Thơ haiku là sản vật trân quý của xứ sở Phù Tang. Thơ haiku giống như loài hoa bồ công anh, đẹp một vẻ đẹp dung dị, đơn sơ, và khi vào độ chín, theo gió bay đi muôn phương. Những hạt giống haiku Nhật dù ở mảnh đất nào cũng nảy nở, sinh sôi thành vườn thơ đẹp bất chấp những hàng rào ngôn ngữ, văn hóa… Có một vườn thơ haiku như thế trên mảnh đất Việt Nam. Hạt giống haiku Nhật Bản được gieo trồng trên mảnh đất của xứ sở mà con người từ ngàn đời nay vẫn dành trọn tình yêu cho thi ca nên chẳng bao lâu đã đơm những nụ hoa, kết những trái ngọt đầu mùa. Hoa trái đầu mùa của haiku Việt kết tinh những hạt phù sa tâm hồn Việt, tỏa một hương sắc rất Việt Nam. Đọc haiku Việt, độc giả được sống giữa một không gian thiên nhiên, một không gian văn hóa, gặp gỡ những tâm hồn rất Việt Nam.
- 1. Đề tài của haiku Việt là cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam
Thơ haiku Nhật Bản cổ điển thường viết về đề tài thiên nhiên qua bốn mùa được gọi là quý đề (kidai). Để biểu đạt mùa, thơ haiku thường dùng quý ngữ (kigo). Đó có thể là những từ trực tiếp chỉ mùa (gọi là quý ngữ trực tiếp) hoặc những hình ảnh, âm thanh đặc trưng biểu tượng cho mùa (gọi là quý ngữ gián tiếp). Quý ngữ chỉ mùa xuân trong haiku Nhật Bản thường là hoa anh đào, hoa mơ, hoa mận, liễu xanh, chim oanh, chim yến…, mùa hạ là con ve, chim quyên, hoa diên vĩ…, mùa thu là trăng, sương, tiếng dế, tiếng côn trùng…, mùa đông là cây tùng, tiếng ngỗng hoang, tuyết, cánh đồng hoang… Tiếp thu tinh thần ấy, thơ haiku Việt cũng viết về thiên nhiên bốn mùa nhưng là những cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam, là những hình ảnh, âm thanh rất đỗi thân thương đối với mỗi người dân Việt. Những âm thanh, hình ảnh dung dị của làng quê Việt chợt hiện lên trước mắt nhà thơ và bước vào trong thơ hết sức tự nhiên. Quê hương Việt Nam mộc mạc tiếng mõ trâu về trên đường thôn khua lốc cốc trong chiều sương. Trong làn sương chiều giăng mắc, trong tiếng mõ trâu, khung cảnh làng quê buổi chiều mênh mang nỗi buồn cô liêu:
Chiều sương
Mõ trâu về lốc cốc
Đường thôn (Bài 99 – Trăng bùa – Đinh Nhật Hạnh)
Quê hương là tiếng chim cu gáy dặt dìu vời vợi trong chiều quê:
Dìu dặt cúc cù cu
Thả hồn quê
Vời vợi (Bài 62 – Trăng bùa – Đinh Nhật Hạnh)
là tiếng vạc kêu khan dưới ánh trăng tà cô liêu:
Trăng tà
Khan
Tiếng vạc (Bài 128 – Trăng bùa – Đinh Nhật Hạnh)
hay đơn giản là tiếng bầy muỗi lao xao bên đàn bò dưới gốc nhãn trong một chiều vàng ngả muộn:
Chiều vàng gốc nhãn
Bò lim dim
Nghe muỗi gẩy đàn (Bài 98 – Trăng bùa – Đinh Nhật Hạnh)
Nhà thơ đã nghe, đã rung động và ghi lại với xiết bao tình yêu trìu mến những âm thanh đơn sơ, dung dị của quê nhà mà chúng ta, trong đời thường lao xao, vội vã có lúc đã không nghe thấy và vô tình hoặc cố tình lãng quên. Haiku Việt lắng bao tiếng quê hương thân thương đã nhắc ta điều ấy khiến ta không khỏi giật mình.
