Trong văn hoá phương Đông, Ngọ hay ngũ là chi thứ bảy trong thập nhị chi (hay còn gọi là mười hai con giáp). Ngọ được biểu tượng thành con ngựa và dùng để chỉ thời gian như giờ ngọ từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều (chính ngọ là 12 giờ trưa), tháng Năm; năm ngọ; hoặc dùng để chỉ không gian như hướng nam.
Do tính chất hữu dụng của ngựa, do những đặc điểm độc đáo của ngựa và do mối quan hệ thân tình giữa con người và ngựa mà hình tượng ngựa đã đi vào trong văn hóa của các nước Á Đông và trở nên rất phổ biến trong ngôn ngữ, văn học, hội họa, âm nhạc,…Trong thơ haiku cổ điển Nhật Bản, hình tượng con ngựa cũng xuất hiện nhiều và có nhiều ý nghĩa thể hiện quan niệm riêng của người Nhật về ngựa.
- 1. Ngựa – người bạn thân thiết, bình đẳng với con người
Thi sĩ haiku thường là những lữ khách lãng du, cả cuộc đời dành cho những chuyến hành hương nên họ rất gắn bó với những con ngựa. Ngựa trước hết là một người bạn đồng hành cần mẫn tuyệt vời trong những chuyến viễn du. Ngựa đi ngày đêm không nghỉ, còn thi sĩ ngày ngồi trên lưng ngựa, đêm ngủ cũng trên lưng ngựa:
馬に寝て残夢月通し茶のけぶり
Ngủ trên lưng ngựa
Giấc mộng chưa tàn
Khói rang chè lấp ló ánh trăng. (M.Basho) (Lê Thị Bình dịch)
Ngựa chuyên chở nhà thơ, chuyên chở cả những giấc mộng đẹp của thi nhân. Ngựa chia ngọt sẻ bùi cùng thi sĩ. Ngựa cùng nhà thơ chiêm ngưỡng vẻ nên thơ mà bình dị của cảnh vật bên đường với ánh trăng lấp ló trong khói rang chè nhà ai. Ngựa cũng cùng chịu chung những cực nhọc trên đường hành hương với nhà thơ những lúc nhà thơ vất vả trải qua mùa hạ nóng bức, mùa đông lạnh giá:
冬の日や馬上に氷る影法師
Một ngày mùa đông
Trên lưng ngựa –
Cái bóng đông cứng của tôi. (M.Basho) (Mai Liên dịch)
Trên lưng ngựa, Issa lại nghe thấy tiếng chim cu cu như mời gọi:
馬上からおおいおいとや時鳥
Từ trên lưng ngựa
Chim cu cu gọi
“Ôi, này lại đây” (Issa) (Lê Thị Bình dịch)
Ngựa cũng là đồng ngũ chia sẻ những gian lao trong đời những chiến binh. Con ngựa trong bài thơ sau đây cùng với chủ của mình rong ruổi cả ngày dài trên những chặng đường xa vạn dặm. Hình tượng người lính toát lên vẻ can trường, không mệt mỏi, cầm giáo trong tư thế sẵn sàng chiến đấu dù ở bất cứ thời điểm nào. Còn con ngựa cũng luôn kề vai sát cánh cùng chủ tiến lên:
鑓もちて馬にまたがる日永哉
Cầm giáo
Cưỡi ngựa
Ngày dài (Issa) (Lê Thị Bình dịch)
Cũng có lúc, nhà thơ rời khỏi lưng ngựa. Có khi chủ động cùng ngựa thong dong, thảnh thơi dạo bước trên đồng như hai người bạn tâm giao:
野を横に馬索(ひき)むけよほととぎす
Chim cu mách –
“Dắt ngựa dạo chơi
Trên cánh đồng”. (M.Basho) (Lê Thị Bình dịch)
Nhưng cũng có khi bị động ngã ngựa vì say:
ゆきや砂むまより落(おち)よ酒の酔
Say
Thế là ta ngã ngựa
Tuyết ơi . (M.Basho) (Lê Thị Bình dịch)
Trên đường hành hương, M.Basho có khi uống rượu. Đấy là một cách mở rộng cánh cửa tâm hồn, đón nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, hoà nhập cùng tạo vật:
酔うて寝 む な で し こ咲け る石の 上
Bên vách đá phủ đầy hoa cẩm chướng
Tôi uống chút rượu
Rồi ngủ say trong giấc xuân nồng. (M.Basho) – (Thanh Châu dịch)
Do không còn tỉnh táo làm chủ mình nên có lần nhà thơ ngã ngựa, toàn thân chạm vào tuyết. Tuyết lạnh đã làm nhà thơ tỉnh táo trở lại và ý thức được trạng thái say và tình trạng ngã của mình. Có lẽ thích thú khi thấy mình nằm trên tuyết trắng tinh khôi nên nhà thơ đã kêu lên: “Tuyết ơi”.
Cứu cánh tối thượng của Thiền tông là chứng ngộ Phật tính. Phật tính là kho tàng riêng sâu thẳm trong mỗi người. Ai trong chúng ta cũng có Phật tính. Cũng không giới hạn trong loài người, cỏ cây hoa lá chim muông cầm thú cũng đều có Phật tính. Vạn vật bình đẳng với nhau trong ánh sáng Thiền. Xuất phát từ tinh thần “vô sai biệt” đó nên thơ haiku cổ điển chủ yếu viết về những cảnh vật đơn sơ, những con vật nhỏ bé: một con dế hiền lành giữa đám tôm cá, tiếng ve thấm vào đá, một cánh chuồn ngô mong manh, một ánh đom đóm lập loè trên chiếc chuông chùa, một cánh bướm say giọt sương trên hoa cúc, một con châu chấu dưới chiếc mũ chiến binh, thậm chí là cả bọ chét, rầy, hay nước đái ngựa,…
蚤虱馬の尿する枕もと (のみしらみうまのばりするまくらもと)
Đầu giường
Nước đái ngựa
Rận và bọ chét (M.Basho – Lê Thị Bình dịch)
Tương truyền, câu này M.Basho sáng tác khi nghỉ lại nhà một người lính già vào ban đêm. Phòng của ông cách chuồng ngựa khoảng chục mét nên không thể có nước đái ngựa ở đầu giường được. Tuy nhiên, do rất thích bầy ngựa của gia đình nên nhà thơ mấy lần chạy xuống ngắm. Cảm hứng sáng tác bài haiku trên xuất hiện từ đây. Qua bài thơ, Basho muốn nói con người hay con ngựa, rận và bọ chét cũng đều là những sinh vật cùng sống dưới một mái nhà, có gì khác nhau đâu.
- 2.Ngựa – vẻ đẹp bình dị
Trong hội hoạ, âm nhạc, điêu khắc, … của các nước, ngựa hay hiện lên trong vẻ đẹp kiêu hãnh với dáng người phi lên phía trước, bốn vó tung cao, bờm bay trong gió, đầu ngẩng nghênh phong,… Trong thơ haiku, ngựa cũng rất đẹp nhưng là một vẻ đẹp bình dị mà hàng ngày có khi người ta vô tâm không để ý:
馬をさえながむるゆきの朝(あした)哉
(うまをさへながむるゆきのあしたかな)
Tuyết sáng nay
Có gì hay
Mà vui ngắm ngựa (M.Basho – Lê Thị Bình)
Bình thường, nhà thơ không để ý tới con ngựa làm gì. Nhưng một sớm mai, tuyết đẹp quá, tinh thần sảng khoái, tâm hồn như đựơc thanh tẩy nên tự nhiên thấy thích thú ngắm nghía khi phát hiện ra vẻ đẹp của nó. Thì ra cái đẹp vẫn hiện hữu quanh ta nhưng tâm ta nhiều khi đầy tạp niệm, không có được cái nhìn, cái nghe sáng suốt nên không nhận thấy. Chỉ khi hồn ta thanh thản, sâu lắng trong trạng thái vô niệm, ta chợt nhận ra những vẻ đẹp của cuộc sống nhiệm màu hiện hữu quanh ta.
Hình ảnh ngựa phi trên cánh đồng tự nó đã là một bức tranh đẹp mà nhà thơ chợt nhận thấy:
馬ぼくぼく我を 絵に見る夏野か な
Ngựa phi lóc cóc –
Bức tranh tôi thấy
Trên đồng mùa hạ. (M.Basho) – (Mai Liên dịch)
Ngựa là vẻ đẹp trong nhạc:
春駒のうたでとかすや門の雪
Tuyết trước cửa
Tan ra
Vì câu hát Ngựa Xuân (Issa – Lê Thị Bình dịch)
Câu hát Ngựa Xuân sôi nổi, rộn rã với tiếng vó ngựa gõ khiến không gian trở nên nồng nàn, tuyết tan chảy, và dường như cũng khiến lòng người ấm áp, náo nức khi những ngày xuân tới.
Ngựa là vẻ đẹp hiện hữu trong tranh:
画馬(えま)書ける摺小木(すりこぎ)に吹春の風
Bức tranh Ngựa
Mái chèo khua nước
Gió mùa xuân (Issa – Lê Thị Bình dịch)
Có ba đối tượng được kể tên trong bài thơ: bức tranh Ngựa, mái chèo khua nước, gió mùa xuân. Không có từ ngữ được sử dụng làm phương tiện kết nối chúng. Vì vậy, bài thơ có thể được hiểu là trong bức tranh vẽ ngựa có vẽ cả dòng sông với mái chèo khua nước vỗ sóng, có ngọn gió mùa xuân mơn man thổi. Nhưng cũng có thể hiểu là bức tranh chỉ đơn thuần vẽ con ngựa nhưng khi xem tranh, người thưởng lãm như lắng nghe thấy cả tiếng mái chèo khua nước dậy sóng trong tiếng vó ngựa lóc cóc, cảm nhận được làn gió mùa xuân thổi mơn man trên bờm ngựa đang bay. Cũng có thể hiểu, trong tiếng mái chèo khua nước, trong làn gió mùa xuân, nhà thơ vẽ bức tranh con ngựa. Nhưng dù hiểu theo cách nào, bài thơ vẫn làm sống dậy một mùa xuân tràn đầy sức sống, đang vận động, luân chuyển mạnh mẽ không ngừng. Thơ của Issa là như vậy, luôn mang đến vẻ đẹp bình dị của cuộc sống con người tràn đầy sinh lực tuổi trẻ và mùa xuân. Vì vậy ông là nhà thơ haiku Nhật Bản ‘’cận nhân tình’’ nhất.
Trong thơ haiku cổ điển Nhật Bản, con ngựa là bạn với con người suốt bốn mùa xuân hạ thu đông. Đối với con người, con ngựa không chỉ là phương tiện di chuyển mà là người bạn đồng hành, tâm giao, tri kỷ chia sẻ ngọt bùi trên con đường lữ hành vạn dặm. Trong con mắt của các nhà thơ haiku, con ngựa cũng biểu trưng cho một vẻ đẹp bình dị, tràn đầy sức mạnh, sinh lực của cuộc sống. Qua việc khắc hoạ hình tượng con ngựa, các nhà thơ haiku đã mang đến cho chúng ta tình yêu với vạn vật xung quanh, biết sống trọn vẹn là chính mình để cảm nhận được những vẻ đẹp mà cuộc đời trao tặng đang hiện hữu quanh ta, để yêu thêm cuộc đời.
NTML