Cảm nhận Haikư về chiếc khẩu trang

alt
alt
Có lẽ cho đến trước khi xẩy ra đại dịch Covid-19, chưa bao giờ mọi người coi chiếc khẩu trang lại là một nhu cầu thiết yếu sống còn. Chúng ta vẫn nghĩ đó là vật dụng thiết yếu chỉ cho các thầy thuốc, cho những người làm việc trong môi trường độc hại… Các cô gái thậm chí còn thù ghét chiếc khẩu trang vì nó che mất một phần khuôn mặt kiều diễm của mình: chiếc mũi dọc dừa, đôi má hồng và đôi môi căng mọng quyến rũ chết người.

alt

Thế nhưng con virus Corona chủng mới đã bắt chúng ta phải thay đổi tư duy. Chẳng thế mà trong những ngày đầu giãn cách xã hội, có nơi có lúc người ta đã đạp lên đầu nhau chỉ để cố mua được một hộp khẩu trang y tế với giá cắt cổ. Và chàng trai nào sáng hôm đó sau khi tả xung hữu đột may mắn sở đắc được một hộp khẩu trang, để dành tặng người yêu dấu vào dịp Lễ tình nhân năm nay, thì rõ ràng chàng ta đã ghi được một điểm son trong trái tim nàng. Chiếc khẩu trang bỗng trở thành “biểu tượng của tình yêu” trong mùa đại dịch, còn hơn cả chocolate Thụy sĩ và hoa hồng Hastfarm Đà Lạt. Rồi không riêng gì ở Việt Nam ta, cả thế giới lâm vào một cuộc “khủng hoảng khẩu trang”, một vật dụng bé nhỏ, nhẹ tênh chỉ đáng giá 1.000 VNĐ, đơn vị tiền tệ nhỏ nhất của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, tờ giấy bạc mà những người hành khất nhiều khi “chê” không nhận và trả lại người cho một cái nhìn không mấy thiện cảm.

Cho đến sáng ngày 30 tháng 4 năm 2020, khẩu trang vẫn chưa hết độ “hot” khi tôi gõ từ “khẩu trang” trên Google, chỉ trong 0,45 giây đã xuất hiện hơn 30 triệu (chính xác là 30.300.000) kết quả, gấp 20 lần kết quả của ca sĩ nổi tiếng K.L. (1.540.000). Chiếc vật dụng chỉ đáng giá khoảng nửa xu Mỹ bỗng trở thành công cụ độc nhất vô nhị cho nền “ngoại giao nhân đạo” giữa các quốc gia bè bạn, các cường quốc và ngay cả các quốc gia thù địch trên thế giới, được gọi là “ngoại giao khẩu trang” với các cuộc khẩu chiến bất tận giữa các nguyên thủ quốc gia về “động cơ chính trị”, về “hàng dỏm, hàng thật”, về “minh bạch và mờ ám” … Mang hay không mang khẩu trang được đặt trong nghị trình của các Chính phủ, các Nghị viện và cũng là các ngón đòn chính trị để hạ bệ lẫn nhau trong mùa bầu cử sắp đến. Các nhà xã hội học trong mùa giãn cách xã hội thì bận rộn tranh cãi, tổn hao giấy mực và café để tìm hiểu và định nghĩa cái gọi là “văn hóa khẩu trang”! Nếu không là vật vô tri thì chắc tất cả các chủng loại khẩu trang từ “khẩu trang vải”, “khẩu trang y tế”, “khẩu trang N95”, “khẩu trang giấy” và cả vô số các loại “khẩu trang dỏm” đã tôn vinh con virus nCovi2 thành “vật tổ” (Totem).

Kể từ khi Ông Tổng Giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO) bẽ bàng công bố muộn màng SARS-Covi2 đã gây nên đại dịch trên toàn thế giới, chính sách sử dụng khẩu trang mùa dịch cũng thay đổi chóng mặt bởi các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia y tế khả kính thậm chí bởi các nguyên thủ quốc gia. Tổng thống, Thủ tướng đeo khẩu trang nhưng Phó Tổng thống và Phó Thủ tướng thì không, làm con dân chẳng biết đường nào mà lần.

Cathie Gebhart, một haijin Hoa Kỳ đã phải ngửa mặt lên trời mà than rằng:

First they say no masks
now they say should wear a mask
no one knows the rules

Cathie Gebhart

Lúc đầu họ bảo không mang

giờ lại bắt phải đeo khẩu trang

chẳng hiểu thế nào là luật lệ

Lê văn Truyền dịch

Hỡi nhà thơ, hãy đừng than vãn vì không giống như văn thơ, “luật là luật” và xin đừng hỏi lý do. Nếu là một công dân gương mẫu, hãy suy nghĩ và hành động một cách đúng đắn như haijin Stacy Turasky (USA):

I really feel weird
wearing a mask everywhere
I do it for you

Stacy Turasky

Tôi thấy thật kỳ dị

mang khẩu trang đi khắp mọi nơi

nhưng tôi làm vì bạn

Lê văn Truyền dịch

May thay ở Việt Nam ta, đất nước cho đến hôm nay chưa có case tử vong nào vì Covid-19, Nhà Nước đã sớm yêu cầu người dân mang khẩu trang. Và haijin Nguyễn Thánh Ngã đã vô cùng xúc động khi được nhận chiếc khẩu trang miễn phí từ đôi tay một “chiến sĩ vô danh” trong cuộc chiến chống dịch.

Tôi nhận chiếc khẩu trang

miễn phí

tay người vô danh

Nguyễn Thánh Ngã

Đúng là chiếc khẩu trang có thể hạn chế sự biểu cảm của khuôn mặt chúng ta trong giao tiếp xã hội, trong nhận diện người quen … vì vậy Oliva McDonald từ Hoa Kỳ đã phải nhói lòng thốt lên hơi trách móc:

I just smiled at you

you cannot see under mask

I just smiled at you

Oliva McDonald

Em mỉm cười với anh

anh không thấy dưới lớp khẩu trang

em vừa cười với anh

Lê văn Truyền dịch

Nhưng Nguyễn Thánh Ngã từ “thành phố mù sương” Đà Lạt, với tâm hồn phương Đông, thì lại nhậy cảm đến mức cái khẩu trang không phải là vật cản vì haijin đã có cái nhìn “thấu cảm”, không chỉ nhìn bắng đôi mắt mà “nhìn” bằng cả con tim:

Tôi nhìn rõ

chiếc khẩu trang mỉm cười

từ xa

Nguyễn Thánh Ngã

Riêng kẻ viết bài này không thấy “tội lỗi” của chiếc khẩu trang. Tôi nghĩ một khi chiếc khẩu trang che khuất nửa khuôn mặt, mọi biểu cảm của chúng ta sẽ dồn vào đôi mắt – cửa sổ tâm hồn – vì đôi mắt là những gì sinh động nhất trên khuôn mặt của mọi người. Một lần, trong thang máy mọi người im lặng nhìn nhau, tôi bỗng nhận ra khi đeo khẩu trang đôi mắt mọi người bỗng đẹp hẳn lên:

Khẩu trang che mặt

chỉ chừa đôi mắt

mọi người đều đẹp

Lê văn Truyền

Và nếu có ai nhỡ không may có nét gì không hài hòa trên khuôn mặt, thì ơn trời, khẩu trang đã che dấu khiếm khuyết cho ta mà không cần đến “mascara”. Vì vậy:

Sung sướng xiết bao

được mang chiếc khẩu trang

khuôn mặt tôi không đẹp

Lê văn Truyền

Là một cán bộ y tế, tôi thì tôi tin rằng, sau đại dịch này chiếc khẩu trang bé nhỏ khiêm tốn sẽ lên ngôi, chiếm một vị trí quan trong trong trang phục của nhân loại trong những năm còn lại của thế kỷ XXI, và biết đâu suốt trong cả lịch sử tồn tại của loại người từ nay về sau. Khẩu trang có thể sẽ trở thành các “phụ kiện” sang trọng, chứng tỏ đẳng cấp của giới thượng lưu, của các đại gia, của giới tinh hoa… trong mọi xã hội, không kém cạnh những kính mắt, bút máy Gucci, túi xách Louis Vuitton, trang phục và nữ trang Channel … Và ở một quốc gia đầy sáng tạo như Việt Nam, mới đây đã thấy xuất hiện một nhà thiết kế sản xuất những chiếc “khẩu trang thêu tay” có giá 500.000 VNĐ (khoảng 25US$), gấp 500 lần giá một chiếc khẩu trang y tế và gấp hai lần số tiền 250.000 VNĐ trợ cấp hàng tháng cho một cụ bà bán vé số thất nghiệp trong mùa dịch.

Nếu nhà thiết kế nói trên kịp đăng ký thương hiệu toàn cầu, trong một ngày không xa sẽ có thương hiệu thời trang “Face Mask Made in Viet Nam” nổi tiếng, chiếm lĩnh thị trường thời trang thế giới trong thời đại “toàn cầu hóa kinh tế” và “toàn cầu hóa dịch bệnh”. Chắc chắn các ông bà chủ những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới sẽ tiếc đứt ruột, chỉ biết tự trách mình đã để vuột mất một cơ hội kinh doanh béo bở.

Hà Nội ngày 1/5/2020

Lê Văn Truyền

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt