Gần chục năm trở lại đây, thể thơ haiku Nhật Bản du nhập vào Việt Nam đã có sự tiếp biến ở cả nội dung và cách thể hiện, mang màu sắc và tâm hồn Việt khá rõ nét.
Có rất nhiều lý do để quá trình tiếp biến thơ haiku ở Việt Nam giai đoạn này diễn ra nhanh chóng.
Điều căn bản nhất là người làm thơ Việt Nam nhận biết sự tương đồng về một thể thơ có dung lượng câu-chữ giới hạn, nhưng ở đó thể hiện một khoảnh khắc tâm lý và tư duy thơ đầy đặn, nói lên tâm trạng đột khởi trước đối tượng bằng sự quan sát tinh tế, vừa duy cảm vừa duy lý mà ẩn sâu cái duy mỹ tổng hòa.
Người làm thơ Việt Nam cũng “nghe” thấy hơi thở chuyển mình cùng thời đại của các nhà thơ haiku Nhật Bản. Họ đang tự làm mới thơ haiku truyền thống của mình, không còn câu nệ vào những quy tắc trước đây, cởi mở hơn, vì vậy tung hoành và sảng khoái hơn. Cộng đồng người làm thơ haiku thế giới đang có xu hướng sáng tác loại thơ haiku mở để trình diễn cách nhìn, cách cảm về một thế giới luôn luôn biến động và đầy rẫy thảm họa do chiến tranh và thiên tai gây ra, đầy rẫy những bất an do chính cách ứng xử của con người trong thời đại văn minh vật chất bao trùm.
Cả hai sự tương đồng trên đây – khuôn khổ của thể thơ và tính mở của nó, đều không nằm ngoài xu hướng thơ Việt Nam đương đại. Trên nền tảng tư duy của mình, người làm thơ haiku Việt Nam vẫn giữ cấu trúc thể (ba câu) nhưng có xu hướng giảm số từ tối đa (dưới con số mười bảy), không dùng quý ngữ một cách cứng nhắc; và, một điều rất đặc biệt là sử dụng các loại từ (danh từ, tính từ) ở dạng động từ, nâng cao tính ẩn dụ (trong cả bài, ở từng câu, thậm chí từng từ), sử dụng cách gieo vần linh hoạt, phù hợp, hay tạo nhịp uyển chuyển, cho dù nội dung phản ánh dưới dạng chủ đề hoặc đề tài nào. Phương thức vận động trong sáng tác như vậy đã thực sự gửi gắm tâm hồn của các tác giả vào nhiều bài haiku với độ sâu lắng khác nhau, tạo nên vẻ đẹp riêng của thơ haiku Việt.
Cái hay, cái đẹp ở mỗi khúc haiku trước hết xuất phát từ cái đúng trong cấu trúc.
Trong thời gian chưa lâu nghiên cứu và sáng tác thơ haiku, chúng tôi thức nhận một cách đọc thể thơ này, nay muốn cùng trao đổi để rộng đường bàn bạc.
[Xin mở ngoặc: dẫn ra những bài thơ trong bài viết này (đều từ Tuyển tập “HOA BỐN MÙA”, Nxb Văn học, 2015), một cách ngẫu nhiên, bất kỳ không có ý phê phán, mà chỉ nhằm phân tích và trao đổi; nếu có sự hiểu nhầm xin thông cảm và lượng thứ.]
Trong ba câu của một bài haiku sẽ lần lượt đọc: toàn bài, sau đó đọc từng cặp – câu 1 và câu 2, câu 2 và câu 3, câu 1 và câu 3, cuối cùng đọc lại toàn bài.
Thơ – / giấc mơ hoa ngát / mạch đời chắt chiu (Đinh Nhật Hạnh): Thoạt đọc có vẻ như một định nghĩa hay sự tổng kết về đời thơ của tác giả, nhưng không phải. Đây vẫn là một khoảnh khắc của sự nhận thức về đời thơ mà tác giả như bất chợt “bắt” được qua giấc mơ hoa [có lẽ bớt từ ngát thì “chặt” hơn], giấc mơ ấy được người thơ chắt chiu mà hiện, mà thành, dù trong chốc lát, để thêm biết rằng thơ ấy là do mạch đời vun đắp. Ở khúc thơ này, giấc mơ hoa trở thành chiếc cầu nối giữa thơ và mạch đời, trở thành thơ là mạch đời do người thơ chắt chiu mới có. Giấc mơ hoa là giấc mơ không bình thường, là hiện thân cái đẹp của thơ, nên từ hoa gợi sức liên tưởng. Chắt chiu là cái đẹp của người, của sự lao động sáng tạo, có tính ẩn dụ: “người ta là hoa của đất” thì thơ là hoa của người. Thơ-hoa-chắt chiu gắn kết với nhau từ ba hình ảnh, ba ý thành hình ảnh ngoài thơ.
Bến mới / thuyền con ngái ngủ / đuôi màu bình minh (Như Trang): Một hình ảnh được “chớp” rất đúng lúc, vào phút tâm trạng cởi mở, sảng khoái trước ngày mới. Ba hình ảnh: bến nước-con thuyền-bình minh nương tựa vào nhau có tính tạo hình. Bến ấy chưa chắc là mới mở, nó mới trên nền cũ đã có từ trước bởi chiếc thuyền con và ánh bình minh. Chiếc thuyền con có thể là đứa trẻ. Bến mới-thuyền con đã là một hình ảnh đẹp, thì ngái ngủ thêm ấn tượng về sự tinh tế. Ở câu thứ ba: đuôi màu bình minh đọc thoáng có vẻ ngỡ ngàng, song câu thứ hai đã nâng đỡ và tạo thành cặp – thuyền con ngái ngủ-đuôi màu bình minh, cho thấy một hình ảnh khác; và khác hơn nữa, ý vị hơn nữa khi đọc câu thứ nhất liền câu thứ ba: Bến mới-đuôi màu bình minh. Toàn bài là một bức tranh có bố cục, đường nét và màu sắc hài hòa, gợi tâm trạng bình thản, an nhiên và tươi tắn giữa không gian sống động, con người muốn vươn lên ngay từ tấm bé bởi màu bình minh xua đuổi cái ngái ngủ của thời đang lớn đã làm nên sự mới lung linh từ cái cũ, có hình, có khối.
Tôi đứng giữa / tiếng ve / bông cúc (Mai Văn Phấn): là thế đứng chênh vênh buổi giao mùa. Tôi – là bản thể đồng thời là nhân vật trữ tình. Đứng giữa tiếng ve và bông cúc là sự lựa chọn, chưa biết nghiêng về phía nào: một phía là rỉ rả, nuối tiếc nhưng không thật, không đằm, phía kia đi vào cõi khác của nhân sinh, thẳm sâu suy tư của nỗi lòng – quá khứ ấy có chiều rộng và bề dày. Tiếng ve và bông cúc là hai hình ảnh không cùng “loại” tương ứng, nhưng logic thơ là thế. Nếu đứng giữa tiếng ve e còn sốc nổi, thì đứng giữa bông cúc đã là trải nghiệm cuộc đời. Vì vậy, đứng giữa bông cúc mới thể hiện “vai” con người. Song, dù là cách nói ngoa dụ trong một khoảnh khắc, tác giả đã rơi vào một “thế chênh” tự làm khó mình, làm mất đi cái khoảnh khắc an nhiên, tự tại.
Khác với tâm tư ấy, Văn Bắc thổ lộ nỗi niềm có thật: Mâm cỗ gia tiên / Tất niên / ai chưa về. Cặp câu Mâm cỗ gia tiên-Tất niên là bối cảnh ngày cuối năm thường diễn ra trong mỗi gia đình, họ mạc, những người có mặt nhớ những người thân thuộc không có điều kiện sum vầy, nên “thả” câu ai chưa về, không hề có ý trách móc mà “thương cảm”. Đọc hai câu (1 và 3) Mâm cố gia tiên-ai chưa về thấy lòng xót xa, mến cảm cái tình-nghĩa nhớ nhung vời vợi của người ở và người xa.
Nhìn ra, Ban’ya Natsuishi tuy nói về một khía cạnh rộng hơn, nhân tình thế thái hơn, cũng vẫn đề cập cái khoảnh khắc của sự nhận biết hậu quả của sự đổi thay mà chẳng đổi mới của thế giới này: Gió từ tương lai / thổi tới / chia dòng thác. Vấn đề thật to tát, nhưng vẫn nằm trong vòng cương tỏa của quy luật bấy lâu. Mọi chủ nghĩa sinh ra đều chưa giải đáp được câu hỏi: chủ nghĩa ấy đem lại lợi ích gì cho số đông nhân loại? Cái sự thổi tới may ra mới chỉ tác động đến bề mặt chứ chưa hề “sục” xuống đáy nhân gian, làm cho thế giới này thay đổi thực sự.
Những ví dụ trên nói về chiều thuận. Dưới đây, chúng tôi muốn đưa ra bàn luận cái chưa thuận trong cấu trúc khiến một bài haiku chưa hoàn bích.
Từ chợ về nhà / những người đàn bà / nét mặt ưu tư (Cao Ngọc Thắng): Đây là suy tư liền mạch, chưa nói rõ cái chủ thể ưu tư mà anh ta bắt gặp. Từ chợ về nhà-những người đàn bà – rất tầm thường trong diễn giải; rồi những người đàn bà-nét mặt ưu tư – một cách mô tả lười suy nghĩ; vậy Từ chợ về nhà-nét mặt ưu tư nhằm nói điều gì ngoài những hình ảnh đã trình ra? Đọc lại nhiều lần bài này, tôi thấy không ổn, cần phải “đảo” câu để rõ nét cái ý mình muốn thổ lộ: Những người đàn bà / từ chợ về nhà / nét mặt ưu tư, để nói rằng nét ưu tư trên mặt người đàn bà xuất hiện sau buổi chợ phải đắn đo, phải nhọc lòng suy xét trước bấp bênh giá cả, trước thực phẩm không an toàn, trước những dối gian do đồng tiền lũng đoạn, rộng hơn là sự ưu tư về nhiều mặt, phải tính toán thế nào cho cuộc sống gia đình ổn thỏa trong khi thu nhập còn thấp, không ổn định.
Đinh Trần Phương viết: Mành cửa mùa xuân / gió làm đung đưa / ánh sáng, ý thì rõ mà tứ còn lộ, nên tình chưa thấu. Phải chăng vừa đảo câu vừa bớt chữ cho đạt ý , đạt tình: Gió đung đưa / mành cửa / ánh sáng mùa xuân. Câu thứ hai mành cửa sẽ làm sáng rõ và huyền diệu ánh sáng của mùa xuân khi nhìn qua tấm mành (từ trong ra) đung đưa bởi gió.
Hay khúc haiku sau đây: Về thôi / bờ sông níu gió /chân trời níu mây (Lương Thị Đậm), đọc xuôi đã thấy man mác, nhưng đọc lại thấy cần phải đảo câu để có mối lương duyên và tình-tứ giữa các cặp – Bờ sông níu gió / về thôi / chân trời níu mây. Sự níu của bờ sông và của chân mây khiến người lưỡng lự, chân muốn về mà lòng khắc khoải. Về thôi đặt ở câu một không có sự dùng dằng, níu kéo nữa.
Khúc haiku của Thanh Tùng gợi nên nét đẹp của nỗi buồn khắc khoải: Đường quê / lang thang bướm trắng/ hoa nắng tan rồi. Nhưng, đường quê và hoa nắng tan rồi không có cái cớ để đẩy lên sự liên tưởng có tính ẩn dụ xa xăm. Nếu có thể đảo thành: Lang thang bướm trắng / đường quê / hoa nắng tan rồi, thì đường quê sẽ là “nốt” nhấn cho sự tan rồi ấy bởi đàn bướm trắng lang thang kia.
Những ví dụ dẫn trên đây, [xin lần nữa mong các tác giả và người đọc thông cảm và lượng thứ], cho thấy cấu trúc đúng, theo quan niệm của người viết bài này, của thể thơ ngắn haiku. Cấu trúc ấy phân biệt rành mạch ba hình ảnh, đồng thời là ba ý khác nhau mà gắn bó với nhau rất chặt chẽ theo từng cặp câu, trong đó hình-ý câu thứ hai là gạch nối cho hình-ý của câu thứ nhất và câu thứ ba liền mạch của một tứ thơ phát xuất. Cái đẹp của một khúc haiku lộ ra từ cái cấu trúc “phi logic” mà lại thực logic là vậy.
CNT