Thơ haiku Việt dẫn người đọc trở về với đồng lúa xanh, đàn cò trắng nơi làng quê thanh bình. Vẻ đẹp nên thơ ấy của làng quê được vun đắp bởi biết bao công sức của những người phụ nữ Việt Nam tần tảo, lam lũ. Bàn tay mẹ đã vẽ nên bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp:
Xuân về theo tay mẹ
đồng trải thảm xanh non
đàn cò trắng bay lượn (Haiku Việt 1/2013 – Phan Hữu Cường)
Làng quê Việt trù phú nằm kề bên những dòng sông, được sông bồi đắp phù sa, trao tặng vị ngọt làm nên mùa màng bội thu. Vì thế, con người trên mảnh đất ấy luôn gắn bó với những dòng sông. Hình ảnh dòng sông với bông lục bình tím là ấn tượng không phai trong tâm thức mỗi người Việt, gợi lên thân phận con người:
Lục bình trên sông
về đâu sắc tím
giữa đời mênh mông (Minh Trí – Ngọt vị phù sa)
Trong thơ haiku của Lưu Đức Trung, nỗi niềm thao thức quê hương được gợi lên từ sự thanh đạm, đơn sơ, dung dị của cảnh chiều quê thanh bình. Mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu, con trâu chậm rãi bước đi trong yên ả. Con người an nhiên, tự tại giữa không gian thanh bình:
Chú bé ngồi vắt vẻo
con trâu chậm rãi
chiều quê (Tươi mãi với thời gian – Lưu Đức Trung)
Lấy cảm hứng từ bức tranh Đông Hồ vẽ cảnh mục đồng cưỡi trâu che đầu bằng chiếc lá sen, Nguyễn Văn Đồng tái hiện lại cảnh chiều quê thân thuộc:
Gió đồng mênh mông
lưng trâu tiếng sáo
lọng sen mục đồng (Nguyễn Văn Đồng – Dưới ngói âm dương)
Haiku Việt dắt ta về với ngôi nhà thân thuộc có mảnh sân ngày mùa và đàn sẻ nhẹ nhàng mổ thóc trong nắng. Màu vàng của thóc, màu vàng của nắng hòa quyện, khó phân biệt đâu là màu nắng, đâu là màu của thóc đang phơi:
Bước chân nhẹ nhàng
đàn sẻ mổ thóc
sân phơi nắng vàng (Hoa bốn mùa – Lưu Đức Trung)
- 2. Phong tục, tập quán Việt Nam
Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, trong thơ haiku Việt, những thuần phong, mĩ tục cũng được các nhà thơ giới thiệu qua những hình ÂÂ ảnh rất gần gũi, thân thuộc. Đó là hình ảnh bếp lửa bập bùng với nồi bánh chưng đang sôi trong mỗi nhà ngày cuối năm:
Bếp lửa bập bùng
nồi bánh chưng
chờ vớt (Haiku Việt 1/2013 – Nguyễn Hoàng Lâm)
Đó là tục tảo mộ “thanh minh trong tiết tháng ba” tưởng nhớ người đã khuất – một mĩ tục thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” thủy chung của người Việt Nam:
Mồ cỏ xanh biếc
khói hương thương tiếc
thanh minh (Haiku Việt 1/2013 – Nghiêm Xuân Đức)
Tục thắp hương phút giao thừa cúng trời đất, ông bà tổ tiên vừa để bày tỏ sự cảm tạ trời đất, ước vọng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt cho mọi nhà cũng vừa thể hiện lòng biết ơn ông bà tổ tiên, đạo lí uống nước nhớ nguồn ấy:
Giao thừa tới
Thắp nén hương
Hai năm chung một khói (Haiku Việt 1/2013 – Trần Nguyệt Lâm)
Với mong ước một năm mới tình cảm sắt son, đậm đà, xua đi mọi tà ma, xú uế, mang về nhiều may mắn, an lành, người Việt có tục mua muối đầu năm. Những người diêm dân bán muối tranh thủ sớm mùng Một bán hàng trong lúc nhà nhà còn mơ màng sau những phút vui xuân, đón giao thừa. Lắng nghe tiếng rao: “Ai muối?”, Đỗ Tuyết Loan ngậm ngùi cho những diêm dân vất vả quanh năm, bán muối mang lại may mắn cho mọi nhà mà cuộc sống của chính họ lại hết sức bấp bênh, nghèo khó:
Giao thừa vui, dậy muộn
Tiếng rao: “Ai muối?”
Chập chờn trong mơ (Haiku Việt 1/2013 – Đỗ Tuyết Loan)
- 3. Haiku Việt ca ngợi vẻ đẹp con người Việt Nam
Trong thơ haiku Việt, con người Việt Nam hiện lên hiền lành chân chất mà rất đỗi thủy chung, kiên cường, lạc quan. Haiku Việt nhắc nhớ nhiều về mẹ – hình tượng mang những phẩm chất tiêu biểu cho con người Việt Nam. Hình ảnh mẹ trong thơ haiku không phải là những tượng đài kì vĩ mà nhỏ bé, dịu dàng, chịu thương chịu khó, âm thầm hi sinh, hết lòng vì con. Mẹ để lại những kỉ niệm không bao giờ phai nhạt trong kí ức mỗi con người, trước hết là tiếng ru con ngủ ầu ơ. Bên cánh võng, tiếng ru của mẹ cho con cảm nhận đầu tiên về quê hương, về yêu thương. Lớn lên, xa dần cánh võng, xa dần mái nhà xưa, đi khắp bốn phương trời, được nghe biết bao âm thanh mới lạ của cuộc đời nhưng nhà thơ vẫn nhớ tiếng ru của mẹ bên võng ngày xưa:
Cung đàn koto dìu dặt
Nâng ta về
Bên võng mẹ – ngày xưa (bài 132– Trăng bùa – Đinh Nhật Hạnh)
Đúng là “Ta đi trọn kiếp con người/ Vẫn không đi hết mấy lời mẹ ru” (Nguyễn Duy). Tình mẹ, tình quê hương nâng bước ta đi trọn cuộc đời.
Người mẹ Việt Nam chịu thương chịu khó, tần tảo sớm hôm nuôi nấng, chăm sóc các con khôn lớn. Hình ảnh người mẹ ngồi khâu áo cho con không bao giờ phai nhạt trong tâm trí các con:
Nhặt cây kim rỉ
Mắt lệ nhòa
Áo con rách vai (Lưu Đức Trung – Bốn mùa hoa)
Bài thơ gợi cho chúng ta cảm nhận được cái thăm thẳm của chiều thời gian. Thời gian vời vợi có thể làm phai tàn tất cả nhưng bất lực trước tình cảm nhà thơ dành cho mẹ. Từ thực tại với hình ảnh cây kim rỉ trước mắt, nhà thơ nhớ về những kỉ niệm thời ấu thơ khi còn mẹ, được mẹ chăm sóc từ miếng cơm manh áo. Hình ảnh người mẹ tần tảo trên cánh đồng được nhà thơ Nguyễn Duy Quý khắc họa trong câu thơ:
Chiều rộng
Đồng xa
Mẹ già chưa nghỉ (Nguyễn Duy Quý – Haiku Việt 1/2013)
Hình ảnh người mẹ không ngơi tay được đặt trong bối cảnh không gian và thời gian “xa”, “rộng” trở nên nhỏ bé, gợi trong ta biết bao niềm thương nỗi nhớ. Cũng khắc khoải về những vất vả, lo toan thường nhật của mẹ, Lê Văn Truyền lại dùng hình ảnh “đôi quang” trên vai mẹ như một biểu tượng cho sự lam lũ nhưng cũng thật đảm đang, mạnh mẽ, kiên cường trước gánh nặng cuộc đời của mẹ:
Đôi quang
Mẹ gánh gồng
Bao nợ nần cuộc sống (Lê Văn Truyền – Haiku Việt 1/2013)
Nhà thơ Lê Đình Công dùng hình ảnh cánh vạc lặn lội giữa đồng khuya để so sánh với mẹ:
Đồng khuya
Cánh vạc
Mẹ già (Lê Đình Công – Thơ haiku Việt tuyển tập)
Mẹ yêu thương, chi chút cho con từ gói bỏng ngô:
Hình bóng mẹ
Gói bỏng ngô đầu tiên
Để dành ngày mai (Đinh Trần Phương – Cánh trăng)
Hay gom góp chút nắng ấp ủ cho con trong những ngày lạnh giá:
Gom nắng chợ quê
Ôm con hết cóng
Lưng mẹ còng (Nguyễn Văn Đồng – Dưới ngói âm dương)
Thủy chung son sắt, một vẻ đẹp của người Việt Nam cũng được thể hiện trong haiku Việt. Đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều hương vị ẩm thực mới lạ, nghe nhiều thứ tiếng khác nhau, nhà thơ vẫn nhớ về những hương vị mộc mạc của quê nhà qua qủa cà, miếng nhút, miếng cơm nắm muối vừng…, nhớ cha mẹ một nắng hai sương, nhớ âm sắc quê hương da diết:
Nhấm nha miếng nhút
Mặn giọt mồ hôi
Mẹ cha ngày ấy! (Haiku Việt 1/2013 – Lê Đăng Hoan)
Trôi dạt phương trời xa
Nhớ mặn mòi cà nhút
Nhớ âm sắc quê nhà. (Haiku Việt 1/2013 – Nguyễn Bao)
Vị cơm nắm muối vừng
Dắt tay ta
Vào kí ức (Lê Văn Truyền – Haiku Việt 1/2013)
Lạc phố
Mùi cơm ngõ nhỏ
Dắt ta về (Haiku Việt 1/2013 – Vương Trọng)
Dù đi đâu, nhà thơ cũng mong muốn được trở về quê, soi mình trong đáy giếng và tìm lại hình bóng tuổi thơ trong trẻo ở đó.
Về quê nhà
Soi mình đáy giếng
Những ngày ấu thơ (Lưu Đức Trung – Bốn mùa hoa)
Âm vang của một thời đạn lửa khốc liệt với nhiều hi sinh mất mát với những con người dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì độc lập dân tộc được phản ánh hàm súc trong haiku Việt:
Trăng lạnh
Nghĩa trang
Đồng đội xếp hàng (Lý Viễn Giao)
Nhà thơ – người chiến sĩ năm xưa trở về thăm những người đồng đội cũ đã hi sinh vì đất nước. Dưới ánh trăng, nhìn những nấm mộ liệt sĩ xếp hàng ngay ngắn, nhà thơ cảm thấy như đồng đội của mình vẫn đang xếp hàng sẵn sàng lên đường ra trận. Tinh thần chiến đấu “chỉ tiến không lui” của những người lính dường như vẫn còn hiện diện, tại đây, trong nghĩa trang này. Họ hi sinh nhưng linh hồn của họ dường như vẫn hiển linh, phù hộ cho đồng đội, cho đất nước, cho dân tộc mãi trường tồn:
Ánh nến lung linh
Hàng hàng thẳng tắp
ĐỒNG ĐỘI hiển linh (Nguyễn Văn Đồng – Dưới ngói âm dương)
Thơ haiku Việt ca hát về vẻ đẹp Việt Nam, về cái đẹp của thiên nhiên gấm vóc, của những thuần phong mĩ tục, của tâm hồn, tính cách con người Việt Nam ngay thẳng, bình dị mà cao quý vô ngần. Và như vậy, “haiku Việt ôm choàng cuộc sống trong mọi nẻo đời. Ở đây và bây giờ” (Nhật Chiêu – Nắng mới lên từ thơ haiku). Những âm giai Nhật Bản và tâm hồn lục bát Việt Nam hòa quyện tạo thành một bản “hòa âm” mới “đa thanh”, đem đến cho con người tình yêu và niềm tự hào về quê hương, đất nước mình.
ML