Tâm hồn hoan lạc- Nguyễn Thánh Ngã

alt

alt

” Nuit dans les champs

je cours après le silence

d’une luciole”

– Đêm trên cánh đồng

tôi thả hồn theo cánh bay im lìm

của con đom đóm

(Zlatka Timenova – Đinh Nhật Hạnh chuyển ngữ)

Nữ GS.TS Zlatka Timenova sinh năm 1949, người Bồ Đào Nha, được biết là khách thơ quý mến của CLB Haiku Hà Nội. Ông bà đã đến Việt Nam, thăm danh lam thắng cảnh Thủ đô, và để lại nhiều cảm tình trên đất nước chúng ta. Mới đây, bà đạt giải ba danh giá Cuộc thi thơ Haiku Châu Âu của Unicef năm 2019, với bài thơ trên….

Bài thơ là một thử thách, bởi nó đem đến cho người thưởng ngoạn chút ngỡ ngàng, khó hiểu của hàng rào ngôn ngữ, và người dịch cũng là một thử thách! Nhưng với tình yêu bao la, thơ đã giúp tôi vượt qua tất cả, để chìm vào không gian văn hóa của nước bạn, mà nhận ra sự gần gủi của ý thơ. Đó là niềm hạnh phúc, vì thơ đã đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn, cảm thấu nhau hơn.

Với “đêm trên cánh đồng”, đã mở ra bầu không khí thoáng đãng, chất thơ có cơ hội bay vào vũ trụ, hòa vào thiên nhiên. Chính lúc đó, trong chiếc lều lẻ loi giữa cánh đồng mênh mông, người thơ đã trông thấy con đom đóm khi hướng mắt lên bầu trời đêm…

Vâng, bầu trời đêm là những khoảng tối vô tận, con người cảm thấy nhỏ bé trước thiên nhiên kỳ vĩ. Vị sứ thần thứ nhất mang ánh sáng cho thế gian là Mặt trời, đã chìm vào giấc ngủ, chìm vào dải thiên hà lạnh lẽo thâm u, không một lời để lại. Cảm giác thật cô đơn, nhưng cũng đầy thơ mộng, nhà thơ liền tự nghĩ: “Tại sao ta không thả hồn bay theo con đom đóm tự do kia, để bầu bạn nhỉ”? Ý nghĩ của thi nhân thật lãng mạn, và nhanh như chớp, ý nghĩ đó đã bám lấy vị thiên thần tuyệt mỹ của đêm đen. Là loại thơ kiệm lời, haiku đã giúp nhà thơ thực hiện một phép lạ: “xuất hồn” để bay theo một sinh vật khác mà không cần phải lý giải gì thêm…

Vấn đề nằm ở chỗ này, thơ có cao kiến hay không đều ẩn vào tứ thơ, là sự quán sát sâu xa. Thơ haiku với mật độ con chữ ít ỏi, ý tứ lại càng sâu xa hơn. Điều đó khiến ta phải nghĩ đến sự kiến tạo từ. Và “từ” đã làm nên âm thanh, âm thanh của cánh bay im lìm của con đom đóm. Chính “im lìm” mới là thứ âm thanh vắng lặng, mà chỉ có thơ mới diễn tả nổi, và người thơ tinh tế mới nghe được. Đó gọi là tri âm, và đó phải chăng, cũng là niềm hoan lạc của một hồn thơ đạt đến cảnh giới lắng tâm trong cõi vô vi?…

Quả thật, khi biết yêu thiên nhiên, người ta sống hòa hợp với thiên nhiên, và nhận được niềm hoan lạc vô biên trong tâm hồn…

N.T.N

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt