Ma trận câu chữ- Nguyễn Thánh Ngã

alt

alt

thằng khùng

cảm thấy yêu đời

bởi hắn đang điên

(Kiều Lam)

Thơ haiku ngoài phong cách phong nhã, còn là loại thơ phong trần, gần gụi với đời sống. Nhà thơ Kiều Lam, với cái nhìn trực diện, đã cho chúng ta thấy ngay một “thằng khùng” trong xã hội hiện đại, phồn vinh và phức tạp.

Tôi mỉm cười thích thú khi gặp bài thơ này, nó không đạo mạo mà bụi bặm, một phong cách rất hiếm thấy trên thi đàn. Đây có thể nói là bài thơ rất đời, thậm chí rất người nữa là khác.

Vì sao vậy?

“thằng khùng”, không những không chống đối cuộc đời vốn đã làm cho nó khùng, mà ngược lại, biết yêu quá cuộc đời này, thì nó phải vượt qua những trở lực ghê gớm của xác thân để cân bằng não trạng. Nó hiểu đời vốn dĩ là bể khổ, cũng là nơi đạt được hạnh phúc trần gian nếu biết sống một đời tu dưỡng đạo hạnh, thì “khùng” mới yêu đời chân thật đến vậy.

Thông thường, chúng ta sẽ dễ dải hiểu rằng, “khùng” mà yêu đời là loại “thần kinh”, loại “chập mạch”. Bởi toàn bộ bài thơ đang ở trạng thái “hắn đang điên”. Nếu vậy, thì bài thơ sẽ không có gì đáng nói. Chỗ tâm yếu của haiku nằm ở đây. Người non tay không dám viết, bởi có khi chính mình cũng sẽ hiểu một cách xuôi chiều, sẽ bị lạc vào ma trận của câu chữ.

Thật ra, người viết không hề đánh đố người đọc, ông viết rất thật. Thật đến nỗi, không tin mình đã làm ra ma trận ấy.

Điên như Hàn Mặc Tử, như Bùi Giáng thi sĩ, là điên làm nên tên tuổi lớn. Theo Freud, “khùng điên” là một dạng bị dồn nén. Cho nên, những cái khùng điên của nghệ thuật khi bùng vỡ thì rất đáng yêu. Người khùng hay làm những việc khác thường mà người bình thường không làm được. Vậy thì cái lằn ranh giữa cái bình thường và cái phi thường, chỉ là một sợi chỉ. Họ đạt được trạng thái đó, thì trở nên yêu đời cách mạnh mẽ phi thường. Cho nên, có nhà văn nào đó nói rằng: “làm gì cũng phải điên điên một chút”. Những người làm nghệ thuật nói chung, và những nhà thơ nói riêng, không phải “điên” sao, khi dâng hiến chất xám cho đời mà không hề đòi lại điều gì. Chúng ta không “điên” sao, khi yêu quá thể thơ haiku thâm thúy này, mà không hề có chút lợi lộc vật chất nào. Làm kiếp con tằm thì phải nhả tơ. Con yến thì lấy nước miếng và máu làm nên tinh chất cho đời. Thật sự chúng ta rất “khùng điên”, theo nghĩa mà Haijin Kiều Lam muốn nói.

Tôi đoan rằng, Haijin Kiều Lam sẽ mỉm cười gật đầu, vì đã có người đồng cảm, giải huyệt đạo thơ ông.

Quả thật, thơ haiku vô cùng kỳ vĩ!

Sài Gòn tháng 11.2017

N.T.N

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt