Sau hơn một năm kể từ “Hội ngộ Haikư Cố Đô Huế” (4-2019), một ngày cuối tuần đầu Thu Hà Nội, ta được đọc một chùm phiến khúc của “Những người yêu haikư xứ Huế”, những bạn thơ mà các haijin ba miền chúng ta đã có dịp thân tình gặp gỡ năm ngoái.
Đã được viếng thăm các thành phố lớn của Nhật Bản: Tokyo, Osaka … và đặc biệt Cố đô Kyoto, quê hương của thể thơ haiku Nhật đặc sắc, tôi luôn nghĩ ở Việt Nam, chắc ít có nhiều nơi như Cố đô Huế là mảnh đất màu mỡ để haikư có thể dễ dàng đơm hoa, kết trái trên đất nước Việt Nam cách xa quê hương của thể thơ haikư hàng ngàn dặm. Cũng non nước hữu tình, không gian trầm mặc, con người trầm lắng, nhẹ nhàng … mang đậm những cảm thức đặc trưng của thể thơ haiku Nhật Bản: giản đạm (wabi), bi cảm (awari), tịch tĩnh (sabi), tinh tế (hosomi), phong nhã (fugi), u huyền (yugen) …
Bởi vậy, trong buổi sáng đầu Thu của Hà Nội, tôi vui mừng đọc được tâm tình một nữ haijin xứ Huế và bỗng nhận ra nét đẹp bình dị của quê hương:
Bình minh
trên cánh đồng Tả trạch
lúa lên màu hoan ca
Hồng Ngọc
Nhưng tác giả cùng không quên tri ân mẹ và bao nhiêu thế hệ đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để có cánh đồng lúa hoan ca hôm nay:
Cánh đồng xanh mướt
khởi sắc quê hương
mùi mồ hôi mẹ
Hồng Ngọc
Thu Hà Nội đang về với hương cốm làng Vòng, nhưng Võ Phương Anh Lợi thật tinh tế khi trong cuộc bộn bề mưu sinh thường nhật bỗng thấy chiếc lá rơi báo hiệu mùa Thu đang tới:
Lá rơi
giật mình
mùa Thu
Võ Phương Anh Lợi
Mặc dù, Cố đô Huế được Tổng Giám đốc UNESCO ca ngợi là “bài thơ đô thị tuyệt tác” (Un Chef – d’oevre de poésie urbaine) nhưng cũng như những địa phương khác trên dải đất miền Trung, Huế phải hứng chịu khí hậu khắc nghiệt. Dù vậy, con người nơi đây vẫn giữ được tinh thần lạc quan về niềm yêu cuộc sống:
Lửa hạ sém da
hồ sen thơm ngát
đôi chuồn ớt say
Lài Linh Chi
Đúng rồi, đôi chuồn ớt còn say tình trong nắng hạ, cớ sao chúng ta lại hững hờ? Và haijin Quách Trọng Tâm đã trả lời câu hỏi ấy cho tôi:
Cà phê
giọt đắng
tình người bên nhau
Quách Trọng Tâm
Non nước hữu tình nên con người đa cảm là điều hiển nhiên. Nhưng tình yêu là liều thuốc an thần giúp ta vượt qua bao nghịch cảnh:
Đi suốt đường trần
nghe trong tình sử
một đời gió sương
Hồ Xuân Đài
Tôi đồ rằng tình sử của haijin Hồ Xuân Đài chắc là một “trường thiên tiểu thuyết” để giúp tác giả vượt qua được muôn nẻo đường trần.
Bảy mươi năm trước, tôi đã từng học từ lớp Năm đến lớp Nhất Trường tiểu học Trần Cao Vân trong Thành Nội Huế. Và mỗi lần trở về đi ngang qua ngôi trường xưa, bao kỷ niệm tuổi học trò tràn về, cũng như chỉ nửa viên gạch vỡ trên sân trường cũ đã gợi lên cho haijin Trần Tảng phiến khúc:
Trường xưa
viên gạch nửa
nhớ một thời
Trần Tảng
Và không chỉ ngội trường xưa, còn bao dáng hình làm ta không nguôi được nỗi vấn vương dù chỉ gặp một lần:
Áo dài qua Huế
lữ khách mơ màng
thương em chiều Vỹ Dạ
Hương Giang
Và không chỉ dáng hình, mà cả giọng nói “hút hồn” của những em gái Huế nữa:
Ngơ ngẩn lạ chưa
thưa không
giọng Huế
Hoàng Lộc
Đọc chùm thơ “trái bói” của “Những người yêu haikư xứ Huế” tôi nghĩ không có lý do gì mà haiku Việt lại không tỏa sáng bên dòng Hương thơ mộng, dòng sông đã được Thánh thơ Cao Bá Quát nhắc đến trong tuyệt phẩm “Hiểu quá Hương Giang” (Buổi sáng qua sông Hương) bằng một câu thơ bất hủ “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” (Sông dài như kiếm dựng trời xanh).
Vâng, tôi thì tôi tin rằng Hương Giang và xứ Huế sẽ là nguồn thi hứng bất tận cho các haijin Việt chúng ta.
LVT