Giờ thì thơ haiku cũng đã quen với tiếng Việt rồi. Từ khắp mọi miền đất nước, thơ haiku đã ngân nga tiếng nói giàu nhạc điệu, tiếng nói mang hồn lục bát, để đi đến một hòa âm mới. Cũng như thơ haiku đã tự thể hiện mình bằng những ngôn ngữ khác nhau. Đó là một hồn thơ liên tục chuyển hóa, lạ hóa, mới hóa. Đó là một hồn thơ đa thanh.
Thế nên, chỉ trong vài năm gần đây, thơ haiku đã lôi cuốn mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi đến với ngọn triều của mình. Đó là tinh thần vô sai biệt của thơ haiku. Trong tiếng Việt, thơ haiku ca hát với một tinh thần tự do. Nó không rập khuôn theo hình thức haiku Nhật, không cần thiết phải là bài thơ mười bảy âm tiết theo nhịp 5/7/5. Nó không nhất thiết phải có quý ngữ (kigo) như haiku truyền thống Nhật. Nó không nhất thiết quanh quẩn với thiên nhiên dù nó yêu thiên nhiên đến thế nào đi nữa. Nó muốn ôm choàng cuộc sống trong mọi nẻo đời. Ở đây và bây giờ. Nó đa thanh và có tình yêu mải mê với cái hiện tình (thì cũng như cái hiện tiền ấy mà). Nó cũng đi từ thiên nhiên, từ những hoài niệm của sương và trăng:
“Sương khuya hồ Tây
sâm cầm vụt cánh
trăng lay”
(Đinh Nhật Hạnh)
Không có tiếng chim mà chỉ có đường bay của chim, đường bay của nỗi nhớ. Sâm cầm tìm hơi ấm. Con người cũng thế.
“Mưa phùn
đốt chút lá khô
em tôi gom nắng”
(Vũ Tam Huề)
Chỉ vậy thôi mà tình người hửng nắng. Tình người. Chỉ tình người là cái vượt lên những lạnh câm của vũ trụ. Con người vô thường và biết rằng mình vô thường. Do đó mà có thể nhìn thẳng vào vụ trụ, mà hỏi chuyện đầy vơi:
“Tôi, bóng thành đôi
còn trăng khuyết nửa
ai đầy, ai vơi?”
(Đoàn Thị Thu Vân)
Con người hay con ruồi?
“Trên gương
chú ruồi hôn bóng
vơi ngày cô đơn”
(Thanh Tùng)
Con ruồi hay con người? Ta hay không ta? Haiku là thơ của những công án, những câu hỏi. Và người ta có thể sống với những câu hỏi. Không phải để trả lời. Chỉ giản dị là để sống. Để vượt qua.
Haiku Việt TP.HCM
Lời tựa cho tập thơ Haiku Việt tuyển chọn (NXB VH 2010)
N.C