Lễ hội Tsukimi- Ngắm Trăng trong thơ Haiku- Đào Thị Hồ Phương

alt

Nhật Bản là một trong những quốc gia thuộc nền văn hóa Á Đông nên người Nhật cũng có tục lệ cúng trăng và ngắm trăng vào mùa thu.

alt

Nguồn gốc

Trong tiếng Nhật “Tsukimi” có nghĩa là “ngắm trăng”, còn chữ “O” thường được thêm vào phía trước (Otsukimi) để thể hiện sự trang trọng. Lễ hội thường diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm.
Có giả thuyết cho rằng tục ngắm trăng bắt nguồn từ Tết Trung thu của Trung Quốc. Ngày lễ này được lưu truyền vào đảo quốc Nhật Bản thông qua những đoàn đi sứ nhà Đường trong thời kỳ Heian (794 – 1185). Ban đầu, Otsukimi chỉ dành cho hoàng gia và tầng lớp quý tộc, nhưng thời kỳ Edo (1603 – 1868) thì nó đã được phổ biến rộng rãi như một lễ hội dân gian. Những mùa lễ Otsukimi đầu tiên được người dân tổ chức vào giai đoạn sau khi đã thu hoạch hoa màu mùa hạ và chuẩn bị bước vào mùa gặt lúa nước, với mục đích cầu xin thần linh mang đến những vụ mùa tươi tốt cho con người. Với ý nghĩa đó, Otsukimi đã đi sâu vào đời sống tinh thần của con người Nhật Bản.


Nét đặc biệt trong Trung thu ở Nhật :
Ngoài 15/8 âm lịch, Otsukimi được tổ chức lần 2 vào khoảng 1 tháng sau – ngày 13/9 âm lịch, đêm 13 này còn được gọi là “trăng sau”. Người Nhật quan niệm rằng một khi đã ngắm trăng đêm 15 thì nhất định phải ngắm trăng vào đêm 13. Bởi nếu chỉ ngắm trăng đêm 15 thì chắc chắn sẽ gặp xui xẻo hay tai họa, điều kiêng kị này trong tiếng Nhật được gọi là “Kata-tsukimi”. Đây cũng là một nét khác biệt của phong tục ngắm trăng của Nhật Bản.

Ngày lễ ngắm trăng đặc biệt này còn mang một ý nghĩa khác là tạ ơn các vị thần đã ban cho người dân một vụ mùa thật bội thu, họ đã làm những mâm lễ cúng thật chu đáo bằng chính những thứ mà họ làm ra như bánh truyền thống Dango, cỏ bông bạc Susuki,…

Haiku và lễ hội ngắm trăng

Từ cổ xưa, người Nhật miêu tả tháng 8 âm lịch (khoảng giữa tháng 9 theo lịch Gregorian) là thời khắc tuyệt vời nhất để ngắm trăng, bởi vị trí của Trái đất, Mặt Trời và Mặt trăng khiến cho trăng vô cùng sáng. Vào những đêm trăng sáng, đã có một truyền thống được đặt ra, mọi người tụ tập tại nơi có thể nhìn rõ mặt trăng nhất, những cánh đồng cỏ ở Nhật, và dùng bánh gạo (được biết đến là Tsukimi dango), khoai môn, đậu ván, hạt dẻ và nhiều loại đồ ăn khác, thêm vào đó là rượu sake để dâng tặng cho mặt trăng cầu một vụ mùa bội thu.Tsukimi được biết đến như một lễ hội truyền thống của Nhật Bản nơi người ta ăn mừng mùa gặt.Đồng thời từ thời Heian, người Nhật (đặc biệt là giới quý tộc trong cung đình) đã có phong tục tổ chức ngâm thơ (Tanka) dưới ánh trăng rằm vào Tháng 8 âm lịch. Đến thời Edo, với sự phát triển của nền văn hóa, văn học đại chúng và sự ra đời của thơ Haiku thì phong tục “thưởng nguyệt, làm thơ” này tiếp tục được duy trì và có những màu sắc mới.

Sau đây xin giới thiệu một số bài thơ Haiku được sáng tác lấy cảm hứng chủ đạo là “trăng rằm mùa thu”.

1.あさむつや - 月見の旅の - 明け離れ

Asamutsu ya- tsukimi no tabi- akebareru

松尾芭蕉 (Matsuo Basho)

Tại Atsumuka

hành trình ngắm trăng

bình minh bỏ lại


2. 観月や - 高張立てて - 百花園

Kangetsu ya – takahari tatete – haykkaen

高橋淡路女 (Takahashi Awajijo)

Thưởng nguyệt

lồng đèn treo cao

bách hoa viên


3. 賑やかに - 障子開けたり - 十三夜

Nigiyaka ni – shoshiaketari – juusan yoru

星野立子(Hoshino Tatsuko)

Mở cánh cửa lùa

một cách ồn ào

đêm rằm mười ba


4. 年よりや - 月を見るにも – ナムアミダ

Toshi yori ya – tsuki wo miru nimo – namiamida

小林一茶 (Kobayashi Issa)

Có tuổi rồi

cho dù nhìn trăng

cũng niệm A Di Đà


5. はろばろと - 来て山高き - 月見かな

Horoboro to – kitetakaki tsukimi – kana

吉武月二郎 (Yoshitake Tsukijorou)

Phía nơi xa xa

Đang đến từ trên cao

trăng đó phải không ?


6. 名月は - どこでながめん - 草枕

Meigatsu wa – doko de nagamen – kusamakura

正岡子規 (Masaoka Shiki )

Trăng thu

nghiêng bóng nơi nào ?

chiếc gối cỏ

ĐTHP

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt