Nói về việc “Học” trong một bài thơ Haiku Việt- Lê Đăng Hoan

Học để làm thầy

Làm thầy để học

“Biển học không bờ”

Đây là bài thơ Hai-ku Việt, tôi viết kết hơp hai sự kiện, đó là một kỉ niệm trong chuyến đi Huế tháng 5 -3029 và nhân ngày 20 tháng 11 năn 2019, khi có học sinh đến mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam.

Hai sự kiện đều liên quan đến một chữ “ HỌC”

Từ xưa việc học hầu như tất cả mọi thế hệ, mọi tầng lớp xã hội đều đã nói đến.

Nào là “ Nhân bất học bất tri lí”, nào là “Học, học nữa hoc mãi”, rồi “Đi một quãng đàng, học một sàng khôn”v.v đều khuyên người ta phải học, luôn học và học mọi nơi mọi chốn…

Vừa rồi cùng Câu lạc bộ thơ Hai Ku Việt vào Huế giao lưu với các nhà thơ ở Huế, chúng tôi có vào thăm chùa Quang Viên (Quang Viên tự). Trước khi về, mọi người đều Thầy Sư chủ trì mỗi người một chữ “Nho” để đưa về nhà treo. Người thì xin “Phúc”, xin “lộc”, xin “tài”..Tôi nghĩ mãi, cuối cùng xin chữ “HỌC”. Vị sư Trụ trì, Thích Phước Cẩn, cẩn thận lấy giấy, rồi chấm mực tàu viết như “Phượng múa rồng bay” một chữ “Học” thật to, bên phải ông điền thêm một câu cũng bằng chữ Nho, mà khi tôi hỏi ông mới giải thích: “ Đây là câu thành ngữ “Học hải vô nhai”, tức là “Biển học không bờ”. Tôi lại được thêm một khái niệm về chữ “Học” mà trước đó tôi chưa từng được nghe. Xong Ông đưa cho tôi. Tôi đứng dậy giang hai tay trên dưới nhận một cách kính cẩn.

alt

“Học”! Thời xưa ở Cho-Seon (Hàn Quốc bây giờ), có một bà mẹ gửi con vào chùa học chữ, người con thông minh học được 3 năm, nhớ mẹ quá, về nhà nói với mẹ rằng” Con không cần học nữa mẹ ạ, con học hết chữ rồi, bây giờ có thể kiếm tiền nuôi mẹ, mẹ không còn vất vả nữa!”. Bà mẹ nhìn con lo lắng. Tối hôm ấy, bà lấy bút mực đưa cho con bảo “ Mẹ sẽ tắt đèn, con viết chữ, còn mẹ sẽ làm loại bánh mà mẹ vẫn thường làm cho con ăn”. Sau khi xong việc, bà mẹ bật đèn lên, thấy hàng chữ của con xiên xẹo, chữ lên chữ xuống, còn bánh mẹ làm tròn trĩnh mười cái như một, xếp hàng thẳng tắp. Để cho con xem xong mẹ nói “ Thế này mà con bảo là con đã học hết rồi sao!”.

Rồi mẹ bảo con lên chùa học tiếp.

Sau này con trai của bà trở thành người viết chữ đẹp nhất nước, gọi là “Minh bút”.

“ Học hải vô nhai”, ngẫm chuyện xưa, nghĩ đến hôm nay. Trong sử sách sử nước ta cũng biết bao câu chuyện về người tài nhờ học, những câu chuyện học của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Quỳnh, Lê Quý Đôn, Mạc Đỉnh Chi, Lương Thế Vinh..rồi bây giờ những nhà phát minh, những nhạc sĩ nổi tiếng, những tuyển thủ tài ba, những thiên tài đất Việt đều do học mà nên.

Ở Nghệ An quê tôi, nổi tiếng về “Ông Đồ Nghệ” và “con cá gỗ”. Tất cả cũng nhờ và vì việc học. Học trò đi học, không có thức ăn, phải dùng “con cá gỗ” làm mồi mà xin nước mắm, thì giá trị về “hiếu học” đáng để lại cho đời, nó không có ý nghĩa “keo kiệt” mà người ta thường đặt không đúng chỗ cho người dân xứ Nghệ quê tôi.

Ai đó có thể cười khi nói dân Nghệ An chúng tôi là “ dân Cá gỗ”, nhưng tôi cảm thấy tự hào được mang trong mình biệt danh đó.

Tôi còn mong rằng có nhà họa sĩ hoặc nhà điêu khắc nào đó vẽ hay khắc một bức chân dung con cá gỗ và anh học trò xứ Nghệ thật đặc trưng, có hồn của lòng “hiếu học” để biếu cho khách du lịch hoặc tất cả người trong ngoài nước đến đất Nghệ An.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, chỉ cần không học một ngày, kiến thức đã lỗi thời.

Các thầy giáo nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng không sử dụng máy tính, phần

mềm tin học bằng học sinh của minh, cũng không nắm bắt thông tin nhạy bén bằng các học

sinh có kiến thức tin học và ngoại ngữ hơn mình. Cho nên càng làm thầy càng phải học.

Ngẫm ra thơ Hai-ku ngắn mà chứa hàm ý rộng!

” Học để làm thầy/Làm thầy để học/” Biển học không bờ” ./.

L.Đ.H

( Những ngày tại gia, đề phòng Co-vit 19)

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt