Chạm cốc với thời đại

alt

alt

(Lời tựa cuốn Haiku Nhật thế kỷ 20, Nxb. Gallimard, 2008)

Corinne Atlan & Zéno Bianu

Đinh Trần Phương dịch

Đinh Nhật Hạnh dịch thơ

Haiku là một thể thơ và còn hơn thế nữa, là một cách sống, một cách tiếp cận nhạy cảm với thế giới. Haiku là sự khai mở đến với cuộc sống thơ, đến với một nhận thức mới mẻ về vạn vật. Đó cũng chính là điều tạo nên sức mạnh của haiku cho đến tận ngày hôm nay. Những bài haiku hay nhất dường như cho chúng ta chìa khóa – vừa là chiếc chìa son, vừa là chiếc chìa tới tự do – mở ra cuộc sống rộng lớn này, “cuộc sống thực sự” vô cùng quý giá đối với Rimbaud. Những bài haiku ấy như lấy ra từ một lỗ hổng của thực tại phần chân thật nhất. Chúng như là sự đồng vận đặc biệt giữa hình thức chặt chẽ và xúc cảm sâu sắc.

Mây trời đuổi nhau –

âm thanh củi khô

hay từ lò hỏa táng cha tôi?

Ogushi Akira

Tại sao haiku lại được yêu thích đến vậy? Câu hỏi chúng tôi đặt ra trong phần giới thiệu của cuốn sách trước. Và chúng tôi đi đến sự đồng thuận rằng haiku, vừa kinh ngạc vừa bí ẩn, làm “bừng nở bông hoa giác quan” trong ta, làm sống dậy tất cả tình cảm, cho ta cảm nhận sự thẳm sâu của kiếp người.

Khó chết

khó sống

ánh sáng cuối hè

Mitsuhashi Takajo

Haiku xác chứng về một hiện hữu, một thế giới ở đó không có bất cứ gì là tầm thường, một vũ trụ không ngừng vận động và biểu lộ, một gặp gỡ nhân duyên. Haiku luôn luôn hé lộ điều gì đó sâu kín trong bản thể chúng ta. Ta biết điều đó, cho dù nó làm ta bất ngờ. Nó như được vén lên qua một tấm màn vô hạn. Liệu chúng ta có thể nhập vào cuộc sống một cách thực sự? nhập đến tận cùng? Cho những ai đam mê hết mình, tất cả những gì có thể nói phải được nói ra. Không có gì bị vứt bỏ, không có gì bị loại trừ, không có gì là xa lạ. Tất cả đều thành lời, và mọi lời đều chứa đựng thơ ca. Kato Shuson, một trong những bậc thầy haiku đương đại đã từng nói: “Dù thế nào đi nữa, hãy cứ viết những vần thơ! Bằng cách này hay cách khác, hãy nói lên điều ta muốn nói. Đó chẳng phải là con đường không thể nào khác để sáng tác haiku?”. Haiku, thể loại thơ cô đọng, có khả năng xóa nhòa đến khó tin ranh giới giữa “lời bình thường” và “lời thơ”. Tất cả đều được kết nối, tất cả đều được chia sẻ. Tất cả những hỗn độn nhỏ hay lớn của thế giới hết thảy đều thấm vào ngòi bút. Và như thế, mỗi bài haiku thành công giống như bản dịch thành lời của một khoảnh khoắc thiền mà tác giả chứng nghiệm, một vết nứt trên tấm thủy tinh của thực tại. Đột nhiên, bài haiku mang hơi thở. Nó thở vì nó cho phép trộn lẫn tâm hồn với không gian. Hay chính xác hơn, bề mặt của bài thơ chuyển hóa thành không gian nội tại. Bài haiku chiếm toàn bộ cái nhìn, nở bừng cho đến khi choáng đầy trong tâm cảnh. Ta cảm nhận được hiện hữu ở đó những biên giới chao động say mê. Tất cả cùng đập, cùng phập phồng. Tâm hồn và không gian hòa quyện vào nhau.

Mưa bắt đầu rơi

nhịp đập

tim đêm

Sumitaku Kenshin

Chỉ nghệ thuật mới có thể khai thị cho chúng ta về thực tại. Basho đã từng nói: “Làm một bài haiku giống như đốn hạ một cây to, như tước vũ khí từ tay địch thủ, như bổ đôi một quả dưa, như nuốt ngấu một quả lê”. Takarai Kikaku (1661–1707), trong lời tựa cho tập thơ Áo Tơi Cho Khỉ của thầy mình là Basho, đã nhấn mạnh điểm sau: “Nguyên tắc đầu tiên của sự nhiệm màu là nếu bạn không đặt cả tâm hồn vào những vần thơ, thì nó sẽ chỉ như một giấc mộng trong mơ…”. Và Bernard Noel, người viết “Cuối cùng chỉ còn lại màn đêm” khoảng ba thế kỷ sau đó, dường như đã đáp lại sát nhất khi nói rằng: “Ở những vần thơ thực sự, ta không tìm thấy gì khác ngoài đáy sâu tâm hồn. (…) Thơ ca chính là đáy của tâm hồn được hé lộ”.

Đối với một haijin, người làm haiku, mọi thứ đều được nắm bắt và kết nối. Người săn tìm cảm giác này không phán xét thực tại bằng chủ quan mà đơn giản chỉ nắm lấy thực tại như nó là. Nắm lấy thực tại trong hoàn cảnh thích hợp, trong sự chú tâm rung cảm với điều đang diễn ra. Sự vĩnh cửu được tìm thấy như là toàn bộ thời gian thu lại vào một thời khắc vô hạn, ở đó hành động và sự kiện hòa hợp trong một tiếng vọng miên man. Ở một số bài haiku, sức căng của ngôn từ được đẩy tới đỉnh điểm, biểu đạt một cách thức không thể bắt chước để nói lên sự thật, nói lên điều cốt lõi.

Ngay trước cơn địa chấn

tất cả

đã nằm mơ

Sugiura Keisuke

Đi vào nỗi cô đơn trong cuốn Phương Trượng Ký nổi tiếng của thiền sư Kamo no Chomei (1155–1216), tác giả viết: “Lũ cá chẳng bao giờ buồn chán khi ở trong nước”. Chú tâm nhìn thấu vào thực tại như nó là – không phải cái phạm trù thực tại mà trí óc xếp đặt, miêu tả hay quan niệm – nhà thơ haiku thực sự chỉ ra cá ở trong nước, bắt lấy thời khắc cá tuyệt đối là cá. Thực tại không bao giờ bị chối bỏ, bị ngăn cách, bị lý tưởng hóa, hay chỉ là lời nói suông. Trái lại, chúng ta có thể không ngừng nghe được nó. Mọi nhà thơ haiku chân chính đều là một học trò của thế gian.

Vây quanh

cửa nhà bếp

là vũ trụ bao la

Kiyosaki Toshio

“Mùa Thu vĩnh cửu của tôi, ôi mùa tâm hồn tôi”, Apollinaire thốt lên sáng ngời trong bài thơ “Signe” (Dấu hiệu) đồng điệu với tâm hồn saijiki. Saijiki là tổng hợp các kigo – quý ngữ, từ chỉ mùa, từ đó các haijin xây dựng bài thơ của họ. Tâm hồn hòa điệu cùng các mùa này chính là nền tảng mỹ học Nhật Bản trong bao thế kỷ, và kể từ sau thảm họa Hiroshima, mang thêm một chiều kích khác mà trước đó chưa từng thấy trong văn học. Nhiều nghệ sỹ coi thời điểm Hiroshima như “năm đầu tiên” của nghệ thuật đương đại. Giống như Hijikita Tatsumi, người sáng lập ra buto, đã làm mới hoàn toàn nghệ thuật múa Nhật Bản bằng việc gạt bỏ kabuki truyền thống sang một bên để phát triển “sân khấu kịch tàn khốc” của Antonin Artaud, một số haijin cũng từ bỏ khuôn luật bắt buộc phải có quý ngữ, nhằm biểu đạt tốt hơn nữa hiện hữu tức thời của thực tại không đồng nhất bên trong bài haiku. Giai đoạn sau Hiroshima được nhìn nhận như một chiều mở rộng của mùa, một mùa đông trong tim. Những nhà thơ như Kaneko Tota đã có thể nói về một “mùa của không-mùa”, một mùa thứ năm.

Hiroshima

ăn quả trứng luộc

tôi mới mở mồm

Saito Sanki

Cái vô hạn không ở đâu khác mà ngay dưới chân ta. Đó có vẻ là điều mà haiku đương đại muốn thể hiện. Ý tưởng gần hơn bao giờ hết với mệnh lệnh nổi tiếng của thiên tài Rimbaud: “định hình những choáng ngợp” (fixer des vertiges). Khác với văn hóa chuộng số lượng, hình thức, haiku vẫn tiếp tục rung động, tiếp tục khám phá những vỉa ngầm mới, tiếp tục tạo ra một không gian riêng, hòa trộn giữa khuôn luật và tính tự phát, giữa sáng tạo cái mới và cảm hoài cái cổ xưa. Thật đặc biệt, haiku, trải qua bao thế kỷ, là một loại hình văn chương có khả năng thức dậy trong ta sự cảm nhận cuộc sống như một điều kỳ diệu. Làm sống lại sức mạnh trực cảm của chúng ta. Cho phép thế giới này vẫn sẽ và mãi mãi có những chiều kích không dự đoán được để chúng ta khám phá.

Cạnh nhà ga

ta chạm cốc

thời đại chói chang này

Hoshinaga Fumio

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt