Tưởng nhớ thảm họa bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki

alt

alt

a sparrows’ nest

perhaps

inside the A-bom dome

Kinichi Sawaki ((1919-2001)

Patricia Donegan dịch

có thể

có một tổ chim sẻ

trong mái vòm bom nguyên tử

Lê Văn Truyền dịch

KHÔNG MỘT HIROSHIMA NỮA

Patricia Donegan

Nhớ lại Hiroshima ngày 6 tháng 8 gần 60 năm trước, tôi nhận ra rằng không có tin tức gì hôm nay về thành phố này trên phương tiện truyền thông Hoa Kỳ, một ngày là “Ngày Hòa Bình Thế Giới” với lời nguyền của Nhân Loại không thể để lặp lại một lần nữa sự hủy diệt như thế. Tôi chỉ hy vọng những độc giả tương lai được sống trong một thế giới phi hạt nhân. Tôi nhớ lại lần hành hương đầu tiên về Hiroshima nhiều năm trước đây, tôi đã khóc và nghĩ rằng, mỗi nhà lãnh đạo trên thế giới cần phải đến thăm chốn linh thiêng này – vì rằng kinh nghiệm đau thương của chốn này sâu sắc nhường bao và họ – các nhà lãnh đạo cần phải kêu gọi một thế giới không bom hạt nhân. Có thể đây là một ảo tưởng hay là một ảo tưởng ngăn chặn vũ khí hạt nhân vì một ngày nào đó, một trong hàng ngàn quả bom hạt nhân (mà mỗi quả bom có sức mạnh gấp hàng ngàn lần quả bom nguyên tử ở Hiroshima) sẽ gây ra một vụ nổ. Hình ảnh gây ấn tượng thật mạnh mà tôi còn nhớ là hình ảnh cái bóng cháy đen của một người đàn ông vô danh in lên các bậc thềm đá của một tòa nhà ngân hàng mà ông ta đang sắp bước vào khi luồng ánh sáng chói chang của quả bom nguyên tử bùng lên vào lúc 8:15 sáng, và ông ta bỗng biến mất khỏi cõi trần. Một hình ảnh khác cũng ám ảnh tôi không kém là hình ảnh được nhắc đến trong khúc haiku này: các mái vòm đen của tòa nhà, tòa nhà duy nhất còn sót lại sau vụ nổ của quả bom nguyên tử, đang được UNESCO bảo tồn như là một biểu tượng của Hòa Bình để hồi tưởng đến Hiroshima. Ở đây, trong khúc haiku này, hình ảnh của mái vòm bị bom trở nên thật thấm thía với hình ảnh của sức sống mới đang nẩy nở từ mái vòm này, từ trong cái tổ bé nhỏ của con chim sẻ … Có lẽ, ta có thể mơ đến điều đó. (Patricia Donegan: Haiku Mind, 108 Poems to Cultivate Awareness & Open Your Heart, Shambhala. 2010).

PHƯỢNG HOÀNG TÁI SINH

Lê văn Truyền

Vào giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II, ngày 6 tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ đã ném quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản). Và sau đó 3 hôm, ngày 9 tháng 8 năm 1945, quả bom thứ hai mang tên “Fat Man” đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki.

Ở Hiroshima vào lúc 8 giờ 15 phút sáng, quả bom nổ ở độ cao 610 m, giải phóng nguồn năng lượng hủy diệt khổng lồ tương đương 15.000 tấn thuốc nổ TNT, san phẳng 13 km vuông thành phố chỉ trong trong vài giây. Hơn 60 phần trăm nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn. Ước tính, khoảng 80.000 người dân Hiroshima đã chết ngay lập tức bởi vụ nổ và cũng khoảng 80.000 chết sau đó bởi hậu quả của vụ nổ. Một trong những bức ảnh kinh điển của nhiếp ảnh gia O’Donnell đã ghi lại khoảnh khắc một cậu bé đưa tiễn đứa em nhỏ về nơi an nghỉ cuối cùng tại khu hỏa táng. Cậu bé cõng đứa em nhỏ đã chết trên lưng, cố gắng không bật khóc. Tác giả bức ảnh viết: “Tôi thấy một cậu bé khoảng 10 tuổi, đi chân đất cõng em trên lưng. Trong những ngày này ở Nhật Bản, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ em được anh chị trông nom. Tuy nhiên, đứa trẻ này không phải như vậy. Tôi thấy cậu bé đi đến khu vực hỏa táng nạn nhân vụ nổ bom nguyên tử vì một lý do gì đó rất nghiêm trọng. Khuôn mặt cậu bé nghiêm nghị trong khi đứa em trên lưng nghiêng đầu như đang ngủ say. Cậu bé đứng đó chừng 5 hoặc 10 phút. Những người đàn ông mang khẩu trang trắng bước về phía cậu bé, lặng lẽ cởi sợi dây buộc đứa trẻ ở phía sau. Đó là lúc tôi nhận ra đứa em ở trên lưng cậu bé đã chết. Những người đàn ông đưa bé em tới nơi hỏa táng. Anh của bé vẫn đứng tại chỗ, mắt không rời ngọn lửa. Cậu bé cắn chặt môi dưới đến rướm máu, đứng đó tới khi ngọn lửa tắt dần và mặt trời bắt đầu lặn. Rồi cậu bé quay lưng và lặng lẽ bước đi“.

Tuy vậy, do nằm trong vành đai núi lửa và động đất Thái Bình Dương, các công trình xây dựng ở Nhật Bản nói chung và ở Hiroshima nói riêng khá vững chắc. Một trong số những công trình còn tồn tại là “Genbaku” được xây dựng từ năm 1915, sau vụ nổ được gọi là “A-bomb Dome” (Vòm Bom Nguyên Tử). Ngày nay, quanh phế tích “A-bomb Dome” là Khu Tưởng Niệm Hòa Bình Hiroshima được UNESCO đưa vào danh sách Di Sản Thế Giới (1996), bất chấp sự phản đối của Mỹ và Trung Quốc.

Chịu hai quả bom A, nước Nhật đầu hàng Phe Đồng Minh và kẻ bại trận phải bắt đầu tái thiết đất nước từ đống tro tàn.

Trong phiến khúc haiku trên đây, Kinichi Sawaki, một haijin Mỹ gốc Nhật đã mượn hình ảnh những con chim sẻ làm tổ trong “A-bomb Dome” để biểu trưng cho dấu hiệu hồi sinh của một vùng đất chết, cho sự hồi sinh một đất nước bại trận, hoàn toàn bị tàn phá đang quyết tâm xây dựng lại. Nhưng liệu Nhật Bản – đất nước của những chiến binh samurai – có cam chịu chỉ phục hồi lại những gì đã bị hủy diệt hay chính nỗi nhục bại trận đau đớn lại là động lực mạnh mẽ để Nhật Bản quyết tâm thực hiện những kỳ tích?

Là một dân tộc được cả thế giới ngưỡng mộ tinh thần trách nhiệm trong công việc, sự khiêm nhường, ý thức tự giác và kỷ luật, đức tính ham học hỏi, cần cù, chăm chỉ, nhẫn nại, tính cách luôn luôn muốn vươn lên đạt đến sự hoàn thiện, toàn mỹ … người Nhật đã chứng minh trước toàn thế giới: nước Nhật không phải là chú chim sẻ. Nhật Bản hiện đại là con chim Phượng Hoàng Lửa (Phoenix) trong thần thoại Hy Lạp tái sinh từ đống tro tàn, tung cánh vươn lên những đỉnh cao, bất chấp thảm họa nguyên tử trong chiến tranh thế giới lần thứ hai và cả thảm họa nguyên tử nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị tàn phá bởi sóng thần trong thời bình.

Lê Văn Truyền

Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội

KINICHI SAWAKI (1919-2001). Là một nhà thơ haiku hiện đại lỗi lạc của Hoa Kỳ. Vợ ông, Ayako Hosomi cũng là một nhà thơ nổi tiếng. Sawaki đã từng là người lãnh đạo của nhóm thi sỹ “Kaze” (Wind: Gió) trong nhiều năm. Ông đồng thời là Chủ Tịch của Hội Haiku Nhật Bản. Trong số các tác phẩm của ông, có chuyên khảo về Basho có tên “Oku no Hosomichi Wo Aruku” (Walking the Narrow Road to the Deep North: Đi trên Con Đường Hẹp về Phương Bắc Bí Hiểm”. Hai tuyển tập haiku của ông là: “Yukishiro” (Tuyết Trắng) và “Enden” (Salt Farm: Đồng Muối). (Theo Patricia Donegan).

PATRICIA DONEGAN (1953 – …): Thành viên Hiệp Hội Giáo Sư Hoa Kỳ, nhà thơ, nhà biên dịch đồng thời là người đề xướng việc coi haiku như là một phương tiện để “thực hành nhận thức”. Bà là thành viên của Hội Nhà Thơ Đông – Tây (Đại Học Naropa) của Allen Ginsberg và Chogyam Trungpa; Bà cũng là môn đệ của bậc thầy haiku Seishi Yamaguchi và là nghiên cứu viên của quỹ Fulbright ở Nhật Bản. Các tác phẩm haiku của Bà gồm có: “Love Haiku” (Haiku Tình Yêu), “Chiyo-ni: Woman Haiku Master” (Chiyo-ni: Nữ Sỹ Haiku Bậc Thầy) đồng tác giả với Yoshie Ishibashi và tác phẩm “Haiku: Asian Art for Creative Kids” (Haiku: Nghệ thuật Á Đông cho Trẻ Em Sáng Tạo). Các tuyển tập Haiku của Patricia Donegan gồm có: “Without Warning”, “Bone Poems” và “Hot Haiku”.

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt