Một hồn thơ lãng mạn yêu đời- Hoàng Ngọc Khôi

alt

alt

Tôi rất may mắn được biết bác Đinh Nhật Hạnh từ hơn chục năm nay và được đọc nhiều thơ văn của bác, như tập: “Quầng trăng”, hay “Bụi thời gian”…; từ ngày đầu tập văn thơ “Bạch Ngọc bên dòng Lam” ra đời đến nay đã có 6 tập, tập nào bác cũng có bài mà là những bài tiêu biểu, góp phần nâng cao chất lượng của tập sách. Gần đây nhất năm 2018 bác đã có bài “Miên man hoài niệm” là một trong những bài hay nhất của tập 6, “Bạch Ngọc bên dòng Lam” mà tôi đã có dịp giới thiệu trong ngày hội thơ Bạch Ngọc.

Nói đến bác Đinh Nhật Hạnh là nói đến một hồn thơ lãng mạn, yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên và cuộc sống tươi đẹp:

Xin làm một nét bút

Xin làm một cung đàn

Quê hương bao màu sắc

Chuyện đời bao âm vang.

(Lời bạt tập “Bụi thời gian”)

Những tưởng nguồn riêng chảy một dòng

Đời vui trăm suối hợp về sông

Mùa qua, hoa nắng vườn hương ngát

Mùa lại, quầng trăng vọng tiếng lòng

(Lời bạt tập “Quầng trăng”)

Thơ của bác Đinh Nhật Hạnh gắn liền với cuộc sống sinh hoạt thường ngày, cảnh và người hòa quện vào nhau, điều đó phần nào thể hiện qua tiêu đề của từng bài: Vành trăng đáy giếng, truyền thuyết Nhị Hồ, cổ tích mới, trăng nơi Tây Hồ, Thơ…trăng, hoa…trăng, nhị độ lan, hương láng giềng, trăng xa, chiều tím, nắng thu, bến Hai Quai, dâng mẹ, giọt đời, hồ Ba Bể, gửi chàng Trương, biển Hạ Long, con đò vẫn đợi, bát nước chè Gay…

Tôi xin lấy vài bài làm thí dụ:

Trăng nước Hồ Tây

Sóng gợn… sầu dăng

Trăng mới lên

Bờ xa khắc khoải tiếng chim đêm

Dạt dào gió lộng – se se lạnh

Mấy chiếc thuyền câu lướt êm đềm

Một mình trên bãi mờ sương

Mà da diết nhớ

Mùa thương cháy lòng

Anh là bóng, em là hồn

Xa nhau chỉ biết mỏi mòn nhớ nhau

Giá mà có chiếc thuyền câu

Dập dềnh trăng nước đêm sâu… giá mà

Trời thì cao, sao thì xa

Khổ đau đành chịu… cho ta với mình

Cầm canh tiếng vạc não lòng

Trăng buồn sương lạnh, không cùng nhớ nhau

Ước gì trên chiếc thuyền câu

Bập bềnh sóng nước đêm thâu một lần.

(Quầng trăng 15)


Hè về táp cánh ve kêu

Ngát hương nhài rộ, nắng thêu lụa vàng

Xanh non cốm rải ngọn bàng

Vành khuyên quấn quýt, rộn ràng lứa đôi

Ve sôi đã nẫu phượng rồi

Bằng lăng lại tím.. hai trời, nhớ nhau!

(Bụi thời gian – 27)

Như vậy là nhà thơ Đinh Nhật Hạnh đã rất thành công với thơ trữ tình truyền thống.

Thế nhưng, như một mối duyên nợ, một định mệnh khi bắt gặp Hai Kư là bác mê luôn, say luôn. Cùng với đồng nghiệp, bác lao vào nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác. Với trái tim ấy, hồn thơ ấy, bác đã thổi hồn vào thơ Hai Kư. Cùng với các tác giả khác bác đã góp phần Việt Hóa Hai Kư, biến Hai Kư mang hồn Việt – xin mở ngoặc nói thêm, phải chăng đó là cốt cách của người Việt, bản lĩnh của người Việt, điều này góp phần lý giải rằng trải qua trên 1000 năm Bắc thuộc người Việt không bị đồng hóa mà còn ngược lại, ngót 80 năm đô hộ của người Pháp, vốn ngôn ngữ của tiếng Việt được bổ sung phong phú thêm, người Việt biết cách đưa tinh hoa của thế giới để làm giàu cho nền văn hóa, kho tàng ngôn ngữ nước nhà.

Tập thơ Hai Kư “Trăng bùa” của tác giả Đinh Nhật Hạnh là một minh chứng.

Với sự nhạy cảm của một trí tuệ uyên bác, tâm hồn lãng mạn, thích khám phá, ưa đổi mới, nhà thơ Đinh Nhật Hạnh một trong những con chim đầu đàn của Hai Kư Việt Hà Nội, một biểu tượng của ngọn lửa nhiệt tình, lao động nghệ thuật nghiêm túc, vì thế “Trăng bùa” đã là niềm tự hào của Hai Kư Việt.

Gần 300 trang sách, in bằng 4 thứ tiếng: Nhật, Việt, Anh, Pháp, “Trăng bùa” làm người đọc phải kính nể, 146 bài được tuyển chọn trong tổng số gần 500 bài thực sự là những viên ngọc quý. Bài nào cũng có tứ thơ hay bất ngờ, thú vị.

Có lẽ sự thành công của tập thơ trước hết là nhà thơ đã Việt hóa tài tình thể thơ Hai Kư Nhật cho người Việt. Ở đây đúng là tâm hồn Việt, tình cảm Việt, phong tục tập quán, thẩm mỹ, phong cách, nhân sinh quan của người Việt đích thực. Đối tượng được nhắc đến trong thơ xuất hiện hàng ngày trong đời sống Việt: cây đa, bến nước, con đò, hoa đào, nụ tầm xuân, gốc nhãn, tán bàng, Ngõ Trúc, Tây Hồ, sóng Bara, con chuồn, con dế, tu hú, én, vành khuyên… và ánh trăng xuất hiện nhiều cũng là điều thường thấy trong thơ truyền thống của người Việt.

Tôi đặc biệt thích thú những bài nói về tình yêu đôi lứa. Tác giả rất tài tình khi sử dụng phương pháp ẩn dụ, nhân cách hóa của ca dao Việt:

“Nỉ non chú dế

Bờ đê

Gợi tình”

Hoặc:

“Đôi sẻ mùa yêu

Nhấp nha

Nhấp nhổm”

“Nhấp nha nhấp nhổm” đúng là lời ăn tiếng nói của người Việt.

Không có bóng người nhưng câu chuyện của con người:

“Nụ đào tủm tỉm

Bướm ơi!

Gượm nào”

“Nụ đào” – tượng trưng cho người con gái đẹp đang ở tuổi dậy thì.

“Tủm tỉm” – là sự yêu đời, tuổi của “hoa nở đầu môi, sông cười trong mắt”.

“Bướm ơi” – vẫy gọi tình yêu, tình yêu đang đến.

“Gượm nào” – đưa tay giữ mình khi bạn tình lân la muốn khám phá “nhị đào”.

“Nhị đào” – chỉ dành “cho người tình chung”.

Từ “Gượm nào” sao mà hay đến thế, đáng yêu đến thế: tình tứ, tinh tế, kín đáo, nhẹ nhàng, e ấp, nhưng cũng rất mạnh mẽ. Đó cũng là một đức tính nổi bật của người phụ nữ Việt Nam. Tôi liên tưởng đến câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Với 8 âm tiết, bài thơ lột tả được bề trong vẻ ngoài của nhân vật. Khả năng biểu đạt cái hồn Việt của tiếng Việt thật tuyệt vời.

Cũng như các thể loại thơ khác, Hai Kư có độ nén đến tối đa, có khi một bài chỉ vẻn vẹn 5 từ: “Trăng tàn/ khản/ tiếng ve”. Sao trăng tàn lại khản tiếng ve, ở đây ý không nằm trong từ ngữ, mà ý nằm ngoài lời, ta thường gọi là “Ý tại ngôn ngoại”. Đó cũng là một đặc điểm của thơ ca Việt Nam:

Ăn đi con, nào mau cho mẹ xới

Mẹ vẫn giấu con chuyện này xóm dưới

À thôi chẳng vội để mai sau

Giặc tan rồi nắng nở chín buồng cau.

(Phạm Ngọc Cảnh)

Chuyện xóm dưới với buồng cau có gì liên quan với nhau. Đó là tâm trạng, cách xử sự, đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giữa tình nhà và nợ nước, khi nước nhà còn giặc của người mẹ Việt Nam anh hùng.

Hoặc là: “Nắng đã chiều, vẫn muốn hắt tia xa”.

(Phạm Ngọc Cảnh)

Nói chuyện nắng với tia nhưng là nói chuyện con người, mà là người đã già, nhưng vẫn còn hoài bão lớn, ước mơ lớn.

Với “Trăng bùa” nhà thơ Đinh Nhật Hạnh đã rất thành công trong việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật này.

“Bờ sương

Trăng xế

Nhạc dế vào thu”

Sương, trăng, dế và thu có gì liên quan với nhau đâu nhưng lại là một bài thơ hoàn chỉnh, chỉ với 8 âm tiết, một bức tranh thu, chiều thu sinh động: có cảnh, có tình, có họa, có nhạc.

Hoặc là:

“Én đan

Khung trời

Lạnh”

Một bức tranh đẹp, báo hiệu mùa đông sắp kết thúc, một mùa xuân mới đang về. Đó là sự rung động của một hồn thơ, với con tim Việt đích thực.

“Dìu dặt cúc cù cu

Thả hồn quê

Vời vợi”

Cái hồn quê trong tiếng cúc cù cu sao mà vời vợi đến thế, chỉ có người Việt, mang hồn Việt mới cảm nhật hết cái hồn quê thân thương khi nghe tiếng chim gù trong buổi trưa hè nơi xóm vắng…

Không nghi ngờ gì nữa, với “Trăng bùa” thi sĩ Đinh Nhật Hạnh đã “làm xiếc” trên tiếng Việt, hay nói cách khác, tiếng Việt đã thăng hoa lung linh “nhảy múa” dưới bàn tay điêu luyện của “Nghệ nhân xiếc thơ” Đinh Nhật Hạnh – một hồn thơ Việt – thuần Việt không pha trộn!

Vì thế “Trăng bùa” là của người Việt, cho người Việt, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt.

Tiếng Việt đã chắp cánh cho hồn Việt, cùng hồn Việt bay cao bay xa, giao lưu cùng bạn bè năm châu.

Tôi yêu tiếng Việt – tôi yêu Ha Kư.

HNK

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt