Một vùng chiêm nghiệm- Nguyễn Thánh Ngã

“hà hơi vào cốc nước

sóng lăn tăn

thuyền là cách mũi”

              (Mai Trinh)

   Đọc bài haiku này của Mai Trinh, tôi giật mình nhận ra con thuyền thơ chính là đời sống. Đời sống biểu lộ qua hơi thở, mất hơi thở thì không còn đời sống, tức đời sống đã chết…

Tại sao phải “hà hơi vào cốc nước”? Gió và nước nằm trong tứ đại, tạo nên sự vận động, sự luân chuyển không ngơi nghỉ trong đại vũ trụ, cũng như trong tiểu vũ trụ, chính là cơ thể người. Hà hơi vào cốc nước, ngẫu nhiên hay cố ý đều là nhận thức. Hơi thở là gió, cốc nước là cuộc đời. Gió thổi qua cuộc đời “sóng lăn tăn”, là biến động không ngừng. Nước có thể nâng thuyền lên, nhưng cũng có thể xô thuyền lật úp. Nó là áp lực, là chao đảo; cũng là sinh sôi, nẩy nở, cả dịu mềm và mãnh liệt của đời sống. Vì thế, cổ nhân đã dạy “bát phong”(*) là tám ngọn gió thổi vào cuộc đời làm chao đảo mọi giá trị. Những biến động là bão sóng, nổi sóng, và là luồng sóng ngầm vv…, đã nhấn chìm bao con thuyền trong lịch sử loài người. Điều này, giúp chúng ta bất ngờ nhận ra một sự thật: sóng bắt đầu từ “cánh mũi”!

Thật vậy, mọi con thuyền đều bắt đầu từ “cánh mũi”, tức là từ hơi thở. Một hơi thở nhỏ từ cánh mũi đã làm nên cơn bão đời người. Câu thơ “thuyền là cánh mũi”, là một sáng tạo vô cùng độc đáo của nhà thơ – Haijin Mai Trinh.

Vâng, chỉ với bài haiku xinh xắn này, đã đưa chúng ta vào vùng chiêm nghiệm thâm sâu của trí tưởng. Và đưa tác giả Mai Trinh lên một tầm sáng tác mới, sánh với các tác giả làm thơ haiku nổi bật khác trên thế giới…

  N.T.N

 

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt