Đọc Haiku Việt trong tạp chí “Haiku Thế Giới”- Sayumi Kamakura

alt

Tọa đàm Haiku Việt lần thứ nhất tổ chức năm 2014 đã rất thành công với nhiệt tình nóng bỏng dâng trào. Nhiệt tình đó không suy giảm khi các bạn Việt Nam tiếp tục tổ chức cuộc Tọa đàm Haiku Việt lần hai vào năm 2016.

alt

Ở tọa đàm lần thứ nhất, tôi thật vui mừng được sang dự với các bạn. Vì vậy, tôi muốn viết ra cảm nghĩ của mình về Haiku Việt đăng trong mấy số gần đây của tạp chí “Haiku Thế Giới”.

Trước hết, tôi chú ý đến những câu haiku đẹp, phong phú và hướng tới thiên nhiên. Ví dụ:

Cánh đồng mưa

hải âu bay

tìm biển xưa

(Mai Liên, tạp chí số 11)

Mùa xuân

bay về đồng hoang

cùng sếu đầu đỏ

(Vũ Tam Huề, tạp chí số 12)

Mây rong chơi

dìu mặt trời

về núi vắng

(Lý Viễn Giao, tạp chí số 12)

Mưa trắng trời

Sài Gòn ngõ nhỏ

phố bỗng thành sông

(Nhã Trúc, tạp chí số 12)

Ở câu haiku đầu, chim hải âu là hình ảnh rõ rệt của biển nhưng bạn Mai Liên lại không nói về biển mà nói về chim hải âu nơi cánh đồng mưa, mở rộng trí tưởng tượng đến vùng biển xa xưa. Bạn Vũ Tam Huề thì thấy lũ sếu đang nhắm bay đến một cánh đồng và mùa xuân cũng bay đến cùng với những cái đầu đỏ chói lọi của chúng, câu Haiku rực sáng. Câu của bạn Lý Viễn Giao thì về đám mây nhàn tản rong chơi. Cùng trôi theo thời gian thư thái, đám mây ấy dẫn mặt trời vào núi, câu thơ nhấn mạnh đến sự vận động từ từ của đám mây. Bạn Nhã Trúc nhìn mưa ở đường phố Sài Gòn. Cơn mưa trắng trời, dài dằng dẵng đó đã vô tình biến ngõ nhỏ thành con sông. Rồi mưa kéo dài mãi, sông ấy lớn dần lên nuốt cả con phố, có lẽ vậy. Cơn mưa thật đẹp nhưng mưa kéo dài thì thật đáng ngại!

Những câu thơ sau hướng cái nhìn của mình đến thiên nhiên xa xa:

Mưa

giọt buồn, giọt vui

đường đời ngắn ngủi

(Đỗ Tuyết Loan, tạp chí số 12)

Ơ kìa, cầu vồng!

nỗi buồn vụt tắt

mỉm cười hư không

(Kim Thanh, tạp chí số 12)

Tóc sương

giường đơn

một gối

(Phạm Ngọc Liễn, tạp chí số 11)

Cái đọng lại trong tâm hồn bạn Tuyết Loan là hạt mưa, có lẽ nó đang đập vào cửa sổ. Như từng giọt mưa rơi xuống, giọt buồn, giọt vui, có lẽ đời người, kiếp nhân sinh cũng vậy, chỉ trong giây lát thật ngắn ngủi biết bao! Bạn Kim Thanh nhìn cầu vồng, tô lại lòng mình và bật ra một nụ “cười hư không”. Nổi lên trong câu của bạn Phạm Ngọc Liễn là mái “tóc sương” – ta thấy cuộc sống của một người cao tuổi. Câu thơ này biểu hiện nỗi buồn và niềm đắng nhưng đồng thời cả sự mạnh mẽ, nhìn thẳng vào hoàn cảnh thực tại.

Đọc thêm và suy nghẫm nhiều lần, bất ngờ thấy được những câu sau:

Bờ môi thiếu nữ

uốn lệch

vầng trăng

(Nguyễn Thị Kim, tạp chí số 11)

Ban mai

giấc mơ của hàng cây

trong ngần cất tiếng

(Đinh Trần Phương, tạp chí số 11)

Hạt sương tinh khiết

lăn thành

ban mai

(Thọ Chu, tạp chí số 12)

Đêm đông

giọt cà phê cuối cùng rơi

câu thơ mọc cánh

(Nguyễn Tiến Lộc, tạp chí số 12)

Câu của tác giả Nguyễn Thị Kim, có lẽ là đôi môi người thiếu nữ nói những điều mạnh mẽ làm lệch mất cả vầng trăng. Hoặc giả tôi đọc thấy môi người thiếu nữ làm cho ta liên tưởng tới vầng trăng non, có lẽ là trăng lá lúa. Và một phát hiện mới thật đẹp về bờ môi của người con gái dưới trăng! Câu haiku của Đinh Trần Phương làm bật lên tiếng rì rào của hàng cây trong nắng ban mai. Cùng với nắng sớm, hàng cây cũng bật tiếng về giấc mơ đêm qua của nó. Hay ở chỗ đó. Câu của tác giả Đỗ Chu cũng nói về bình minh, về sớm mai nhưng bình minh ở đây là do hạt sương tinh khiết lăn mà thành đấy! Cái cách chộp sự “tinh khiết”của giọt sương trong nắng mai làm ta mãi thấy cái đẹp và sự tươi mát của buổi sáng. Câu của tác giả Nguyễn Tiến Lộc có chủ đề về cà phê. “Câu thơ mọc cánh” – sự tưởng tượng về thơ Haiku như mang đôi cánh, cho ta ấn tượng sâu sắc về sự vỗ cánh bay lên. Khi đọc đi đọc lại nhiều lần, đặt mình trong phong cảnh rộng, xa và phong phú sẽ nảy sinh những câu haiku tuyệt vời. Tôi hy vọng rồi đây sẽ còn đọc được nhiều câu haiku hay từ Việt Nam. Rất thú vị!

Lê Thị Bình dịch từ nguyên bản tiếng Nhật

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt