Hòa thuận với thiên nhiên- Lê Văn Truyền

alt

alt

Ngày cha tôi mất

cây cối vườn nhà

trắng giải khăn tang

Hồi còn nhỏ mỗi lần Tết sắp đến, vào ngày cúng ông Công ông Táo 23 tháng chạp, tôi sung sướng được bà ngoại sai cầm bát hồ líu tíu theo bà đi dán vàng mã ở thành giếng và cây cối ngoài vườn. Tôi thắc mắc không hiểu bà làm như vậy để làm gì. Bà tôi dạy phải dán giấy vàng cho cây để năm mới cây cối trong vườn tốt tươi, những cây cau cho buồng sai quả, gốc mít nặng trĩu trái từ gốc đến thân, cây bưởi, cây chanh lúc lỉu quả … Cái giếng cổ luôn luôn cho đầy nước ngọt, trong mát ngay cả trong những ngày nắng hạn đủ để nhà dùng và cho láng giềng sang xin mấy gánh nước uống mỗi ngày. Trong suy nghĩ của bà tôi, cây cối cũng như giếng nước trong vườn đều có “cuộc sống” riêng. Chúng biết lặng lẽ quan sát, cảm nhận cách đối xử của chủ nhà với chúng và sẽ không phụ lòng trả ơn nếu ta tử tế với chúng. Thật đúng vậy, thu nhập của bà tôi để trang trải cuộc sống hàng ngày cũng chỉ trông chờ vào sản vật của mảnh vườn bé tẹo. Buổi sáng, bà ra vườn hái mấy xếp trầu, mấy bó lá chè, quả mít, mớ chanh, thi thoảng được một buồng cau … bỏ vào rổ đem bán ở chợ đầu làng để có tiền mua vài con cá, mớ tép, đôi khi một gói “kẹo cau” bọc trong lá chuối khô để làm quà cho mấy đứa cháu … Và như vậy, rõ ràng giữa bà tôi và cây cối trong vườn tự nhiên đã hình thành một mối quan hệ bạn bè, tương hỗ, cộng sinh trong suốt cuộc đời.

Ngày cha tôi mất, sau lễ phát tang, ông anh con bác trưởng cắt những mảnh vải tang còn sót lại thành những giải khăn trắng, sai bọn trẻ mang ra vườn buộc vào cây cối, những cây cau, gốc mít, cây khế, những bụi chuối, bụi tre … Anh tôi bảo cây cối trong vườn là bạn của người quá cố, suốt bao nhiêu năm được người chăm sóc, vun trồng hàng ngày. Giữa con người và cây cối, đặc biệt là những cây lưu niên đôi khi tuổi đời còn dài hơn tuổi của người trong nhà, đã nẩy sinh một mối thâm tình. Vì vậy, phải buộc giải tang cho cây để cây được tỏ lòng biết ơn và tiếc thương người quá cố. Nếu ta quên, cây cối có thể buồn phiền và … tàn tạ theo người đã khuất.

Thiết nghĩ, ông cha ta, dân tộc ta từ hàng ngàn năm đã biết suy nghĩ và sống một cách minh triết, nhân văn, thuận thảo với thiên nhiên mà không phải đợi các nhà khoa học phương Tây mãi đến cuối thế kỷ XX mới rầm rộ cảnh báo loài người về sự tàn phá thiên nhiên và các thảm họa môi trường. Nhưng đau đớn thay, trong thời đại này chúng ta đang chứng kiến thế lực của đồng tiền đang tàn phá, hủy hoại không thương tiếc những gì ông cha ta đã chắt chiu vun đắp, gầy dựng từ thế hệ này qua thế hệ khác trong suốt chiều dài lịch sử sinh tồn của dân tộc.

LVT

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt