Nên chăng có một hình thức “Liên khúc Hai-ku” ở Việt Nam- Lê Đăng Hoan

alt

Tôi chưa thấy tác giả thơ Hai-ku nào của Việt Nam, mà cũng chưa được đọc một bài thơ thuộc dạng “liên khúc Hai-ku” của tác giả thế giới.

alt

Hôm nay nhân đọc 3 bài thơ Hai-ku của anh Vũ Tam Huề, tôi bỗng nhớ lại ý tưởng về sáng tác liên khúc Hai-ku Việt mà đã có lần phát biểu trong cuộc giao lưu “thơ Hai-ku” với các nhà thơ của Đại học Phú xuân- Huế.

Trước hết xin hãy xem lại 3 bài thơ Hai-ku Việt của Anh Vũ Tam Huề:

1. Về đây nghe em !

dòng đời muôn ngả

cội nguồn trong tim


2. Về đây nghe em !

hát khúc đồng dao

thả diều ruộng bãi


3. Về đây em ơi !

khép ánh điện màu

ngằm bóng trăng quê

(Thơ Haiku : Phương Trung – Vũ Tam Huề)

Rất rõ ràng 3 bài này có thể xem là 3 bài riêng biệt, nhưng cũng có thể xem là một bài có 3 đoạn, vì cùng một nội dung hỗ trợ và mở rộng cho một tâm sự khuyên em “Về đây nghe em”

Không những trong thơ của Anh Va Tam Huề, mà trong thời gian qua đọc thơ Hai-kư của nhiều tác giả của CLB Hai-ku Việt Hà Nội, có nhiều tác giả viết tương tự như vậy. Anh Ngiêm Xuân Đức có ba bài Hai-ku thế này:

1/ Lá vàng

rơi nghiêng từng chiếc

heo may năm nào


2/Gió xuân vương hương

thời xa vắng

những nẻo đường


3/ Đêm mùa hạ

những giọt sương

hạt ngọc trên lá

(Thơ Hai-ku Việt- tuyển chọn- nhiều tác giả – 2010)

Anh Lê Văn Truyền có ba bài cùng một chủ đề thế này:

1/Trên xe buýt

đám đông cô đơn

dán mắt vào màn hình điện thoại


2/ Ôm chiếc Smart- phone

truy lùng Pokemon

không chơi với người, chơi với thú ảo


3/ Bọn trẻ lục lọi ngôi nhà

reo hò bắt Pokemon

ông im lặng bên cửa sổ

( Nội san Hai-ku Việt tháng 3/2018)

Trong 3 bài của anh Nghiêm Xuân Đức nói một ý chung về mùa của một năm, 3 bài của Anh Lê Văn Truyền nói về ảnh hưởng của Smart-phone trong cuộc sống hiện thời. Những bài thơ này nếu ta cho là những bài thơ Hai-ku riêng như vẫn công nhận với nhau là lẽ tất nhiên, nhưng nếu cho là một bài thơ Hai-ku có mấy đoạn, có vẻ không đúng theo cách gọi truyền thống, nhưng đứng về khía cạnh cùng chủ đề- nội dung chắc cũng có thể chấp nhận được.

(Trong các tập Nội san “Hai ku Việt có nhiều bài như vậy lắm)

Tôi muốn nói như vậy vì khi tham khảo một loại thơ ngắn của Hàn Quốc, thơ Si-jo (thời điệu), cũng có những sự phát triển- mở rộng để tham khảo.

Nói về thơ Si-jo (Thời điệu) Hàn Quốc là loại thơ thế nào, tôi xin giới thiệu qua như sau: (Tài liệu này tham khảo của tập thể nghiên cứu văn học Hàn Quốc do PGS, TS Phan Thị Thu Hiền- Trường ĐHKH NV TP Hồ Chí Minh, chủ biên, mà tôi làm vai trò hiệu đính)

“Sijo là thể thơ mà mỗi bài có từ 43 đến 45 âm tiết, viết thành 3 dòng, mỗi dòng gồm 4 cụm từ, mỗi cụm từ có khoảng 3 hoặc 4 âm tiết, nhưng cũng có thể ít hoặc nhiều hơn, sau mỗi cụm từ có điểm ngắt.”

Ví dụ một bài thơ Si-jo tiêu biểu

Dòng 1: 3,4,3(4),4 : 내 벗이 /몇인가 하니/ 수석과/ 송죽이라.

Dòng 2: 3,4,3(4),4 :동산에/ 달 오르니 /그 더욱/ 반갑구나

Dòng 3: 3,5,4,3(4) :두어라 /이 다섯 밖에/ 또 더하여 /무엇하리

(오우가-윤선도) (Bài ca về năm người bạn của Yoo Seon-do)

Cấu trúc này của si-jo, tương tự thơ 3 dòng Haiku(Nhật) (17 âm tiết); thơ tứ tuyệt của Trung Quốc, nhưng Si-jo không bắt nguồn từ 2 loại thơ này, mà nó có tính độc lập- thể thơ đặc biệt của người Hàn (bằng chữ Hàn gọi là Hangeun)).

Tuy nhiên luật thơ sijo không qua gò bó. Những bài thơ tuân theo quy tắc trên đây gọi là “pyeong sijo” (bình thời điệu), sijo biến thể là “eot sijo” (thơ sijo dạng trung) và một hình thức khác nữa của sijo là “yeon sijo” (liên thời điệu).

(Trên thế giới nhiều nước cũng đang sáng tác theo thơ Thời điệu của Hàn Quốc)

“Bình thời điệu” là loại phổ biến và xuất phát đầu tiên của “thơ thời điệu”. Xin lấy ví dụ sau đây:

Hwang Chin-I (황진이- 黃眞伊, 1522-1565) kỹ nữ tài ba nhất thời Choseon, bà để lại nhiều bài thơ thời điệu nổi tiếng, trong đó có bài “ Núi vẫn là núi cũ” là bài “bình thời điệu” tiêu biểu:

VẪN LÀ NÚI CŨ

Núi hôm nay vẫn là núi cũ

Nhưng nước này đâu phải nước xưa

Suốt đêm ngày nước kia chảy mãi

Hỏi đâu còn nước của ngày xưa!

Nhân kiệt cũng hệt như nước chảy

Một đi rồi, chẳng trở về đâu!

(산은녜ㅅ산이로되물은녜ㅅ물이안이로다.

주야(晝夜)에흘은이녜ㅅ물이이실쏜야.(있을수있겠느냐.)

인걸(人傑)도물과같아야가고안이오노매라.)

Đây là bài thơ chỉ một khổ và là loại thơ kiểu mẫu của thơ thời điệu.

Còn “Liên thời điệu”, tức là các bài “bình thời điệu” được nối tiếp theo nhau trong một chủ đề (dùng một tiêu đề).

Xin nêu một vài ví dụ:

Bài thơ “SÔNG HỒ TỨ THỜI CA ” của nhà thơ Maeng Sa Seong( 1360- 1438) , là người từng giữ chức quan tễ tướng trong triều đình Jo-seon. Đây là một bài “liên- thời điệu” gồm bốn bài “bình thời điệu” dưới cùng chủ đề: thú vui nơi sông hồ. Bốn bài lần lượt khắc họa niềm vui sống giữa bốn mùa xuân- hạ- thu- đông.

Xuân ca

Sông hồ, xuân mới chớm

chẳng cưỡng nổi hương thơm

Bắt cá tươi trong suối

nhắm với rượu, tuyệt thay!

Thân này thư thái thế

đều nhờ ơn vua a!


Hạ ca

Sông hồ mùa hạ ghé

thư nhàn chẳng việc chi

Sóng mang theo gió mát

quên đi nắng oi nồng

Thân này mát mẻ thế

đều nhờ ơn vua a!


Thu ca

Sông hồ, mùa thu đến

cá cũng to tròn lên

Mang lưới trên thuyền nhỏ

trôi bồng bềnh sóng sông

Thân này vui thú thế

đều nhờ ơn vua a!


Đông ca

Sông hồ, mùa đông đến

tuyết rơi dày đặc lên

Đội nón tre nghiêng nghiêng

mặc áo choàng thêm nữa

Thân này không thấy lạnh

đều nhờ ơn vua a!

Trên đây là một chút khái niệm về “liên thời điệu”. Nói thật khi làm thơ Hai-ku Việt tôi bị ám ảnh vì hình thức phát triển nối tiếp này của thơ “Thời điệu” Hàn Quốc, cho nên tôi có ý định sáng tác theo kiểu này, nhưng cho đến nay tôi chưa được đọc “liên khúc Hai-ku” nào, nên còn ngại. Biết đâu cũng đã có ai đó đã làm mà ta chưa biết, vì các nhà thơ Châu Á thường có ảnh hưởng nhiều đến nhau.

Tôi đưa ra những nội dung trên để muốn các nhà thơ Hai ku Việt (nếu cảm thấy thích thú) hãy mở rộng thêm một hình thức mới “Liên Hai-ku”, hay “Liên khúc Hai-ku” để nối thêm cho ta cánh tay dài hơn, dế dàng nói hết những điều mà trong khuôn khổ Hai kư truyền thống khó nói hết.

Cuối cùng tôi xin giới thiệu 4 bài Hai-ku cùng một chủ đề mà tôi đã làm như là một thử nghiệm “Liên khúc hai ku” vậy:

1/ Một người đàn bà

sống trong nhung lụa

không chồng


2/ Một người đàn bà

chồng con tất tả

kiếm từng bữa ăn


3/ Một người đàn bà

chồng hành hạ

khóc thầm


4/ Một người đàn bà

trong số họ

ra đi.

( Nội san Hai-ku Việt tháng 3/2018)

Xin cảm ơn Anh Vũ Tam Huề đã gửi thơ và động viên tôi viết bài này./.

Lâm Du- Hà Nội những ngày cách li Co-vit 19

L.Đ.H

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt