Thể thơ Haiku của Nhật Bản đã du nhập vào nước ta, số người làm thơ Haiku (người Nhật gọi là các Haijin) ngày càng nhiều. Nhiều tập thơ Haiku bằng tiếng Việt đã được xuất bản, và đã có các Câu lạc bộ thơ Haiku được thành lập ở Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh để liên kết các Haijin Việt. Trong quá trình ấy, các tài liệu viết hoặc dịch để giới thiệu về thể thơ này ngày càng phong phú hơn.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu một “quan niệm” hoặc một “nhận định” về thi pháp hoặc cách cấu trúc các tứ thơ Haiku. Tất nhiên cấu trúc tứ thơ Haiku rất đa dạng, không thể đơn giản hóa và nói võ đoán về nó được. Đây chỉ là một bước trên đường đi tìm đặc điểm cấu tứ của thơ Haiku, nhằm cung cấp các nhận xét ban đầu cho các Haijin Việt để chinh phục thể thơ này và đưa nó phục vụ cho tâm hồn Việt. Cách làm này đã được các nhà Nho và nhà thơ Việt sử dụng từ lâu khi họ chinh phục và sử dụng các thể thơ Đường, thơ Hán, thơ cổ phong…Về sau, các nhà Tây học và các thi sĩ thời Thơ Mới cũng đã phải làm như vậy với các thể thơ đến từ Phương Tây.
Thi pháp cấu tứ hoặc nói đơn giản hơn là cách sử dụng các ý thơ trong thơ Haiku liên quan nhiều với các hình ảnh. Nói đến tứ thơ Haiku là nói đến các hình ảnh và các ý thơ được đặt cạnh nhau. Có thể nói rằng làm thơ Haiku là chọn các hình ảnh , các sự kiện, các tứ thơ rồi đặt chúng cạnh nhau. Mối quan hệ giữa các hình ảnh tự nó tạo nên ý thơ hoặc nhờ một cách “kết dính/ liên hệ” nào đó, ta sẽ tìm hiểu sau. Bài này cũng không đề cập đến đặc điểm các hình ảnh đặc trưng của Haiku ( Thơ Haikư cổ điển thường nói về thiên nhiên và mùa, các sự vật và sinh vật nhỏ nhoi, xu hướng Thiền…Thơ Haikư hiện đại đề cập đa dạng mọi vấn đề của đời sống nhân sinh)
Sử dụng hình ảnh đâu phải là cách làm riêng của thơ Haiku, thậm chí có thể khái quát hóa mà không sợ sai rằng làm thơ là “ tức cảnh sinh tình” hoặc dùng hình ảnh để nói về tình cảm hoặc sự vật. Thơ Đường, thơ lục bát, thơ mới, thơ trẻ… đều làm thế cả. Vậy đâu là đặc điểm trong việc sử dụng hình ảnh của thơ Haiku?
Các thể thơ khác có thể không dùng hoặc dùng một hình ảnh hoặc nhiều hình ảnh, có thể đặt chúng độc lập hoặc cạnh nhau, có quan hệ hoặc không có quan hệ gì cả, trong thời gian dài hay ngắn. Hình ảnh đó thường được tác giả bình luận hoặc tạo mối quan hệ theo ý mình, thườngÂÂ kèm việc sử dụng tính từ, trạng từ hoặc các hư từ khác để làm rõ thêm ( các loại từ này được dùng phổ biến trong thơ trữ tình). Hình ảnh chỉ là một trong các cấu trúc của tứ thơ, lẫn lộn trong các kiểu cấu tứ khác và có khi cấu tứ kiểu hình ảnh không có vai trò chủ đạo (thí dụ trong thơ trí tuệ của Chế Lan Viên có nhiều tư tưởng/ quan điểm, trong thơ trữ tình của Xuân Diệu có nhiều cảm xúc/ tình cảm…)
Còn đối với thơ Haiku, hình ảnh là tứ thơ cốt lõi, nổi bật và có khi duy nhất ( chỉ có các hình ảnh đặt kề nhau) và diễn ra trong khoảnh khắc.
Đặc điểm này được chỉ ra rất rõ ràng trong nhiều giới thiệu ngắn gọn hoặc “ định nghĩa” về thơ Haiku :
-Viện Hàn lâm các nhà thơ Mỹ – (POETS.org) nói :
“…Thơ Haiku Nhật bản truyền thống là bài thơ ba dòng với muời bảy âm tiết, viết theo cách xếp 5/7/5.Thường hướng về các hình ảnh thiên nhiên, thơ Haiku nhấn mạnh sự giản dị, xúc tích và sự diễn đạt trực tiếp.
Thể thơ đã tiến triển, nhiều luật lệ của nó – cả cách làm 5/7/5 – thường đã bị phá vỡ. nhưng triết lý của Haiku vẫn được giữ vững: Tập trung vào một quãng thời gian ngắn; xử dụng hình ảnh gợi cảm giàu màu sắc; …
….Triết lý này ảnh hưởng đến nhà thơ Ezra Pound , người đã ghi nhận sức mạnh cúa sự ngắn gọn Haiku và các hình ảnh kề nhau. Ông viết : “ Bản thân hình ảnh là ngôn ngữ. Hình ảnh là từ ngữ nằm bên ngoài cấu trúc ngôn ngữ”.
Thơ Haiku theo truyền thống được viết ở thì hiện tại và tập trung vào sự kết hợp giữa các hình ảnh.
– Từ điển mở Wikipedia nói về thơ Haiku
–http://en.wikipedia.org/wiki/Haiku
“Haiku ( tiếng Nhật: số nhiều của Haikai) là một thể rất ngắn của thơ Nhật bản với ba đặc điểm điển hình:
- Tinh thần của Haiku là “ cắt” (kiru). Điều này thường thể hiện bằng cách đặt kề nhau hai hình ảnh hoặc ý tưởng và giữa chúng là một kireji (từ cắt), một loại dấu ngắt hơi khi đọc để chỉ lúc phải ngắt và tạo sắc thái cho các yếu tố đặt cạnh nhau
Thơ Haiku hiện đại ngày càng không tuân theo truyền thống 17 âm hoặc lấy thiên nhiên làm chủ đề, nhưng cách đặt kề nhau vẫn tiếp tục được trân trọng cả trong Hai ku truyền thống và hiện đại. Có một nhận thức chung, mà khá mới, rằng các hình ảnh đặt kề nhau phải là các sự vậtÂÂ hoặc sự kiện trực tiếp quan sát được thường ngày ….”
– Tổng lãnh sự /Sứ quán Nhật giới thiệu tóm tắt thơ Haiku ( cuộc thi thơ Haiku năm 2011 ở Việt Nam), không dùng từ hình ảnh mà gọi là sự vật/sự việc :
“Thơ haiku là thể thơ ngắn độc đáo của Nhật Bản gồm 17 âm tiết 5 – 7 – 5, ngắt nhịp thành 3 câu có lịch sử hơn 400 năm. Thơ haiku ghi lại sự vật / sự việc một cách hiện thực, đơn giản nhưng truyền tải cảm nhận sâu sắc cho người đọc. Đề tài của thơ haiku thường là thiên nhiên và các mùa trong năm vì thế thơ haiku có luật cơÂÂ bản là phải có từ chỉ mùa, tiếng Nhật gọi là kigo (季語) dấu hiệu cho biết bài thơ đang miêu tả mùa nào….”
-Các nhà thơ phương Tây sắp xếp khái quát thơ Haiku vào trường phái thơ Hình ảnh (Imagism). Các hiểu biết đơn giản hóa về trường phái thơ Hình ảnh có thể tóm tắt như sau:
(Imagism – http://faculty.gvsu.edu/websterm/imagism.htm) :
…Kết luận, thơ Hình ảnh chịu ảnh hưởng của Thơ Haiku Nhật, những bài thơ có 17 âm thường chỉ trình bày hai - ba hình ảnh đặt kề nhau. Thể thơ này cố gắng gợi ý hơn là nêu nêu ý nghĩa tầm thường, tránh các công cụ bóng bảy như lối nói ví von bóng gió và thậm chí, cả cách ẩn dụ….
Nhà thơ người Mỹ Ezra Pound cùng vợ chồng Richard Aldington và Hilda Doolitle đã lần đầu- 1915- ghi nhận ( note) về thơ Imagism với ba tiêu chuẩn (standard) như sau:
-1. Đề cập trực tiếp sự vật, có thể chủ quan hoặc khách quan
– 2. Tuyệt đối không dùng các từ không đóng góp gì vào việc trình bày.
– 3. Về tiết điệu: viết trong chuỗi liên tiếp của câu nhạc, không trong chuỗi rời rạc của máy gõ nhịp
Pound cho rằng “ Hình ảnh là cái gì trình bày một phức hợp về trí não và cảm xúc trong một khoảnh khắc thời gian” , thơ Imagism “ chưng cất câu thơ thành một hình ảnh hơn là sử dụng các công cụ thi ca để trang trí và làm phức tạp câu thơ”
Trong một lớp tập huấn về thơ ông khuyên : “ …cắt các bài thơ chỉ còn bộ xương và loại bỏ mọi từ không cần thiết, mọi từ dư thừa, không dùng tính từ chẳng nói lên điều gì – không dùng từ trang trí, kể cả những từ trang trí tốt…”
Các nhà thơ Imagism nổi tiếng là : Ezra Pound, Aldington, F.S. Flint, Skipwith Cannell, Amy Lowell, William Carlos Williams, James Joyce, Ford Madox Ford, Allen Upward, John Cournos….
Như vậy có một nhận định phổ biến rằng thơ Haiku sử dụng cách đặt các hình ảnh bên nhau để tạo ý thơ.
Chúng ta hãy xem các nhà thơ Haijin danh tiếng của Nhật đã sử dụng đặc điểm thi pháp này thế nào. Các trích dẫn sau đây là lấy từ các công bố của các người dịch hoặc sưu tầm trong nước. Chung quy ta thấy có hai cách làm chính :
– Đặt các hình ảnh kề nhau ( thường là 2 hoặc 3, nhưng có lúc chỉ là 1 hình ảnh duy nhất), hình ảnh là hiện thực, trong khoảnh khắc và không nói gì thêm, hoặc chỉ nói rất it, rất kín đáo :
Basho:
Ao cũ
Ếch nhảy vào
Tiếng nước
Trên cành trụi lá
Bóng quạ
Hoàng hôn thu
Issa:
Trong vườn
Em bé bò theo
Cánh bướm bay
Trên nương trà
Một bày se sẻ
Trốn tìm trong hoa
Buson:
Cơn gió nhẹ ban mai
Những lông tơ rung động
Trên thân con ngài
Hoàng hôn
Tiếng bắn chim trĩ vang dội
Trên triền núi Xuân
Shiki:
Con sông mùa đông
Xác một con chó chết
Giữa dòng
Côn trùng nỉ non
Trăng hiện ra
Khu vườn thêm tối
-Đặt các hình ảnh kề nhau và có nói thêm, có tạo ra mối quan hệ giữa chúng hoặc nói lên ý nghĩa của chúng bằng các từ/cụm từ ngắn gọn, lúc này có thể dùng tính từ, trạng từ hoặc hư từ ( nhưng thường rất hạn chế và vẫn rất kín đáo) :
Basho:
Tôi vỗ bàn tay
Dưới trăng mùa hạ
Tiếng dội về ban mai
( mối quan hệ giữa bàn tay vỗ và trăng mùa hạ là tiếng dội về ban mai ; cũng có thể nói ý nghĩa của hai hình ảnh này chính là hình ảnh thứ ba. Hình ảnh thứ ba tạo ra hàm nghĩa cho hai hình ảnh kia, đây là cách làm khá phổ biến của cách cấu tứ kiểu Haiku. Chỉ có một hư từ là “mùa hạ” để bổ nghĩa cho từ “trăng”, các từ khác đều không kèm tính từ hoặc trạng từ )
Issa:
Con ếch cứ đi
Qua thềm tôi đó
Mà đâu biết gì
( con ếch và cái thềm là hai hình ảnh cạnh nhau, tác giả đã nói thêm rằng “đâu biết gì” để liên hệ giữa hai hình ảnh, nhưng vẫn đủ mơ hồ : tôi đâu biết hay con ếch đâu biết, và biết cái gì. Tuy có bình luận thêm như vậy nhưng Issa vẫn không dùng tính từ nào để làm rõ con ếch và bậc thềm, không dùng trạng từ nào để nói rõ hơn về động tác “đi” )
Buson:
Đêm xuân
Tâm tư ai cũng thế
Bay xa khỏi mái nhà
( Đêm xuân và mái nhà là hai hình ảnh, Buson đã bình luận thêm rằng tâm tư ai trong đêm xuân cũng bay khỏi mái nhà. Lưu ý rằng kiểu khẳng định áp đặt “ai cũng thế” rất hiếm gặp trong thơ Haiku.)
Shiki:
Cánh sen chiều
Nở bên ga xép
Một niềm quạnh hiu
( Cánh xen và ga xép được đặt bên nhau, Shiki nói hộ rằng nó tạo nên “niềm quạnh hiu”. Lưu ý rằng Thơ Haiku thường không nghĩ giúp hoặc cảm giúp cho độc giả, nó chỉ khơi gợi và để cảm nghĩ của người đọc bay bổng tự do)
Các nhà thơ Haiku Nhật hiện đại giữ gìn nghiêm chỉnh cách cấu tứ đặc biệt bằng các hình ảnh thực đặt bên nhau, trong khoảnh khắc thời gian này.
Natsuishi Banya (sinh năm 1955) Chủ tịch Hiệp Hội Haiku thế giới:
Mưa Hà nội
Ngọn cỏ tỏa sáng
Cất lời ca
Goto Shoson ( Liên minh những người sáng tác Haiku mới Nhật bản):
Rừng bảy vạn cây
Một cây sống sót
Cây thông hy vọng là đây
(2 bài thơ trên bằng tiếng Nhật, người dịch: Lê thị Bình)
Các nhà thơ Haiku phương Tây cũng sử dụng thi pháp hình ảnh rất khéo léo và sáng tạo. Các bài thơ sau đây bẳng tiếng Anh và tiếng Pháp do Nghiêm Xuân Đức sưu tầm và dịch .
Richard Wright (1908-1960) trong tập “ Haiku, một thế giới khác”
In năm 1998
Ôc sên ơi, hãy dựng xong ý tưởng !
Bạn đang một nửa ở trong nhà
Và một nửa đi ra !
Make up you mind, Snail! |
Ezra Pound (in 1913 trong tạp chí Poetry, bài thơ điển hình của phái Imagism):
Trong một ga xe điện ngầm
Sự xuất hiện của các khuôn mặt trong đám đông
Những cánh hoa trên cành cây đen, ướt
In a Station of the Metro |
Amy Lowell (1874 – 1925) – Terebess Asia Online
Mắt em mệt mỏi
Theo dõi anh khắp nơi
Ôi ngày ngắn, quá ngắn
My eyes are weary Following you everywhere Short, oh short, the days |
Paul Muldoon (sinh ngày 20 Tháng 6/1951, Chủ tịch Hội thơ Anh quốc, in trong tập thơ Hopewell, năm 1998 ) :
Má kề má thân thương
Ngồi kề bên cái ấm đun nước
Ông bà tôi giận hờn
Cheek-to-cheek-by-jowl, |
Jackie Hardy (? Haiku- Poetry ancient and modern – Hachette 2008)
Ngôi đền đá quý
Dưới tảng đá lớn
Có một đàn kiến
Neolithic temple Under the massive stone A column of ants |
Philippe Caquant– Des Haikus en francais- http://www.tempslibres.org/tl/en/textes/essai13.html
Chiếc lá lưỡng lự
Lướt giữa những cây hoa súng
Rồi đứng yên
La feuille indécise
glisse entre les nénuphars
et s'immobilise
|
Bây giờ ta sẽ xem cách sử dụng thi pháp này của các Haijin Việt. Cách sử dụng phổ biến vẫn là đặt các hình ảnh thực cạnh nhau trong thời khoảng ngắn, có nhiều Haijin Việt không bình luận thêm, người khác lại thích nói thêm điều gì đó. Nói thêm càng nhiều và dùng càng nhiều “hư từ” thì càng không giống thơ Haiku.
Lưu Đức Trung :
Cánh bèo
Tìm bóng mây xa
Chậu nước trong nhà
(Thơ Haiku Việt tuyển chọn- NXB Văn học- 2010)
Đinh Nhật Hạnh:
Ngõ trúc
Hoàng hôn
Lan vườn ai hương trăng
(Thơ Haiku Việt – NXB Hội Nhà Văn)
Hoàng Long:
Cây thông
Lặng nhìn mây xám
Trên nền trời hư không
(Thơ Haiku Việt tuyển chọn- NXB Văn học- 2010)
Vũ Tam Huề:
Chén trà thơm
Mùa hoa
Quê cũ
Nghiêm Xuân Đức:
Sương rơi
Lá trầu
Nước mắt mẹ tôi
Đông Tùng:
Vườn hoang
Nở hoa cúc vàng
Bướm bay, bướm bay
(Cúc rộ mùa hoa – NXB Tôn giáo – 2009)
Nguyễn thị Kim:
Cây rơm
Lũ cuốn
Hạt vương nảy mầm
( Thơ Haiku Việt – 6/2011)
Nguyễn Bao:
Nến bàng
Sáng nền mây xám
Tín hiệu xuân sang
( Thơ Haiku Việt – 6/2011)
Nguyễn Đăng Minh:
Cây đa sần sùi
Rễ râu rậm rạp
Tíêng chim gọi mẹ
(Nội san Haiku Việt – Hà nội 9/2012)
Thanh Tùng:
Ô cửa sổ này
Khi tôi còn bé
Đứng tè ra sân
(Nội san Haiku Việt – Hà nội 9/2012)
Lê văn Truyền:
Vũng bùn
Lấp lánh
Những tia mặt trời
(Nội san Haiku Việt – Hà nội 9/2012)
Hoàng Xuân Họa:
Chiếc lá rời cành
Kéo cả trời xanh
Cắm đầu xuống đất
(Nội san Haiku Việt – Hà nội 9/2012)
Lý Viễn Giao:
Chiếu giải sân đình
Sáo ghẹo trúc xinh
Tay mềm uốn gió
(Nội san Haiku Việt Hà nội 1/2013)
Và rất nhiều tác giả Haiku Việt khác mà tôi không thể trích dẫn hết được…
Như vậy , ngay trong bước đầu chinh phục thơ Haiku, nhiều tác giả Việt nam đã sử dụng nhuần nhuyễn kiểu thi pháp hình ảnh của thể thơ Nhật bản này. Lưu ý rằng 2-3 hình ảnh hoặc tứ thơ không có nghĩa là 3 câu hoặc 3 dòng. Vấn đề trình bày thơ Haikư thành 1 dòng hay 3 dòng sẽ được đề cập trong một chủ đề khác.
NXĐ