Bài thơ Haiku từ một bức ảnh- Lê Đăng Hoan

alt

Tấm ảnh này chụp ngày 20/11/2018.

Đây là TS. Nguyễn Thị Thu Vân, học sinh của tôi ở trường ĐHKH Nhân văn- Hà Nội.

Từ bức ảnh này, tôi làm bài thơ:

” Hoa nở

trò cũ đến thăm

thơm lừng trang sách”.

Hôm nay lên Google, mở “Lê Đăng Hoan”, thấy có một nhà bình luận văn học ở Đà Lạt, chưa quen biết, viết bài bình luận rất ấn tượng.

Mời các bạn đọc nhé!

Cảm ơn nhà bình luận Nguyễn Thánh Ngã.

Hoa tri ân bật nở

Nguyễn Thánh Ngã

hoa nở

trò cũ đến thăm

thơm lừng trang sách

(Lê Đăng Hoan)

Đọc bài haiku của nhà thơ – Haijin Lê Đăng Hoan, chợt nhớ cụ Nguyễn Du từng viết:”Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”, tức nhà giáo đã về hưu rồi. Vì vậy, “hoa nở” ở đây được viết với phong thái “hạ nhàn”. Ta có thể hiểu, nhà giáo đang vui hưởng cảnh thong dong nhàn nhã, sau khi đã cống hiến cả đời trên bục giảng.

Và những hạt “bụi phấn bay bay” rơi trên tóc thầy, đóa hoa tuổi tác đã nở trắng. Màu trắng của đám mây phiêu lãng, trôi qua dòng sông của “người đưa đò” dày dạn nắng sương, dày dạn kinh nghiệm “trồng người”, khiến ta cúi đầu ngưỡng mộ…

Hiểu được như vậy, nên “trò cũ đến thăm” là cách thể hiện “tôn sư trọng đạo”. Nét đẹp văn hóa đó, được người đời truyền tụng mãi mãi. Thầy đã dạy dỗ biết bao thế hệ, bao lớp học trò đỗ đạt, đem sức trẻ cống hiến cho đất nước quê hương. Báo đáp ân thầy dạy dỗ, là một trong tứ ân mà người học trò phải biết, phải thực hiện cho “thơm lừng trang sách”…

Sách ở đây là sách nhân học, sách dạy làm người. Thầy trò mở lòng ra với nhau, người biết ơn, người độ lượng, chính là giềng mối làm nên hạnh phúc của đời người. Hạnh phúc ấy, khiến những đóa hoa lòng thơm thảo bật nở và lan tỏa hương thơm. Đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đã được cha ông ta gìn giữ. Lòng chợt buồn, khi biết rằng ngày nay mối quan hệ đó đã bị rạn nứt. Cảnh học trò “đánh thầy”, đối xử vô ơn bạc nghĩa với thầy cô đã từng diễn ra. Và cũng có những thầy cô lợi dụng chức năng nhà giáo, tăng thu nhập quá mức cho phép, làm phiền lòng phụ huynh vv…

Tuy nhiên, cảnh ấy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Tất cả chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục nhân văn, chất lượng hơn.

Xét về ý tưởng, câu thơ:” thơm lừng trang sách”, đã bắt theo mạch trên, nên dù là ba ngắt ý khác nhau trong ba dòng thơ haiku, vẫn thể hiện một mạch văn nhất quán, logic.

Thái độ biết ơn thầy hợp với lòng trời, thuận theo lẽ tự nhiên. Và cái gì thuận theo lẽ tự nhiên sẽ đem lại an hòa cho cuộc sống.

Có thể nói, bài thơ nhỏ bé của nhà giáo Lê Đăng Hoan là một trong những bài thơ hay tiêu biểu, rất đáng trân trọng. Thế mới biết, công năng của thơ đã góp phần giáo dục không nhỏ trong thời đại chúng ta…

Đà Lạt tháng 11/2018

Nguyễn Thánh Ngã

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt