Bông lúa
ngẩng mặt lúc còn xanh
cúi đầu khi đã chín
Lưu Đức Hải
Nói đến tuổi trẻ là nói đến nhiệt huyết, lòng tự tin. Tự tin là một tố chất quan trọng của người trẻ, khi thể chất đang cường tráng, trí tuệ đang phát triển, các nơron thần kinh đang hoạt động hết công suất … Người trẻ tuổi cũng giống như một bông lúa lúc còn xanh, luôn luôn “ngẩng mặt” lên trời cao để đón năng lượng từ ánh nắng, hấp thu dưỡng chất từ khí trời, thậm chí nguồn oxid nitơ từ sấm sét của cơn giông, để làm đòng và ngậm sữa … Nhưng ít ai biết được có một ranh giới rất mong manh giữa lòng tự tin và thói kiêu căng.
Theo thời gian, tuổi tác và trải nghiệm đường đời, những người trưởng thành sẽ thấy ngoài sự tự tin, ta còn cần đức khiêm tốn: Biết kính trên nhường dưới, không tự mãn về những gì mình có, không kiêu ngạo về những gì mình làm, luôn cẩn thận giữ gìn những giá trị mình nhận được. Bởi vì họ biết rằng những gì mình đã làm được chỉ là một phần nhỏ bé trong cuộc đời và luôn ý thức được rằng cuộc sống hết sức bao la, rộng lớn cũng như “biển học vô bờ”. Một người trưởng thành và từng trải cũng giống như bông lúa lúc chín vàng “đã biết cúi đầu” vì sức nặng của những hạt lúa sau khi đã tích lũy được tinh túy của Đất Trời để trở thành hạt ngọc thực quý giá nuôi sống con người. Dân gian đã tổng kết rất đúng đặc điểm của người trẻ và những người từng trải: “Khôn không đến trẻ, khỏe không đến già”. Các bậc trưởng lão không có sức mạnh của tuổi trẻ, nhưng đổi lại họ có sức mạnh của tri thức và kinh nghiệm sống. Phiến khúc haikư của haijin Lưu Đức Hải đã lấy hình tượng của một bông lúa trong chu kỳ sinh trưởng của nó để biểu đạt hình ảnh của con người từ thời thanh niên xốc nổi cho đến khi trở thành một bậc trưởng lão khiêm nhường. “Ý tại ngôn ngoại” của thơ là thế đấy, và với haikư cũng không có biệt lệ.
Nói về sự khiêm tốn, trong lịch sử Việt Nam, vua Tự Đức triều Nguyễn đã để lại cho đời một tấm gương lớn. Tại Khiêm Lăng, nơi nhà vua yên nghỉ có tấm bia đá nặng 20 tấn, được coi là tấm bia lớn nhất ở Việt Nam, khắc bài văn bia “Khiêm Cung Ký” do đích thân nhà vua soạn thảo gồm 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời và vương nghiệp. Khác với các bậc đế vương thường khẳng định sự nghiệp và công trạng hiển hách của mình trong tấm bia “Thánh đức thần công” tại các lăng mộ, trong bi ký của mình Nhà vua đã tự nhận tội: “Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là tội của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được, đều là tội của ta cả…”. Với “Khiêm cung ký” Vua Tự Đức đã nhường lại cho sử sách đời sau đánh giá công, tội của mình.
Người xưa thường ví đức khiêm tốn với phẩm chất của nước: “Làm người phải giống như nước, luôn mang trong mình phẩm chất khiêm tốn”. Thế nhưng “Thiên hạ không có gì mềm mại bằng nước, mà cũng không sức công phá nào mạnh hơn được nước”. Người xưa cũng từng nói “Kim dĩ cương chiết, thủy dĩ nhu toàn” có ý rằng kim loại vì cứng mà gãy, nước nhờ mềm mại mà vẹn toàn. Đức khiêm tốn cũng chính là đức tính mềm mại của những bậc đại trí vậy.
LVT