Giận dữ- Lê Văn Truyền

alt

ware-wo ikarashime kono tsuki-wo marokarashime

Takeshita Shizunojo*

me, it fills with anger

this moon, it fill

and makes it whole

Dhugal J. Lindsay** dịch

lòng tôi giận dữ ngập tràn

an nhiên vô sự

trăng tròn trời đêm

Lê văn Truyền dịch

Hỉ nộ ái ố là những cảm xúc mà bất kỳ ai trong mỗi chúng ta cũng đều phải trải qua không chỉ một lần trong đời. Takeshita trong một hoàn cảnh nào đó cảm thấy cơn giận dữ đang bóp nghẹt trái tim mình. Nữ haijin không cho ta biết nguyên nhân. Ta chỉ biết nỗi giận dữ, dù do bất cứ nguồn cơn nào, đang tràn ngập tâm hồn nhà thơ, máu nóng bốc lên đầu và thậm chí làm bà ngạt thở, nghẹn lời. Thường thì giận đi liền với dữ, có thể biến một con người hào hoa, phong nhã, điềm đạm trong nháy mắt trở thành một kẻ dữ dằn, hung bạo, độc ác. Với chúng ta, trong hoàn cảnh ấy, không ít người phải đập phá một cái gì đó để trút cơn giận. “Giận cá chém thớt”, “đá thúng đụng nia” ông cha ta đã tổng kết như vậy về cách hành xử thông thường của con người. Chẳng thế mà, trong xã hội hiện đại phương Tây, có người đã tìm cách hốt bạc bằng khởi nghiệp kinh doanh những “Phòng Đập Phá” để mọi người, khi gặp bức xúc – người yêu từ bỏ, bạn bè phản bội, thất bại trong kinh doanh v.v… – trước khi quyết định chấm dứt cuộc đời thì hãy đến đấy trả tiền để được tha hồ đập phá, hòng vơi đi cơn giận dữ đang tàn phá tâm hồn để sau đó bình tâm trở lại, tiếp tục cuộc sống, làm lại cuộc đời.

Là một người vợ – nội trợ truyền thống của xã hội Nhật Bản, một mình Takeshita Shizunojo phải chăm lo cho chồng và 5 đứa con. Cuộc sống của nữ haijin đầy áp lực. Khúc haikư nổi tiếng sau đây của bà được viết ra trong một khoảnh khắc bức bách trong hoàn cảnh của một bà mẹ nghèo không đủ sữa nuôi con:

this short night

shall I throw away my baby

crying for milk? ***

trong đêm ngắn này

liệu tôi có ném được đứa con

đang khóc đói sữa

Lê văn Truyền dịch

Nhưng, chúng ta tin rằng tình mẫu tử thiêng liêng và tâm hồn của người phụ nữ Nhật Bản sẽ làm bà nguôi đi, hình hài của đứa con thân yêu sẽ xoa dịu tâm hồn bà.

Thật ra, không phải mức độ cung bậc cảm xúc như thế nào mà là cái cách chúng ta thể hiện những cảm xúc này mới phản ánh nhân cách của ta. Ông cha ta cũng đã từng dạy: “Nuốt giận làm lành”. Và nếu ta không tự chủ nuốt được cơn giận dữ thì hãy học cách cư xử của Takeshita: ngắm vầng trăng tròn đang dịu dàng, an nhiên vô sự lặng lẽ tỏa sáng bầu trời đêm như đang xoa dịu những nỗi đau, đem lại sự bình an trong tâm hồn ta nơi trần thế. Và, sau đó hãy tôn trọng, biết ơn Vũ Trụ và Thiên Nhiên như là Người có khả năng chữa lành những vết thương trong tâm hồn khi ta đang vô vọng và cô đơn nhất.

Đời người không ai là không trải qua những chuyện vui buồn của cuộc sống. Khúc haikư của Takeshita dạy ta rằng: Biết cách đón nhận và hành xử trước những cung bậc “hỉ nộ ái ố” của cuộc đời mới chính là yếu tố quyết định bản chất con người của chúng ta.


*Takeshita Shizunojo (1887–1951): Sinh ra ở Fukuoka. Vừa nuôi dưỡng 5 người con (2 trai, 3 gái) bà vừa sáng tác haikư. Các sư phụ của bà là Yoshioka Zenjido và Takahama Kyoshi. Là thành viên của Nhóm Hototogisu vào năm 1928, Takeshita Shizunojo là một trong những nữ haijin đầu tiên xuất hiện trong những năm đầu của nền haikư hiện đại Nhật Bản. Bà có một cuộc sống hết sức khó khăn, đầy áp lực của một người vợ nội trợ truyền thống trong xã hội Nhật Bản thời đó.

** Dhugal J. Lindsay (Australia): Tiến sĩ sinh học biển, nhà nghiên cứu (Cơ quan Nhật Bản về Khoa học – Nhật Bản Kỹ thuật Biển và Trái đất: JAMSTEC)

***Chưa tìm được người dịch khúc haikư này ra tiếng Anh

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt