Vì sao tôi mở mắt- Nguyễn Thánh Ngã

alt

alt

VÌ SAO TÔI MỞ MẮT

(Why’d I open my eyes? Because / I wanted to!)

Vì sao tôi mở mắt ?

Bởi vì

tôi muốn, thế thôi!

(Jack Kerouac – Đinh Nhật Hạnh dịch)

Haikuviet.com đã giới thiệu : “Nhà thơ Jack Kerouac (1922-1969) là con út một gia đình Pháp – Mỹ, sinh tại Lowell, Massachusetts. Ông là nhà cách tân cuồng nhiệt thơ Haikư ở Mỹ. Theo ông :”Thơ Haikư phải rất giản đạm, tịnh không nên có bất cứ kỹ xảo thi ca nào, tạo nên một bức tranh nho nhỏ duyên dáng , sảng khoái như khi nghe bản nhạc khúc Đồng quê của Vivaldi.”

Trên đây là phát biểu của Jack Kerouac, một nhà thơ cách tân như chúng ta đã biết, tuy chưa hẳn đã hoàn toàn, nhưng chí ít nó cũng đem lại một nhìn nhận về thơ Haiku Nhật Bản. Trong hoàn cảnh hiện nay, nhìn nhận này có giá trị đem lại sự khẳng định rằng:“không nên có bất cứ kỹ xảo thi ca nào”, hòng góp phần làm mất bản sắc thơ Haiku. Tôi rất tâm đắc với ý này, cũng như thơ của Jack, tiêu biểu là bài thơ trên đây.

Jack cho mở đầu một câu thơ thật sắc sảo, nó đang đặt ra một nghi vấn:

Vì sao tôi mở mắt?

Đôi mắt là tuyệt tác của đấng sinh thành, trước khi là cửa sổ tâm hồn. Đôi mắt để nhìn thấy là đôi mắt thịt, đôi mắt để nhìn rõ cuộc đời là đôi mắt tinh anh. Cái nhìn phi thường được gọi là tầm, tức tầm nhìn xa trông rộng của bậc cao nhân, có tâm và có tầm. Vì thế, động thái “mở mắt”, là mở mắt trí tuệ, nơi điều khiển mọi hoạt động của thân người. Vậy thì đôi mắt đã trả lời “vì sao” rồi, thì còn “bởi vì” gì nữa, nhưng nếu không có “bởi vì” thì chẳng biết bởi vì đâu!

Rất đơn giản là “tôi muốn, thế thôi”! Tới đây chúng ta càng nhận ra đơn giản không phải là đơn sơ. Khi cái muốn, tức cái dục đã chi phối cái nhìn. Nhưng hai từ “thế thôi” mà nhà thơ Đinh Nhật Hạnh đã dịch, đã phủ định cái muốn nhìn là dục tính, trở về với bản nguyên, tức cái nhìn “đơn sơ” của mắt. Đây chính là chỗ tuyệt hay của người sáng tác và người dịch đồng cảm mà nên.

Ôi bài thơ tối giản mà vô cùng sáng nghĩa, đã đem lại cho người thưởng ngoạn cái nhìn linh diệu của nó. Nhờ đó, mà người đọc được mở rộng tầm nhìn ở lĩnh vực khó nhìn của tri kiến văn chương.

Và, chúng ta vừa đọc bài thơ trên, một bài thơ đơn sơ, đơn sơ đến nỗi không còn gì đơn sơ hơn nữa!

Tôi thích thú chạm vào niềm đơn sơ hiển nhiên đó, mà nhận ra rằng, chính thật thơ haiku là sự đơn sơ sơ nguyên nhất, mọi cố gắng, mọi can thiệp vào nó chỉ dẫn đến “bức tử” nó mà thôi. Vì thế, nhân danh một người làm thơ nhỏ bé, tôi kêu gọi những ai yêu thơ Haiku, những ai sáng tác thơ Haiku hãy ngừng lại mọi sự “bức tử” không đáng có của mình, để trả lại cho thơ Haiku sự trong sáng trọn vẹn như chính nó vốn có. Người Việt mình tình cảm, ưa vần điệu, thì đã có lục bát, mê khuôn vàng thước ngọc, thì đã có Đường luật, thích phóng khoáng thì đã có Tự do, và nhiều thể loại thơ khác vv…

Hãy cảm ơn thơ Haiku là thể thơ ngắn nhất giới, đã đem lại cho thế giới hôm nay một loại thần thái ung dung, không lẫn với các thể thơ cao minh khác…

Tôi mong vậy, cũng chẳng hiểu vì sao…

Sài Gòn tháng 7. 2019

N.T.N

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt