(Trao đổi về bài viết “Chơi thơ” của nhà thơ Lý Viễn Giao)
Đọc bài viết “Chơi thơ” của nhà thơ, Haijin Lý Viễn Giao đăng trên Haiku Việt ngày 7 tháng 5 năm 2019, tôi cảm thấy đây là một câu chuyện rất thú vị. Ông đưa ra một quan niệm về thú chơi tao nhã của người xưa, và người nay, với lập luận vững chắc, có ý tứ sâu xa…
Đồng thời, ông sáng tác thơ để minh chứng cho lập luận của mình. Và cuối cùng, nhà thơ dạm hỏi:“có nên và có dám làm điều này không với thơ Haiku, xin còn chờ nơi nghĩ suy của bè bạn”. Nhà thơ luôn chí tình, và thấu đáo mọi nhẽ ở đời mới rào trước đón sau, rất coi trọng độc giả là bạn bè văn chương như vậy. Câu hỏi này của ông, khiến nhiều bạn văn đắn đo, suy nghĩ.
Trước hết, tôi nhận được tin nhắn của Nhà thơ Lão thành CT. Đinh Nhật Hạnh, Ngài hỏi rằng: “Nhà thơ ngẫm ngợi gì qua bài viết “Chơi thơ” của nhà thơ LVG vừa đăng trên Haiku Việt, xin trao đổi thỏa mái”. Vậy là cánh cửa “trao đổi” đã được mở ra… Nhờ vậy, tôi mạnh dạn viết vài lời thô thiển này, xin trao đổi để học hỏi là chính, cũng là gởi chút tâm huyết với thơ Haiku mà mình yêu quý bấy lâu nay.
Phải nói rằng, nhà thơ Lý Viễn Giao là một nhà giáo chân chính, nên những suy ngẫm của ông đều sâu sắc và có tính sư phạm rất cao. Không phải ngẫu nhiên, ông đưa ra bài “Chơi thơ” để thăm dò dư luận, ý tứ của ông luôn đau đáu bên lòng, là câu hỏi mà ông đã cùng tôi mạn đàm bên lề câu chuyện:“Thế nào là một bài Haiku đúng nghĩa?”. Bởi thật ra, chúng ta tham gia sáng tác Haiku, nhưng nếu hỏi thế nào là một bài haiku trọn vẹn, thì rất khó trả lời… Dĩ nhiên, cách trả lời không bao giờ là tất cả, cho nên câu hỏi trên vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngõ…
Tôi đồng ý với nhà thơ rằng có nhiều người đang dùng thơ Haiku “ngộ nhận” về thơ haiku. Có lẽ do lỗi của chúng ta chăng? Nhưng như chúng ta biết, đây là cái lỗi khách quan, mà chúng ta phải chờ đợi, và lịch sử thơ Haiku Việt sẽ giải đáp chính đáng một ngày không xa…
Nếu cho tôi được phép trả lời câu hỏi của nhà thơ Lý Viễn Giao, và gợi ý “nghĩ gì” của CT Đinh Nhật Hạnh, thì tôi có thể nói rằng tôi hoan nghênh mọi cách chơi tao nhã và nên thơ; và hoàn toàn đồng ý với nhà thơ rằng, có cách chơi thơ đó, mà không đồng ý gọi đó là thơ Haiku.
Thứ nhất, cách chơi của thơ Đường lắm công phu, tôi không dám bài bác, ai chơi thì cứ chơi, nhưng để có lời trao đổi cho vui, thì lời của tôi là cách chơi này đã không còn phù hợp với thời đại chúng ta. Thơ Đường gò bó về niêm luật, lại còn thêm thuận nghịch độc, thủ vĩ ngâm vv… Người chơi tha hồ trổ tài về trí thông minh, cái lắc léo ghép chữ, mà không làm nên được cái hồn của thơ. Do đó, chỉ khoe được cái tài, mà không có thơ hay thật sự!
Thứ hai, nhà thơ Lý Viễn Giao hỏi:“Thơ Haiku có thể chơi được chăng?” Và ông trả lời giùm chúng ta là có. Tôi cũng nói có, được chứ sao không? Tuy nhiên, được thì được đấy, nhưng cũng có cái mất! Ở đây, cái “sự được” không quan trọng bằng cái “sự mất”. Cái “mất” mới đáng tiếc hơn…
– Được những gì? Cái được rất to lớn, là có thể kết nối bạn thơ, học hỏi nhiều cách chơi hơn nữa, cũng là rèn luyện thêm nhiều kỹ thuật thơ, làm mới cuộc chơi thêm phần thú vị vv…
– Mất những gì? Xin thưa, chỉ có một cái mất ghê gớm là thơ haiku qua cách chơi như trên, nó đã không còn là thể thơ được mệnh danh là ngắn nhất thế giới nữa!
Nếu vậy, thì chúng ta cần gì phải dùng haiku thành từng chùm, đặt tên đề, và tạo ra liên khúc cho nó rắc rối. Chúng ta có thể dùng các loại thơ tự do, thơ Đường, hoặc lục bát kéo dài đến bao nhiêu cũng được, khỏi phải mang tiếng làm mất thơ haiku?!
Việc thơ haiku không dùng quý ngữ, có vần điệu, có tính từ xuất hiện là việc của hội nhập thế giới. Quý ngữ là vấn đề lớn, đang còn tranh luận giữa phái bảo thủ và phái tự do. Dù vài vấn đề trên có xảy ra, không đúng với haiku Nhật nguyên chất, nhưng nó vẫn giữ được bản sắc, và quan trọng hơn là cái khác biệt lớn nhất với mọi thể thơ trên thế giới là “ngắn nhất thế giới”!
Bởi vậy, nếu ai làm cho nó không còn ngắn nhất như nó vốn có, thì không còn được gọi với cái tên mỹ miều:“thơ haiku” nữa…
Còn việc đặt tiêu đề cho chùm thơ, tôi nghĩ là không nên, vì thơ haiku có tính độc lập rất cao, hầu như toàn triệt. Mỗi bài tự mang một số phận khác nhau, không hề liên quan đến bài khác. Cho nên, ai thích chơi thì cứ chơi, không nên vì cuộc chơi của riêng mình, mà làm mất đi một thể thơ độc đáo!
Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, nói về thơ haiku thì không bao giờ có khái niệm “chùm thơ cùng một chủ đề”. Nhiều bài thơ haiku đánh số từ 1, 2, 3… đổ lên, thì gọi là một chùm, bởi thơ haiku là hoàn toàn độc lập và kiệm lời!
Nói nhiều thì không phải là thơ haiku rồi! Mỗi bài thơ tự có hương vị riêng của nó, việc “một chùm có ý trọn vẹn” là thể thơ khác chứ không phải haiku!
Hãy cùng nhau khẳng định một thể thơ độc đáo, có một không hai trên toàn cầu, chứ đừng biến nó thành cách “chơi” cho những khách chơi!
Những bài thơ haiku của nhà thơ Lý Viễn Giao, sáng tác để dẫn chứng là rất hay. Tôi rất thích vài bài ấy, nhưng quả thật, đọc kỹ thì chúng vẫn không hề có “máu mủ” gì với “chùm” hay “liên khúc” cả. Chúng vẫn là những bài thơ độc lập, tự chủ trong mọi cảm xúc, nếu có quan hệ chăng, là cùng một tác giả mà thôi.
Xin có một vài lời “mua vui” thô thiển, kính mong được sự chỉ dạy của các bậc cao nhân. Nếu tôi có lời gì sơ suất, kính xin được tha thứ. Và tôi hiểu, đây là cách gợi ý rất cao siêu của nhà thơ Lý Viễn Giao, để làm rộ lên sự tranh luận bổ ích cho một nền Haiku Việt còn đang chập chững. Thật ra, chúng ta tranh luận (tranh luận có văn hóa) là để học hỏi các bậc cao nhân, tranh luận để hầu giải đáp một phần nhỏ các vấn đề mà bấy lâu nay còn thắc mắc, tranh luận để khuấy động Haiku Việt thêm sôi nổi, và gọi mời các hội viên mới tham gia, làm giàu cho sáng tác của chúng ta.
Và công việc thầm lặng của chúng ta là sáng tác! Hãy sáng tác những bài haiku hay, như con tằm nhả những đường tơ lành lặn và đẹp đẽ nhất để may chiếc áo thơ sang trọng (và nếu được để đời), là ước muốn chung, và thực tế nhất của tát cả chúng ta.
SG tháng 5.2019
N.T.N