Sắc sắc không không- Lê Văn Truyền

alt

alt

yado no haru / nani mo naki koso / nani mo are

Yamaguchi Sodo

in my hut this Spring

there is nothing

there is every thing

mùa xuân này trong lều tôi

không có gì

không thiếu gì

Đinh Nhật Hạnh dịch

Nhà Phật có một khái niệm triết lý sâu sắc là “sắc sắc không không”, nghĩa là “có có không không”. Một cách đơn giản, ý nghĩa của cụm từ “có có không không” diễn tả mối quan hệ biện chứng giữa “không” và “”: có mà không, không mà có. Trong cuộc sống hàng ngày, dưới ánh nắng Mặt Trời, không ai là có tất cả cũng như không ai là không có gì cả. Có hay không chỉ là tương đối. Nhiều khi không có gì tức là có tất cả, và có tất cả lại là không có gì cả. Có hay không và suy rộng ra giàu hay nghèo, sang hay hèn, hạnh phúc hay bất hạnh … phụ thuộc vào cách suy nghĩ của mỗi chúng ta trước cuộc sống.

Nhà triết học Hi Lạp cổ đại Socrate có câu nói nổi tiếng: “Tôi chỉ biết một điều, là tôi không biết gì cả“. Người uyên bác chính là người tự nhận mình là người không biết gì cả, để học hỏi, để trau dồi… Khi tự nhận mình là người “không biết gì”, Socrate là người “biết” rất nhiều. Và cả nhân loại cho đến ngày nay không ai dám bảo Socrate là “người không biết gì”. Đó cũng là một phần của ý nghĩa “sắc sắc không không” trong giáo lý nhà Phật.

Khúc haiku của Yamaguchi Sodo là một ví dụ tuyệt vời về cách nhìn nhận nghịch lý (paradox) đời thường và cách giải quyết nghịch lý một cách minh triết theo quan niệm “sắc, không” của nhà Phật. Yamaguchi Sodo không hề buồn phiền về cái nghèo cùng cực trong túp lều của ông, một túp lều tranh nhỏ bé, đơn sơ, ẩm mốc, dột nát … trong đó hoàn toàn “không có gì”. Niềm vui của nhà thơ khi được đón chào mùa xuân của vạn vật, của đất trời làm ông cảm thấy mình là con người quá giàu có. Ông có tất cả và “không thiếu gì” trong túp lều của ông! Khúc haiku của bậc thầy Yamaguchi Sodo há chẳng cho mỗi chúng ta một bài học thế nào là “tri túc” (biết thế nào là đủ) trong xã hội ngày nay, cái xã hội mà rất nhiều người đang “không thiếu gì”: tiền bạc đếmkhông xuể, của cải đầy nhà, quyền lực và danh vọng ngút trời, vợ đẹp, con khôn, đệ tử và thủ túc hầu hạ cúc cung tận tụy… Những người chỉ ở dưới vài người nhưng ngồi trên đầu cả triệu triệu người. Nhưng rồi … chỉ trong một nháy mắt sa cơ lỡ vận, họ bỗng trở thành người tay trắng: “không có gì”, không còn gì.

LVT

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt