Bây giờ, trong thời đại phê bình sinh thái (ecoritical age) đọc lại thơ haiku, đặc biệt là Basho, ta cảm thấy như đang thở hít trong một sinh quyển đầy mê diệu. Đó là thứ thơ ca đưa ta vào sâu thẳm thiên nhiên. Không chỉ là thiên nhiên. Đó còn là sinh thái tâm linh, nơi mọi thứ luôn luôn sáng tạo và chuyển hóa, nơi mọi sinh linh bước đi trong ánh sáng của bình đẳng và vô sai biệt, nơi mọi thứ phản chiếu nhau như những hạt châu.
Khi lang thang từ Edo đến bờ biển Suma, Basho nhìn thấy mình như là một hành giả lang thang theo gió, tựa hồ một tấm lụa tả tơi phiêu lãng (một furabo: phong la pháp). Đó là ông tự xếp mình vào hàng ngũ những tâm hồn phong nhã (fuga) như Saigyo của thơ tanka, Sesshu của hội họa, Rikyu của trà đạo và Sogi của thơ renga. Cảm nghiệm đó Basho ghi lại trong tác phẩm Oi no kobun (Cập Chi Tiểu Văn: Ghi nhỏ trong túi hành hương).
“Một linh hồn đã hoạt hóa tất cả tác phẩm của những người này. Đó là linh hồn của fuga (phong nhã), kẻ nào ấp ủ nó đều đón nhận thiên nhiên và trở nên người bạn của bốn mùa. Nhìn thấy gì, người ấy đều nhớ đến hoa; nghĩ điều chi người ấy cũng liên tưởng tới trăng. Nếu nhìn vật mà không nhớ hoa là kẻ man rợ, nếu tư tưởng mà không quay về trăng thì có khác chi cầm thú. Thế nên tôi kêu gọi: Hãy vượt qua man rợ mà đón nhận thiên nhiên, quay về với thiên nhiên.”
Đoạn văn lộng lẫy mà thâm u này cho thấy cái nhìn hiền minh của Basho về thiên nhiên. Thiên nhiên không phải là một cõi hoang hay cái man dã. Thiên nhiên không đối lập với văn hóa. Chính vì có văn hóa (phong nhã) thì con người mới là bạn tình của thiên nhiên. Hơn nữa, tư tưởng Basho còn sâu hơn những gì mà trích dịch bất toàn trên cho thấy.
Ngay cả bản Anh dịch của học giả Makoto Ueda cũng không thể hiện đầy đủ độ sâu của tư tưởng ấy:
“One thing permeates Saigyo’s tanka, Sogi’s linked verse, Sesshu’s painting and Rikyu’s tea ceremony. That is the spirit of the artist who follows nature and befriends the four seasons. Everything he sees becomes a flower, and everything he images turns into a moon. One who does not see the flower is akin to a barbarian, and one who does not imagine the moon is no different from a beast. Leave barbarians and beasts behind. Follow nature and return to nature.”
(Makoto Ueda, MATSUO BASHO, Kodansha, 132)
Chữ “nature” hay “thiên nhiên” thường được dùng trong các bản dịch tiếng Anh và tiếng Việt trong trường hợp này tuy không sai nhưng trong nguyên văn của Basho đó là chữ “zoka” (tạo hóa). Vậy câu cuối có thể là “đón nhận tạo hóa, quay về với tạo hóa” (“follow zoka, return to zoka”).
Bởi chữ “tạo hóa” Basho muốn nói đến cái huyền diệu, huyền bí, tinh tế, thiện xảo, công phu, tài hoa trong sáng tạo và chuyển hóa của tự nhiên (Hồ Xuân Hương: “Khéo khéo bày trò tạo hóa công”).
Do vậy, về với zoka ở đây là về với cái linh thiêng của sáng tạo chứ không phải về với đồng quê hay chốn lâm tuyền để hái cúc, trồng lan ở ẩn mà nêu cao tư cách “quân tử”.
Basho chỉ muốn học cái cách mà thiên nhiên hay sinh thái đã sáng tạo. Như Goethe ở Đức: “Tác phẩm vĩ đại của Nghệ thuật là tác phẩm vĩ đại của Thiên nhiên” (“Great works of Art are works of Nature”).
Thơ ca và nghệ thuật không phản ánh thiên nhiên mà là vận động trong tinh thần sáng tạo của thiên nhiên.
Họa sĩ kỳ tài Paul Klee trong thế kỷ hai mươi trong tinh thần đó mà nói với một người bạn đang dạy nghệ thuật:
“Hãy dẫn sinh viên đến Thiên nhiên, vào trong Thiên nhiên! Để họ học cảm nghiệm một nụ hoa hiện thành thế nào, một cái cây mọc thế nào, một con bướm mở cánh thế nào, làm sao cho các bạn ấy sẽ trở nên giàu có, biến đổi, hào hứng như bản thân Thiên nhiên. Đón nhận đường lối sáng tạo tự nhiên mà biến tạo hình thức. Đó là trường học tuyệt nhất.”
(“Lead your students to Nature, into Nature! Let them learn by experience how a bud is formed, how a tree grows, how a butterfly opens its wings, so that they will become as rich, as variable, as capricious as Nature herself. Follow the ways of natural creation, the becoming, the functioning of forms. That is the best school”).
Đối với nhà thơ Basho cũng như họa sĩ Klee, phải là văn hóa mới có thể là thiên nhiên, rất khác với quan niệm nhị đối thường có giữa thiên nhiên và văn hóa, cũng như thiên nhiên và con người.
Phê bình sinh thái (Ecoriticism) đương nhiên đồng tình với Basho và Klee và dị ứng với quan niệm con người tìm hiểu lửa, nước, không khí, tinh tú, bầu trời, môi trường để trở nên “làm chủ và sở hữu thiên nhiên” kiểu Descartes.
Con người dường như không muốn hiểu rằng Thiên nhiên làm ra con người chứ làm gì có con người làm ra Thiên nhiên. Và chỉ có thể con người cần Thiên nhiên chứ Thiên nhiên cần chi con người?
Như cuồng, con người kiêu ngạo tự cho rằng mình đang chinh phục thiên nhiên. Chỉ là vô minh và tội nghiệp!
Thiên nhiên là một thế giới tương tùy và tùy duyên mà sinh khởi, trong đó bất kỳ một sinh thể nào cũng nương tựa vào những sinh thể khác, không có chi ngoại lệ, kể cả con người cuồng ngạo nhất.
Tư tưởng Phật giáo cũng như sinh thái nhìn thấy không có gì là một mình.
Thử đọc bài thơ này của Basho:
Con bướm
một mình bay trên đồng
trong nắng
(chou no tobu
bakari nonaka no
hikage kana)
Một mình (bakari: chỉ có, lẻ có) ở đây không phải là một mình hiện hữu mà là “một mình với”. Với cánh đồng, với ánh nắng. Có thể nói con bướm bay “với” không gian (cánh đồng) và ánh sáng (nắng). Và chỉ có bướm mới biết cánh đồng cần cho bướm thế nào cũng như nắng cần cho bướm thế nào. Học theo bướm, học theo thiên nhiên, Basho cũng dần dà có cái nhìn của bướm.
Nguyễn Trãi trước nhiều thế kỷ cũng đã có cái nhìn hiền minh này:
“Lẻ có chim bay cùng cá nhảy
Mới hay kìa nước nọ hư không”
Chỉ có chim và cá mới biết nước thế nào, hư không thế nào. Biết ở đây là sống. Chỉ có con người mới thường tách “kiến thức” ra khỏi hiện sinh, và đôi khi đối lập nữa!
Như trong Shobogenzo (Chánh Pháp Nhãn Tạng), thiền sư Dogen nói:
“Từ nước cá làm nên đời sống của mình, và từ trời chim cũng thế. Đời sống ấy chim cá làm ra. Đồng thời đời sống làm ra chim cá. Bởi thế, cá, nước và đời sống, cả ba sáng tạo lẫn nhau.”
(Bản Anh dịch trích theo A. Watts trong The Way of Zen:
“From the water the fish makes his life, and from the sky, the bird. But this life is made by the bird and the fish. At the same time, the bird and fish are made by life. Thus there are the fish, the water, and life, and all three create each other.”)
Cái quan trọng là mọi hiện tượng đời sống sáng tạo lẫn nhau, chứ không có ưu quyền đặc lợi cho riêng cái nào. Đất và trời tương phản mà tương hợp:
Đất trời
rung chuyển cùng hơi thở
bày trận tuyết rơi
(ame-tsuchi no
iki aite hagheshi
yuki furasu – SETSUKO)
Nhà thơ nữ Nozawa Setsuko (sinh năm 1920) nói rằng đất và trời cùng hợp hơi thở (iki) lại. Cũng như thế, ta và cây, ta và mọi sinh thể khác.
Như lời trong sách Thái Căn Đàm: “Nếu chân tính của ta có sức mạnh sáng tạo của bản thân Thiên nhiên thì dù cho đi đâu, ta đều thấy cá nhảy và nhạn bay”.
Đất, trời, cây, bướm, chim, cá… và ta thở cùng hơi thở, tương tùy, tương duyên, tương hợp, tương tức… Và trong im lặng của thiên nhiên, ta càng thấy rõ điều đó:
Im lặng
cả khách lẫn chủ nhà
cùng hoa cúc trắng
(mono-iwazu
kyaku to teishu to
shira-giku to – RYOTA)
Có cái gì trong thiên nhiên mà không sáng tạo và chuyển hóa, kể cả giọt sương, đá và kim cương; tất cả đều ở trạng thái sống.
Kim cương
trên tảng đá
một giọt sương
(kongou no
tsuyu hito-tsubu ya
shi no ue – BOSHA)
Đó là sinh thái thơ.
N.C