Mưa vẫn tầm xuân
lất phất
nắng còn say lắm hoa cau
Như chúng ta đều biết, thơ haiku có 17 âm tiết theo ngắt nhịp 5-7-5 âm, là thể thơ ngắn nhất của Nhật Bản. Thơ haiku giữ một vị trí hết sức quan trọng trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học đất nước Phù Tang, và đang tiếp tục phát triển rộng rãi tại nhiều quốc gia. Tùy vào mỗi thời đại của lịch sử phát triển, mà thơ haiku có các tên gọi khác nhau như hokku発句, haikai俳諧, haiku俳句, và cấu trúc giản lược, còn lại 8, hoặc thấp hơn 17 âm vị. Bài thơ của Đinh Nhật Hạnh – Chủ tịch CLB Haiku Việt – Đại diện Hiệp hội Haiku Thế giới WHA, có thể xem như một dẫn chứng.
Mưa vẫn tầm xuân/ lất phất/ nắng còn say lắm hoa cau
Mưa, cho ta nhiều ý tưởng – Il pleut dans mon cœur comme il pleut sur la ville – Pault Verlaine (1844 – 1896) – mưa trong tim tôi như mưa trên phố. Mưa còn là hoài niệm, là lãng mạn thi ca – Em đến thăm anh một chiều mưa (Tô Vũ), Em tan trường về/Đường mưa nho nhỏ – Ngày xưa Hoàng Thị (Phạm Thiên Thư), Nhưng “mưa” của Đinh Nhật Hạnh là “mưa tầm xuân” – mưa xanh biếc. Ở đây, tác giả dùng chữ “vẫn”, xem như một dụng ý tạo ngữ “nhãn tự”. Nếu giả sử chúng ta bỏ đi âm tiết “vẫn” này, thì câu thơ trở nên bình thường. Vì chữ “vẫn” có nghĩa nó là như thế, cái đang là, sự tiếp nối, tính muôn thưở của “mưa vẫn tầm xuân” trong thơ Đinh Nhật Hạnh. Cũng có thể là “mưa bay lất phất và mây tím giăng giăng” (Trần Thiện Thanh)…
Mưa lất phất – it’s springkling – hạt mưa bụi rơi rất nhẹ và tựa như bay nghiêng theo chiều gió. Lất phất – hình ảnh lay bay – lay phay không những tạo tính vận động nhẹ nhàng cho toàn thể 12 âm tiết quý ngữ (mùa xuân), mà còn “làm dáng”, làm đẹp câu thơ chỉ với hai âm ngữ định vị. Tác giả đặt “chỗ đứng” thứ hai trong bài thơ ba câu nói trên, là một sự chọn lựa nghệ thuật thi ca Haiku.
“Nắng còn say lắm hoa cau” – Nắng. cho ta hàm ý của dung nhan. Nắng rực rỡ, nhưng rồi sẽ tàn, cũng như dung nhan, một ngày nào đó cũng phai sắc theo thời gian. Nhưng nắng ở đây – trong câu thơ của tác giả là cái nắng “còn say lắm”, là cái nắng vẫn đang say màu “hoa cau rụng trắng bên thềm”, của vườn quê Việt – “Một cõi vườn cao vút những thân cau”. (Vũ Quần Phương)
Ta cũng nên để ý nhà thơ Đinh Nhật Hạnh sử dụng từ “lắm” trong “say lắm”, thật ý vị. Đó là một cái say thanh khiết, thắm thiết, tao nhã nồng nàn xuân. Ý vị ở chỗ không phải là say đắm. Vì say đắm, là cái say “lụy”, một sự say chìm đắm vào…
Thơ Haiku kiệm lời mà ý thơ sâu sắc, thâm trầm, nhu nhuyễn; vì thế cho nên tác giả luôn hết mực cẩn trọng “cân đo” tự vựng, chọn lọc âm tiết, đa tầng ngữ nghĩa. Bài thơ trên của Đinh Nhật Hạnh đã nắm bắt được cái “quý ngữ”,và sự tinh lọc văn chương xứ sở Mặt Trời mọc
Để minh chứng thêm điều này, lời viết mượn những bài thơ sau đây của các tác giả Haiku đã đạt giải cao trong các kỳ thi thơ Hai ku, làm một xác tín.
Xó chợ/ chiếc lon trống/hạt mưa mồ côi (Nguyễn Thánh Ngã – tp Hồ Chí Minh)
Người đàn bà/ neo minh lên khói bếp/ đêm xuân (Mai Trinh Phượng Uyên – Bạc Liêu)
VKC