1. Lê Đình Công
Sông trôi như rắn lượn
dòng cuốn
trăng đầy
Một bài thơ đầy hình tượng, vừa ác vừa đẹp. Ác vì dòng cuốn của nó như rắn lượn, có thể cuốn phăng tất cả theo dòng trôi của cơn lũ ống…
“Sông trôi như rắn lượn”, diễn tả thái độ bạo liệt của nó. Một dòng sông mà trôi như thế, ắt là mùa lũ đang về, phong ba bão táp nhất định kéo đến, phá hoại cuộc sống ấm no của người dân.
Có thể nói, tác giả đã tạo sự đột phá ngay dòng mở đầu, làm vỡ cái bình thường thành cái bất thường. Đó là khí tiết cực đoan của biến đổi khí hậu.
Con rắn trườn lên bờ thời gian, nuốt chửng tất cả…
Còn đây một đêm trăng đầy, ánh xạ lên từng vảy rắn, loang loáng chất ma quái, liêu trai…
Đẹp mà kinh dị!
Chưa phải là quỷ thi, nhưng chất của nó là dòng thơ đầy mỹ cảm rùng rợn. Một nghệ thuật cảnh báo về hiện tượng trên hành tinh chúng ta…
2. Lê Văn Truyền
Mẹ già trăm tuổi
trên giường bệnh hóa trẻ thơ
mỗi ngày con bón cháo
Bài thơ rung lên từng giai điệu, giai điệu của lo toan cộng hưởng niềm hạnh phúc, vì có một mẹ già trăm tuổi. Theo quan niệm Á Đông, tôi cho đây là hạnh phúc lớn lao của tác giả. Nhà thơ Lê Văn Truyền, từng viết những câu thơ da diết về mẹ, bài thơ này là một trong số ấy…
Như chúng ta thấy, ông được hạnh phúc nuôi mẹ trên giường bệnh, một chữ hiếu sáng chói trong đời. Nhớ xưa Hàn Bá Du bị mẹ đánh đòn, ông khóc to vì biết rằng mẹ đã già yếu, đánh đòn không còn đau như trước nữa. Ở đây, nhà thơ Lê Văn Truyền đã nhận ra bệnh mẹ đã hóa trẻ thơ, nghĩa là đến lúc gần đất xa trời rồi! Và trong cơn đau yếu, mẹ có thể vòi vĩnh, hờn giận như trẻ thơ, làm con hiểu được điều ấy, nuôi mẹ sẽ đầy trách nhiệm hơn, người con không cảm thấy mẹ là gánh nặng, mà chính là lúc báo hiếu cho ơn dưỡng dục của mẹ. Câu thơ:“trên giường bệnh hóa trẻ thơ”, như tiếng khóc thầm của người con hiếu thảo, thấy mẹ không còn bao lâu nữa sẽ rời bỏ thế gian…
Vì thế, mỗi ngày con bón cháo cho mẹ, như ngày xưa mẹ bón cho con. Từng chữ, từng chữ âu yếm dâng lên mẹ là niềm xúc động nhất của thơ…
Có lẽ, trong thơ haiku của tác giả, đây là bài thơ về chữ hiếu hay nhất, được nhiều người đồng cảm, và đất trời đồng cảm!
3. Mai Liên
Nắng chiều
Dáng núi
Dáng cha
Vỏn vẹn chỉ sáu từ đơn giản, đã vẽ nên hình tượng về người cha vĩ đại. Thơ haiku có lợi thế của sự kiệm từ, mà nhiều sức gợi; cái bao la chỉ nằm trong hạt cát, như tuổi cha nằm trong vạt nắng chiều…
Vậy thôi, nên dáng núi là hình dáng to lớn, nói lên công cha cao như núi kia, không thể nào sánh được.
Nó lại cong như dáng cha, đưa vai gánh vác sơn hà…
Công cha không phải nói nhiều mới hết, chỉ gói ghém mà trọn vẹn là tài hoa của nhà thơ, haijin Mai Liên. Tôi cho là người phải có công lực mới viết được sự trọn vẹn tỉnh táo, bản lĩnh.
Nhà thơ Mai Liên là một bản lĩnh của Haiku Việt. Chợt nghĩ, có nhiều người tham gia sáng tác thơ haiku, mấy ai có bản lĩnh hiểu thơ haiku là haiku, lục bát là lục bát, thơ ba câu là ba câu? Bởi người làm thơ nào cũng biết, và không thể chấp nhận “bẻ đôi” câu lục bát thành haiku được. Nó gượng ép và không thực…
Nói vậy để thấy, sự thâm nhập sâu vào thơ haiku của Mai Liên là rất đáng chú ý…
4. Nguyễn Hoàng Lâm
Vách đá
nhánh hoa
nhủ ta phải sống
Có những hoàn cảnh tệ hại, khiến ta chán sống, bởi mất niềm tin. Nhưng với ý thức phản tỉnh khiến ta phải giật mình nhìn lại. Bài haiku tuyệt bút của Haijin Nguyễn Hoàng Lâm, là một bài như thế. Thiên nhiên chứ không ai khác, đã tác động mạnh mẽ vào tâm hồn nhà thơ…
Nhìn thấy vách đá khô cứng kia, bỗng trổ một bông hoa tuyệt đẹp, người thơ nghe như lời nhắn nhủ thiết thân:”phải sống”!
Vâng, nơi không thể sống được mà loài hoa vẫn sống, vẫn dâng cho đời chút sắc hương. Vậy ta là gì, mà thua loài thực vật nhỏ bé?
Lời nhắn nhủ vô ngôn, mà sống động, như bức tranh treo trước mặt cuộc đời, không thể không nghe từ đó một lời tin yêu…
Chợt giật mình, thơ hay là thơ có sức cảm hóa và lan tỏa lớn lao…
N.T.N