Điệu Haiku Đất Việt- Trần Nguyên Thạch

alt

alt

Những năm gần đây nhiều vấn đề cơ bản về thơ Haiku và sáng tác thơ Haiku ở Việt Nam đã được khá nhiều người bàn đến. Tiêu biểu như GS Lưu Đức Trung, GS Nhật Chiêu, TS Lê Từ Hiển… và những người khác nữa. Quả thực để nắm được hồn cốt của Haiku Nhật là điều cực khó đối với đa số người Việt Nam, chứ chưa nói đến sáng tạo. Dẫu thế, trong bài viết nhỏ này, chúng tôi xin được bàn thêm về sáng tác thơ Haiku ở Việt Nam.

1. Trước hết, chúng tôi muốn gọi những bài thơ Haiku của người Việt viết bằng tiếng Việt (chữ quốc ngữ) là điệu Haiku đất Việt. Chữ “điệu” và chữ “đất Việt” ở đây mang hàm nghĩa là điệu tâm hồn người Việt và hồn đất Việt (mảnh đất, thiên nhiên, không gian, tổ quốc, quê hương v.v). Nó phải có chỗ, có cái phân biệt với thể điệu Haiku của Nhật Bản và thế giới. Đương nhiên, đã là Haiku thì phải đúng “chất” Haiku.

Bởi vậy theo chúng tôi điệu Haiku đất Việt (hay thơ Haiku Việt) cần có và nên đặt tiêu đề cho mỗi bài. Điều này đối với một số người Việt và nhiều nhà thơ thế giới không phải là mới. Họ đã từng làm thơ Haiku theo thể điệu Nhật Bản nhưng có đặt tiêu đề. (1) Đối với việc đặt tiêu đề nhiều người cho là không cần thiết, thậm chí là quá rườm rà. Chúng tôi không nghĩ thế. Một mặt, thơ Haiku Nhật đến Việt Nam khá muộn. Đa số người Việt đọc, hiểu thơ Haiku Nhật còn bỡ ngỡ, khó khăn. Cái khó không đơn thuần là ngôn ngữ. Cái khó là ở chỗ phải hiểu đúng, hiểu sâu thế giới hình tượng thơ Haiku trong 17 âm tiết. Để bình được cái hay, cái đẹp của thơ Haiku Nhật còn diệu vợi lắm. Mặt khác, đặt tiêu đề cho một bài Haiku tiếng Việt không phải là làm cho bài thơ ấy rườm rà thêm. Trái lại, tiêu đề thơ sẽ giúp cho người đọc Việt tập trung vào đề tài, cảm hứng thơ của tác giả, tránh được những suy diễn phi lý. Nếu tiêu đề đặt đúng, hay, tự nó có khả năng gợi mở chiều sâu ý tứ và cái đẹp của bài thơ Haiku. Chẳng hạn bài “Cô liêu” (dẫn theo Nhật Chiêu trong “ Tư liệu tham khảo thơ Haiku”):

Cô liêu

Đêm thăm thẳm

Chỉ còn hình nhân tuyết

Đứng nhìn sao xa xăm.

David Lloyd.

Người viết bài này, khi gửi thơ in Nội San của CLB TP HCM, bài nào cũng đặt tiêu đề (tất nhiên là có ý riêng người viết). Thế nhưng, chỉ Nội San số 1 (Hương cau) là giữ nguyên tiêu đề, còn từ đó về sau các bài thơ chỉ đánh số. Thật buồn. Xin dẫn một bài:

Ký ức mùa thu

Hoa cúc vàng năm cũ

Nắng rơi đầy ngõ xưa

Mùa thu còn giấu một làn hương.

Trần Nguyên Thạch

*

Về số chữ trong bài thơ Haiku Việt..

Người Nhật khi sáng tác Haiku nhất thiết phải theo nguyên tắc 17 âm tiết xếp thành 3 dòng 5 – 7 – 5 là lẽ đương nhiên. Người Việt khi sáng tác/ dịch thơ Haiku bằng/ sang tiếng Việt có nhất thiết phải theo như thế không? Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm. Ta cứ coi mỗi âm tiết là một chữ (không phải từ) thì bài thơ Haiku Việt theo chúng tôi nhiều nhất không thể quá 17 âm tiết (chữ). Vẫn giữ đúng 3 dòng nhưng không bắt buộc phải theo thông lệ 5 – 7 – 5. Khi người đọc và sáng tác thơ Haiku Việt đã thành thục hơn, số chữ trong bài thơ có thể ít hơn 17 nhưng không nên ít hơn 10. Chúng tôi nói như vậy bởi điều này có liên quan đến vần điệu và tính nhạc trong thơ. Thơ Haiku Việt có thể không vần song, rất cần có tính nhạc cao. Tính nhạc trong thơ Việt, đặc biệt là thơ truyền thống, biểu hiện ở hai bình diện chính. Đó là vần, là hài thanh và tính nhạc trong tâm hồn. Nó có thể làm nên vẻ đẹp riêng của hồn thơ, điệu thơ.

Chúng tôi thích một bài thơ Bashô, Nhật Chiêu dịch: “Mưa tháng năm rơi/ Hoa quỳ còn vọng/ Đường đi mặt trời”. Có gì đó như thanh âm của hồn nhạc, của vẻ đẹp Tiêu phong vang lên rất sâu, rất xa, rất cao của một Bashô khao khát ánh mặt trời, khao khát cái Đẹp của khoảnh khắc dã quỳ nở trong mưa. Chất nhạc của hồn thơ Bashô rung lên thẳm sâu trong tâm hồn người đọc làm lên sự hòa điệu huy hoàng.

Nhìn chung thơ Haiku Việt còn ít tính nhạc quá bởi xét đến cùng như ai đó đã nói, thơ là đi giữa hình và nhạc vậy. Hình ở đây vừa là hình ảnh vừa là hình tượng, là cái tứ toàn bài. Thi thoảng trong thơ Haiku Việt, có lúc ta gặp ở thơ Đông Tùng những bài thơ có chất nhạc. Xin đơn cử: “Rời cành hoa mơ/ Một hạt sương nhỏ/ Ngân vang mặt hồ”. Đọc Haiku Nhật ta từng nghe đâu đó âm vang cánh hoa rơi trên mặt hồ như tương đồng tiếng vang giọt sương trong thơ Đông Tùng.

*

2. Đọc, cảm thụ thơ Haiku khó. Sáng tác thơ Haiku còn khó hơn. Cái đích mà chúng ta vươn tới là làm nên những tứ thơ hay và đẹp một cách giản dị như hồn cốt của Haiku. Về điều này các bậc thức giả đã nói nhiều, ở đây chúng tôi xin được bàn thêm đôi điều. Muốn làm thơ Haiku hay tầm kiến văn phải rộng, tri thức Thiền học phải uyên thâm. Đó là lẽ đương nhiên. Nhưng đến được điều đó không phải dễ. Bởi người xưa từng quan niệm: “Thơ là chiếc áo gấm thêu hoa của Thiền khách. Thiền như là con dao gọt ngọc của nhà thơ”.(2)

Theo chúng tôi, người làm thơ Haiku Việt rất cần đọc nhiều và hiểu sâu những công án trong bể học mênh mông của Thiền. Công án trong Thiền học giúp ta nắm được bản chất và tinh thần của Thiền. Hơn thế, công án trong Thiền giúp chúng ta rất nhiều trong việc cấu tứ, xây dựng bài thơ Haiku giầu chất Thiền. Điều này đòi hỏi người sáng tác phải kiên trì và rất công phu. Bên cạnh đó nói như GS Nhật Chiêu, chúng ta cần hiểu sâu hơn “nguyên lý làn hương” trong sáng tác của Bashô. “Và tất nhiên Bashô chủ trương phương thức “kết hương”. Điều đó làm nên phong cách Bashô. (Shôfu: Tiêu phong). Chúng ta nhận ra Tiêu phong do mỗi bài thơ của Bashô đều dường như ẩn chứa một làn hương”. (3)

Để mở rộng biên độ sáng tạo cho thơ Haiku Việt chúng ta cũng rất nên trở về với thơ Haiku của Issa. Bởi theo Nhật Chiêu, “có một trái tim trần xao xuyến đập sau mỗi dòng thơ ấy”. Rằng “… thơ Haiku của Issa vẫn tường được xem là “phi Haiku” ”. Và “thơ Issa đậm đặc cái tôi trữ tình, vốn là điều ít thấy trong thơ Haiku”. (4)

3. Đến với một trường phái và đi khỏi trường phái đó.

Ý trên, nếu chúng tôi không nhầm thì đó là quan niệm về sự ảnh hưởng trong văn chương nghệ thuật của một nhà văn nước ngoài. Chúng tôi cho rằng, Chúng ta đến với thơ Haiku Nhật không đơn giản chỉ là mô phỏng, bắt chước họ hay làm theo một khuôn mẫu, dù cho đó là khuôn vàng thước ngọc đi chăng nữa. Ta học vẻ đẹp độc đáo của Haiku, học cái tinh túy của Haiku Nhật để từ đó mà làm nên điệu Haiku đất Việt, như ý ban đầu chúng tôi đã nêu trên. Đây là một vấn đề lớn của sáng tác thơ Hauku Việt. Xin được trở lại ở một lần khác.

Điều quan trọng đầu tiên và cuối cùng là ở năng lực và ý chí sáng tạo mạnh mẽ, kiên trì của mỗi chúng ta. Hình như Bôđờle, nhà thơ vĩ đại của Pháp từng nói, đại ý: Không phải nhào vào cõi bất tận để tìm cái mới mà vào cái hữu hạn để tìm ra điều vĩnh hằng.

TNT

Chú thích

(1) Xem thêm “Tư liệu tham khảo thơ Haiku” – CLB thơ Haiku TP HCM

Thơ Haiku Việt – Đặc san kỷ niệm 5 năm thành lập CLB – mục thơ dịch

“Bài ca đom đóm” – Điệu Haiku đất Việt – NXB Hải Phòng 2003 – 2004 của Trần Nguyên Thạch

(2) Dẫn theo “Thơ Thiền Đường Tống” của Đỗ Tùng Bách. NXB Đồng Nai – 2000 tr. 16 – 17

(3) Dẫn theo Nhật Chiêu trong “Matsuô Bashô và nguyên lý làn hương” – Nội san Thơ Haiku Việt – số 8 – 2013. tr. 37.

(4) Xem thêm Nhật Chiêu, bài viết, “Kobayashi Issa hay bi ca của trái tim trần” trích “Haiku – Hoa thời gian” của Lê Từ Hiển – Lưu Đức Trung. NXB Giáo dục – 2007. tr. 73

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt