Trong các phiến khúc Haiku từ xưa đến nay, ở mọi quốc gia, đều rõ mồn một ba thành phần. Người ta có thể viết trên ba dòng:
古池や (Furuikeya)
蛙飛び込む ( Kawazu tobikomu )
水の音 ( Mizu no oto)
( Basho )
Hay một dòng, dùng dấu ngắt để phân cách ba thành phần ấy: 古池や / 蛙飛び込む /水の音
Hãy cùng nhau làm công việc tìm xem các thành phần ấy là gì để đi đến chuẩn mực khảng định một khúc thơ có phải Haiku hay không.
Là ba câu ư?
Ở một số bài thơ, đó là ba câu thực sự . Chẳng hạn:
“Cá xuống nước
Mây về trời
Ta thả ta vào chân không” (Doãn Thiện Niệm). Hay:
“Chiếu giải hiên đình
Sáo ghẹo trúc xinh
Tay em uốn gió” (Lý Viễn Giao)
“Sông đưa nước ra biển
Gió dìu mây về nguồn
Người đưa hồn về quê” (Lam Hồng)
Nhưng ở rất nhiều bài, ba thành phần này chưa là câu:
“Ngõ cụt
Thoáng bóng hồng
Vấp” (Nguyễn Kỳ Anh). Hay:
“Không mưa
Những cột đèn đường
Âm bản đêm” (Đinh Trần Phương)
Ngay cả bài thơ Con ếch của Basho, chỉ có hai thành phần sau “Con ếch nhẩy vào” và “Tiếng nước xao” là câu còn “Ao xưa” đâu phải thế!
Ba thành phần của khúc thơ Haiku là ba câu với đầy đủ chức năng của nó để tạo nên bài thơ thì điều đó không sao cả. Nhưng có cần phải như vậy không thì cũng thấy rồi. Cho nên không thể mặc định cho thơ haiku là Thơ ba câu.
Hay là ba dòng?
Dòng không mảy may mang ý nghĩa nội dung nào trong viết lách. Dòng chỉ có vai trò như một đơn vị đong chữ. Trên một dòng, người ta có thể chỉ viết một chữ nhưng cũng có thể viết đầy kín chữ. Có thể viết một câu hay nhiều câu. Nếu các chữ trên đó là của một ý sẽ không cần phải dùng đến dấu phân cách . còn như trên dòng ấy gồm nhiều thành phần, tùy theo mối quan hệ giữa chúng mà dùng các dấu phẩy (,), chấm (.), chấm phẩy (!), hỏi chấm (?) … hay gạch chéo (/) để phân định. Thơ Haiku thường hay dùng cách viết mỗi thành phần riêng một dòng, cũng có viết chúng trên một dòng rồi dùng dấu gạch chéo để phân chia nhưng ít hơn. Chẳng hay có phải vì thế mà nhiều người mặc nhiên gọi thơ này là thơ ba dòng? Điều này rất nguy hiểm, nó sẽ dẫn đến sự lẫn lộn về tiêu chí của một bài thơ. Nếu trên mỗi dòng là một thành phần đúng chức năng thì sẽ không sao rồi, nhưng nếu đặt lên dòng kẻ một số chữ không có ý, không hình ảnh, không nằm trong mối quan hệ chung với các dòng khác để nói lên một ý tưởng thì sao thành khúc Haiku.
Vậy ba thành phần ấy là gì ?
Trong nhiều trường hợp mỗi thành phần ấy là một hình ảnh, chẳng hạn:
“Hai người đơn côi
Ngược chiều
Sóng đôi” (Như Trang) Hay:
“Chớp lóe
Mưa trắng đồng
Mẹ gánh cơn giông” (Lương Thị Đậm)
“Tia chớp xanh lè
Gió bấu ngọn tre
Mưa nghiêng mái lá” (Lý Viễn Giao)
Nhưng trong nhiều trường hợp khác, ba thành phần của khúc thơ chỉ là ba ý:
“Xuân đến
Xuân đi
Tình ở lại” (Thánh Ngã) Hay:
“Tháng Bẩy qua rồi
Sao còn rơi lệ
Vợ chồng Ngâu ơi!” (Đoàn Thị Thu Vân)
“Trăng vàng đỏng đảnh
Đẹp chỉ đêm rằm
Đâu ngờ hôm khuyết” (Mai Trinh)
Lại cũng có khúc Haiku chứa cả hình ảnh và ý xen nhau trong ba thành phần của mình:
“Gió xuân
Tóc trắng bay
Nhớ thời mười bẩy” (Lê Thị Bình) Hay:
“Ánh mắt
Nụ cười
Tim lỗi nhịp” (Phạm Ngọc Liễn)
“Cánh buồm nâu
Về đâu
Biển nhớ” (Lý Viễn Giao)
Có thể gần như khảng định, ba thành phần trong phiến khúc Haiku phải là những hình ảnh hay ý. Nếu muốn biểu đạt cho gọn, chỉ dùng một tên thôi, thì nên gọi thế nào sẽ là hợp lý? Ý có thể không phải là hình ảnh nhưng mỗi hình ảnh thực ra đã nói lên một ý. Vin vào lẽ ấy mà thống nhất cho rằng bài thơ Haiku gồm ba ý quả thật không sai. Ba ý này độc lập với nhau trong một chủ đề thống nhất , bởi thế được nhấn mạnh bằng danh xưng “Ngắt ý”.
Quan hệ giữa ba ngắt ý trong một khuc Haiku rất bình đắng. Chúng bổ sung cho nhau để làm nên ý tưởng chung cho toàn bài. Xin lấy khúc Haiku của tác giả Phùng Gia Viên làm minh chứng:
“Cành củi
Gió lay
Bướm đậu”.
Ở đây các ngắt ý không hề phụ thuộc nhau, chẳng ý nào là phụ, là chính. Nếu nhặt riêng từng ý sẽ chẳng thấy điều gì nhưng gộp chúng lại thì đó là mùa xuân, là sự hồi sinh trên khô cằn, là tình yêu…
Ta hay gặp trường hợp một phần phụ, phần nối dài của một ý được viết tách ra rồi coi đây là một ý thì khúc thơ đó chưa phải Haiku:
“Chiều vương
Sương buông
Trên vuông cỏ biếc” (Ví dụ của tác giả bài viết này)
“Trên vuông cỏ biếc” có phải chỉ là cái đuôi của ý hai không. Vậy ví dụ trên chưa phải là bài thơ Haiku.
Đôi khi lại gặp trường hợp một phần của ý được tách ra để tạo cảm giác về hình thức coi đó là là một ý :
“Rau càng xanh
Canh
Càng rầu” (Vì phun thuốc !) (Ví dụ của tác giả bài viết này)
Như vậy cũng không làm nên khúc Haiku được vì cả hai dòng dưới mới chỉ là một ngắt ý “Canh càng rầu” mà thôi.
Bài thơ viết đúng tiêu chí của cấu trúc chưa chắc đã hay. Bài thơ hay nhưng không đúng tiêu chí sẽ không là thơ Haiku. Thiết nghĩ, người làm thơ Haiku trước hết phải làm đúng, sau đó nâng lên thành hay bằng tài ba riêng của từng người vốn có hoặc tích lũy mà có được. Cái hay bay lên từ cái đúng là hay vĩnh cửu, một điều không phải chỉ của thơ, lại càng không phải của riêng thơ Haiku.
LVG