Haiku tình yêu phương Tây- Lê Văn Truyền

alt

alt

CẢM THỤ HAIKU

HAIKU TÌNH YÊU PHƯƠNG TÂY

(WESTERN LOVE HAIKU)

Lê Văn Truyền

Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội

Khi thưởng thức haiku truyền thống của Nhật Bản, trong các “quý ngữ” người đọc hiếm thấy có chỗ cho chủ đề tình yêu hoặc nhục cảm. Mặc dù, như trong bài viết trước đây, khi giới thiệu “chi lưu” haiku tình yêu, điểm qua một số khúc haiku của các đại thụ haiku Nhật Bản, ta có thể thấy một số bài “luyến ca” đề cập đến tình yêu và vẻ đẹp nhục cảm của người phụ nữ một cách nhẹ nhàng, đầy tính ẩn dụ.

Khi haiku lan tỏa sang các nước phương Tây rồi dần dần có một vị thế quan trọng và đặc thù trong nền thi ca tây phương, người ta thấy các haijin đã đưa vào haiku các chủ đề quen thuộc của văn hóa tây phương, trong đó không thể thiếu chủ đề về tình yêu và nhục cảm. Khi tiếp cận với haiku, nhiều nhà thơ Anh, Mỹ … đã phát hiện ra rằng, tuy rất ngắn gọn, chỉ bao hàm trong 17 âm tiết, nhưng thể thơ ngắn haiku của Nhật Bản vẫn có khả năng thể hiện một cách cô đọng, hoặc trực tiếp hoặc ẩn dụ, các sắc thái tình yêu mạnh mẽ nhất, nồng nàn nhất với tất cả các cung bậc khác nhau của tình yêu và nhục cảm giữa người nam và người nữ. Các haijin phương tây đã tìm thấy trong bản sắc và khả năng của haiku – có thể gợi đến “cái vô tận” của thời gian thông qua “một khoảnh khắc”, thấy cả “vũ trụ” trong một “giọt nước”, phát hiện cái “đại ngã” trong “bản ngã” của mỗi con người, nhận thức được quy luật “thiên nhân hợp nhất” – một thế mạnh để ghi lại những khoảnh khắc thăng hoa, nắm bắt những tia chớp huyền diệu khi người nam và người nữ đắm mình trong tình yêu và nhục cảm.

Đúng thế, có những “khoảnh khắc tình yêu” ở phương Tây có thể mô tả bằng câu chữ trần trụi nhưng ở phương Đông chỉ có thể biểu thị bằng những ẩn dụ, những hình ảnh để người đọc “tự diễn dịch” theo “gu” thẩm mỹ, sự cảm thụ và trải nghiệm của mình mà thôi.

Ishibani Hideno dùng hình ảnh những nụ hoa mận bừng nở chạm vào nhau trong buổi hoàng hôn mùa đông như là một ẩn dụ về sự đụng chạm và giao hòa thể xác giữa nam và nữ:

the winter blooming plum

buds touching one another

in the twilight

hoa mận mùa đông bừng nở

cọ vào nhau

buổi hoàng hôn

Nhưng với Ruth Yarrow, nữ haijin tuổi thất thập cổ lai hy, bậc thầy haiku của Đại học Cornell (Hoa Kỳ), phút giây giao hòa nhất thiết phải thể hiện như trong khúc haiku sau đây:

warm rain before dawn

my milk flows

into her unseen

mưa ấm trước bình minh

dòng sữa tôi

trút vào nàng sâu thẳm

Tả vẻ đẹp của người đàn bà khỏa thân, bậc thầy haijin Nhật Bản đồng thời là ni cô Chiyo – ni sử dụng biểu trưng đóa cúc bạch tinh khôi:

moonflowers –

when a woman’s skin

is revealed

đóa cúc bạch

khi làn da người đàn bà

phát lộ

và cũng Chiyo – ni viết tiếp trong một khúc haiku khác:

moonflower in bloom

when a woman skin

gleams through the dusk

đóa cúc trắng bừng nở

khi làn da đàn bà

ánh lên trong hoàng hôn

Các haijin phương tây mạnh bạo hơn khi sử dụng hình tượng và màu sắc, không chỉ là một màu trắng trinh bạch, mà gần như tất cả các sắc màu mạnh mẽ, ấm áp, rực rỡ của các loài hoa để biểu trưng cho nữ tính của người phụ nữ. Trên khắp thế giới, khi đến với người yêu các chàng trai thường trân trọng mang theo một bó hoa. Nhưng hầu như các cô gái ít khi mua hoa tặng người yêu vì trong mình cô đã có cả một vườn hoa. Alexis Rotella đã rất tinh tế và có chút hài hước, theo tinh thần haiku Nhật Bản, khi phát hiện ra điều đó:

late August

I bring him the garden

in my skirt

tháng tám mới rồi

tôi đem tặng anh

cả một vườn hoa trong váy

Đúng rồi, nếu đã sở hữu cả một “vườn hoa địa đàng” thì không có lý do gì nàng lại phải đem tặng chàng chỉ một nhành hoa hay thậm chí một bó hoa!

Với haijin này chắc chắn đó không phải là bông hoa cúc bạch mà phải là một đóa hồng đen:

dark rose

the sun lights it

as you undress

mặt trời rọi sáng

đóa hồng đen

khi em trút xiêm

Nhưng trong trí tưởng tượng của haijin khác, đó lại là những cánh hoa tulip đang nở bung khoe sắc trong một gian phòng ẩm ướt:

steamy room

the tulip petals

spread wide

gian phòng ẩm ướt

cánh tulip

mãn khai

Bộ ngực phụ nữ, nguồn sữa nuôi dưỡng cả nhân loại là một chủ đề không thể thiếu trong “erotic haiku”. Với Brynne Mc Adoo bầu sữa đã được nhân cách hóa một cách thật sinh động và cũng không kém phần hài hước. Vầng trăng non nhũ hoa của người yêu len lén ngắm chị Hằng trên bầu trời trong đêm nguyệt thực, chắc để tự so mình với chị Hằng xem ai hấp dẫn hơn chăng:

lunar eclipse

a nipple peeks

over her dress

nguyệt thực

nhũ hoa hé nhìn

qua làn áo mỏng

Michael Dylan Welch cảm nhận vị ngọt ngào quyến rũ của đôi nhũ hoa:

the taste of honey

on your nipple

the symphony’s crescendo

vị mật ong

trên đôi nhũ hoa em

cao trào bản giao hưởng

và cũng Michael Dylan Welch cảm nhận một khía cạnh khác, khía cạnh nhục thể của đôi nhũ hoa:

moonlight surf …

your nipple hardens

against my tongue

sóng trào ánh trăng soi

nhũ hoa em săn cứng

chạm vào đầu lưỡi anh

George Swede cảm nhận vẻ đẹp của bộ ngực phụ nữ dưới đôi mắt của một nhà điêu khắc hoặc một họa sỹ:

night begins to gather

between her breast

bóng đêm đọng lại

giữa đôi vú nàng

Và một haijin khác:

by the lamp

the curve of her breast

in silhouette

ánh đèn rọi bóng

đôi vú

em cong

Ram Krisna Singh, bậc thầy haiku Ấn Độ, cảm nhận bộ ngực người phụ nữ như một “thực thể sống” với tất cả sự sinh động tạo nên vẻ khêu gợi của họ. Người phụ nữ trong khúc haiku sau đây chắc chắn phải có một vẻ đẹp trẻ trung, mạnh khỏe, phồn thực vì vậy bộ ngực của nàng mới kiêu hãnh vươn lên và dám thách thức cả vầng trăng:

with her breasts bobbing

up and down she challenges

the moon as she walks

đôi vú nàng bập bềnh

thách thức cả vầng trăng

mỗi khi nàng cất bước

Và, bộ ngực cũng sống động theo chu kỳ của người phụ nữ:

through erect nipples

feeling the warmth of your body

days of abstinence

đôi núm vú săn cứng

tấm thân em nóng bỏng

những ngày kiêng khem

Những cung bậc khác nhau của tình yêu và nhục cảm được các haijin phương tây thể hiện từ nhẹ nhàng đến táo bạo trong muôn vẻ khúc dạo đầu. Tình yêu vốn kiệm lời, chỉ cần tiếng thầm thì của người yêu bên tai, hai tâm hồn đã hiểu nhau và … tình yêu tới.

Michele Langlo nói lên mong muốn đơn sơ của người yêu:

my whispers escaped
in the silence you heard me
and then I knew love…

trong yên lặng

anh nghe tiếng em thầm thì

ấy là lúc tình yêu đến

Và một nụ cười dịu dàng của người yêu nhiều khi còn có sức mời gọi nhiều hơn những lời nói hoặc cử chỉ gợi tình. Ram Krisna Singh thấy chỉ nụ cười của người yêu đã đủ khởi động mạnh mẽ nhục cảm:

her smile triggers

fire in the loins

sunbathing nude

nụ cười nàng

đốt lửa thắt lưng tôi

tấm thân trần tắm nắng

Với June O’Reilly chỉ cái ôm dịu dàng âu yếm của chàng đã đủ mang lại cho tâm hồn mình bao điều kỳ diệu:

touch me with your love

feed my mind with your wonder

tomorrow starts today

hãy âu yếm dịu dàng

ban tặng em những điều kỳ diệu

ngày mai bắt đầu từ hôm nay

Trong lúc Jennifer lại muốn tan chảy trong vòng tay mạnh mẽ của người yêu:

dreamy stars at night
your kisses melted my heart
your arms held me tight

những ngôi sao đêm kỳ ảo

nụ hôn làm tan chảy tim em

trong tay anh ghì chặt

Hàng bao ngàn năm trôi qua nhưng các nhà thơ trên trái đất chưa bao giờ thôi ca ngợi về “hương vị” của tình yêu. Đã có những thi phẩm tuyệt diệu về mùi hương người đàn bà, trong đó có hai câu thơ đẹp, tương truyền của đấng quân vương – thi sĩ Tự Đức lãng mạn của Vương triều Nguyễn:

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại để dành hơi

Khoa học hiện đại, đặc biệt là ngành hóa học và sinh học, đã thành công trong việc chứng minh mùi hương hấp dẫn của tình yêu chính là các phân tử hóa học “pheromone”, chất dẫn dụ sinh học (và cũng là chất gây nghiện) của con người (và cả một số loài động vật), để gợi tình, để quyến rũ, để “đánh dấu” bạn tình và để duy trì mối quan hệ tình cảm lâu dài.

Nhưng tình yêu không chỉ có “hương” mà còn có cả “vị” nữa. Nhiều khi, chỉ chút vị mặn mòi của mồ hôi trên làn da người yêu cũng đủ để đánh thức trong ta niềm khao khát khôn nguôi.

Ram Krisna Singh là một kẻ “khát tình” trong khúc haiku sau đây:

craving for a lick

of the salt on her skin

to become one with her

khao khát nếm vị muối

trên làn da nàng

muốn giao hòa làm một

Raymond Roseliep, một thầy tu Hoa Kỳ và vừa là bậc thầy “erotic haiku” rất tài hoa đã dám viết:

her breath

and the rose

caught in my mouth

hơi thở nàng

và đóa hồng

mắc kẹt trong miệng tôi

Và haijin Steve Mount là một người tình tham lam:

tasting salty wet
still thirsting, my tongue pursues
her hot sweat again

nếm vị mặn vẫn khát

lưỡi tôi lại đi tìm

giọt mồ hôi nóng bỏng

Omond thật tự do trong rừng sâu khi chỉ có hai người yêu nhau:

in forest we taste

each other in evergreens

hot dews on the moss

trong rừng sâu

nếm giọt sương ấm của nhau

trên thảm rêu

Lisa Marie Darlington, nữ haijin từ Vương Quốc Anh, rất thích thú khi được người yêu nghịch ngợm “rong chơi” trải nghiệm vị mặn mòi trên làn da của mình:

your tongue walks

heavily, up against

the surface of my naked skin

lưỡi anh rong chơi

trên làn da em

trần trụi

Và hai tâm hồn thấu cảm trong im lặng:

speaking in tongue

my body understands

every words

lưỡi anh chuyện trò

thân em thấu cảm

từng lời của anh

Nhiều khi, lời yêu đương cần phải lặng để nhường tiếng cho đôi bàn tay quý báu của chúng ta đã được Trời Đất và Mẹ Cha ban tặng. Jack Jordan cảm thấy những ngón tay người yêu đang lướt trên làn da mịn màng như đang mời gọi những sợi dây đàn trong cơ thể cất lên tiếng nhạc thổn thức, tưng bừng:

your fingers make

music from the instrument

that is me

những ngón tay anh

gọi cơ thể em – cây đàn

rung lên tiếng nhạc

Nhưng cuối cùng, rồi cũng phải đến lúc toàn bộ hình hài của chúng ta lên tiếng. Ngắm những cành kim ngân quấn quýt, Raymon Roseliep liên tưởng đến sự giao hòa cơ thể:

0ur body

honeysuckle

knots

thân thể chúng ta

nhành kim ngân

giao hòa quấn quýt

Và, khi “ngôn ngữ cơ thể” lên tiếng thì mọi ngôn từ khác đều phải im tiếng:

rocking on the porch

the couple have nothing left

to talk about

lắc lư ngoài balcon

đôi tình nhân

lặng yên không có gì để nói

Lisa Marie Darlington:

her slender body
curved to the couch
back arched out in pleasure.

thân hình nàng mảnh dẻ

tấm lưng cong ưỡn lên

trong cơn khoái cảm

Và khi đó đôi tình nhân chỉ còn thấy đang đắm chìm trong niềm đam mê hừng hực:

hot fire

kindling, the passion

that burns like Hell

lửa tình nóng bỏng

đam mê bốc cháy

lò lửa Địa Ngục

Khi người ta yêu nhau thì nắng mưa, giông bão không còn là vấn đề, mà nhiều khi thiên nhiên còn xúc tác cho cuộc tình thêm ý vị. Roben O. nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn vang lên dịu dàng như một bản dạ khúc tiếp sức cho đôi tình nhân vào cuộc tình không có hồi kết:

awakned vigor

rain on tin roof’s serenade

our storm has no end

khúc nhạc mưa rơi trên mái

đánh thức sức mạnh đôi ta

trong cơn bão tình bất tận

June O’Reilly lại thấy hạt mưa như cùng ngọn gió xuân đem lại tình yêu:

rain down into me

enter as the wind my love

spring into my heart

mưa rơi trên mình

ngọn gió mùa Xuân

đem tình yêu tới

Ruth Yarrow chớp được khoảnh khắc của cuộc tình và nguồn cảm xúc cao trào tột đỉnh của bản giao hưởng tình yêu:

hoa hồng dại

quằn mình run rẩy

dưới cánh ong bay**

Và đôi môi hé mở của người yêu chợt lóe lên ánh sáng của niềm khoái lạc tựa tia chớp trên bầu trời đêm trong cơn bão tình:

sâu thẳm

tôi vào trong

răng nàng hé sáng**

Alexis Rotella cảm nhận sự tiếp xúc ấm áp của người yêu:

lying in the wet grass

him still beating

inside me

nằm dài trên cỏ ướt

anh vẫn đập

trong em

Thị giác bất lực trong bóng đêm nhưng cần gì, Steve Mount vẫn thấu cảm được giòng điện khoái lạc và nghe được tiếng thổn thức của niềm hạnh phúc:

hard flesh meets soft flesh

electric arcs of pleasure

in the dark, a cry

Linga gặp Yoni

giòng điện khoái lạc

một tiếng rên trong đêm

Anita Virgil rộn ràng trong tâm hồn khi cảm nhận sự giao hòa nhục thể:

Em đang giữ anh

bên trong em nồng ấm

tiếng chim sẻ vang lừng**

Vâng, hàng ngàn năm trước khi nữ haijin hiện đại Anita Virgil cảm nhận được tiếng chim sẻ vang lừng, rộn ràng trong tim mình thì kinh Kama Sutra (Dục Kinh Ấn Độ) cổ đại đã mô tả “con chim sẻ” nô đùa như thế nào và sẽ còn nô đùa trong vĩnh cửu mai sau để loài người tồn tại:

Khi Linga ở trong Yoni

đó là trò chơi của chim sẻ

Niềm hạnh phúc giao hoan vang lên như tiếng ríu rít của những con chim sẻ đang rộn ràng trong tâm hồn chúng ta, là “chỉ dấu sinh tồn” cho ta biết rằng mình vẫn đang còn được tồn tại trên Trái Đất và trong Cõi Đời nhiều bất hạnh, đau thương này.

Để kết thúc, người viết bài này xin mượn lời Alexis Rotella khi bình khúc haiku của Anita Virgil về bài ca chim sẻ, khúc haiku đã đạt giải nhất trong cuộc thi “Erotic Haiku” toàn thế giới năm 1983 do Tạp Chí Haiku “Cicada” (Con ve sầu) tổ chức:

Yoni và Linga, Âm và Dương, Tiểu ngã và Đại ngã – cả vũ trụ này há chẳng phải đã sinh ra từ “cái trò chơi chim sẻ” ấy hay sao?”.

CHÚ THÍCH

*Các phiến khúc haiku tiếng Việt trong bài này được tác giả bài viết dịch qua bản Tiếng Anh. Kính mong quý thi hữu thông thạo Anh ngữ và Nhật ngữ kiểm tra và cho ý kiến chỉ giáo.

** Các bài haiku chưa tìm thấy nguyên bản tiếng Anh, xin mạn phép sử dụng bản dịch của các tác giả khác

*** Giới thiệu một số haijin được trích dẫn trong bài viết:

Ishibani Hideno (1909 – 1947): Một nữ haijin hiện đại nổi tiếng của Nhật Bản. Đã thọ giáo các nữ bậc thầy haiku như Kyoshi và Akiko Yosano. Bà kết hôn với nhà phê bình haiku nổi tiếng Kenkichi Yamamoto (1907 – 1988). Hideno mất ở Tokyo năm 1947 vì bệnh lao và vết thương chiến tranh. Tác phẩm duy nhất của bà là tuyển tập “Sakura Koku” (Cherry Blossom Deep) đạt giải thưởng “Kawabata Bosha”. Haiku của bà đã được Makoto Uedo dịch ra tiếng Anh trong tác phẩm “Haiku by Japanese Women”

Ruth Yarrow: Haijin Hoa Kỳ, sống ở Rainier Valley. Bà là Thạc Sỹ về Sinh Thái Học ở Đại Học Cornell. Ruth Yarrow sáng tác haiku từ những năm 1070’ khi bà giảng dạy ở Đại Học Stockton (New Jersey). Bà là tín đồ của giáo phái Quaker, là nhà hoạt động vì hòa bình và thành viên phong trào “Thầy Thuốc vì Trách Nhiệm Xã Hội” (Physicians for Social Responsibility). Ruth Yarrow quan niệm:” Sáng tác haiku là để tự trau dồi nhận thức”.  Sáng tác nhiều khúc “love haiku/erotic haiku” nổi tiếng nhưng bà cho rằng: “Thật nguy hiểm khi viết quá nhiều “sweet haiku”, nếu không nghĩ đến thực tế là một cá nhân không thể bao quát được toàn bộ kinh nghiệm của con người” (There’s a danger writing a lot of sweet haiku, to not think one can’t encompass the whole human experience).

Chiyo – ni (1703 – 1775): Một trong những nữ haijin lớn nhất của Nhật Bản. Sinh trưởng trong một gia đình làm giấy, bà thọ giáo cùng hai môn đệ của Basho và trở thành một ni cô đồng thời là một bậc thầy nổi tiếng về renga, hội họa. Bà xuất bản hai tuyển tập: “Chiyo – ni Kushu” (Chiyo – ni’s Haiku Collection: Tuyển Tập Haiku của Chiyo – ni) và “Matsu no Koe” (Voice of the Pine: Tiếng Vọng của Rừng Thông).

Ram Krisna Singh (1950 – …): Sinh năm 1950 tại Ấn Độ, ông là nhà nhà phê bình văn học, nhà thơ đương đại Ấn Độ và là một trong những haijin Anh ngữ xuất sắc. Ông có học vị Thạc Sỹ Văn Học Anh năm 1970 và từ 1993 là Giáo Sư Văn Học Anh. Các tuyển tập haiku của ông gồm có: “Từng Giọt Đá Cuội” (Every Stone Drop Pebble, 1999),“Những Giấc Mơ Vụn Vặt” (Peddling Dreams, song ngữ Anh/Italia, 2003), “Giòng Sông Trở Lại” (The River Return, 2006),“Cảm Thức & Tĩnh Lặng: Tuyển Tập” (Sense & Silence: Collected Poems, 2010)”, “Tanka và Haiku tuyển chọn” (New and Selected Poems: Tanka and Haiku, 2012), và“Tôi không phải là Đức Chúa Trời và các bài Tanka và Haiku tuyển chọn” (I Am No Jesus and Other Selected Poems: Tanka and Haiku, song ngữ Anh/Crimean Tatar, 2014). Haiku của ông đã được dịch ra 23 thứ tiếng trong đó có: Pháp, Tây ban Nha, Roumanie, Trung Hoa, Serbia, Croatia, Tiệp Khắc, Nhật Bản, Đức, Bulgarie, Italia và Esperanto (Quốc tế ngữ) …

Alexis Rotella: Nhà thơ Hoa Kỳ gốc Nga, hiện đang sống ở thành phố Slavic (Pennsylvania). Bà tốt nghiệp Đại Học “Five Branches Institute” ở Santaz Cruz và có bằng Thạc Sỹ về Châm Cứu và Dinh Dưỡng của Học Viện “Five Element Acupuncture” ở Maiami, Florida. Là một nhà sáng tác haiku và haiga nổi tiếng nhưng phần lớn thời gian bà dành cho châm cứu và chữa bệnh. Sáng tác haiku từ những năm 20 tuổi, thơ của bà được in trong nhiều tạp chí trên thế giới và đạt được nhiều giải thưởng haiku quốc tế. Năm 2007, bà đạt Giải thưởng lớn (Grand Prize) trong cuộc thi haiku hàng năm “Kusamakura Annual Contest” (Kumamoto, Nhật Bản) khi cùng chồng du lịch tới Nhật Bản. Bà được công nhận như là một trong những haijin hàng đầu của Hoa Kỳ hiện nay. Kasuo Sato, giáo sư ở Đại học Waseda Tokyo viết “Alexis Rotella là một trong những haijin hiện đại hàng đầu ở Hoa Kỳ. Bà là người bẩm sinh có thể nắm bắt được những khoảnh khắc của thiên nhiên và của con người để sáng tác những khúc haiku. Nếu bà được sinh ra ở Nhật Bản, bà có thể đã là một trong những bậc thầy haiku hàng đầu của Nhật Bản”.

Anita Virgin: Nguyên Chủ Tịch Hiệp Hội Haiku Hoa Kỳ (The Haiku Society of America). Haiku của bà đã được công bố trong nhiều tạp chí và tuyển tập haiku từ 1969. Gần đây, bà bắt đầu sáng tác và công bố các bài tanka. Từ 2004, các tác phẩm của bà thường xuyên xuất hiện trên mạng Internet.

Raymon Roseliep (1917 – 1983): Sinh năm 1917 tại Farley (Iowa). Năm 1939, Raymon Roseliep tốt nghiệp Cử Nhân Văn Chương sau đó nhận bằng Thạc Sỹ Văn Chương tại Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ (1948). Năm 1954, ông nhận bằng Tiến Sỹ Văn Học Anh ở Đại Học Nostre Dame. Raymon Roseliep được thụ phong linh mục năm 1943 tại Nhà Thờ Raphael’s Cathedral, Dubuque, Bang Iowa. Ông đã được Giải Thưởng Harold G. Henderson của Hiệp Hội Haiku Hoa Kỳ (Haiku Society of America: HAS) vào các năm 1977 và 1982. Là linh mục công giáo sáng tác haiku, Raymon Roseliep để lại một gia tài haiku đồ sộ. Dù là một tu sỹ, ông không hề thấy có gì mâu thuẫn khi sáng tác “love haiku”: “Haiku tình yêu giúp tôi cảm thấy tràn trề sức sống, trẻ trung, tỉnh táo; và luôn luôn thấy rằng đó là những gì sâu sắc và thiêng liêng nhất trong tất cả chúng ta” (It keep me alive and young and remembering; and always with feelings that are deepest and most sacred in all of us).

LVT

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt