Nhật Chiêu
Trên khắp thế giới, đông đảo người yêu thơ và làm thơ tìm đến haiku với tình yêu và đam mê, nhìn thấy ở đây một con đường của bóng mát thơ ca, một cảnh quan thu nhỏ của ba nghìn thế giới. Hình thức một bài haiku thì rất nhỏ. Phải, nhỏ và nhẹ. Thử cầm trên tay, nó nhẹ tênh. Thử nhìn vào nó, nó như bay. Và thử đi vào nó, ôi trời như tiến về chân trời. Chân trời, như ai cũng biết, là vô hạn. Chính thi hào Basho đề cao tố chất nhẹ (karumi) cho thơ haiku vào những năm cuối đời, chống lại cái nặng (omomi) của thơ ca tập cổ. Trước mắt ta, mọi điều trôi đi không ngừng, trôi đi (ryoko: lưu hành) như nước, như mây đưa đến tính nhẹ của sự vật. Vì vậy, theo cách nhìn của Basho, thơ haiku hiện thời cần phải được nhẹ hóa, cần phải thõng tay vào đời, vào chợ, vào cõi tục, không thể nằm hoài với tịch liêu cao khiết. Cái đó nhà thơ gọi là “cao ngộ quy tục” (kogo kizoku). Kể từ đó, thơ haiku đi trên con đường khinh thanh, nhẹ nhàng tiêu dao, nhẹ nhàng trong ánh sáng, nhẹ nhàng trong cát bụi. Cái nhẹ đó đem lại cho haiku một dung dáng mới: hiền minh mà như dại khờ, thông thái mà như trẻ thơ. Điều đó có thể thấy trong bài thơ haiku sau đây của Basho:
Shira tsuyu mo / kobosa nu hagi no / uneri kana
Cánh đinh hương
đong đưa là thế
không rời giọt sương
Cánh đinh hương (hagi) rất nhẹ, chao đảo buông lơi trong gió. Giọt sương (tsuyu) cũng rất nhẹ, long lanh trắng ngời trong nắng. Thế mà sương và hoa vẫn ôm nhau, hiện thành cái khoảnh khắc hiện sinh kỳ diệu giữa đời. Nhẹ hóa là thế. Nhẹ như một nụ cười. Tình yêu không đánh rơi giọt sương của mình. Và cái nhẹ nhàng đó biến mọi cái hằng ngày, như “ăn uống sự thường” trở thành hân hoan ngây ngất. Ta có yến tiệc mọi lúc, ta có lễ mừng mọi nơi, ta chúc tụng từng ngày mới. Thơ Basho cho thấy niềm hoan vui sâu thẳm đó:
Kino moto ni / shiru mo namasu mo / sakura kana
Bóng cây thanh thanh
chén canh, dưa cải
đều vương cánh đào
Dưới bóng cây, dường như có đủ “miếng ngon” dân dã, có đủ tương tác giữa con người và thiên nhiên, nghệ thuật và thực tại, trong và ngoài. Chính vì thế mà Basho nói: “Bắt được nhịp điệu cảm thức thơ ca khi ngắm hoa đào, tôi trao gởi cái nhẹ nhàng”. Cái nhịp điệu đó thể hiện rất rõ trong âm vận nguyên tác qua hàng loạt nguyên âm “o” (ko, no, mo, to) mà khi chuyển ngữ, chúng tôi cũng thử bắt nhịp qua âm vận “anh” (thanh thanh, canh, cánh). Ngoài cái nhẹ, Basho còn hướng về một phong cách gọi là “ada” (hồn nhiên). Đó là cái hồn nhiên trẻ thơ mà Basho muốn đưa vào haiku và nhà thơ ân cần dặn dò môn đệ “chỉ cần quan tâm nhìn ngó cách mà trẻ thơ chơi đùa”. Không chỉ vui đùa, dung dáng nào ở trẻ thơ cũng toát ra niềm vui sống, cái vô tận hân hoan mà Basho thể hiện trong một bài haiku đề trên cánh quạt:
Maegami mo / mada wakakusa no / nioi kana
Tóc để chỏm
vẫn còn thơm
mùi cỏ non
Hương cỏ non (wakakusa no nioi) là hương mùi của những gì mới mẻ tinh khôi, những cái ban đầu đầy khả tính sáng tạo, hình thành, nảy nở, truyền lan… Nhẹ nhàng haiku tương hợp với tuổi trẻ. Học tập và làm thơ haiku là hướng đến tự do trong sáng tạo và tình yêu, giải thoát mình khỏi mọi hệ lụy không cần thiết. Đó là khi đứa trẻ bên trong chúng ta nhảy múa và ca hát, cười reo với mưa xuống và nắng lên, nhìn đâu cũng thấy điều kỳ diệu. Và thi ca là mê li.
N.C