shincha kumu mazu issen wa mihotokeni
Tokiko Hirata
Newly picked tea
leaves first cup
offered on the Buddist altar
Masaharu Hirata dịch
Chén trà đầu tiên
những lá non mới hái
dâng lên án thờ Đức Phật
Lê văn Truyền dịch
Trà đạo hay Thiền trà (Zen tea) là một nét văn hóa độc đáo đã hình thành từ rất lâu đời tại Nhật Bản. Trà đạo không chỉ đơn giản là một cuộc thù tạc bên chén trà mà còn ẩn chứa cả một nghệ thuật sống thông qua cách thưởng thức một tách trà. Với người Nhật, trà đạo (chadou, sadou, chanoyu) là hình thức uống trà trong một không gian tĩnh lặng, mà cả chủ lẫn khách – những trà nhân – đều hướng đến sự thư giãn, nuôi dưỡng tinh thần và hòa hợp với thiên nhiên. Có thể nói, đối với trà đạo việc pha trà và thưởng thức hương vị của chén trà là những khoảnh khắc của “chánh niệm”.
Chánh niệm (the mindfulness) trở nên phổ biến trên thế giới trong những năm gần đây, nhưng ở Nhật Bản chánh niệm đã ăn sâu vào nền văn hoá hàng thế kỷ. “Chánh niệm là sự tỉnh giác, biết rõ những gì phát sinh ngay trong mỗi thời khắc của hiện tại, bây giờ và ở đây” (Wikipedia). Nói một cách khác: “Chánh niệm là việc ý thức được sự quý báu của giây phút hiện tại và nuôi dưỡng một mối liên hệ mật thiết giữa con người với thực tại bằng một sự chú ý liên tục và thận trọng” (Jon Kabat-Zinn, Where You Go, Where You Are, Nơi Ấy cũng là Bây Giờ và Ở Đây).
Trong buổi “Trà thiền”, trà nhân dành thời gian và tập trung tâm trí ngắm nghía kiểu dáng của chén trà trước khi uống, chiêm ngưỡng trang trí của phòng trà, thưởng thức hương vị của những ngụm trà. Những nghi thức trà đạo nhằm đánh dấu kỷ niệm của thời khắc này, giữa những người bạn này, ở nơi này và sẽ không bao giờ xảy ra hệt như vậy nữa.
Bốn nguyên tắc cơ bản của Trà đạo gồm: Hòa – Kính – Thanh – Tịch.
“Hòa” là sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên trong khung cảnh của buổi thưởng trà. “Kính” là lòng tôn kính đối với những trà nhân cùng thưởng trà và thể hiện lòng thành kính và sự tri ân cuộc sống. Khi lòng tôn kính với con người và vạn vật đạt tới sự vô phân biệt thì tâm hồn ta trở nên thanh thản, yên tĩnh, thể hiện sự thanh tịnh, đó chính là ý nghĩa của “Thanh”. “Tịch” là sự tĩnh lặng đem đến cảm giác yên bình trong tâm hồn những trà nhân.
Thế cho nên, trong phiến khúc haikư này, để thể hiện lòng tôn kính, chén trà đầu tiên từ những búp trà mới hái được các trà nhân thành kính dâng lên Đức Phật trên án thờ.
LVT