Tứ khúc III- Nguyễn Thánh Ngã

alt

alt

1.Nguyễn Thị Kim

Bầy ong rời tổ

trăm lỗ hổng

khoảng lặng

Bài thơ diễn tả tấu khúc của chiếc phong cầm. Âm vang như tiếng đập cánh của bầy ong rời tổ. Nhịp điệu dập dồn, rồi đột ngột im vắng. Mỗi sát-na im vắng, tạo ra một lỗ hổng ghê gớm!

Và hàng trăm lỗ hổng ghê gớm đó, bày ra từng số phận. Mỗi con ong lớn lên, mang đi một số phận trên đôi cánh của mình. Ôi, mỗi cái lỗ hổng của thời gian, của vũ trụ không ghê gớm bằng cái lỗ hổng của đời người. Nhà thơ, Haijin Nguyễn Thị Kim với “cái nghe” bất tuyệt, đã ghi lại được một khoảng lặng “vỡ tổ” của bầy ong, chính là khoảng lặng trong tâm hồn, sau khi đã ồn ào, đã tất bật vì miếng cơm manh áo…

Tác giả đã dùng thủ pháp ẩn dụ, và tính đặc trưng “khoảng không” trong thơ haiku, khiến cho độc giả đọc được cảm xúc của những “khoảng lặng”, chuyển động thành tĩnh, chuyển thanh thành vô thanh…

Với tính thẩm mỹ cao như vậy, bài thơ đem đến cho người thưởng ngoạn một siêu cảm hiện đại về thế giới chung quanh…


2.Nguyễn Văn Kiên

Một cánh chim

sa vào tầm mắt

chia đôi trăng rằm

Có những bức họa, người xem phải động não mới hiểu được phần nào ý tưởng của tác giả. Lại có những bức họa chưa xem, cảnh đã đập vào mắt. Đó là bức họa bằng thơ haiku của Haijin Nguyễn Văn Kiên.

Bầu trời như một màn hình lớn, cánh chim ngày càng được phóng đại. Nó như mũi tên vút lên, lao vào tâm điểm. Cuối cùng, là xẻ một đường bay ngoạn mục…

Thi ảnh diễn đạt xuất sắc, gây nhiều cảm xúc trong kỹ thuật điện ảnh, lại tạo ra hiệu ứng độc đáo trong thơ haiku, biến cái vô hình thành cái hữu hình:“chia đôi trăng rằm”...

Chợt nhớ Nguyễn Du viết:

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi/

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”…

Một “vầng trăng ai xẻ làm đôi” đầy tâm sự, một vầng trăng chia đôi bởi cánh chim là một bất ngờ trong vạn cái bất ngờ…

Haiku chính là nắm bắt cái bất ngờ ấy, trong khoảnh khắc thực tại, đến độ tuyệt diệu là tài hoa của tác giả…


3.Kiều Lam

Nước mắt nhân loại

không tưới tắt

ngọn lửa

Trong tiếng Việt, bất cứ thể loại thơ nào thì cách dùng vần bằng trắc đều có chủ ý. Vần bằng để diễn tả sự dịu dàng, vần trắc đặc tả sự khúc mắc. Ví dụ trong bài Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng viết:“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm…”, người đọc sẽ nhận ra ngay sự khó nhọc khi leo lên con dốc này…

Nhà thơ Kiều Lam cũng vậy, bài haiku trên đây sử dụng “toàn trắc” là có chủ ý. Cả nhân loại mà khóc, thì có thể “trôi” quả đất ra khỏi quỹ đạo. Mãnh liệt như thế, mà không “tưới tắt” được ngọn lửa, thì lửa này không phải lửa thường rồi!

Đây có phải là lửa Hỏa Diệm Sơn trong Tây Du Ký, mà Tề Thiên Đại Thánh phải đi mượn quạt Ba Tiêu của Thiết Phiến Công chúa không?

Vâng, chính là ngọn lửa ấy, lửa của lòng thù hận!

Từ khai thiên lập địa, ngọn lửa này chưa bao giờ tắt hẳn. Nó âm ỉ cháy qua bao triều đại, gặp cơ hội ngọn lửa lại bùng lên thiêu đốt nhân loại trong những cuộc chiến đẫm máu. Đệ nhất, đệ nhị thế chiến, là một bằng chứng đau xót cho ngọn lửa này. Đức Phật đã dạy “tham sân si” là ba chất độc, kích hoạt ngọn lửa lòng người.

Một thông điệp lớn chỉ có chín từ trong bài thơ nhỏ, như giọt nước mắt, khóc cho nỗi đau không tắt ấy.

Và sẽ không bao giờ tắt, nếu con người không tỉnh ngộ…


4.Phùng Gia Viên

Đêm

vỡ vụn

một tiếng rao

Bài thơ nhỏ mà chứa tấm lòng rộng lớn, tấm lòng dành cho những mảnh đời thấp bé, cơ cực. Một tiếng rao ở sau cuối, nhưng lại vang lên trước nhất trong bài thơ, tiếng rao ấy khiến cho đêm vỡ vụn vì một mãnh lực ghê gớm: mãnh lực đem lại sự sống!

Tiếng rao ấy xuyên cả màn đêm, xuyên thấu trái tim những con người có lòng nhân ái bao la.

Nhà thơ, Haijin Phùng Gia Viên đã gọi đúng niềm xúc động của haiku là truyền cảm. Vì nếu thơ haiku không truyền cảm, thì đích thị là bài haiku dở. Dở và hay chỉ cách một lằn ranh của tài năng, cho nên viết ít mà không thiếu, viết nhiều mà không dư, mới là cái tài của người làm thơ. Thơ haiku Việt trong lúc giao mùa, không thể tránh khỏi điều này. Tuy nhiên, chúng ta cần loại ra những thứ thơ làng nhàng, êm êm, đèm đẹp mà thiếu vắng chất thơ, thiếu vắng ngọn lửa và cảm xúc chân thực.

Quả thật, thơ haiku dễ làm khó hay. Nhưng với tài năng có thực, tác giả đã ghi được tiếng lòng của mình vào tác phẩm, và gợi được lòng trắc ẩn của người đọc về một tiếng rao…

Tiếng rao bé bỏng, vỡ vụn, mất hút trong đêm dài lạc phố…

SG tháng 5.2019

N.T.N

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt