Hình như trong đời sống văn hóa xã hội Nhật Bản người ta trọng Đạo hơn là Tình. Võ sĩ đạo với những samurai chứ không phải là:
“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung”
(Chinh phụ ngâm – Đoàn Thị Điểm)
Và Trà đạo với tiêu chí Hòa, Kính, Thanh, Tịch chứ không là:
“Mành tương phất phất gió đàn
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Hay:
“Nồi cơm nấu dở bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau”
(Bao giờ trở lại – Hoàng Trung Thông)
Người Việt Nam trọng tình nên khi làm thơ haiku đã mang cái tình ấy từ ca dao dân ca, từ các thể loại thơ khác và cuộc sống thường nhật vào như một lẽ đương nhiên. Ấy là tình yêu cuộc sống, yêu con người và thiên nhiên. Trong mọi thứ tình thì tình yêu lứa đôi, khi nói đến bao giờ cũng đau đáu hơn, da diết hơn cả.
Chỉ mới gặp nhau lần đầu thôi, mà lại gặp ở chốn tôn nghiêm thiền tự. Chỉ một nụ cười bẽn lẽn thôi, có là gì đâu mà đã vận vào mình mối lương duyên cho cả cuộc đời:
Vãn cảnh chùa
gặp nụ cười bẽn lẽn
ngỡ duyên bén trăm năm
(Cao Ngọc Thắng)
Hơi bị ngộ nhận đấy nhưng biết làm sao khi mà niềm yêu đã nổ bùng như một phản ứng nhiệt hạch. Còn như mối tình đầu này thì lời tỏ tình lại long lanh êm đềm biết nhường nào:
Giếng nước đầu làng
lời tỏ tình
trong veo
(Lục Đình Thìn)
Đọc phiến khúc sau của Phan Vũ Khánh tự nhiên ta nhớ đến hình ảnh một đôi chim lạ trong rừng xanh với anh chàng đẹp mã mang đến cho nàng món quà ưa thích rồi cùng nhau chuyền cành, đuổi bắt, trao nhau hơi thở trên tàng cây nhuộm vàng nắng sớm:
Núp cây rơm
chia thơm củ ấu
nụ hôn đầu
Cuộc tình này có lẽ hơi non trẻ nhưng rất dung dị, tươi tắn, diễn ra với cây rơm củ ấu ở một làng xanh yên bình đến là yêu. Trong những biểu hiện yêu đương, có lẽ ánh mắt là phương tiện giao tình nhẹ nhàng, tế nhị và đằm thắm nhất. Chỉ từ một khóe mắt đắm đuối mà nó là trời xanh cho chim sải cánh ngày xuân chao liệng, là biển biếc cho cánh buồm tình yêu giong khơi hay là tia chớp lửa thiêu cháy trái tim nồng nàn yêu.
Mắt em xanh
lăn dài giọt lệ
thăm thẳm chiều xuân
(Lục Đình Thìn)
Hay:
Nắng xuân lung linh
ánh mắt em cười
tôi lạc giữa trời mơ
(Vũ Tam Huề)
Người Việt Nam chúng ta tự hào về nét đẹp văn hóa hội hè. Trong những ngày ấy, người trẩy hội thỏa lòng khát khao nhiều bề. Được tôn vinh truyền thống, được thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên, nghệ thuật và được mở lòng với nhau bằng lời ca, bằng ánh mắt. Nhưng ẩn sâu trong tất cả vẫn là tình lứa đôi:
Câu quan họ chòng chành
mắt liền chị lúng liếng
lòng người chông chênh
(Lê Văn Truyền)
Chẳng phải chỉ với các lễ hội truyền thống mà cả những ngày lễ mới nhập từ bên ngoài cũng thế thôi:
Mười bốn tháng Hai
nhịp tim rộn rã
mắt nai chờ!
(Kiều Lam)
Ca dao xưa chẳng đã từng khẳng định “yêu nhau củ ấu cũng tròn” hay “yêu nhau yêu cả nết đi” đó sao. Đó là “quy luật” của tình yêu rồi chẳng bao giờ thay đổi đâu. Khi đã yêu, chỉ một nét cười cũng đủ sưởi ấm con tim ngày đông giá:
Trời buốt lạnh
nét cười nhí nhảnh
bếp hồng trong tim
(Vân Đình)
Chỉ một thoáng dáng dung dị của người mình yêu cũng đủ lòng say ngây ngất:
Gió chiều hương say
lụa châu óng ả
nương đầy bóng em
(Phùng Gia Viên)
Vậy nên có nói quá lên như người xưa rằng cái nhìn của người yêu đẹp có thể làm nghiêng thành, nghiêng nước cũng chẳng lấy gì làm ngoa ngoắt lắm (Nhất cố ngưỡng khuynh thành, tái cố ngưỡng khuynh quốc).
Tình cảm lứa đôi trong cuộc chia ly khó có bút nào nói được hết. Nó day dứt đến độ, nó tan hoang tột cùng. Chỉ có thể mượn một hình ảnh tự nhiên để cài vào cho mặc sức mường tượng mà thôi:
Ngày em đi
nâng ly
uống sóng
(Lý Viễn Giao)
Hay thế này:
Trời tháng Năm mưa đám
em đã về phố biển chiều nay
mây cô đơn lặng lẽ
(Sơn Thủy – Đất Cảng)
Khi mà cuộc chia ly là ly biệt thì nỗi day dứt sẽ trở nên khôn nguôi:
Người ấy sang ngang
bến nước cuối làng
chênh chao sóng mãi
(Lý Viễn Giao)
Tình yêu lứa đôi của con người trong nhiều trường hợp đã được khéo léo nhân cách hóa cho sự vật. Khi ấy, sự ầm ào được làm mềm đi một cách tế nhị nhưng vẫn không ảnh hưởng đến độ thẩm của người thưởng thức thơ:
Biển kéo tấm chăn sao
đắp lên mặt đất
thủy triều dâng cao
(Mai Liên)
Hay:
Đêm valentine
lũ mèo
chẳng ngồi yên
(Nguyễn Hoàng Lâm)
Tình yêu là thứ kỳ diệu nhất trong đời sống tình cảm con người. Có những cuộc tình bởi nhiều yếu tố bất thuận mà không kết trái. Lại có cuộc tình tự nó cắp nón ra đi. Vết đau trong lòng đã kết sẹo, vậy mà trong một lúc ngẫu cảm nó lại hiện về mồn một gọi thức nhớ nhung:
Ngõ sâu
ti-gôn nở thắm
tình yêu xưa
(Thanh Vân)
Ai mà biết được Lão haijin Đinh Nhật Hạnh đã chín mươi cái xuân xanh trọn vẫn ấp ủ những giấc mơ trẻ trung, xanh mướt như thế này:
Giấc mơ xuân
nhúng nhẳng
cứ đeo đẳng nhau hoài
Có phải trong sâu thẳm lòng ông vẫn có một mầm yêu, một ngọn lửa yêu mơn mởn, lung liêng?
Thế đấy, cây Haiku đang bầm rễ sâu uống nước nguồn trên đất Việt đã nở rộ hoa. Hoa suốt bốn mùa và lựng ngát. Hoa mang hương sắc Việt. Ta vừa ngắt vài dăm đóa trong ngàn ngàn bông để thưởng thức hương thơm tình yêu đôi lứa, để tự hào về vườn hoa của mình.
L. V. G