn vào nhau, vô sai biệt. Nhà và đường phố có cửa để mở nhưng cả núi, vịnh đá và bầu trời cũng có những ô cửa sổ để mở. Tâm hồn con người cũng có những ô cửa như thế, mở và nhìn ra bốn phương.
Ở Việt Nam, một câu thơ Kiều đôi khi có thể sắp xếp (tái sắp xếp) theo hình thức một bài haiku:
Cửa trời
rộng mở
đường mây
Khi ta sắp xếp như thế, đưa câu thơ ra khỏi văn bản Truyện Kiều, cho đứng độc lập lối này, nó bỗng khơi gợi nhiều ý nghĩa mới bất ngờ. Trời mở cửa, ngày mở cửa và mây bắt đầu lên đường, bắt đầu phiêu du, tự sáng tạo con đường và hình thể của chính mình. Đây cũng là một cách tập Kiều.
Thơ ca là cánh cửa của tâm linh. Nhưng tâm linh ở đây không mang tính siêu hình gì cả vì cánh cửa ấy gắn liền với đời sống mỗi ngày.
Với số từ ít ỏi, một bài haiku đọc lên nghe như một dư âm, một tiếng vang. Thế mà ở Nhật, trong thế kỷ hai mươi, thà thơ Santōka đôi khi rút gọn thể haiku truyền thống 17 âm tiết thành một câu tuyệt ngắn, như bài sau đây chỉ có đúng 7 âm:
Oto wa shigure ka
Âm vang ấy là mưa thu chăng?
Âm vang ấy, tiếng ấy có thể là sấm mùa thu đi trước mưa rào mà cũng có thể không, ai biết được? Đó có thể là thứ âm thanh có thể sáng tạo ra mưa thu hoặc là một thứ âm thanh vô nghĩa nhưng ai biết “vô nghĩa” là gì? Có một âm thanh từ xa và nó đang đến với ta, đem đến hy vọng hoặc u buồn. Có một âm thanh như thế mỗi ngày nếu ta chịu lắng nghe, thế thôi. Bài haiku chỉ có 7 âm tiết ấy cũng là một âm vang báo biểu thơ haiku có thể hóa thân thành nhiều dạng thể khác nhau.
Vì thơ ca là sáng tạo.
Và haiku là thơ của những ô cửa mới, thơ của những bờ bến mở.
NC