Haiku Việt- Bản hòa ca của tâm hồn Việt- Nhật

Thơ haiku là sản vật trân quý của xứ sở Phù Tang. Thơ haiku giống như loài hoa bồ công anh, đẹp một vẻ đẹp dung dị, đơn sơ, khiêm nhường, và khi vào độ chín, theo gió bay đi muôn phương. Những hạt giống haiku Nhật dù ở mảnh đất nào cũng nảy nở, sinh sôi thành vườn thơ đẹp bất chấp những hàng rào ngôn ngữ, văn hóa… Có một vườn thơ haiku như thế trên mảnh đất Việt Nam. Hạt giống haiku Nhật Bản được gieo trồng trên mảnh đất của xứ sở mà con người từ ngàn đời nay vẫn dành trọn tình yêu cho thi ca nên chẳng bao lâu đã đơm những nụ hoa, kết những trái ngọt đầu mùa. Kể từ những bỡ ngỡ buổi đầu khai sinh đến nay, haiku Việt do Câu lạc bộ haiku Việt Hà Nội sáng tác đã trải qua mười hai mùa hoa với rất nhiều thành tựu. Hoa trái đầu mùa của haiku Việt kết tinh những hạt phù sa tâm hồn Việt, tỏa một hương sắc rất Việt Nam. Đọc haiku Việt, độc giả được sống giữa một không gian thiên nhiên, một không gian văn hóa, gặp gỡ những tâm hồn rất đỗi Việt Nam.

alt

Vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam

Thơ haiku Nhật Bản cổ điển thường viết về đề tài thiên nhiên qua bốn mùa được gọi là quý đề (kidai). Để biểu đạt mùa, thơ haiku thường dùng quý ngữ (kigo). Đó có thể là những từ trực tiếp chỉ mùa (gọi là quý ngữ trực tiếp) hoặc những hình ảnh, âm thanh đặc trưng biểu tượng cho mùa (gọi là quý ngữ gián tiếp). Quý ngữ chỉ mùa xuân trong haiku Nhật Bản thường là hoa anh đào, hoa mai, hoa mơ, hoa mận, liễu xanh, chim oanh, chim yến…, mùa hạ là tiếng ve, chim quyên, hoa diên vĩ…, mùa thu là trăng, sương, tiếng dế, tiếng côn trùng, lá phong…, mùa đông là cây tùng, tiếng ngỗng hoang, tuyết, cánh đồng hoang… Tiếp thu tinh thần ấy, thơ haiku Việt cũng viết về thiên nhiên bốn mùa nhưng là những cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam, là những hình ảnh, âm thanh rất đỗi thân thương đối với mỗi người dân Việt. Những âm thanh, hình ảnh dung dị của làng quê Việt từ Bắc vào Nam, từ miền núi, đồng bằng đến miền biển… chợt hiện lên trước mắt nhà thơ và bước vào trong thơ hết sức tự nhiên.

Vẻ mĩ lệ của những chân ruộng bậc thang lúa đang thì con gái xanh tươi trên vùng núi phía Bắc đã lay động tâm hồn lữ khách phương Nam Mộng Hòa. Liên tưởng thú vị những khu ruộng bậc thang với “thang ai bắc / lúa lên trời’ của nhà thơ đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng cũng như sức mạnh sáng tạo trong lao động của những con người nơi vùng cao:

Ruộng xanh

thang ai bắc

lúa lên trời (Mộng Hòa)

Cũng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng, nhà thơ Lê Khắc Huy lại rung động trước một cánh cò trắng về tổ lúc chiều muộn trên nền núi tím biếc. Hai hình ảnh đối lập về kích thước, về màu sắc: ngọn núi hùng vĩ tím biếc – cánh cò trắng nhỏ bé, mong manh gợi lên một vẻ đẹp cô liêu. Hai chữ “thân cò” trong thơ xưa giúp nhà thơ thể hiện được nỗi niềm xót xa cho những chút phận lênh đênh, nhọc nhằn:

Núi tím biếc

chấm trắng lớn dần

thân cò về muộn (Lê Khắc Huy)

Sapa – “thành phố trong sương” – làm say đắm nhà thơ Lê Thị Kim bởi vẻ đẹp của một thiếu nữ cuộn mình say giấc nồng trong tấm chăn bông mây núi, bởi rượu được chưng cất từ táo mèo đặc biệt lên hương.

Sapa cuộn mây

táo mèo ủ rượu

thơ ngả nghiêng say (Nguyễn Thị Kim)

Nhà thơ mượn những câu thơ say để nói lên nỗi niềm say đắm của lòng mình. Phan Vũ Khánh, Nguyễn Kì Anh dẫn người đọc đến với những đêm hội của đồng bào vùng cao với bếp lửa trên nhà sàn, điệu hát then hòa trong tiếng đàn tính, với vườn đào bừng nở khoe sắc cùng thiếu nữ sơn cước:

Bếp lửa nhà sàn

rung ran đàn tính

điệu then mướt đồi (Phan Vũ Khánh)


Củi cháy

hồng má em cô gái vùng cao

đào ngoài vườn bung nở (Nguyễn Kì Anh)

Hà Nội – chốn kinh kì hào hoa, thanh lịch bậc nhất – giờ đây đã hiện đại hóa hơn nhưng cũng trở nên xô bồ, náo nhiệt hơn. Những người vốn gắn bó với Hà Nội xưa như Phùng Gia Viên luôn hoài niệm về hình ảnh Hà Nội ngày cũ. Một chiều thả bộ trên cầu Long Biên, nhà thơ như ngược chiều cuộc sống ồn ào tìm về một Hà Nội xưa êm đềm:

Cầu Long Biên

lối bộ hành

ngược chiều xe cộ (Phùng Gia Viên)

Nếu cầu Long Biên là cây cầu tiêu biểu của Hà Nội thì cầu Tràng Tiền lại là biểu tượng của xứ Huế mộng mơ. Cây cầu sáu vài mười hai nhịp trong tưởng tượng của nhà thơ làng quê Nguyễn Bính đẹp lãng mạn và trữ tình, mang thần thái của đất kinh kì xưa: “Cầu cong như chiếc lược ngà / Sông dài mái tóc cung nga buông hờ”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi lữ khách Hồng Đào ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của cây cầu huyền thoại, cây cầu đã góp phần hoàn thiện vẻ diễm lệ u hoài của xứ Huế:

Tràng Tiền

Sáu nhịp cầu cong

ngẩn hồn lữ khách (Hồng Đào)

Vẻ đẹp của biển quê hương cũng đi vào thơ haiku Việt. Đi đón mặt trời trên biển sớm mai, nhà thơ Phương Anh bắt gặp một hình ảnh rất gần gũi, thân thương mà cũng rất lung linh thơ mộng:

Ban mai

sóng nắng

tròn căng cánh buồm (Phương Anh)

Nắng mai chiếu trên mặt biển sóng gợn tạo thành ngàn lớp sóng nắng lấp lánh rực rỡ. Cánh buồm no gió đưa thuyền về đất liền. Bình dị mà đẹp nao lòng!

Quan sát cửa biển, Minh Trí có một phát hiện thú vị:

Cửa biển

sông tìm ra khao khát

tàu về bến bình yên (Minh Trí)

Cửa biển – đó là nơi những dòng sông hòa nhập vào biển lớn, thỏa nỗi khát khao suốt một đời sông từ lúc khởi sinh trên núi biếc. Nhưng đó cũng là nơi bình yên để trở về của những con tàu sau những ngày lênh đênh trên biển mà hiểm họa luôn rình rập. Cùng một sự vật, hiện tượng nhưng sẽ được cảm nhận theo những cách khác nhau bởi những chủ thể khác nhau.

Một bến sông trong hàng ngàn bến sông quê Việt Nam đẹp như trong cổ tích, qua nét vẽ đơn sơ của Hồ Phương, hiện lên như một bức tranh thủy mặc có thể đặt tên là Thủy nguyệt. Bức tranh ấy hội tụ những nét đẹp mà mĩ học Nhật đề cao như sự tĩnh lặng (tịch – sabi), đơn sơ (đà – wabi) và hài hòa (hòa). Trong bức tranh ấy, vạn vật trong trạng thái tĩnh tuyệt đối; soi chiếu và hòa hợp với nhau.

Hoàng hôn

bến vắng

trăng soi (Hồ Phương)

Nắng chói chang trên sa mạc khô cằn là đặc điểm nổi bật của những vùng đất Nam Trung bộ. Nhưng Lương Thị Đậm vẫn chắt chiu tìm được vẻ đẹp riêng của miền quê ấy. Đó là những bông hoa xương rồng màu đỏ rực như lửa trên cát cháy. Hình ảnh ngọn lửa như là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, và ý chí kiên cường của con người trên vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt này:

Nắng chói chang

sa mạc khô cằn

hoa xương rồng rực lửa (Lương Thị Đậm)

Vẻ đẹp trong lao động của những con người bình dị cũng là một đề tài đáng trân trọng trong thơ haiku Việt. Nếu trong thơ Basho, hình ảnh người nông dân gánh khoai sọ giống đi bán vào lúc hoa anh đào nở rộ vẫn mang một vẻ lãng mạn:

Gánh đi bán

Khoai sọ giống

Vào lúc anh đào nở rộ. (Basho – 1690 – Lê Thị Bình dịch)

thì trong haiku Việt, nhà thơ tái hiện hình ảnh người lao động vất vả, cay đắng với tất cả hiện thực như nó vốn vậy:

Nụ cười trên mặt nạ

nước mắt sau cánh  gà

tiếng vỗ tay. (Lê Vũ)

Bài thơ của Lê Vũ thể hiện sự thấu hiểu, cảm thông của anh đối với những người lao động nghệ thuật. Để có những màn diễn xuất thần, nhận được tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả, người nghệ sĩ phải giấu đi biết bao nỗi niềm, nhiều khi là cay đắng. Tuy nhiên, công việc của những người lao động, dù là ở ngành nghề, lĩnh vực nào, cũng đều chứa đựng một ý nghĩa hết sức lớn lao. Giọt mồ hôi của người nông dân đổ xuống đánh thức đất đai, sinh thành những mùa màng bội thu:

Giọt mồ hôi

giật mình

đất thức. (Lại Duy Bến)

Những người lao công làm công việc quét rác đêm thầm lặng đem lại những ban mai trong lành cho phố phường:

Hai người quét rác

tạm biệt nhau

ngày mới bắt đầu (Nguyễn Hoàng Lâm)

Những cô giáo vùng cao cắm bản, vượt qua rất nhiều khó khăn để mang đến tri thức cho các em thơ:

Cô giáo cắm bản

trò chân đất vượt núi đồi

tìm cái chữ (Ngọc Vân)

Những người lính từ biệt gia đình, quê hương, dấn thân vào gian khổ, hiểm nguy vì độc lập dân tộc, hòa bình cho nhân dân:

Đoàn quân xa đi ngang

nhớ câu thơ cũ

lá rụng từ cành ngụy trang (Nghiêm Xuân Đức)

Vẻ đẹp của con người Việt Nam còn thể hiện trong những tình cảm nhân bản như tình yêu ông bà, tình yêu cha mẹ, tình yêu đôi lứa… Khói bếp gợi nhớ đến hương rơm rạ từ bếp của bà, gợi nhớ đến đôi mắt nhuốm màu sương:

Khói quẩn thơm

nhớ hương rơm rạ

mắt bà sương pha (Thu Sang)

Haiku Việt cũng nhắc nhớ nhiều về mẹ – hình tượng mang những phẩm chất tiêu biểu cho con người Việt Nam. Hình ảnh mẹ trong thơ haiku không phải là những tượng đài kì vĩ mà nhỏ bé, dịu dàng, chịu thương chịu khó, âm thầm hi sinh, hết lòng vì con. Trong thi ca, tấm lòng, tình cảm bao la mà lặng lẽ của người mẹ thường được so sánh với vô tận nước trong nguồn: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” (Ca dao), với mênh mông thăm thẳm biển:

Ôi! Biển khơi

Khi tôi nhìn thấy biển

Mẹ tôi ơi! (M. Basho)

Trong thơ Thiện Niệm, hình ảnh nước suối nguồn trong trẻo tận tụy vượt qua bao ghềnh thác lại được liên tưởng tới mái tóc màu mây trắng của mẹ – mái tóc lặng im không lời mà thổ lộ rất nhiều về những vất vả, hi sinh thầm lặng của người mẹ:

Nước trong nguồn

qua bao ghềnh thác

tóc mẹ màu mây. (Thiện Niệm)


Mẹ cõng nắng mưa

trên đồng lúa chín

gió trưa thì thầm (Thanh Vân)

Nhìn di vật đơn sơ của mẹ, Vũ Phượng xót xa:

Cơi trầu còn đó

hồn trong gió

mẹ tôi (Vũ Phượng)

Vật còn đây mà người thì đã phiêu du cùng mây gió. Bài thơ gợi nhớ nỗi niềm của M. Basho khi cầm trên tay di vật của mẹ là nắm tóc có pha những sợi bạc:

Tóc mẹ còn đây

Tan trong lệ nóng

Sương mùa thu bay. (M. Basho – Nhật Chiêu dịch)

Tình yêu trai gái là một đề tài mới mẻ, chỉ xuất hiện trong haiku Nhật hiện đại, hình thành nên dòng thơ tình haiku. Thơ tình haiku Nhật Bản có phần thiên về vẻ đẹp nhục cảm:

Bóng tối nhoà

Nàng buông xiêm áo

Diên vĩ nở hoa

Thơ tình haiku Việt thiên về những rung động tâm hồn, có khi mới chỉ là những rung động dịu dàng trước một hình bóng thiếu nữ thướt tha:

Thướt tha dáng hoa

tim ai

lạc lối (Ánh Thu)

là nỗi nhớ bâng quơ mà bồi hồi một đêm trăng trong khu vườn lấp lánh. Nỗi nhớ ngổn ngang, chồng chất đan dệt thành vòm lá dát ánh trăng:

Lá trăng

đan vòm nhớ

bồi hồi đêm (Phương Anh)

Cũng có khi là tình yêu nồng nàn đến độ hòa quyện bóng hình trong một đêm trăng:

Đêm trăng

hai người

chung một bóng (Phan Phượng Uyên)

hay là sự trở lại của tình yêu như hoa nở trong mùa đông sau những ngày lạnh giá:

Sự tĩnh lặng của mây

hoa vẫn nở trong mùa đông

anh đã trở lại yêu em (Như Quỳnh de Prelle)

Những người lính biển có cách thể hiện tình yêu thật giản dị, mộc mạc. Anh gửi rất nhiều lời yêu thương chưa kịp nói trong những cánh hoa bàng vuông – loài cây mạnh mẽ, có sức sống kiên cường, mãnh liệt – biểu tượng của Trường Sa:

Tặng em yêu

chỉ có hoa Bàng vuông

người lính đảo (Lê Thị Bình)

Nhà thơ Lí Viễn Giao lại thổ lộ nỗi chông chênh cô đơn khi “người ấy” sang ngang qua hình ảnh sóng vỗ chênh chao nơi bến nước cuối làng. Tình yêu không thành bao giờ cũng để lại dư ba buồn bã, trống vắng mãi không nguôi như thế:

Người ấy sang ngang

bến nước cuối làng

chênh chao sóng mãi. (Lí Viễn Giao)

Những vấn đề xã hội Việt Nam đương đại

Nếu haiku cổ điển Nhật Bản chỉ viết về thiên nhiên qua bốn mùa thì đến thời kì hiện đại, sau những cách tân của nhà thơ Shiki (1867-1902), haiku đã viết về những đề tài khác như đề tài xã hội, tình yêu… Haiku Việt đã tiếp thu tinh thần hiện đại của haiku Nhật mà đề cập những vấn đề nóng hổi trong đời sống xã hội Việt Nam. Những bài thơ haiku nhỏ bé là nơi các nhà thơ trải tấm lòng nhiệt huyết, những suy tư, trăn trở về vận mệnh đất nước, dân tộc mình, về những nỗi niềm của con người nhỏ bé trong xã hội hiện đại.

Chủ quyền biển đảo là một trong những vấn đề khiến các nhà thơ trăn trở nhất. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các nhà thơ bày tỏ suy tư, tình cảm của mình đối với vùng lãnh hải của Tổ quốc. Hình ảnh “biển Đông cuộn sóng” trong thơ Lê Thị Bình gợi lên nhiều tầng ý nghĩa. Đó là biển dậy sóng hay là sóng dậy trong lòng người?

Lưỡi bò liếm

biển Đông

cuộn sóng (Lê Thị Bình)

Mượn hình ảnh ẩn dụ “bóng cú vọ đen ngòm trên biển đảo”, nhà thơ lão thành Đinh Nhật Hạnh bày tỏ thái độ căm giận trước những thế lực hắc ám rình rập xâm chiếm vùng lãnh hải và mong muốn giữ cho biển đảo quê hương vĩnh viễn mùa xuân:

Mùa xuân

giữ bằng được mùa Xuân!

bóng cú vọ đen ngòm trên biển đảo (Đinh Nhật Hạnh)

Nhà thơ Minh Trí gửi tấm lòng của đất liền tới những chiến sĩ đang canh giữ hải đảo của Tổ quốc qua những cánh thư. Những cánh thư như nhịp cầu nối ánh mắt yêu thương, tình cảm thương nhớ mong của người hậu phương với biển đảo xa xôi:

Đảo xa

cánh thư giăng mắc

ánh mắt người đất liền (Minh Trí)

Nhà thơ Đỗ Tuyết Loan lại gửi đến các chiến sĩ tấm lòng thương mến bao la mà thầm lặng của một người mẹ. Thương con, mẹ ngày đêm nguyện cầu, vỗ về biển cả gió yên sóng lặng để những người con bớt đi phần gian khó, hiểm nguy:

Sóng dữ lặng nào!

gió bão êm nào!

con tôi đang giữ đảo (Đỗ Tuyết Loan)

Biển hiền hòa “cho ta cá như lòng mẹ” (Huy Cận) nhưng biển cũng như mụ phù thủy cay nghiệt đã hàng ngàn năm nay biến nhiều thiếu phụ thành những Vọng Phu hóa đá chờ chồng. Có một Vọng Phu như thế trong thơ của Phương Anh:

Bão tan

người mẹ bồng con trên cát

khát một cánh buồm (Phương Anh)

Hình ảnh người mẹ bồng con nhỏ đăm đăm hướng ra biển cả tìm kiếm, mong chờ một cánh buồm sau cơn bão làm tim ta nhói đau.

Trong những năm qua, hiện tượng đô thị hóa tại các thành phố lớn diễn ra với tốc độ chóng mặt. Một mặt, nó mang lại cho con người cuộc sống văn minh, hiện đại, tiện nghi hơn; nhưng mặt khác, nó cũng khiến đô thị trở nên bức bối, ngột ngạt, khiến con người ngày một xa cách với thiên nhiên hơn. Có lẽ, đó là cảm giác chung, thường trực trong tâm trí nên nhiều nhà thơ haiku, không hẹn mà nên, thổ lộ trong thơ. Ngọc Căn, Hồ Hoàng Hoa, Nguyễn Đăng Minh bâng khuâng luyến tiếc vẻ đẹp của đường chân trời, của ráng chiều, của cánh đồng lúa chín đã bị mất đi trước sự xuất hiện của những tòa cao ốc chọc trời:

Toà nhà mới dựng xong

ta mất

một chân trời thăm thẳm. (Ngọc Căn)

Gợn sóng hồ Tây

nhấp nhô cao ốc

khuất cả ráng chiều. (Hồ Hoàng Hoa)

Đêm chìm trong sương lạnh

Khu chung cư lấp đồng lúa chín

tiếng cuốc xưa vọng về. (Nguyễn Đăng Minh)

Đô thị hóa cũng có nghĩa là những con đường quê rợp mát bóng tre, những mảnh ruộng quê màu mỡ bờ xôi ruộng mật biến mất, chỉ còn trong kí ức, thay vào đó là sự xuất hiện của những con đường bê tông, đường nhựa nắng rẫy vô hồn:

Ngõ quê xưa

lắt lẻo chìa vôi

trượt dài đường bê-tông (Nguyễn Kì Anh)

Con đường lớn chạy qua

Hương rạ rơm kí ức

Nền ruộng mật chìm sâu (Cao Ngọc Thắng)

Ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy loang loáng từ hàng quán, từ ánh đèn cao áp chói gắt trên đường nơi phố thị đã át đi ánh sáng trong trẻo, dịu dàng của trăng. Giữa phố thị sáng choang, vầng trăng trở nên lạc lõng, nhạt nhòa, rồi rơi vào quên lãng:

Làng lên phố

ai nhớ

trăng quê? (Nguyễn Hoàng Lâm)

Làng lên phố nhưng dường như những hình ảnh thân thương của làng quê xưa êm đềm, an hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp, giản dị trong tình người mộc mạc vẫn hiện hữu trong hoài niệm của những người yêu quê. Đó có thể là hình ảnh cổng làng dưới tán đa cổ thụ xe ngựa chạy qua:

Đưa con về quê cổng làng

dưới tán đa cổ thụ

xe ngựa thoáng qua (Trần Chiến)

là con sông quê nơi ta đùa vui với sóng mỗi chiều, có bến sông “nơi ta ngồi ngóng mẹ” (An Thuyên):

Sông quê

tuổi thơ

đùa vui với sóng (Mộng Hòa)

là triền đê thanh bình tràn đầy sức thanh xuân với tiếng chim hót, sóng cỏ thầm thì dưới bước chân thôn nữ:

Bờ đê chim hót

cỏ non thầm thì

bước đi thôn nữ. (Thạch Lựu)

Nếu nhà thơ Thu Sang bâng khuâng trước hình ảnh nón trắng chênh chao nghiêng trong gió trên đồng quê rất đỗi nên thơ, lãng mạn:

Nón trắng

chao nghiêng

vạt gió đồng. (Thu Sang)

thì tác giả Lương Sơn lại rung động, ấn tượng trước vẻ đẹp khỏe khoắn trong lao động của những thiếu nữ giữa hiện thực đời thường:

Trên đồng thôn nữ cấy mạ non

sông chở phù sa

nuôi lúa đơm bông (Lương Sơn)

Đôi khi, những thức quà quê đơn sơ, chứa đựng hương vị, ân tình quê nhà mà ta từng đắm mình trong đó thuở ấu thơ cũng gợi biết bao nhớ thương. Củ khoai, củ sắn, bát cơm, ấm chè dân dã đã đánh thức những tình cảm cội rễ nhân bản trong trái tim mỗi người. Đó là tình yêu quê hương, nguồn cội:

Khoai lang, sắn luộc

đưa ta về

kỷ niệm tuổi thơ (Hồ Hoàng Hoa)


Cơm chiều

đất khách

lòng quê (Lê Đăng Hoan)


Quanh ấm chè quê

mọi người ngồi

dệt tình yêu gốc rễ. (Nguyễn Đức Thiêm)

Xã hội hiện đại cũng dẫn đến một hệ lụy là tình trạng cô đơn của con người nhất là người cao tuổi ngày một nặng nề hơn. Con người không giao lưu, tiếp xúc với nhau trong thực tại mà chìm vào một thế giới ảo. Đây không chỉ là hiện trạng ở Việt Nam mà còn là thực trạng chung của các nước trong xã hội hiện đại:

Trên xe buýt

đám đông cô đơn

dán mắt vào màn hình điện thoại (Lê Văn Truyền)

Tình trạng này càng trở nên phổ biến và nặng nề hơn đối với những người cao tuổi. Phần lớn các thành viên Câu lạc bộ Haiku Việt Hà Nội là các cán bộ từng công tác trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau nay đã đến tuổi nghỉ ngơi. Các cụ đã nói lên nỗi niềm của mình, cũng là nỗi niềm của một lớp người già trong một đô thị hiện đại:

Gác cao

người già cô đơn

ong đến làm tổ (Ngọc Căn)

Chân yếu, sức khỏe hạn chế nên các cụ chỉ còn biết giao lưu chia sẻ với bạn bè qua facebook:

Tuổi già yếu chân

Facebook nối gần

Bè bạn (Lê Đình Công)

Tuy vậy, qua những vần thơ, những nhà thơ cao niên vẫn hết sức lạc quan. Mượn hình ảnh ẩn dụ chỉ một quy luật tất yếu “bình minh đợi phía bên kia”, Lê Đình Công đã thể hiện niềm tin tưởng vào những điều tốt đẹp đang chờ đợi phía trước:

Tôi đi về hoàng hôn

ráng chiều rực rỡ

bình minh đợi phía bên kia (Lê Đình Công)

Trong truyện ngắn Trăng sáng, nhà văn Nam Cao đã từng khẳng định sứ mệnh của nghệ thuật rằng: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là những tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than”. Những tiếng đau khổ của những kiếp lầm than đã vang lên trong haiku Việt, thể hiện tâm hồn nhạy cảm và trái tim chan chứa yêu thương dành cho những số phận bất hạnh của các nhà thơ. Giọng hát chua khàn của một em bé dắt mẹ đi hát rong trên đường phố:

Bé cầm tay dắt mẹ

giọng hát nghe chua khàn

nón chao nghiêng hè phố (Phan Hữu Cường)

tiếng cười ngu ngơ của một em bé thiểu năng trí tuệ – nạn nhân của chất độc màu da cam – trong tiếng khóc lặng lẽ của người mẹ:

Thằng bé cười ngu  ngơ

Bà mẹ khóc lặng lẽ

nỗi đau màu da cam (Vũ Tam Huề)

là những âm thanh trầm buồn trong bản nhạc haiku nhiều cung bậc.

Sống hòa hợp với thiên nhiên, yêu cái đẹp bé nhỏ, mong manh là một đặc điểm nổi bật của người phương Đông. Người phương Đông không coi thiên nhiên là nô lệ, phải phục tùng, cung phụng con người mà là một người tình của con người:

Người nghệ sĩ không phải là ông chủ mà là người tình của thiên nhiên

(R. Tagore).

Tô Thức (Tô Đông Pha) thương hoa, tiếc vẻ đẹp của hoa chả mấy mà phai tàn nên đã thắp đèn ngắm hoa:

Canh khuya những sợ rồi hoa ngủ

Khêu ngọn đèn cao ngắm vẻ hồng. (Hải đường – Tô Đông Pha)

Nguyễn Trãi không dám động tay chèo vì sợ làm tan vỡ ánh trăng, không dám quét hiên vì sợ làm tan tác hoa tàn, nâng niu bợ cây:

Viện có hoa tàn chăng quét đất,
Nước còn nguyệt hiện sá thôi chèo
(Mạn thuật 10 – Quốc âm thi tập)

Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén

Ngày vắng xem hoa bợ cây. (Ngôn chí 10 – Quốc âm thi tập)

Người Nhật yêu thiên nhiên, trân trọng những tạo vật nhỏ bé bởi họ tôn thờ kami – linh hồn của vạn vật – khái niệm then chốt của Thần đạo. Kami tồn tại trong mỗi con người, trong cỏ cây hoa lá… Mặt trời là kami mà bùn đất, muông thú cũng là kami. Thơ ca Nhật Bản, từ thể đoản ca (tanka) trong Vạn diệp tập đến thơ haiku đều thổ lộ tình yêu ấy. Các nhà thơ haiku Việt dường như đồng điệu với các thi sĩ Nhật Bản ở tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp đơn sơ của cỏ cây hoa lá. Một nụ hoa vàng tỏa hương dưới đám cỏ xanh:

Dưới đám cỏ xanh

nụ hoa vàng

tỏa hương. (Kiều Lam)

một cánh bướm nhẹ rung trong làn sương lạnh buốt:

Sương lạnh buốt

cánh bướm rung rất nhẹ

rét cóng hay say hoa? (Ngô Ngọc Liễn)

một nụ hoa đào bé xinh gắng nở trong gió đông:

Gốc đào rét hại

gắng nở nụ hoa

ngượng ngùng cánh nhỏ. (Đỗ Tuyết Loan)

một làn hương hoa vương vấn trong gió heo may:

Heo may thầm thì

người đi

vương hương hoa sữa. (Phạm Ngọc Liễn)

cũng khiến nhà thơ xúc động, cúi đầu:

Im lặng

ta cúi đầu

ngưỡng phục mùi hương. (Nguyễn Thánh Ngã)

Đó là cái cúi đầu trước cái đẹp – cái cúi đầu cao khiết của Cao Bá Quát trước hoa mai: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.

Tuy nhiên, cái đẹp lại thường mệnh yểu mong manh dễ tàn phai, và vì vậy, thường gợi lên trong lòng người nỗi buồn luyến tiếc. Bâng khuâng trước cái đẹp bình dị thoáng qua là một mĩ cảm mà người Nhật gọi là mono no aware – niềm bi cảm nhân sinh. Đó là nỗi buồn, là niềm luyến tiếc cái đẹp tàn phai ở đỉnh cao của nó. Thi tuyển đầu tiên trong văn học Nhật Bản Vạn diệp tập (Manyoshu) tràn ngập cảm xúc này:

Ôi mưa xuân

Đừng mưa như thế

Vì gặp mưa

Những cánh anh đào rơi lặng lẽ

Mà tôi thì buồn khi hoa rơi. (Manyoshu – Thái Bá Tân dịch)

Đọc những bài thơ trong thi tuyển Mười hai năm ấy này, độc giả sẽ thấy sự gặp gỡ, đồng điệu giữa tâm hồn Việt Nam với tâm hồn Nhật Bản nhạy cảm, luôn tiếc ngọc thương hoa. Nhà thơ Lê Đình Công bâng khuâng khi một bông hoa giấy rụng nhẹ nhàng đậu xuống vai:

Một bông hoa giấy đổ

Bay xuống đậu vai tôi

không lời (Lê Đình Công)

Ngô Ngọc Liễn thương lá vàng lìa cành, cũng thương cả cỏ xanh nơi lá rụng, sợ lá làm cỏ đau:

Chiếc lá úa vàng

rơi nghiêng lìa cành

e đau cỏ xanh (Ngô Ngọc Liễn)

Qua lăng kính của Nguyễn Đức Thiêm, gió như người yêu hoa, mải miết nhặt những đóa hoa rơi trên mặt nước, gom góp, chi chút cái đẹp lìa cành:

Mặt nước

gió thổi qua

gom hoa rụng. (Nguyễn Đức Thiêm)


Những suy tư, triết lí, những tư tưởng triết học sâu sắc mà gần gũi, bình dị

Haiku Nhật Bản thoát thai từ thể thơ liên ca hài hước (haikai no renga) nhưng chính chiều sâu tư tưởng triết học Thiền tông đã nâng haiku thành một thể thơ lừng lẫy trên thi đàn thế giới. Thơ haiku Việt cũng bộc lộ những suy tư, triết lí, những tư tưởng triết học sâu sắc thể hiện cảm quan chung của nhân loại về vũ trụ, cuộc sống và con người.

Hình ảnh bông lúa quen thuộc trong thơ Lưu Đức Hải hàm chứa một triết lí, một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng: con người càng chín chắn, càng hiểu biết bao nhiêu thì càng khiêm nhường bấy nhiêu:

Bông lúa

ngẩng mặt lúc còn xanh

cúi đầu khi đã chín (Lưu Đức Hải)

Đinh Trần Phương, Nhã Trúc là những nhà thơ trẻ nhưng thơ họ có chiều sâu suy tư, chiêm nghiệm lại có những tứ thơ độc đáo, mới mẻ thể hiện những đam mê tìm tòi, vì thế, không hề dễ cảm nghiệm. Cũng hình ảnh dòng sông, con thuyền nhưng trong thơ Đinh Trần Phương, chúng hiện lên với một diện mạo mới lạ:

Một con thuyền che giấu

sự rỗng không

lơ đãng của dòng sông (Đinh Trần Phương)

Có phải con thuyền cùng dòng sông như một cặp bài trùng, con thuyền làm nên vẻ đẹp, sự sinh động cho dòng sông? Có phải thiếu con thuyền, dòng sông sẽ trở về với sự rỗng không, lơ đãng của nó? Độc giả sẽ là người điền vào những khoảng trống của bài thơ. Còn bài thơ của Nhã Trúc lại có ý vị tư tưởng nhân sinh của triết học Phật giáo:

Qua cơn mê

chiều nay giũ bụi

phong sương ta về (Nhã Trúc)

Con người luôn mê chấp lầm tưởng về cái tôi, từ đó mà nảy sinh thói vị kỉ, ý thức tư hữu, cá nhân. Đó là mảnh đất màu mỡ cho tham, sân, si khởi sinh rồi mọc ra nhánh cành đau khổ. Muốn hết khổ, con người phải thức tỉnh khỏi cơn mê ngã chấp, giũ hết mọi bụi bặm trần tục, trở về với bản ngã nguyên sơ:

Theo quan niệm của Thiền tông, vạn vật và con người tồn tại trong một mối tương giao, hòa hợp. Chúng hài hòa, soi chiếu, tương tác và chuyển hóa lẫn nhau. Biển đêm thực sự là một bức tranh hòa hợp, tương tác lên nhau của vạn vật. Những vì sao soi mình trên mặt biển thành một tấm chăn lấp lánh. Thủy triều dâng lên như kéo tấm chăn lộng lẫy đắp lên lồng ngực đất:

Biển kéo tấm chăn sao

đắp lên lồng ngực đất

thủy triều dâng cao (Mai Liên)

Ban mai, giọt sương đọng trên những chiếc lá đang lay động trong gió được ánh nắng mặt trời soi chiếu lấp lánh sinh động như đang khiêu vũ điệu tăng-gô:

Mặt trời

hạt sương

điệu tăng-gô trên lá (Lưu Đức Hải)

Không chỉ hài hòa, tương tác lên nhau, vạn vật còn chuyển hóa lẫn nhau trong một chu trình vô cùng bí ẩn và kì diệu. Giữa những sự vật tưởng chừng như không có mối liên hệ nào thực ra vẫn có liên hệ, tương tác, thậm chí có thể chuyển hóa thành nhau. Tư tưởng biện chứng sơ khai này bắt nguồn từ Lão Trang và được các nhà thơ haiku Nhật Bản say mê thể hiện. Quả ớt đỏ thon dài chắp thêm đôi cánh là thành chuồn chuồn ngô:

Quả ớt

Chắp đôi cánh

Chuồn chuồn ngô. (M. Basho)

Giọt sương đọng trên cành hồng thêm chút nắng là thành hạt kim cương:

Giọt sương đọng

trĩu cành hồng

hóa hạt kim cương (Nguyễn Sương)

Mảnh gỗ tích tụ trong mình thời gian triệu năm có thể hóa đá:

Lặng câm

mảnh gỗ hóa thạch

nói lời triệu năm (Lương Thị Đậm)

Quy luật vô thường là một phát hiện của Phật giáo về bản chất vốn có của tự nhiên. Hoa nở, chim hót, mây bay, nước chảy…, tất thảy đều không ngừng biến đổi theo quy luật thành, trụ, hoại, không. Con người thức ngộ lẽ vô thường để an nhiên, thường lạc trước mọi thăng trầm, đổi thay của cuộc sống:

Mây thiêng Yên Tử

hóa giọt sương bậu trên mi mắt

thức ngộ lẽ Vô Thường. (Lê Văn Truyền)

Con người cũng không nằm ngoài quy luật vô thường. Một buổi chiều trên bước đường hành hương, ngắm cánh chim sa nơi cuối trời, M. Basho không khỏi giật mình thảng thốt:

Mùa thu năm nay

Sao tôi chóng già quá

Chim sa ở mây trời. (M. Basho – Vĩnh Sính dịch)

Bước qua tuổi cửu thập, nhà thơ lão thành Đinh Nhật Hạnh cũng không khỏi ngỡ ngàng khi thấy thời gian trôi đi nhanh quá. Nhưng nhà thơ không buồn bã, bi lụy khi tuổi già ập đến mà cảm thấy hạnh phúc vì “tre già măng mọc”, bốn thế hệ cùng chung sống đầm ấm, hạnh phúc dưới một mái nhà. Quả là một giấc mơ trong đời sống đô thị hiện đại vốn thiên về xây dựng gia đình hạt nhân:

U100 rồi ư!

bốn thế hệ chung mái nhà

ngỡ như mơ, mà thật (Đinh Nhật Hạnh)


Những tương đồng và những thể nghiệm cách tân nghệ thuật

Về mặt hình thức, haiku Việt, cũng tương tự haiku Nhật ở chỗ đều toát lên vẻ đẹp của một cô gái giản dị, ít đeo đồ trang sức mà thần thái ngút ngàn. Nhưng haiku Việt có nhiều cách tân so với haiku Nhật để phù hợp với ngôn ngữ Việt Nam. Trước hết là sự phá vỡ cấu trúc 5/7/5 của haiku Nhật. Rất ít bài haiku Việt xuất hiện với cấu trúc này. Ngay cả bài từ thế chi ca của nhà thơ Chế Lan Viên học tập nghiêm ngặt haiku Nhật mà viết:

Anh chỉ là nắm tro trong bình

Em ơi em! Đừng khóc

Ngoài vườn hoa cỏ mọc.

thì cấu trúc cũng đã thay đổi. Toàn bài vẫn bao gồm 17 âm tiết nhưng trật tự không phải 5/7/5 mà là 7/5/5. Đa số các bài haiku Việt trong thi tuyển này có số lượng âm tiết ít hơn 17 nhưng vẫn diễn tả rất trọn vẹn ý thơ.

Cũng có những thể nghiệm thú vị về cấu trúc mới cho haiku Việt. Haiku Nhật với cấu trúc 5/7/5 rất kiệm lời, không bài nào có nhan đề. Tuy nhiên, người Nhật vẫn dùng câu đầu gọi thay tên bài thơ, chẳng hạn:

Ao cũ

con ếch nhảy vào

tiếng nước. (M. Basho)

sẽ được gọi là bài thơ Ao cũ. Nhà thơ Mai Văn Phấn vẫn viết những bài thơ ba câu nhưng thêm cho mỗi bài một câu ở đầu như thể thêm nhan đề cho bài thơ đó:

Mặt trăng sau mưa

Được rửa sạch

gác lên tán lá

còn ướt


Ngắt trái bưởi

trên cây

quay lại nhìn


Trên đường

Gặp hoa cúc trắng

chưa hẹn trước

không dám nhìn lâu (Mai Văn Phấn)

Haiku Nhật có vần nhưng không đòi hỏi nghiêm cẩn nhất thiết phải có. Vần trong haiku Nhật là cước vận, cứ hai dòng bắt vần với nhau không nhất thiết là dòng nào. Vần giúp bài thơ luân chuyển nhịp nhàng, như mạch nổi (cùng với mạch ngầm là mạch cảm xúc) kết nối toàn bài thơ thành một tổng thể hài hòa. Haiku Việt cũng có nhiều bài thơ tuân thủ luật gieo vần chân của haiku Nhật:

Chiều đông

mắt bếp lửa hồng

chờ mong (Lê Vũ)


trọ nhân gian

chỉ vầng trăng sáng

cùng ta đêm tàn (Nhã Trúc)


Hơi mưa mát lạnh

nỗi lo xa xôi

heo may đến rồi (Nghiêm Xuân Đức)

Tuy nhiên cũng có tác giả phối cước vận với yêu (eo) vận khiến bài thơ man mác âm điệu của lục bát:

Mẹ cõng nắng mưa

trên đồng lúa chín

gió trưa thì thầm (Thanh Vân)

Sử dụng quý ngữ – từ chỉ mùa – là một yêu cầu bắt buộc của haiku Nhật cổ điển. Quý ngữ là hình ảnh tiêu biểu cho mùa. Quý ngữ thể hiện tình yêu thiên nhiên, sự gắn bó với thiên nhiên bốn mùa của con người. Qua quý ngữ, haiku Nhật cho thấy con người – không gian – thời gian là một thể thống nhất gắn bó hữu cơ. Quý ngữ giúp con người thấy mình tồn tại trong không gian và đang vận động trong thời gian:

Một tiếng ve

rụt rè

mở hạ (Đinh Nhật Hạnh)

Qua quý ngữ, con người cảm nhận bước đi của thời gian vô hình qua cái hữu hình hiện hữu trong không gian. Bầy chim én cho ta cảm thấy mùa xuân:

Cáp treo du xuân

bồng bềnh gió mây

chào bầy chim én! (Vũ Tam Huề)

Đóa sen trắng cho ta nhận thức mùa hạ:

Vườn kiểng lung trời

đóa sen trắng nở

ngôi sao ban ngày. (Vũ Tam Huề)

Màu tím thạch thảo báo hiệu thu đã rất thật là thu:

Lang thang đồng hoa

màu tím thạch thảo

mùa thu xa nhà (Vũ Tam Huề)

Sắc vàng nhạt phai của hoa dã quỳ giúp ta biết mùa đông đã tàn:

Đông tàn

sắc vàng nhạt phai hoa

dã quỳ nở muộn (Vũ Tam Huề)

Cứu cánh tối thượng của Thiền tông là chứng ngộ Phật tính. Phật tính là kho tàng riêng sâu thẳm trong mỗi người. Ai trong chúng ta cũng có Phật tính. Cũng không giới hạn trong loài người, cỏ cây hoa lá chim muông cầm thú cũng đều có tính Phật. Vạn vật bình đẳng với nhau trong ánh sáng Thiền. Xuất phát từ tinh thần “vô sai biệt” đó, thơ haiku cổ điển Nhật Bản chủ yếu viết về những cảnh vật đơn sơ, những con vật nhỏ bé: một con dế hiền lành giữa đám tôm cá, tiếng ve thấm vào đá, một cánh chuồn ngô mong manh, một ánh đom đóm lập loè trên chiếc chuông chùa, một cánh bướm say giọt sương trên hoa cúc, một con châu chấu dưới chiếc mũ chiến binh, thậm chí là cả bọ chét, chấy, rầy, hay nước đái ngựa…

Đầu giường

Nước đái ngựa

Rận và bọ chét (M.Basho – Lê Thị Bình dịch)

Tương truyền, câu này M.Basho sáng tác khi nghỉ lại nhà một người lính già vào ban đêm. Phòng của ông cách chuồng ngựa khoảng chục mét nên không thể có nước đái ngựa ở đầu giường được. Tuy nhiên, do rất thích bầy ngựa của gia đình nên nhà thơ mấy lần chạy xuống ngắm. Cảm hứng sáng tác bài haiku trên xuất hiện từ đây. Qua bài thơ, Basho muốn nói con người hay con ngựa, rận và bọ chét cũng đều là những sinh vật cùng sống dưới một mái nhà, có gì khác nhau đâu. Đồng điệu với cảm hứng trân trọng, nâng niu sự vật nhỏ bé của haiku Nhật, các tác giả Việt đã đưa vào trong thơ những sự vật bị coi là hèn mọn, nâng chúng lên tầm cao bát ngát trong ánh sáng Thiền:

Nằm trong màn

tôi với đôi chân co

vo ve chú muỗi (An Hải)


Sườn núi đá khô cằn

nở chùm hoa dại

dịu hẳn nắng (Thạch Lựu)

Bên cạnh những hình ảnh dung dị được tái hiện chân thực như thể chúng đang tồn tại ngoài cuộc sống, các thi sĩ haiku Việt cũng dùng các thủ pháp tu từ nghệ thuật, khiến hình ảnh hiện lên mới mẻ, độc đáo và thú vị, thể hiện năng lực liên tưởng dồi dào. Ngắm bờ biển trong một ngày gió, Lương Thị Đậm thấy tàu dừa như chiếc lược cài lên mái tóc sóng, biển trở thành một thiếu nữ rất dễ thương:

Gió tạt ngọn dừa

những chiếc lược thưa

cài tóc sóng (Lương Thị Đậm)

Ngắm trời đất trong một ngày mưa, Nguyễn Hoàng Lâm thấy mưa như vô số chấm than vạch từ vô định. Một hình ảnh so sánh thôi mà chất chứa bao nỗi niềm:

Mưa!

vô số chấm than

vạch từ định (Nguyễn Hoàng Lâm)

Ngắm cây tỏa ra nghìn cành, nghìn lá, Nguyễn Thánh Ngã có liên tưởng thú vị đến nghìn cánh tay, nghìn con mắt của Phật bà đã cứu độ bao mùa quả:

Lá nghìn mắt

Cành nghìn tay

cứu độ bao mùa quả (Nguyễn Thánh Ngã)

Ngắm những cánh én chao liệng gắn bó thiết tha với bầu trời, Phạm Đạo thấy tương đồng với niềm say mê công nghệ cao, say mê được sống trong một thế giới phẳng:

Chim én say bầu trời

tôi say máy tính

thế giới phẳng (Phạm Đạo – 1940)

Yêu thiên nhiên, tương thông với thiên nhiên, con người nhận thấy thiên nhiên có những tương đồng với con người. Thủ pháp nhân hóa đã thổi linh hồn vào vạn vật khiến vật vô tri bỗng trở nên sống động, đáng yêu. Vầng trăng tựa một thiếu nữ xinh đẹp thẹn thùng, bẽn lẽn bước vào nhà qua ngòi bút nhân hóa của Lưu Đức Hải:

Gió đẩy

mành xao

trăng vào bẽn lẽn. (Lưu Đức Hải)

Vầng trăng đang tỏa sáng trên mặt biển, chợt mây kéo đến che khuất được nhân hóa trở thành thiếu nữ ngắm mình trong gương nhưng thấy mình vẫn còn khiếm khuyết nên ngượng ngùng kéo mây che. Thiên nhiên qua cái nhìn trìu mến trở nên duyên dáng, đáng yêu biết nhường nào:

Trăng soi gương biển

chợt thấy mình còn khuyết

ngượng ngùng kéo mây che. (Mai Liên)

Với cái nhìn vạn vật tương giao và hòa hợp, các nhà thơ haiku sử dụng nhiều ẩn dụ chuyển đổi cảm giác – dùng từ ngữ vốn chỉ cảm nhận của giác quan này để chỉ cảm nhận của giác quan khác trên cơ sở mối quan hệ tương đồng nào đó. Hoa cỏ may ven những con đường mòn – nơi hò hẹn buổi ban đầu – thường gợi những hoài niệm về tình đầu dang dở:

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay
(Hoa cỏ may – Xuân Quỳnh)

Tìm về lối cũ, những bông hoa cỏ may găm đầy trên áo nhưng nhà thơ lại thấy như là nỗi trống vắng găm đầy. Hoa cỏ may hữu hình biểu đạt cho nỗi trống vắng vô hình: hoa cỏ may vẫn vô tình găm vào vạt áo như những ngày hò hẹn cũ mà người xưa không còn:

Lối cũ tìm về

mùa hoa cỏ may

găm đầy trống vắng (Vũ Tam Huề)

Nỗi nhớ cũng vốn vô hình nhưng lại được cảm nhận với nhiều hình hài khác nhau:

Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ,
Em thử quay xem được mấy vòng.
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ,
Em thử lào xem được mấy thưng!
(Nhớ I – Nguyễn Bính)

Cao Ngọc Thắng đã hình tượng hóa nỗi nhớ, gom lại gửi vào vầng trăng. Tứ thơ hay diễn tả được nỗi nhớ bâng quơ, không thể kìm giữ trong lòng mà cũng không biết chia sẻ cùng ai:

Đêm thu

Gom nhung nhớ

Thả vào trăng mộng mơ (Cao Ngọc Thắng)

Mai Văn Phấn là một nhà thơ có sức sáng tạo không mệt mỏi, năng lực liên tưởng, tưởng tượng dồi dào. Bài thơ:

Gần sáng

ngủ say không biết

nằm cạnh mùa hè (Mai Văn Phấn)

sử dụng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác tạo nên một hình tượng độc đáo để diễn tả cảm nhận về một mùa hè chợt đến. Nguyễn Kiên cũng có một liên tưởng táo bạo trên cơ sở ẩn dụ chuyển đổi cảm giác:

Một cánh chim

sa vào tầm mắt

chia đôi trăng rằm (Nguyễn Kiên)

Trong thực tế, vầng trăng không thể xẻ làm đôi, nhưng cánh chim sa vào tầm mắt tạo thành một vết đen do hiệu ứng ngược sáng nên nhà thơ có cảm giác như vầng trăng bị chia làm hai nửa.

Đặt hai hình ảnh đối lập cạnh nhau trong mối quan hệ nhân quả:

Đất nước giàu hạt nhân

cho dân

nghèo hạt gạo! (Lê Đăng Hoan)

Lê Đăng Hoan đã bày tỏ quan điểm cá nhân phê phán chủ trương tăng cường hạt nhân của các quốc gia. Sử dụng năng lượng, vũ khí hạt nhân… có rất nhiều mặt trái. Hạt nhân là nguyên nhân gây ra những thảm kịch kinh hoàng cho nhân loại: bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagazaki của Nhật (1945), thảm họa Trecnobyl ở Nga (1986), thảm họa điện hạt nhân ở Fukushima, Nhật (2011)… Vậy nhưng, nhiều chính phủ vẫn theo đuổi chính sách phát triển năng lượng hạt nhân. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống người dân đói nghèo.

Người Việt trên cơ sở tiếp thu một thể thơ độc đáo của Nhật Bản đã biến đổi phù hợp với ngôn ngữ và cảm thức Việt Nam, để ca hát về vẻ đẹp Việt Nam, về cái đẹp của thiên nhiên gấm vóc, của tâm hồn, tính cách và tình cảm con người Việt Nam trọng tình, trọng nghĩa, yêu thiên nhiên và cái đẹp. mNhiều phẩm chất, tính cách và tình cảm của con người Việt Nam thể hiện trong thơ haiku có sự đồng điệu với con người Nhật Bản. Vì thế, có thể nói thơ haiku Việt là bản hòa ca tâm hồn Việt – Nhật. Những âm giai Nhật Bản và tâm hồn Việt Nam hòa quyện tạo thành một bản “hòa âm” mới “đa thanh”, đem đến cho con người tình yêu và niềm tự hào về quê hương, đất nước mình.

ハイクーベトナム・日本の心の歌

俳句は日本人の貴重な独特の物産であり、たんぽぽのように謙遜で簡易な綺麗で、日本人が大好きな花で、熟になると各方に飛んで何処にも日本のたんぽぽの核は元気に育て、世界の何処にも綺麗な花公園になり、どの言語にもどの文化にも発展され、ベトナムに入っても同じです。ベトナムは元々詩を愛する民族なので 12 年を経過して 今かなり成長しています。ベトナム語俳句を読めばベトナムの心一杯。ベトナムの故郷の自然がはっき表され、人々が ベトナムの自然と文化の雰囲気を厚く感じられる。昔の俳諧は四つのシーズンを主題として「季題」であり、日本人の俳句は シーズンを指す言葉、「季語」は必ずあることです。日本の俳句は常に春を指す言葉なら桜の花、スモモの花、梅の花、ツバメの鳥、鶯の鳥など、夏を指す言葉なら蝉の声、あやめの花、子規の鳥など。秋なら月、露、昆虫の声、紅葉。 冬なら松の木、野生のガチョウの声、雪など。ベトナムの俳句もその精神でベトナムの四季を歌い、国の自然、人間などを歌う。ベトナム詩人にとって、北から南まで、山岳から平野までの田舎の各地方の色、音声、型、姿など 詩に大変自然的に入ります。

ベトナム人にとって さぎの姿は 生活のために困難で犠牲的で不安定な生活の表現であり、普通女性の運命である。

次はマイ・リエン博士は 自分の観点を証明するために選集のベトナム俳句と ベトナムの有名な詩人の詩や日本の有名な俳人である松雄芭蕉の通訳文を幾つ発表した。

結論として、マイ・リエン博士は 日本の俳句とベトナムの俳句は一緒に人間の心と自然を歌う、互いに調和して互いに補完している。ベトナムの俳句は ベトナム人の言語と情感を表すことで日本の俳句と調和し自然と綺麗さを歌うことである。

和訳(大略)者:レー・テイ・ビン

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt