Thơ Haiku Việt sáng tác cho thiếu nhi- Vũ Tam Huề

alt

Tại nước ta hiện nay đang có những triển khai bước đầu nhằm đưa việc dạy thơ Haiku Việt tại các trường tiểu học, cổ động cho trào lưu cảm thụ và sáng tác thơ Haiku Việt của các em học sinh. Để đóng góp cho việc giáo dục thẩm mỹ thi ca này, tác giả bài viết đã sáng tác Khúc Đồng Dao theo thể thơ Haiku Việt và cũng theo chủ đề thiên nhiên Xuân – Hạ – Thu – Đông ở nước ta. Sách thơ đang được NXB Kim Đồng in ấn và phát hành trong tương lai. Tác giả cuốn thơ nhỏ bé này xin trích dẫn một phần của cuốn Khúc Đồng Dao (8 trong số 20 bài thơ) để gửi đăng trong cuốn kỷ yếu của CLB Haiku Hà Nội. Rất mong được tiếp nhận của các độc giả yêu mến thơ Haiku Việt và yêu mến tuổi thơ.

alt

Con cóc chơi xuân

gặp đóa lan rừng

ngỡ là cánh bướm

Các cháu ơi! Chú biết chắc rằng nhiều bạn nhỏ ở thành phố chưa bao giờ nhìn tận mắt thấy con cóc. Còn các bạn ở quê chắc chắn phải biết rõ về loài vật nhỏ bé này. Ở quê nhiều cóc lắm. Cóc ở vườn, ở bờ ao, gốc cây và cóc chui cả vào trong nhà tranh vách nứa… Hình dáng cóc chẳng ưa nhìn, nhưng cóc là loài vật rất có ích cho nhà nông. Cóc ăn những loài sâu bọ làm hại lúa và hoa màu, góp phần bảo vệ đồng ruộng mùa màng. Con cóc trong bài thơ này cũng dạo chơi xuân đấy. Có điều đôi mắt của cóc kém lắm, lại không… đeo kính nên nhìn gà hóa cáo, nhìn đóa hoa ra cánh bướm. Chút nữa nhảy chồm tới… để đớp mồi! Buồn cười quá phải không… hi hi hi…

Chiếc kén ngủ đông

một sớm xuân hồng

hóa thành cánh bướm

Một sớm mùa xuân ấm áp, trên cành cây, một cái kén nhỏ đã ngủ suốt mùa đông lạnh giá. Đố các cháu biết trong kén có cái gì nào? Có con nhộng ạ! Đúng rồi! Thế con nhộng sinh ra từ đâu nào? Con nhộng là do con sâu biến thành đấy. Con sâu ăn lá cây, lớn rất nhanh, rồi nhả tơ làm kén. Trong cái kén sâu hóa thành nhộng, rồi tới ngày nhộng hóa thành bướm, thoát khỏi cái kén, bay khắp nơi hút nhụy hoa. Ngạc nhiên chưa! Bướm đẻ trứng, trứng nở ra sâu, sâu hóa nhộng rồi nhộng hóa bướm. Cứ thế đời này qua đời khác… Đó là vòng đời của loài bướm đó. Thật tuyệt vời phải không các cháu?

Quả nhót chín hồng

như chiếc đèn lồng

đón chào mùa hạ

Vào đầu mùa hạ là mùa nhót chín. Quả nhót to cỡ ngón tay cái của người lớn, hình bầu dục, còn non thì xanh lúc chín đỏ hồng. Nhót chín treo lúc lỉu trong tán lá xanh, bởi vậy tác giả bài thơ ví nó như chiếc đèn lồng nhỏ xíu chào mừng mùa hạ đã sang. Đặc biệt bên ngoài quả nhót có một lớp phấn trắng. Muốn ăn nhót ta phải loại bỏ phấn bằng cách xát nhẹ nhót vào tay áo. Xong rồi bóp nhẹ cho nhót thật mềm. Sau đó nhớ rửa lại cho sạch rồi mới ăn đấy! Nhót có vị chua chua ngọt ngọt, chấm với chút muối ớt, ngon ơi là ngon! Nhót là loại trái cây mà em bé nào cũng thích nhé! Nhưng coi chừng… ăn nhiều đồ chua bị sún răng đó!

Kiến nối đuôi nhau

bò lên ngọn cau

dưới vầng trăng tán

Ông bà ta từ xa xưa đã có câu “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”. Còn bài thơ nhỏ này tả cảnh một bầy kiến đang cùng nhau bò lên ngọn cau dưới ánh trăng tán (trăng mờ, không thành quầng sáng). Chúng đang chuyển nhà chạy mưa gió và lũ lụt đó. Vì sao loài kiến biết sắp có mưa to, lụt lội vậy? Đó là nhờ khả năng đặc biệt của loài côn trùng này. Một số động vật khác cũng như kiến có thể dự đoán nắng mưa, bão lũ, động đất và sóng thần… Thật ngạc nhiên và đáng khâm phục! Đừng có coi thường loài vật bé nhỏ như kiến nhé!

Chót vót ngọn tre

tiếng chim chích chòe

gọi em tới lớp

Tác giả làm bài thơ này nhớ lại thuở nhỏ, khi còn là chú bé quê, ngày đầu cắp sách tới trường. Bữa đó sáng sớm đã nghe tiếng chòe… chòe… chòe lảnh lót trên không. Ngước nhìn lên đã thấy con chích chòe đậu vắt vẻo ngọn tre đầu ngõ và hót vang khắp xóm.

Các bà, các mẹ thường kể rằng, kiếp trước của chim chích chòe là một anh học trò trường làng. Những vệt lông trắng trên cánh chim là sách học của anh ta đấy. Hèn chi, chích chòe thích dậy thật sớm, hót vang xóm làng, đánh thức lũ trẻ vùng quê, mau thức dậy, cắp sách tới trường….

Chúng em múa lân

kìa mặt ông Địa

tươi như trăng rằm

Trong mùa thu có cái Tết của tuổi thơ, còn gọi là Tết trăng rằm tháng 8 hay Tết trung thu. Không một trẻ em nào không yêu thích Tết trung thu vì được họp bạn, vui chơi ca hát, bầy cỗ trông trăng, rước đèn ông sao. Tuyệt vời nhất là được hòa mình vào những đám múa rồng, múa lân rộn rã với tiếng trống, tiếng chiêng náo nức, với muôn ánh đèn màu rực rỡ…

Các cháu ngó lên trời cao nhé. Có mặt trăng sáng tròn vành vạnh. Còn nhìn quanh đám rước đèn múa lân sẽ thấy có ông Địa mặt tròn sáng loáng chẳng khác gì mặt trăng… Vui quá là vui nè!

Ổ rơm thật ấm

bếp lửa thêm hồng

đêm đông cổ tích

Thuở xưa, ở vùng quê nước mình còn nghèo, về mùa đông người ta thường trải ổ rơm để ngủ cho ấm. Hồi còn nhỏ chú cũng đã từng được nằm ngủ ổ rơm. Nằm ổ rơm cũng thú vị lắm, như con nhộng cuộn mình trong cái kén. Rơm vàng tươi như tơ tằm. Rơm còn rất thơm nữa, mùi thơm của lúa chín. Rơm cũng ấm lắm nhé! Đêm đông, nằm trong ổ rơm, bên bếp lửa hồng, quây quần bầy trẻ nhỏ, nghe bà, nghe mẹ kể chuyện ngày xửa… ngày xưa… thì không có gì ấm cúng và thú vị cho bằng…

Chú rất nhớ tiếc chiếc ổ rơm thời thơ ấu của mình, nhưng giờ đây biết tìm ở đâu?… Cha… cha… tiếc quá là tiếc…

Nắng hanh mùa đông

hoa cải vàng đồng

lũ bướm trẩy hội

Mùa đông thường mưa phùn gió bấc và giá rét, nhưng cũng có những ngày hanh khô với nắng vàng như tơ. Đó là mùa hoa cải nở. Cánh đồng trồng rau cải rộng thênh thang, hoa cải nở vàng rực rỡ. Chẳng biết nắng vàng hay hoa cải vàng hơn, chỉ thấy một sắc vàng ong óng, nhìn lâu hoa cả mắt đấy nhé!… Hương hoa cải rất ngọt, bay thật xa, quyến gọi về từng bầy bươm bướm màu sắc sặc sỡ, rợp rờn bay, trông thật là đẹp mắt. Bướm họp bầy trên đồng hoa cải để hút mật hoa, phấn hoa, đông vui như người ta rủ nhau đi trẩy hội mùa xuân vậy.

VTH

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt