Haiku, thể thơ ngắn truyền thống của Nhật Bản với cấu trúc ba dòng 5-7-5 âm, có từ cắt (kireji) trước hết để đảm bảo số âm của bài, rồi chia ngắt các hình ảnh mà nhìn vào quan hệ, tương tác giữa chúng, và sau cùng, kết hợp với quý ngữ (kigo), tức từ chỉ mùa, tạo trường liên tưởng cho bài thơ. Từ đầu thế kỷ 20, thế giới đã biết tới thể thơ này, và đặc biệt ở thời đại liên thông hiện nay, haiku được yêu thích và phát triển trên hầu khắp các nước, được viết bằng mọi thứ tiếng. Nhìn chung, do sự khác biệt giữa các ngôn ngữ nên haiku thế giới không còn giữ cấu trúc 5-7-5 nhưng vẫn đảm bảo yếu tố ba dòng; từ cắt thuần Nhật không còn nhưng các hình ảnh vẫn thường được xếp tách rõ rệt; từ chỉ mùa cũng không nhất thiết phải có, chủ yếu bởi haiku hiện đại xâm nhập vào mọi đề tài, khía cạnh, không chỉ gói gọn trong mảng thiên nhiên như trước kia. Ở bài này, xin bàn một góc nhìn về nhịp điệu thơ haiku.
Nhịp điệu thuộc về cấu trúc nhưng không vì thế có thể tách rời khỏi nội hàm của thơ được. Haiku, theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ, là thơ duy khoảnh khắc. Một khoảnh khắc của thực tại được nhìn ra, được sáng tạo, và được thuần khiết hóa. Thực tại ví như hơi thở, cái căn bản của sự sống, luôn ở đây với mỗi chúng ta, nhưng sự có mặt của hơi thở lại thường bị quên mất. Biết trở lại cảm nhận niềm vui trong từng nhịp thở, cảm nhận giá trị của phút giây này, cảm nhận cái đẹp phong nhiêu ngầm ẩn của thực tại – đó là haiku. Issa đã nhìn thấy cái đẹp trong khoảnh khắc đời thường như thế, Issa hát với ta (bản dịch của Nhật Chiêu):
Mưa mùa xuân reo
một cô gái bé nhỏ
dạy mèo con múa theo
Tạo hóa sáng tạo ra bông hoa, giọt sương, làn gió, cơn mưa, điệu múa, và tạo hóa cũng sáng tạo haiku. Mặt khác, một bài haiku nhỏ bé thường chỉ là tương tác chấm phá của hai (đôi khi ba) hình ảnh, có thể coi là đơn vị nhỏ nhất cấu thành thơ ca – một nguyên tử thơ. Nói vậy để thấy mỗi bài haiku là một nhịp đập, một hơi thở thuần khiết của tự nhiên. Nhắc đến nhịp đập cũng như hơi thở, ta sẽ có cảm thức về sự trôi chảy đều đặn và liên tục. Quả vậy, làm một bài haiku giống như nắm bắt sự vật trong thoáng chốc rồi lại thả nó vào dòng trôi như nhiên của thực tại. Hãy thử cùng phóng to cái nguyên tử thơ ấy lên để thấy cấu trúc của nó. Nhịp 5-7-5 thuần Nhật, bắt nguồn từ thời của những bài thơ trong Cổ Kim Tập hay Vạn Diệp Tập, cũng tương tự như nhịp 6-8 đi từ ca dao vào thơ lục bát của Việt Nam. Nhịp ấy đều đặn về số âm của ba dòng nhưng pha chút biến điệu [ở dòng thứ hai]. Bản thân thơ haiku trong tiếng Nhật thường được viết thành một dòng và đọc lên thành tiếng trong một hơi thở, nhưng chính những từ ngắt có chức năng tạo tính gián đoạn trong sự liên tục đó.
Nhịp 5-7-5 như đã nói ở trên, do khác biệt ngôn ngữ, không nên và không còn được áp dụng cho haiku thế giới [một lý do quan trọng nữa là cần hạn chế các dư từ trong ngôn ngữ đơn âm như tiếng Việt, nhằm đảm bảo nội hàm cho bài thơ]. Thế nhưng, điểm đặc biệt nhất về cấu trúc của thơ haiku lại nằm ở tính chất ba dòng, hay ba nhịp.
Đem so sánh với thơ Đường của Trung Quốc hoặc thơ lục bát của Việt Nam, hai thể thơ sau có số câu chẵn và thường có tính đăng đối, cân xứng, tạo những đối cực có phần tĩnh, thì thơ haiku với ba dòng lẻ lại bộc lộ một sự vỡ đối xứng chớm phát, một biến dịch tiềm tàng. Bản thân vũ trụ của chúng ta chứng kiến sự vỡ đối xứng tự phát ở khắp mọi nơi, trên mọi bình diện, mà điển hình nhất là sự vỡ đối xứng giữa các lực tương tác [ban đầu được xem như có cùng bản chất] chi phối tới hết thảy sự vật, hiện tượng trong tự nhiên. Ta có ví dụ nổi tiếng về chú lừa của Buridan. Chú lừa đã rất đói rồi và đang đứng giữa hai bó cỏ y hệt nhau, hoàn toàn đối xứng. Không có lý do gì để tới ăn bó này mà không phải bó kia, nhưng cơn đói đã khiến chú chọn tự phát một trong hai bó cỏ. Ví dụ minh họa phần nào sự sống, tự nhiên là một vỡ đối xứng tự phát. Adam và Eva trước khi cắn trái táo cấm chưa thể được coi là con người. Nhưng không chỉ có vậy, cái đẹp, ở khía cạnh là bạn song hành của tự nhiên, cũng mang tính chất ấy. Nếu không thế, cái đẹp sẽ trở nên bất động, cứng nhắc. Còn ngược lại, với một vỡ đối xứng nhẹ, nó sẽ có sức sống và mềm mại hơn. Điểm đặc biệt vừa nêu trên không riêng thuộc về haiku mà thơ ca Nhật Bản nói chung là vậy. Như thể thơ tanka với cấu trúc năm dòng lẻ [5-7-5-7-7] cũng gần với sự vỡ đối xứng, biến chuyển của tự nhiên. Lời giải thích có lẽ nằm ở cảm thức tinh tế của người Nhật trước thiên nhiên bốn mùa đi qua, kết tinh ở khái niệm thẩm mỹ aware, hay đầy đủ hơn mono no aware [nỗi buồn sự vật].
Suy ngẫm thêm một chút, ta còn nhận ra tính phổ quát của cấu trúc ba nhịp. Trên nhịp nền phập phồng, đều đặn và liên tục của vũ trụ, cái tương thông với nhịp hơi thở của mỗi cá thể, vẫn còn một nhịp điệu nữa của tâm thức, của kiếp người biến chuyển với ba giai đoạn: thời thơ ấu, lúc trưởng thành, và khi về già. Chính sự tương thông giữa vũ trụ đại ngã và con người tiểu ngã khiến mọi sự vật, hiện tượng đều có cấu trúc ba nhịp và khả năng quy hồi. Người Nhật gọi cấu trúc biến điệu này là jo-ha-kyū. Jo (序 – Tự), ha (破 – Phá) và kyū (急 – Cấp) lần lượt là nhịp đầu, nhịp giữa và nhịp cuối của mỗi chuyển động trong chuỗi jo-ha-kyū. Mọi hiện tượng cấu thành một đơn vị thống nhất khi chúng khởi đầu theo cách thanh thoát (jo), triển khai phức tạp và nhanh dần (ha), rồi kết thúc đột ngột (kyū). Ví như hành động săn mồi của đại bàng, jo tương ứng với lúc lượn vòng quan sát trầm tĩnh từ trên không, ha là khi sải những đường bay theo dấu con mồi, và kyū là thời khắc lao xuống tung móng vuốt. Hay như thiên tài Zeami của sân khấu kịch Nō đã viết trong luận Thập Túc Đắc Hoa: “Vạn vật trong vũ trụ, cho dù tốt xấu, lớn nhỏ, có đời sống hay vô tri, tất cả đều chia sẻ nhịp điệu của jo-ha-kyū. Từ tiếng chim líu lo đến tiếng côn trùng rả rích, mọi loài ca hát theo một trật tự chọn lựa, và trật tự ấy luôn bao gồm jo, ha, và kyū… Cỏ cây ướt với mưa, với sương trong nhịp điệu jo-ha-kyū này, cũng như hoa thơm trái chín vào mùa thích hợp. Tiếng gió, tiếng nước cũng theo cùng điệu ấy”. Trở lại với bài thơ của Issa:
Mưa mùa xuân reo
một cô gái bé nhỏ
dạy mèo con múa theo
Dòng đầu ứng với nhịp jo, mở ra không gian, bối cảnh nền của bài thơ là cơn mưa mùa xuân. Dòng hai chuyển sang nhịp ha, phát triển từ nhịp đầu: trong cơn mưa reo vui, hiện lên hình ảnh một cô bé. Cô bé đang làm gì? Cô đang hân hoan vui đùa với một chú mèo nhỏ đáng yêu. Nhịp cuối kyū, nhịp kết thúc có sức công phá mạnh, đục sâu vào khoảnh khắc bình dị ấy cho thực tại hiển lộ. Cơn mưa rồi sẽ tạnh, cô bé sẽ lớn lên, và con mèo cũng sẽ không còn ở đấy nữa. Nhưng ngay giây phút này đây, cả ba – cơn mưa, cô bé, và mèo con – đang hòa cùng điệu múa. Điệu múa của vũ trụ tương tùy ở đó mọi sự vật hòa quyện cùng nhau. Điệu múa của cái đẹp vừa phai tàn lại vừa vĩnh cửu. Ta thấy nhịp cuối trở lại nâng nhịp đầu lên tạo thành một tổng thể hòa điệu, biến dịch mà hồi quy. Như vậy, bản chất cấu trúc của thơ haiku, tương hợp với nội hàm duy khoảnh khắc, mang trong mình nhịp điệu của tự nhiên.
Đến đây, ta hãy thử bàn xem nhịp điệu haiku thể hiện trong ngôn ngữ tiếng Việt sẽ có những đặc điểm gì. Một khúc haiku dịch từ nguyên tác tiếng Nhật đa âm sang tiếng Việt đơn âm, nếu đảm bảo nội hàm của bài thơ, đọc lên sẽ ngắn gọn hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc haiku trong tiếng Việt không còn giữ nhịp 5-7-5 nữa. Tiếng Việt cũng không có hệ thống các quý ngữ chỉ mùa và từ cắt để định hướng và tạo trường liên tưởng cho người đọc. Tuy nhiên, tiếng Việt lại rất giàu hình ảnh, vần điệu và nhạc tính, đều là những phẩm tính ưu việt có thể khai thác cho haiku. Hầu hết với các ngôn ngữ khác trên thế giới, kể cả tiếng Nhật, những phẩm tính này không mạnh như ở tiếng Việt. Thậm chí, một bài haiku Nhật khi dịch nguyên nghĩa sang một ngôn ngữ khác đọc lên thấy có phần khô khan, thiên về suy tưởng lý tính. Với cấu tạo ngôn ngữ gồm các thanh bằng trắc, tiếng Việt chỉ nói không thôi nghe đã như hát rồi, kết hợp với việc gieo vần đa dạng sẽ có thể tạo thành phong cách đặc trưng riêng cho haiku Việt. Việt Nam và Nhật Bản cùng là hai nước Á Đông nên có đồng thời cả những mẫu số chung lẫn những điểm khác biệt về văn hóa. Cùng chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo Đại Thừa và Thiền tông nhưng văn hóa Nhật Bản thì duy mỹ [và duy lý] trong khi văn hóa Việt thì duy tình. Yếu tố duy tình được thể hiện rất rõ trong nội hàm của thơ lục bát nói chung, nhưng như nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu đã chỉ ra, ngay chính cấu trúc 6-8 với cách gieo vần lưng nom giống như một người con trai vòng tay ôm lấy eo một người con gái. Xét trên quan điểm Phật giáo, thơ lục bát và thơ haiku giống như đối ngẫu của nhau. Lục bát chuyên chở cái tình, cái duyên nghiệp và có tính sóng – lan truyền, xâu chuỗi các câu thơ bằng vần điệu. Còn haiku lại có độ tụ và xuyên phá mạnh, thể hiện cái trực ngộ của người làm thơ. Như vậy, nếu vận dụng khéo léo ngôn ngữ và văn hóa Việt, hòa hợp với nền tảng vốn có của haiku Nhật Bản, chúng ta có quyền mong đợi ở haiku Việt cân bằng được cả hai yếu tố lý và tình, tạo thành một trực nghiệm thơ ca hoàn chỉnh. Qua ngôn ngữ Việt, bài haiku của Issa dường như lại thêm phần ngân nga.
Mưa mùa xuân reo
một cô gái bé nhỏ
dạy mèo con múa theo
Đinh Trần Phương