Tại Nhật Bản, người mới học làm thơ haiku được các bậc thơ haiku tiền bối khuyến khích đọc và tìm hiểu thơ haiku từ các sách liên quan đến bốn mùa như “Nihon Saijiki” (Tuế thời ký Nhật Bản), “Kotoba no Saijiki” (Thuật ngữ Saijiki)…và xem đó như là cẩm nang khi đến với thơ haiku.
Saijiki là gì? Nói đến Saijiki, không ít người liền liên tưởng ngay đến thơ haiku, cho rằng đó là tuyển tập quý ngữ để dùng khi sáng tác thơ haiku. Thật ra, Saijiki đã được ra đời từ trước khi thơ haiku xuất hiện. Được du nhập vào Nhật Bản, lưu truyền từ thời kỳ tiền thơ haiku, Saijiki tập hợp những thuật ngữ liên quan đến đời sống văn hóa gắn liền với thiên nhiên.
Khi nhà thơ Basho và thơ haikai ra đời, bộ sách “Nihon Saijiki” (Tuế thời ký Nhật Bản) được biên soạn. Hình ảnh cuộc sống trong dân gian, phong tục tập quán, đời sống dân dã…hòa quyện với thiên nhiên bốn mùa được khắc họa bằng những bài thơ haiku xuất hiện trong các bộ sách Saijiki này. Từ đó các thuật ngữ trong Saijiki trở thành Kigo (Quý ngữ) – một trong các quy ước không thể thiếu trong thơ haiku. Với vai trò quan trọng về nội dung lẫn hình thức, kigo còn được gọi là sinh mệnh của thơ haiku:
Theo thơ haiku truyền thống, kigo là cần thiết và chất liệu này phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên. Nét quyến rũ của thơ haiku là thông qua kigo luôn nắm bắt được hình ảnh thiên nhiên, cô đọng sự vĩnh hằng của thiên nhiên vào một thể thơ cực ngắn. Kigo phản ánh sự chuyển động của thiên nhiên, nhờ vay mượn sự rộng lớn của thiên nhiên được thể hiện thông qua quý ngữ, thơ haiku đã khắc phục được tính bé nhỏ vốn có của riêng mình[1].
Đời sống văn hóa phong phú hòa mình với thiên nhiên đã ban tặng cho ngôn ngữ tiếng Nhật một kho tàng đồ sộ các thuật ngữ nói về kigo. Từ thế kỷ XVII, các bộ sưu tập kigo đã được tập hợp và soạn thảo, cho đến nay nhiều từ điển kigo được xuất bản, tiêu biểu nhất là bộ sưu tập Saijiki tập hợp các kigo được phân loại theo địa lý, động vật, thực vật…qua sự thay đổi bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Theo lời Fuji Kunihito, “Nhật Bản có thể hãnh diện với tự điển Saijiki duy nhất trên thế giới này”[2].
Nói đến đây, có thể có nhiều ý kiến cho rằng, đó là những gì thuộc về thơ haiku truyền thống, là những quy luật của ngày xưa. Còn ngày nay, nhất là từ sau thời kỳ Minh Trị Duy tân, thơ haiku đã được thay đổi, thoát khỏi những quy định mà đã từng lầm tưởng khi cho rằng chúng ràng buộc, làm vướng sự thăng hoa của thơ haiku. Chính nhờ sự thay đổi thần kỳ của thơ haiku thời kỳ nhà thơ Masaoka Shiki (1867-1902), các thuật ngữ mới du nhập từ phương Tây xuất hiện trong thơ haiku hòa quyện với vẻ đẹp truyền thống của Nhật Bản đã đưa thơ haiku ngày càng được thăng hoa cùng thời đại.
子供がちにクリスマスの人集ひけり(Masaoka Shiki)
Kodomogachi ni kurisumasu no hitoatsuhi keri
Đám trẻ nhỏ
tụ tập vây quanh
bên cây Noel
(Quỳnh Như dịch)
“Cũng chính nhờ đó, thơ haiku như được vươn mình ra với thế giới bên ngoài, mở rộng đề tài để thoát khỏi những giới hạn vốn có”[3]. Cũng chính nhờ đó, thơ haiku như kính vạn hoa phát triển đa dạng, nhiều sắc thái, nhưng vẫn đi theo con đường “vừa biến đổi để phù hợp với thời đại vừa kế thừa bản sắc truyền thống”. Do đó thơ haiku – Cũ mà mới là thế.
Nhờ thế, ngày nay, tại Nhật các nhà thơ haiku tuy đến từ nhiều trường phái khác nhau từ thơ haiku từ truyền thống đến hiện đại, từ nội địa đến hải ngoại, từ giới trẻ đến tiền bối…vẫn luôn mang theo mình các cẩm nang về Saijiki, hoặc tuyển tập Kigo – quý ngữ khi sáng tác và bình luận thơ haiku.
Tham dự các buổi sinh hoạt sáng tác và bình chọn thơ haiku của các hội thơ haiku khác nhau tại Nhật, mỗi lần đến là mỗi lần đem về thêm một kiến thức của một nền văn hóa phong phú từ cổ truyền đến hiện đại qua những bài thơ haiku. Bởi, mỗi lần sinh hoạt thơ haiku, dù là hội thơ hiện đại của giới trẻ, dù không bó buộc phải có quý ngữ kigo, nhưng vẫn nhắc nhau trong thơ haiku nên có thuật ngữ nói về thời tiết của ngày hôm nay, của mùa này, tháng nọ…Ấy thế, có người đã nói rằng, đọc thơ haiku là đọc được kiến thức văn hóa tiềm ẩn đằng sau nó.
Nhờ thế, ngày nay, tại Nhật các nhà thơ haiku tuy đến từ nhiều trường phái khác nhau từ thơ haiku từ truyền thống đến hiện đại, từ nội địa đến hải ngoại, từ giới trẻ đến tiền bối…vẫn luôn mang theo mình các cẩm nang về Tuế thời ký (Saijiki), hoặc tuyển tập Kigo – quý ngữ khi sáng tác và bình luận thơ haiku. Gần đây, Bộ “Tuế Thời ký Haiku mới nhất” (Saishin Haiku Saijiki) được biên soạn, phân loại chi tiết các đời sống văn hóa xã hội qua các mùa như Thiên nhiên, Đời sống, Văn hóa, Địa lý, Lễ hội, Trang phục, Ẩm thực, Ăn – Ở – Mặc…khá chi tiết và xem đó như là cẩm nang khi đến với thơ haiku”[4]. Nhiều người còn ví von rằng các Bộ Tuế Thời ký haiku (Haiku Saijiki) có thể được xem là Bộ Bách khoa toàn thư thơ haiku.
Ví dụ, nói đến ánh trăng chẳng hạn. Trăng thì lúc nào cũng có thể nhìn thấy được cơ mà. Có gì lạ đâu. Nhưng với Nhật Bản, “trăng” quý ngữ của mùa thu bởi vì đêm trăng thu là đêm đẹp nhất. Hoặc nói đến “Hana” (hoa), có thể liên tưởng đến biết bao nhiêu là hoa, nhưng với Nhật Bản, mùa hoa đẹp nhất là mùa hoa anh đào.
監視カメラ映像に花降りしきる[5](Sugiura Keisuke)
kanshi kamera / eizo ni hana /ori shikiru
Camera giám sát
ghi hình
những cánh hoa rơi
(Quỳnh Như dịch)
Bài thơ mang đậm phong cách hiện đại với cấu trúc 6 – 7 – 6, sử dụng hình ảnh rất thời đại “Camera quan sát” (camera giám sát) trong bối cảnh đông người chen chúc ngắm hoa mùa hoa anh đào. Dù vậy, bài thơ vẫn không quên đưa vào quý ngữ “hana”. Trao đổi với tác giả của bài thơ nói trên, mới biết “hana” (hoa) trong bài thơ nghĩa là hoa anh đào (sakura). Tác giả bài thơ còn nhấn mạnh rằng khi nói đến “Lễ hội hoa” thì hầu như người Nhật Bản nào dù không phải dân chơi thi ca đều ý thức đó là “đi ngắm hoa anh đào”. Thơ haiku Nhật Bản ngày nay dù hiện đại đến đâu đi nữa nhưng vẫn luôn chú trọng cái “chất” như thế. Nhờ vậy dù thơ haiku đang được lan tỏa ra khắp mọi miền trên thế giới, nhưng haiku vẫn là haiku và luôn được bảo tồn.
Khi Nhật Bản bước vào thời kỳ hiện đại, các bộ thuật ngữ Saijiki cũng được biến đổi. Nếu trước kia, các thuật ngữ được phân loại dựa theo bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì nay đã thành năm mùa “Năm mới, Xuân, Hạ, Thu, Đông”. Nếu trước kia, bộ Saijiki chỉ là “Nihon Sakiji” (Tuế thời ký Nhật Bản), thì nay đã xuất hiện “Sekai Saijiki” (Tuế thời kỳ Thế giới). Tất nhiên thôi vì thơ haiku ngày nay đã được lan truyền rộng rãi hơn 70 quốc gia trong đó có Việt Nam.
Lật xem thử bộ Sekai Saijiki (Tuế thời kỳ Thế giới), thật ngỡ ngàng, khi những hình ảnh đời sống văn hóa của thế giới của các quốc gia từ Đông Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương, đến Trung Đông, châu Mỹ, Châu Âu…Tất cả đều được minh họa bằng các thuật ngữ của “kigo” (từ nói về mùa) phân chia theo các thể loại theo các mùa: thực vật, văn hóa, đời sống…và cụ thể hóa bằng những dòng thơ haiku nói về các quốc gia đó. Đúng là thơ haiku đã được “Quốc tế hóa”.
Trong bộ “Sekai Dai Saijiki – Đại Tuế Thời ký Thế giới” đã bắt gặp những bài thơ haiku của các nhà thơ haiku Nhật Bản viết về Việt Nam. Đây là những bài thơ có thể là ký ức, hoài niệm về một thời đã từng đặt chân hoặc từng được biết đến Việt Nam. Đọc đi đọc lại, kìa là thành phố Hồ Chí Minh dưới những cơn mưa dông cùng hình ảnh thiếu nữ áo dài với chiếc nón lá, Huế yên bình bên cầu Nhật Bản, lễ hội bên bờ hồ Hà Nội, và hình ảnh miền quê thân thương của cánh đồng cỏ, vi vu gió tại các tỉnh miền Nam như Tây Ninh, Mỹ Tho, Vĩnh Long…
スコールに自転車洗ふ街の子ら[6] (Takahashi Kenichi)
Cơn mưa dông
lũ trẻ
rửa xe đạp
(Quỳnh Như dịch)
Rõ là hình ảnh của thiên nhiên, của đời sống văn hóa quen thuộc của thành phố Hồ Chí Minh vào mùa mưa được các tác giả khắc họa thật là sinh động. Các thi sĩ thơ haiku người Nhật thật tinh tế khi đã làm giàu Bộ Bách khoa toàn thư Saijiki của họ bằng những thuật ngữ kigo (quý ngữ) mới bằng hình ảnh của một nơi vượt ngoài biên giới.
Nhưng chỉ một số ít bài thơ haiku để nói về quý ngữ của Việt Nam từ Nam chí Bắc như thế quả là quá khiêm tốn. Cũng không lạ, bởi bộ sách được xuất bản năm 1995, khi ấy thơ haiku Việt chưa nở rộ như ngày nay. Nhưng điều đó không thể cho rằng thế giới thiên nhiên, văn hóa đời sống truyền thống của người Việt cũng chỉ gói gọn trong một ít bài thơ haiku như thế.
Thơ haiku Việt đã trải qua chặng đường khoảng hơn 10 năm kể từ khi cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật – Việt lần đầu tiên được tổ chức vào hè năm 2007. Từ những bước đi bỡ ngỡ ban đầu, chưa quen thuộc với các quy luật, nguyên tắc… nay thơ haiku đã nở rộ khắp mọi miền đất nước. Nên chăng, thơ haiku Việt cũng cần xây dựng bộ chuẩn Tuế thời ký Saijiki Việt. Nhờ có Saijiki Việt, các nhà thơ haiku Việt sẽ có thêm nguồn tư liệu thuật ngữ để làm giàu đề tài sáng tác.
Và biết đâu, đến một lúc nào đó, các nhà thơ haiku Nhật phải vay mượn các thuật ngữ quý ngữ Việt để sáng tác thơ haiku Nhật từ chính bộ Saijiki Việt. Bởi khi đó, Saijiki Việt sẽ trở thành nguồn tài liệu quý báu cho các thi sĩ haiku Nhật tham khảo vô vàn những tinh túy về đời sống văn hóa từ truyền thống đến hiện đại của Việt Nam qua những từ khóa, quý ngữ được minh họa bằng chính những bài thơ haiku Việt của thi sĩ Việt.
Mưa Rước Cá[7]
Mãi rơi trên cánh đồng
Biệt tăm bóng cá
(Hồ Trường)
Giải ba Cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật – Việt lần 3 năm 2011[8]
Chuồn chuồn kim
Kết đôi trên cánh đồng
Lúa trĩu bông
(Nguyễn Xuân Tấn, Đồng Nai)
Giải nhì Cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật – Việt lần 5 năm 2015[9]
Chuồn chuồn kim là hình ảnh quen thuộc trong đời sống và của nền nông nghiệp Việt Nam, mà ngay từ thuở nhỏ chắc hẳn ai cũng nhớ đến. ÂÂÂ “Chuồn chuồn kim kết đôi trên cánh đồng trĩu hạt phải chăng còn là thể hiện niềm tin có tính phồn thực giáo từ ngàn xưa của cư dân trồng lúa nước của cư dân chúng ta?”[10]
Khi tham gia sáng tác thơ haiku tại Nhật, đã thử đóng góp bằng một bài thơ nói về những cánh hoa phượng khô được ép vào từng trang nhật ký thưở học trò.
火炎樹を飽きずに拾い押し花に (Quỳnh Như)
kaenju wo / akizu ni hiroi / oshi hana ni
Chùm phượng vĩ
lượm ép mãi không thôi
những cánh hoa
(Quỳnh Như dịch)
Bài thơ sau đó được tờ báo “The Kumano Shimpun” đánh giá “Với những đặc trưng gắn với đời sống mùa hè, Phượng vĩ có thể trở thành một quý ngữ của thơ haiku Việt lắm chứ. Vì thế những bài thơ haiku về Phượng vĩ hoàn toàn có khả năng trở thành bài thơ haiku sáng giá”. [11]
Với tham vọng đó, ao ước sao về một hành trình mới nghiên cứu thơ haiku: đi tìm Saijiki Việt (Tuế Thời ký Thơ haiku Việt). Và cũng chính nhờ từ tuyển tập các bài thơ haiku dự thi các Cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật – Việt, từ các tuyển tập thơ haiku của các nhà sáng tác thơ haiku Việt có thể xây dựng được Bộ Saijiki Việt này chứ. Được chứ tại sao không!
[1] Yamashita Kazumi (1998), 『俳句への招待』 (Xin mời đến với thơ haiku), Shogakukan, Japan, tr.15.
[2] Fuji Kunihito (1998), 「俳句の授業・俳句の技法ÂÂÂ どう教え どう作るか」 (Giờ dạy thơ haiku – thi pháp thơ haiku – cách dạy và cách làm thơ), Meiji Tosho Co, Japan, tr.201.
[3] Yamamoto Kenkichi (2016), 「ことばの歳時記 」 (Từ vựng của Saijiki), NXB Kadokawa, tr312.
[4] Yamamoto Kenkichi (2016), 「ことばの歳時記 」 (Từ vựng của Saijiki), NXB Kadokawa, tr.318.
[5] 「草樹」 Tạp chí Soju”, Số 70 tháng 6 năm 2017, tr.60.
[6] Kaneko Tota (Chủ biên)「世界大歳時記」(Sekai Dai Saijiki – Đại Tuế Thời ký Thế giới, NXB Kadokawa Shoten, Năm 1995, tr. 273)
[7] Tên gọi những cơn mưa cuối mùa ở miền Nam, thường gọi Tiết Mang Chủng, tháng 10 âm lịch, cũng là lúc cá trên đồng tìm đường ra sông. (Kỷ yếu Cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật – Việt lần thứ 3 năm 2011, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, tr.17).
[8] Giải ba Cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật – Việt lần 3 năm 2011.
[9] Kỷ yếu Cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật – Việt lần thứ 3 năm 2011, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, tr.44
[10] Đoàn Lê Giang 「Kỷ yếu Cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật – Việt lần thứ 3 năm 2011」, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, tr.45
[11] Sugiura Keisuke, Báo Kumano Shimpun, ngày 14/5/2017, tr.3
* Nguyễn Vũ Quỳnh Như, TS. Khoa Nhật Bản học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.