Nỗi khổ niềm đau- Nguyễn Thánh Ngã

alt

Wind blowing rain / rain hitting face / the homeless curling up on pavement

Gió quất mưa

Mưa quất mặt

Co quắp vỉa hè

(Phương Anh)

Vô tình đọc bài haiku của Phương Anh, tôi rùng mình tưởng tượng: một trận đòn quất vào người nào đó… Thật xót xa, bởi sự nghiệt ngả đổ xuống một sinh linh, mà tự thấy mình cũng đau xót khắp mình mẩy…

Khi nhìn lại thì thấy “gió quất mưa”, chỉ với ba âm tiết mà rào rạt, mà quật đổ cây cối tứ tung, quang cảnh của trận bão càn quét một vùng nào đó vô cùng dữ dội…

Không những thế, còn “mưa quất mặt”. Thế là, xuất hiện một con người! Phương Anh dùng cảm thức bi cảm, (Aware) để diễn tả sự hiện diện của nhân vật ẩn trong thơ. Điệp từ “quất” dội vào từ “mặt” là cách cấu tứ giác quan, nó hằn lên trong trí người đọc một cảnh tượng ghê gớm của cơn bão trần gian.

Và cuối cùng, cơn bão để lại một hình hài hiện ra trong thơ Phương Anh:“co quắp vỉa hè”!…

Với thủ pháp tượng trưng, đẩy bật sự “co quắp” lên, thổi hồn vào thơ, bật ra câu thơ hay xa xót, đẫm lệ…

Vâng, câu thơ hay, chỉ bốn từ mà đồng vọng, mà xốn xang cả bài thơ. Có thể nói thi pháp Hàn Mặc Tử nhập vào đây chăng, mà sao nghe cả cơn đau của kiếp người trầm luân đến thế?! Một đứa trẻ, một lão ăn mày, một người khốn khổ nào đó trên vỉa hè nhân thế, đơn lạnh, đói khát, đầy thương tích thể xác và tâm hồn. Người ấy không kêu rêu, nhưng thơ kêu rêu, thơ gởi một thông điệp cho những người đang sống thời hiện đại trong nỗi khổ niềm đau:“tiền nhiều để làm gì?”…

Thế đấy, bài thơ như cơn bão, ám ảnh, mãi mãi ám ảnh cho những ai có lòng bi cảm về thế giới vô thường đầy nước mắt…

Tôi cho đây là một bài thơ hay, đạt về cách kiệm lời, đạt về cách gợi, đạt về khoảng không trong thơ haiku một cách tuyệt diệu…

Sài Gòn mùa hạ 2020

N.T.N

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt